Xem thêm

Là tác phẩm mới nhất của Keigo, lấy bối cảnh tại một thị trấn không tên vào thời điểm năm 2020, lúc dịch Corona bùng phát. Toàn thế giới đều chịu những ảnh hưởng nhất định, về kinh tế - xã hội và nhiều vấn đề khác. Nhật Bản cũng đã gánh chịu những hậu quả nhất định, du lịch, dịch vụ, những dự án đều hoãn vô thời hạn hoặc phải hủy bỏ, công ty phá sản, đời sống của người dân ở thị trấn không tên cũng thế.

Thầy giáo Eiichi một giáo viên mẫu mực, tốt bụng và được nhiều học trò yêu quý đột ngột qua đời tại nhà riêng, một vụ án mạng gần như không có bất kỳ dấu vết nào. Cô con gái Mayo từ Tokyo về để lo liệu, tại đây, cô bất ngờ gặp lại người chú Takeshi – em trai ruột của cha, người từng là một nhà ảo thuật gia nổi tiếng, cùng nhau, hai người bắt đầu tự điều tra vụ án mạng của thầy Eiichi. Nghi phạm là nhóm học sinh cùng khoá với Mayo, những người đã từng được ông Eiichi hết lòng dạy dỗ, rốt cuộc thì kẻ nào là hung thủ, nguyên nhân là gì để khiến học trò ra tay sát hại chính thầy giáo tốt bụng của mình?

Nhân vật chính của câu chuyện là Mayo và Takeshi, nhưng với mình Mayo khá là mờ nhạt thậm chí là ngờ nghệch do vậy nhân vật Takeshi càng trở nên nổi bật. Nhà ảo thuật của chúng ta không chỉ giỏi với những trò biến hóa, mà còn có khả năng nắm bắt suy nghĩ của người đối diện, và phán đoán vô cùng nhạy bén, nói là cả 2 cùng điều tra nhưng tất cả suy luận đều từ Takeshi, Mayo chính xác chỉ là cầu nối. Và một lần nữa, cảnh sát lại không đóng nhiều vai trò trong tác phẩm này.

Tác phẩm đã chỉ ra nhiều góc khuất, về lòng ích kỷ, đố kỵ để rồi từ những người bạn, người thầy thân thiết, lại vì một phút vụ lợi mà không màng đến hậu quả. Mỗi cá thể trong câu chuyện đều mang trong mình một câu chuyện riêng, có người khiến mình thương cảm, nhưng có người lại khiến mình không dung thứ được. Nhưng tất cả, lại cùng hòa lại để tạo thành một bức tranh tổng thể vô cùng ấn tượng.

Một điều khá tiếc ở tác phẩm này là Keigo không đề cập nhiều đến quá khứ của Nhà ảo thuật Takeshi, người đã thành công ở Mỹ đã giải nghệ về lại Nhật Bản, nguyên nhân do đâu vẫn còn là một câu hỏi, có tác phẩm này là mở đầu cho nhân vật mới này chăng?

Thành phố không tên - Một nơi chưa từng có ai lui đến và cũng chẳng kẻ nào mang trong mình ý định sẽ ghé qua. Tại nơi hoang vắng từng là địa điểm du lịch này, một kế hoạch hoành tráng thu hút khách trở lại đang được tiến hành, kéo theo sự kì vọng chất chứa của người dân trong vùng.

Nào ngờ, sự lan rộng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới đã khiến cho kế hoạch trên phải tạm dừng. Vẻ tiêu điều lại bao trùm lên đời sống nơi đây. Trong tình hình ảm đạm như thế, bỗng dưng xảy ra một vụ án mạng. Cả hung thủ lẫn quá trình gây án vẫn còn ẩn sâu trong màn sương mịt mù. Hiển nhiên, phía cảnh sát không hề hé răng nửa lời về tiến độ điều tra cho bên gia đình nạn nhân lẫn người có liên quan. Rốt cuộc thì điều gì đã xảy ra?

"Tôi sẽ tự tay mình lôi chân tướng ra trước ánh sáng sớm hơn cả cảnh sát cho xem!"- Nhà ảo thuật đen hăng hái lên tiếng. Bằng trí tuệ có thể nuốt chửng người khác cùng những mánh khóe được tận dụng triệt để, liệu rằng gã có thể biến lời nói của mình thành thật hay không?

Tôi sẽ không nói trước nội dung tác phẩm. Khi đọc xong cuốn sách này tôi chỉ nghĩ rằng: Việc cho ra đời được người anh hùng mới này làm tôi cảm thấy có vẻ đời tác giả của mình sẽ kéo dài thêm đây!

Hành trình của nhà ảo thuật đen cùng với phụ tá của mình để tìm về với thứ quý giá nhất đối với mỗi người: Gia đình - Tình yêu

Cuốn sách mới của Higashino Keigo gây ấn tượng mạnh cho mình ở khoản xây dựng câu chuyện. Cuốn sách vẫn được gán mác là một tác phẩm trinh, nhưng theo cảm quan cá nhân của mình thì nó là câu chuyện rất ý nghĩa về tình cảm gia đình - tình yêu trên phông nền là một tác phẩm trinh thám.

Ở đó có Mayo, một cô gái nhiều lúc vì vướng bận quá nhiều với sự bon chen, nhộn nhịp ở nơi thành thị mà quên đi mất rằng phía sau mình vẫn luôn còn người bố của cô đang ngày ngày hướng về cô. Để rồi đến khi bị ai đó hỏi về bố mình, cô đều chỉ có thể nói rằng "Tôi không biết gì cả", " Tôi không nhớ rõ". Cô đã dường như quên đi những kỷ niệm đẹp khi ở bên cạnh người thân của mình, đặc biệt là người bố của cô. Nó cũng giống như cái cách mọi người quên đi cái tên của cái thị trấn nhỏ nơi Mayo ở hồi còn bé... thị trấn KHÔNG TÊN. Và cũng chính Mayo, cô gái với tâm hồn trong sáng ấy cũng không đủ bản lĩnh để quyết định tương lai của mình sẽ gắn bó với ai. Nghĩ mà cũng hơi buồn cho Mayo.

hưng may mắn thay trên hành trình tìm về với gia đình, với những kỷ niệm đẹp đẽ thời ấu thơ, cô phụ tá Mayo ấy đã gặp được nhà ảo thuật đen Takeshi (chú ruột Mayo). Chính người chú ruột ấy qua những lời nói ngắn gọn như đầy ý nghĩa, những hành động cương quyết, những kinh nghiệm trải đời đã như một cách thúc đẩy Mayo nhìn về phía trước, đã giúp Mayo tự nhận ra nhiều bài học quý giá cho bản thân: Quý trọng những người thân trong gia đình mình hơn, suy nghĩ thật sáng suốt để có thể tự đưa ra những quyết định cho tương lai sau này của mình.Màn ảo thuật cuối cùng của nhà ảo thuật đen được trình diễn, và Mayo dường như cũng hiểu rằng dù trước đây mình có ghét nhà ảo thuật đen đến đâu thì chính ông ý vẫn luôn dõi theo cô, lo lắng cho cô. Giờ đây Mayo cảm thấy kính trọng nhà ảo thuật đen nhiều hơn và sẽ nắm lấy cơ hội của chính bản thân mình để không phụ lòng ông.

Nếu phụ tá Mayo là cảm xúc, thì Nhà ảo thuật đen Takeshi chính là lý trí.

Quả thực tác phẩm của Keigo tiên sinh không làm mình thất vọng. Mình đánh giá cao tác phẩm này bởi rất nhiều yếu tố dưới đây:

Thứ nhất: Tác giả.

Keigo đã quá nổi tiếng với hàng loạt tựa sách trinh thám. Và hiển nhiên lượng fan ủng hộ cũng rất hùng hậu. Những cuốn sách cộp mác Keigo như một sự đảm bảo rằng chúng vô cùng lôi cuốn. Keigo không chỉ viết thuần trinh thám và còn xuất sắc ở các khía cạnh tâm lý, xã hội, tình cảm gia đình. Nếu ai đã từng đọc các tác phẩm của ông sẽ đồng ý với mình rằng sách Keigo đều từ khá đến xuất sắc.

Thứ hai: Hình thức sách.

Rõ ràng nội dung hay là chưa đủ thỏa mãn cho mọt sách ngày nay. Độc giả muốn sở hữu cuốn sách chỉn chu trong hình thức để vừa đọc vừa ngắm nghía, mân mê, hít hà. Nhìn vào bìa "Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên" là mình cực kỳ yêu thích. Xin dành một lời khen đến đội ngũ thiết kế bìa này. Đủ bắt mắt, đủ ấn tượng lại còn lồng ghép được một phần nội dung của tác phẩm. Hình ảnh mê cung chiếm trọn cảm tình của mình.

Thứ 3: Dịch thuật.

Trước giờ mình chưa từng khen về khía cạnh dịch thuật bởi mình đọc thấy bình thường trong cách dùng câu từ. Riêng quyển này mình phải khen dịch giả Mai Khanh rất thành công trong cách sử dụng từ ngữ. Nó rất gần gũi, dễ chiếm cảm tình người đọc. Nhiều cụm từ được sử dụng rất mượt, rất tự nhiên mà lại hợp với ngữ cảnh cũng như tính cách nhân vật.

Thứ tư: Nội dung.

Câu chuyện xoay quanh vụ án mạng bí ẩn tại một thị trấn nhỏ. Người thầy giáo được nhiều thế hệ học sinh kính trọng bỗng dưng bị sát hại bí ẩn. Thật sự bối rối khi không biết động cơ gây án là gì, số lượng kẻ tình nghi quá lớn lại thêm khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh Corona. Cảnh sát điều tra gặp nhiều trở ngại, đôi khi không lần được manh mối đáng tin nào. Mọi chuyện trở nên hấp dẫn hơn khi Takeshi, em trai nạn nhân xuất hiện và bắt đầu điều tra về vụ án cùng cô cháu gái của mình. Cả 2 người tiến hành điều tra song song và độc lập với cảnh sát. Cuối cùng, bằng sự tinh tế, nhạy bén cùng những ngón nghề của một cựu ảo thuật gia, Takeshi đã đi trước cảnh sát một bước. Anh vạch trần bộ mặt của hung thủ, người mà chẳng ai ngờ tới được. Hung thủ là ai thì mời bạn đọc để khám phá nhé.

Thứ 5: Những thông điệp gửi đến độc giả.

Tuy là tác phẩm trinh thám nhưng rõ ràng Keigo cài cắm khá nhiều những bài học về gia đình, xã hội vào đó. Chuyện vợ chồng Momoko nhắc nhở những ai đã kết hôn hãy gìn giữ hạnh phúc gia đình mình. Biết nhường nhịn, thấu hiểu đối phương nhiều hơn. Chuyện Kenta và Mayo cho thấy trước ngưỡng cửa hôn nhân thì 2 bên cần giải tỏa mọi khúc mắc. Đừng ngại ngần bày tỏ quan điểm hay thắc mắc, tránh việc biến hôn nhân ngọt ngào trở thành nấm mồ tình yêu. Hoặc đơn giản hơn là qua mối quan hệ cha con Eiichi, bạn sẽ thấy hình ảnh của mình trong đó. Bao lâu rồi bạn chưa liên lạc với cha mẹ? Bạn hiểu cha mẹ/người thân của mình đến đâu?

Ngoài các điều trên, mình cực thích nhân vật Takeshi. Nhân vật này là ảo thuật gia chuyên nghiệp, có biệt tài khai thác thông tin, nắm bắt tâm lí người khác, dẫn dắt mọi người theo đúng hướng mà anh ta muốn. Chưa kể Takeshi rất thương cháu gái mình, quan tâm một cách tinh tế.

Mặc dù khen nhiều nhưng vẫn có 1 điều mình không thích ở tác phẩm này đó là dàn cảnh sát vô dụng quá. Xuyên suốt quá trình phá án, Takeshi luôn đi trước đội ngũ chuyên môn dẫu cho anh ta chỉ là một ảo thuật gia. 

Dù được xếp vào thể loại trinh thám, nhưng câu chuyện trong quyển sách này không đơn thuần là đi tìm hung thủ đã giết ông giáo già đáng kính ở thị trấn du lịch không tên, bé nhỏ. Mà nó đào sâu vào các mối quan hệ xoay quanh một lời nói dối và mỗi một đứa học trò năm xưa sẽ có dịp ngồi lại với tiết học cuối cùng cùng người thầy năm xưa.

Không xuất sắc như Phía Sau Nghi Can X, cũng không độc đáo như Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya và cũng không phổ biến như Bạch Dạ Hành, quyển tiểu thuyết giống như phần phát triển thêm ở những quyển tiểu thuyết "đời đầu" của ông, cũng có án mạng, có nghi can và có "thám tử" với bộ não phi phàm suy đoán và tìm ra hung thủ.

Dù bối cảnh câu chuyện diễn ra lúc đại dịch corona tràn tới, yếu tố có tính thời sự nhưng cá nhân mình lại thấy cách tạo dựng nhân vật, phát triển đường dây câu chuyện hơi cũ dù bí mật được lật mở ở gần cuối sách.

Dù sao đi nữa, Keigo vẫn là cái tên sáng giá đáng để các fan hâm mộ ngóng chờ khi có tác phẩm mới xuất bản. Dù không phải là fan của ông nhưng mình vẫn tò mò các tác phẩm tiếp theo của ông liệu có vượt qua chiếc bóng quá lớn của chính mình ở Phía Sau Nghi Can X, Điều Kỳ Diệu ở tiệm tạp hóa Namiya hay Bạch Dạ Hành hay không.

Ngót nghét 36 năm theo đuổi nghiệp viết, cho đến nay phong độ và sức viết của Higashino Keigo vẫn còn khá ổn định. Cứ mỗi khi ông sắp phát hành một tác phẩm mới, lại thấy người ta hào hứng đón chờ và đặt cho nó nhiều kỳ vọng. “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” cũng không phải là ngoại lệ. Trước khi đọc tác phẩm này, những nhận xét mà mình dễ thấy nhất ở nó có thể kể đó là: bình thường, không được như mong đợi và không đậm chất trinh thám của Keigo. Tuy nhiên những nhận xét không mấy triển vọng này không làm mình đánh mất niềm tin nơi nó. Ngược lại, mình càng hy vọng rằng sẽ tìm được trong nó những tia sáng của một cuốn sách trinh thám chỉn chu và thú vị. Thật may mắn rằng sau khi trang sách cuối cùng của “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” được gấp lại, mình thở phào nhẹ nhõm vì hài lòng và mình hoàn toàn có thể ngồi đây để nói cho các bạn nghe: những điều khiến mình thấy nó là một tác phẩm đáng đọc!

Đầu tiên, mình xin được xác nhận về ý kiến “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” là một cuốn có cốt truyện trinh thám khá bình thường, không quá độc đáo và ít màu sắc “Keigo” có ở những tác phẩm đặc trưng nhất của ông, là đúng. Tuy nhiên, tới đây mình lại tự đặt câu hỏi: liệu một cuốn sách của Higashino Keigo phải như thế thì mới là tốt? Từ lâu mình đã không còn đặt quá nhiều sự kỳ vọng vào những tác phẩm sau này của ông. Bởi mình hiểu sự đòi hỏi được thưởng thức một tác phẩm “xuất sắc vượt qua mọi kỳ vọng” tiếp theo nữa của Keigo sẽ là hơi khó vì thời hoàng kim đã qua. Với mình cuốn “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” đã làm vừa đủ sứ mệnh của một cuốn sách trinh thám và cho thấy nó còn là một tác phẩm văn học, một quyển tiểu thuyết thông qua việc thoát khỏi bố cục quen thuộc của gây án - phá án hoặc lối viết đặt trọng tâm vào các vụ án mạng.

Để giải thích vì sao quan điểm của mình lại như vậy, chắc cần phải nói nhiều về nhân vật Takeshi - Nhà ảo thuật đen, về cách tác giả giới thiệu, xây dựng nhân vật này. Tuy được giới thiệu là một cuốn sách trinh thám và có cốt truyện xoay quanh vụ án mạng tại một thị trấn không tên ở nước Nhật, nhưng từ tên sách ta có thể đặt sự chú ý nhiều hơn đến nhân vật “Nhà ảo thuật đen”. Từ đó, cần phải xác định nhân vật này có vai trò khá quan trọng và cần dành nhiều sự quan tâm hơn khi đọc. Có thể nói, Takeshi là một trong những mẫu nhân vật thú vị nhất mà Keigo tiên sinh từng khai sinh ra (đối với mình). Mình cho tác giả một điểm cộng thật to cho cái cách mà ông giới thiệu nhân vật này đến với độc giả. Tên sách và phần mở đầu đã cho ta sự tò mò về nhân vật chưa rõ danh tính chỉ biết được qua bí danh “Nhà ảo thuật đen”. Sau đó, tác giả đã đánh lừa cảm giác của mình khi để mình trải qua những chương đầu tiên lê thê, buồn chán với việc giới thiệu những nhân vật khác cùng những sự việc cũng bình thường nốt. Cho đến khi vụ án bắt đầu, khi mình dần nhập tâm vào việc tiếp thu một số tình tiết của vụ án và quên đi mất nhiệm vụ tìm hiểu Nhà ảo thuật đen là ai thì hắn xuất hiện một cách bất ngờ. Thủ thuật này kích thích sự hứng thú của mình cực tốt. Cái sự bất ngờ thú vị đó chính là “phần quà” mà độc giả xứng đáng được thưởng cho quá trình chờ đợi lê thê buồn chán trước đó.

Takeshi là một nhân vật có tính cách thú vị và được tác giả “push” cho một trình độ suy luận khá tốt, khá nhạy bén. Để mình đoán xem, một nhân vật kiểu như vậy chắc chắn sẽ là “cái gai” trong mắt một số người vì được tác giả ưu ái quá đà. Nhưng việc xây dựng nhân vật theo hướng “toàn năng” như vậy trong cuốn sách này của Keigo không bị khiên cưỡng và hoàn toàn là để bổ trợ cho câu chuyện. Chúng ta được theo dõi quá trình suy luận, phá án của một người không phải là cảnh sát hay thám tử, sẽ có rất nhiều điều để khai thác vì vốn dĩ người bình thường khó khăn hơn cảnh sát trong việc thu thập chứng cứ. Tuy nhiên, trình độ suy luận xuất sắc của Takeshi không hề là một “món quà” mà tác giả ban phát cho nhân vật một cách vô tội vạ mà nó đã được “lót đường” trước và có thể lý giải rằng đó là kinh nghiệm, những ngón nghề do nghề nghiệp cũ mang lại. Thêm vào đó, quá trình điều tra của cảnh sát vẫn diễn ra song song và đạt được nhiều tiến triển tốt, chỉ là ta không thấy được do đang được kể chuyện từ góc nhìn của Takeshi và Mayo. Kể cả cái tính cách kệch cỡm, bổ bã, kiêu ngạo hay có phần ngang ngược của Takeshi cũng được tác giả bố trí để bổ trợ nhiều hơn cho câu chuyện chứ không đơn thuần là chỉ để việc xây dựng tính cách nhân vật được độc đáo hơn. Những hành động của Takeshi đôi khi là vì chú ta thích thế, nhưng đa số đều có mục đích và phù hợp với hướng suy luận. Đơn cử như chuyện nhất quyết không muốn nhiều người thân đến lễ tang anh mình, hơi lạnh lùng nhưng thực chất đây là một cách để thu hẹp danh sách những người thuộc diện tình nghi thông qua “cuốn sổ tang”. Sự xây dựng như thế này khiến nhân vật thú vị hơn và làm giảm bớt đi sự phản cảm. Một nhân vật với tính cách và hành động “đáng ghét” có thể sẽ mất đi ít nhiều thiện cảm, nhưng nếu biết được đằng sau đó là những việc làm có ý nghĩa thì sẽ khiến ta bớt khó chịu hơn.

Một điểm đáng nói nữa là bối cảnh của câu chuyện. Ngay từ đầu thì “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” đã được giới thiệu là một cuốn sách được lấy chất liệu từ thực tế đó là cuộc sống của con người trong đại dịch Covid-19. Thú thật là tầm nửa phần đầu, mình cảm thấy khá khó chịu với điều này vì nghĩ là Higashino Keigo chỉ đang sử dụng Covid-19 để tạo sự thu hút cho tác phẩm của mình và chỉ để hợp với thời cuộc mà thôi. Nhưng sau đó mình nghĩ mình đã sai. Thật sự vai trò của đại dịch trong tác phẩm này quan trọng hơn mình tưởng và nó nằm ở bề sâu chứ không phải bề nổi. Nó ẩn chứa một sự tác động ngầm vào cốt truyện và âm thầm thúc đẩy mọi thứ. Ví dụ, chính vì dịch Covid-19 mà lễ tang của nạn nhân/người quá cố phải được tổ chức theo dạng “đám tang online”, từ đó hỗ trợ cho những người phá án một hướng thu thập chứng cứ khá thú vị. Ngoài ra, Covid-19 còn đem lại cho tác phẩm một tầng giá trị khác mà mình sẽ nói ngay sau đây.

Có thể thấy, cuốn sách đặt nhân vật Nhà ảo thuật đen Takeshi làm trung tâm chứ không phải là vụ án mạng. Vụ án mạng chỉ đóng vai trò là một “biến cố lớn” để đưa nhân vật vào cuộc, cùng với đó là khơi màu cho sự phơi bày của một loạt những câu chuyện. Phần bắt đầu, diễn biến, lẫn phần kết thúc của cuốn sách hầu như là để giới thiệu, trình diễn và hạ màn các tiết mục của Nhà ảo thuật. Bởi thế mà mình đã nói đây là câu chuyện không còn đặc sệt chất trinh thám nữa. Lần đầu tiên mình thấy trong một cuốn sách của Keigo mà khi vụ án đã khép lại, cuốn sách vẫn chưa “hạ màn”. Bao trùm lên tác phẩm là một thông điệp lớn mà bối cảnh “đại dịch” đã góp phần tác động không ít. Cuốn sách đã lên tiếng nói về một vấn đề đó là mối quan hệ giữa người và người trong tình hình đại dịch. Ai cũng biết Covid-19 khiến cho con người ngày càng cách xa nhau trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vậy nên, cuốn sách viết về một vụ án mạng xảy ra trong hoàn cảnh đại dịch đã đánh tiếng cho chúng ta về những lỗ hổng đang âm thầm xé toạc các mối quan hệ. Lấy chất liệu là Covid-19 và mối quan hệ giữa người với người, Higashino Keigo dễ dàng cài cắm các tình tiết như: Thầy giáo Kamio đi Tokyo để hàn gắn tình cảm cho hai vợ chồng học trò cũ bị sứt mẻ tình cảm do ảnh hưởng bởi dịch, từ đó tạo điều kiện cho hung thủ có cơ hội thực hiện kế hoạch; hay chuyện ông chú Takeshi âm thầm để ý và đứng ra “tư vấn tình cảm” cho cô cháu gái,… Những điều này đã khiến mình cảm thấy cuốn sách có giá trị hơn và để bù lại cho một vụ án mạng không quá đặc sắc.

Một điều nữa mà mình nhận thấy ở tác phẩm này của Higashino Keigo là ông đang cố ôm đồm quá nhiều thứ để tạo nên nó. Với gần 600 trang sách (tiếng Việt), Keigo tiên sinh đã phải nghĩ ra một vụ án chính, phải nói lên tình hình dịch bệnh đi kèm là những tác động của nó, phải tạo cho hệ thống nhân vật của mình những câu chuyện riêng và xâu chuỗi lại với nhau cho hợp lí, đồng thời còn đem lại nhiều giá trị cũ trong văn hóa giải trí. Trong cuốn sách này, dễ dàng nhận thấy ông đã sử dụng nhiều chất liệu quen thuộc như: đầu truyện tranh thuộc hàng quốc dân của Nhật - Doraemon, phong cách phá án quen thuộc của đầu truyện Conan (tập trung nghi phạm lại rồi người phá án lần lượt nêu tên từng người, nêu nghi vấn của người đó rồi giải thích cho đến khi còn lại người cuối cùng là hung thủ), hình tượng ảo thuật gia, mô típ học sinh trở về thăm trường cũ hay những lời thú tội. Tác giả nhào nặn, sử dụng những chất liệu này một cách vừa phải, khéo léo để câu chuyện thú vị hơn và không khiến người đọc (ít nhất là riêng mình) cảm thấy khó chịu. Đây có thể gọi là “lấy cảm hứng” một cách hoàn hảo chứ không phải là “ăn theo” 

Cuối cùng, mình muốn nói đây tuy không phải là một “đứa con” quá xuất sắc của Higashino Keigo nhưng nó là tác phẩm chứng tỏ sức viết và phong độ ổn định của ông. “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” cùng những góc độ chưa được khai thác quá sâu của nhân vật Takeshi là một bước đi tốt để tạo đà cho các tác phẩm sau này về nhân vật này giống như kiểu các series của “Thám tử Galileo” hay “Thanh tra Kaga” (nếu ông bác thật sự muốn phát triển thêm). Về phần mình, hy vọng bài review này sẽ làm cho các bạn thay đổi cách nhìn về cuốn sách nếu bạn chưa hài lòng về nó nhé.

Higashino Keigo chắc vừa viết “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” xong vào đầu năm 2021. Chúng ta có thể cảm nhận được ngay những điều tác giả muốn truyền tải tới người đọc về đại dịch Corona đang diễn ra.Câu chuyện được viết rất hàm súc và không rườm rà. 

Nội dung xoáy vào việc ông giáo già Kamio đã nghỉ hưu bị sát hại ngay tại quê hương mình. Nơi đó là một thị trấn yên bình và đẹp đẽ, một thị trấn không tên, một thị trấn bé nhỏ, tầm thường, hầu như chẳng có mấy ai ghé chân.

Mấy ông bà chính trị gia hay quan chức nhà nước chưa từng làm công việc mang tính sản xuất bao giờ thì cứ gi gỉ gì gi cái gì cũng bảo người dân hãy làm từ xa đi, trực tuyến đi, tại nhà đi. Nhưng thực tế phải trực tiếp mới giải quyết được vấn đề của sản xuất.

Mọi thứ đình trệ, chuỗi sản xuất, cung ứng đứt gãy. Xem ra ánh sáng hy vọng duy nhất để thị trấn nhỏ thoát ra được sự suy thoái do đại dịch Covid-19 chỉ có thể là các sản phẩm, dịch vụ ăn theo tuyệt phẩm truyện tranh manga nổi tiếng “Mê cũng những bộ não ảo” của tác giả Kugimiya. Kugimiya là một người con của thị trấn, là học trò cũ của ông giáo Kamio và đồng thời chính là bạn học cấp hai của Mayo Kamio, con gái duy nhất của ông giáo.

Mayo Kamio trở về thị trấn quê hương chịu tang cha, ở đấy cô gặp lại người chú là nhà ảo thuật nổi tiếng nhưng đã giải nghệ. Chú Takeshi rất nhanh trí và luôn tính đến mọi khả năng để đưa ra kết luận chính xác ngay tức thì như một chiếc máy tính. Không thể tin được đây cũng là người cứ hở ra là vòi tiền cháu gái. Và mọi chuyện bắt đầu khi Mayo và Takeshi quyết tâm tự điều tra vụ án mạng của ông giáo Kamio thay vì trông chờ vào cảnh sát.

Liên qua đến dự định họp lớp cấp hai nên Mayo khoanh vùng được thủ phạm có thể nằm trong chính đám bạn học cũ của cô và là học trò cũ của ông giáo. Đàn bà hầu như được loại bỏ, vấn đề hướng đến lũ đàn ông có nhiều giấu giếm. Và khi đàn ông có chuyện giấu giếm thì thường dính đến hai lý do chính, một là phụ nữ, hai là tiền bạc. Những người bạn cũ được hai chú cháu đưa vào guồng điều tra gồm: Kashiwagi (biệt danh Jaian), Makihara (biệt danh Suneo), Kugimiya (biệt danh Nobita), Tsukumi (biệt danh Doraemon).

Hãy cùng đọc “Nhà ảo thuật đen và vụ án mạng tại thị trấn không tên” để cùng Mayo và Takeshi tìm ra hung thủ. Để thấy rằng khi niềm vinh quang quá lớn thì nỗi sợ hãi phải đánh mất nó còn lớn hơn nhiều. Và rõ ràng mọi thứ đã thay đổi vào vào mùa Đông năm 2020. Không riêng gì thị trấn đó. Cả nước Nhật, mà không, cả thế giới đã thay đổi hoàn toàn. Dĩ nhiên là do ảnh hưởng của chủng virus Corona chủng mới.