“Học tập không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn minh.” Đó là định nghĩa hết sức thú vị của thầy Harfan hiệu trưởng ngôi trường Muhammadiyah trong Chiến Binh Cầu Vồng của tác giả Andrea Hirata. Đúng như cái tên, cuốn sách kể về những câu chuyện có thật của những con người ở tận đáy cùng của xã hội tại hòn đảo giàu có Belitong, Indonesia. Đó chính là 11 chiến binh cùng với thầy Harfan và cô Mus đã phải đấu tranh để bảo vệ quyền được giáo dục tại ngôi trường lâu đời nhất ở Belitong. Chiến Binh Cầu Vồng là tình cảm trong sáng, tình thầy trò, là những con người biết ước mơ, vượt qua hoàn cảnh trớ trêu của số phận và hơn hết cuốn sách đã mở ra cho người đọc một cái nhìn chân thực về giáo dục. Để từ đó, tôi đã chiêm nghiệm và rút ra được sáu bài học dành cho chính bản thân mình. 

1. Giáo Dục Cần Những Người Như Thầy Harfan và Cô Mus

Thầy Harfan là hiệu trưởng của ngôi trường Muhammadiyah. Bằng ngôn từ của mình, thầy khơi gợi nơi bọn trẻ sự ham học hỏi và khiến chúng phải bừng tỉnh với lời khuyên không bao giờ được đầu hàng trước khó khăn gian khổ. Thầy thuyết phục 10 đứa trẻ rằng cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc cho con người ta dù trong đói nghèo, miễn là cho đi càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình chứ không phải cố hết sức để lấy đi. Nếu như thầy Harfan tốn rất nhiều công sức để gây dựng nên ngôi trường Muhammadiyah thì cô Mus đã phải vượt qua bao gian nan khổ ải để đi dạy tại ngôi trường này. Bởi vì làm giáo viên ở một trường làng nghèo khó, một nghề không tiền, mà người ta thường đùa với nhau rằng có điên mới lao vào đây. Thế nhưng cô giáo Mus và thầy hiệu trưởng Harfan đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách tận tụy và đầy trách nhiệm. Họ dạy tất cả các môn học. Sau một ngày vắt kiệt sức với học trò, cô Mus còn nhận thêm hàng về may suốt đêm, và ấy là kế sinh nhai của cô. 

Giáo dục luôn cần những con người tận tụy và tâm huyết như vậy. Và tôi biết rằng ở ngoài kia, vẫn nhiều người đang rất cố gắng để nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt hơn.

Thầy Harfan và cô Mus nghèo khổ đã mang đến cho tôi tuổi thơ đẹp nhất, tình bạn đẹp nhất, và tâm hồn phong phú, một điều gì đó vô giá, thậm chí còn có giá trị hơn những khao khát mơ ước. Có thể tôi lầm, nhưng theo ý tôi, đây thực sự là hơi thở của giáo dục và linh hồn của một chốn gọi là trường học. 

2. Tình Bạn Tuổi Học Trò Thật Trong Sáng Và Đẹp Đẽ Biết Bao

Chiến Binh Cầu Vồng có cả sự trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái. Là lúc thằng Syahdan giả chết để rồi bị cả đám ném xuống bùn, là cái thằng A Kiong và con bé Sahara luôn khắc khẩu với nhau, là lúc tác giả phải lòng cô gái ở cửa hàng khi được giao nhiệm vụ đi mua phấn cho cô Mus và phải đút lót Kucai để được nó giao cái nhiệm vụ này. 11 đứa trẻ, mỗi đứa mang một gam màu riêng tạo thành một tập thể đa màu sắc. Họ đã cùng nhau trải qua mọi gian khổ, khó khăn để được đến trường. Là khi chiến thắng được trường PN để mang về hai chiếc cúp ấn tượng cho ngôi trường, dùng số tiền thưởng để mua những vật dụng thiết yếu cho lớp học để có thể vượt qua những thử thách của thanh tra và hy vọng sẽ giữ được ngôi trường lâu đời nhất ở hòn đảo Belitong này. Tất cả những đứa trẻ ấy đã cho tôi thấy tình bạn của tuổi học trò thật đẹp đẽ và đáng yêu biết bao. Trong cuộc sống, nếu có một tình bạn đẹp là ta đã có một niềm hạnh phúc lớn lao. Thứ tình cảm ấy nhẹ nhàng như nắng ban mai vậy. 

Điều lạ lùng là, dù té ngã, đâm sầm vào nhau và lăn quay ra đau thế nhưng bọn tôi luôn cười vang khoái chí và bỡn cợt nhau nữa - đây chính là điều hấp dẫn nhờ trò chơi không tên đó. Bọn tôi cứ chơi đi chơi lại trò đó. Không bắt nguồn từ cái góc của đầy thách thức hay tốc độ và sức nặng mà là bởi chúng tôi thích thế - ý thích ngốc nghếch trong những ngày mùa mưa. Cuộc sống dù khó khăn chật vật biết mấy sống những tháng cuối năm với bọn chúng tôi bao giờ cũng thật thú vị. Buổi tiệc mùa mưa chính là một lễ hội được thiên nhiên bày ra cho những đứa trẻ Mã Lai nghèo khổ chúng tôi.


3. Muốn Thi Đậu Ư? Mở Sách Ra Và Học Đi!

Flo và Mahar do cứ mải vẩn vơ với tổ chức bí mật mà hai đứa nó thành lập - Societeit de Limpai. Điểm của Flo và Mahar còn tụt dốc nhanh hơn cả vận động viên nhảy dù tự do. Vì vậy, Mahar nghĩ ra được một chiêu hết sức ngớ ngẩn: đi gặp vua pháp sư. Nó tin rằng vị pháp sư nửa người nửa ma có thể sửa điểm sáu thành chín, điểm bốn thành tám dễ như bỡn. Để gặp được Pháp sư, những người họ phải đối mặt với tử thần, đi đến Đảo Hải tặc. Cuối cùng, vị Pháp sư đã đưa cho Mahar một cuộn giấy với nội dung như sau: 

Nếu các ngươi muốn thi đậu

 hãy mở sách ra mà học đi!” 

Bạn có thấy bản thân mình trong đó không? Chúng ta mải mê giải trí, bỏ bê học tập. Để rồi khi kỳ thi đến, ai nấy đều cuống cuồng cả lên, nhưng có mấy ai học bài? Nếu thật sự đã học, thì bạn đã không phải cuống. Đêm trước khi thi, nhiều người hay share những bài kiểu như “share quả xoài/ đĩa thần để qua môn” để an ủi tâm trí mình. Sau đó thì sao? Số phận của bạn phó mặc cho đứa bạn cùng bàn. Chính vì vậy, muốn học tốt, điểm đẹp, không thể ngồi đó và cầu nguyện được, cũng chẳng có phép màu nào hiện ra. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là “mở sách ra mà học đi!”. À mà đừng để trước giờ thi mới “mở” nhé!

4. Đừng Đổ Lỗi Cho Thượng Đế

Có lần sấm chớp đì đùng, mưa như trút nước xuống lớp học. Nhưng mặc cho trời mưa, những đứa trẻ vẫn ngồi im không nhúc nhích một li vì không muốn cô Mus phải bỏ lỡ bài giảng của mình. Có khi Lintang phải đi hơn 40 cây số và chiến đấu với tử thần trên đường đến trường. Là những lúc thầy Harfan đạp xe 100 cây số để bán trái cây và dùng số tiền đó mua sách cho đám trẻ, là khi cô Mus tranh thủ may cả ngày lẫn đêm để chuộc Kucai về, vì đối với cô “chỉ mất một học trò thôi là coi như cô mất cả nửa linh hồn”. Khó khăn từ lần này đến lần khác như muốn thách thức họ. Nhưng 11 chiến binh ấy cả thầy Harfan và cô Mus vẫn không một lần than vãn, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay bất cứ thứ gì khác. Họ chỉ đơn giản cùng nhau vượt qua, vì họ tin rằng ngày mai sẽ tươi đẹp hơn. Câu chuyện của họ đã dạy tôi rằng, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hay Thượng Đế, đừng tin vào câu nói “đến giày dép còn có số”, đừng đầu hàng số phận khi chúng ta còn chưa bắt tay vào hành động. 

Những ai thất bại trong một khía cạnh nào đó của cuộc sống đổ hết lỗi cho thượng đế. Họ thấy nếu họ nghèo, đó là vì Thượng đế bắt số họ phải như thế. Những ai đã mệt mỏi vì luôn phải gồng mình lên thì buông xuôi, đợi bàn tay định mệnh thay đổi số phận. Những ai không muốn làm việc cực nhọc thì chấp nhận số phận vì họ tin là nó không thể thay đổi. Mọi thứ đều được định trước cả rồi, hay họ tin như thế.


5. Đôi Khi Con Người Không Thoát Khỏi Hoàn Cảnh Nghiệt Ngã Của Cuộc Sống

Trong cả mấy năm đi học, Lintang chưa vắng mặt lần nào. Dù mưa gió, dù có bận làm công việc nạo cùi dừa khô. Nhưng vì cha mất, cậu bé ấy phải nghỉ học để đi làm nuôi tận mười bốn miệng ăn. Khi ông được chôn, thì niềm hy vọng lớn lao nhất của con trai ông cũng bị chôn vùi theo, cái chết của ông cũng giết luôn cả những hoài bão cháy bỏng của đứa con. Hai con người phi thường ấy rốt cuộc cũng bị chôn vùi trong sự trớ trêu của số phận. Câu chuyện của Lintang là một câu chuyện không hiếm gặp ở thế giới này. Thường thì chúng ta hay xem thời sự, sẽ thấy các câu chuyện về những đứa trẻ thông minh xuất thân nghèo khó không được ai ngó ngàng tới. Với những ước mơ đầy cao đẹp, nhưng không đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nó. Để rồi những giấc mơ ấy bị đè bẹp bởi một chữ: Nghèo! Điều này thật không công bằng, nhưng chúng ta phải chấp nhận nó. Khi con người ta vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, thì liệu họ có nhận thức được việc đi học là một quyền cơ bản của con người? 

Nhưng hôm nay, Lintang chỉ là một người đàn ông nhỏ bé ngồi đợi đến ca làm việc nặng nhọc. Làm việc cả ngày lẫn đêm, ngậm ngùi từ bỏ niềm khao khát cao quý là được trở thành một nhà toán học để làm công cho những ông chủ thủy tinh đổi lấy vài đồng tiền công còm. Tôi nhớ da diết ngày xưa lúc trước cậu nhắm mắt lại không đầy mười giây mà có thể giải được một bài toán hóc búa. Khi cậu hét vang. “Jeanne d’Arc!” Khi cậu đứng trên bục vinh quang nhận cúp học sinh giỏi, cậu khiến cho chúng tôi tự hào và tự tin biết mấy. Giờ cậu ngồi đây nơi góc lán, không biết tương lai sẽ ra sao. 


6. Sau cùng, Hãy Sống Như Những “Chiến Binh Cầu Vồng” 

Bạn thấy đấy, cuộc đời thật nghiệt ngã biết bao khi con người luôn bị gánh nặng cơm áo gạo tiền bủa vây. Để rồi những ước mơ cao đẹp ấy phải tạm gác lại, và không biết đời này có thực hiện được nữa không. Trong 11 chiến binh cầu vồng và cả cô Mus ấy, vẫn có những đứa thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình. Đó chính là Kucai, một thằng khi đi học luôn đứng chót lớp, giờ đây đã được bầu làm dân biểu. Là Ikal tranh thủ đọc sách khi phân loại thư, trong khi ăn, trong khi nằm trên giường hay bất cứ khi nào Ikal có thời gian rảnh. Để rồi cuối cùng, cậu ấy đã giành được suất học bổng thạc sĩ từ Liên minh Châu Âu, được đi nhiều nước, tiếp xúc nhiều người. Và là tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Indonesia - Chiến Binh Cầu Vồng.

Vậy những người còn lại thì sao? Họ vẫn là những chiến binh! Bởi vì họ đã sống hết mình trong những ngày tháng được đến trường. Là thằng Mahar thích mơ mộng giành được chiếc cúp nghệ thuật danh giá, hay Lintang đã lấy chiếc cúp Học sinh giỏi để đáp lại sự hy sinh của mẹ, vì mẹ đã cho bán chiếc nhẫn cưới để nó tiếp tục đi học. Là những khi phải đối mặt với cái máy xúc, là cái chết báo trước của thầy Harfan, hay những ngày tháng phải ngồi dưới lớp học bị dột, tay cầm dù, còn cô Mus cầm tàu lá chuối để giảng bài mặc cho sấm chớp đì đùng. Rất nhiều, rất nhiều những thử thách mà mười một đứa trẻ phải vượt qua để giữ được ngôi trường Muhammadiyah. Đối với chúng, đi học không phải là trách nhiệm, mà là niềm vui được cắp sách đến trường, là ánh sáng của nền văn minh. Tuy cái ánh sáng ấy sau này bị mờ nhạt bởi sự nghèo đói, túng quẫn nhưng điều quan trọng là nó đã sáng. Để rồi lưu lại những ký ức đẹp trong lòng mỗi người và cả của độc giả. Quan trọng là chúng đã dám đấu tranh, vượt qua thử thách, đã dám sống với ước mơ của chính mình.

Rồi tôi nhớ đến lời hứa xưa kia của mình - lời hứa năm lớp sáu khi tôi trông thấy cô Mus băng qua sân trường, đội trên đầu tàu lá chuối dưới cơn mưa. Tận sâu trái tim nhỏ bé của tôi lúc ấy, tôi hứa sẽ viết một cuốn sách về cô Mus. cuốn sách sẽ là món quà tôi dành cho cô, bằng chứng rằng tôi thực sự trân trọng và đánh giá cao tất cả những gì cô đã làm cho chúng tôi. Hai ngày sau, ở Bandung, tôi đi làm về và bắt đầu viết cuốn sách. Những ngày sau đó, tôi khúc khích cười, xúc động, bực bội và khóc nức nở lúc nửa đêm - một mình. Tôi say sưa viết cho đến lúc nhìn lại đã thấy được 600 trang...


Lời Kết

Chiến Binh Cầu Vồng là những hồi ức đẹp nhưng buồn. Tôi nhận ra không phải ai cũng may mắn được cắp sách đến trường mà không bị gánh nặng cơm áo gạo tiền đè lên. Tôi biết rằng hơi thở và linh hồn của giáo dục được thầy cô gìn giữ và nuôi nấng tại một chốn mang tên trường học. Cuốn sách đã dẫn dắt tôi đi qua tất cả cung bậc của cảm xúc. Vui có, buồn có, rung động, bồi hồi và để lại trong tôi một ấn tượng không thể quên. 


Tác giả: Hồng Dịu - Bookademy

Hình ảnh: Hồng Dịu - Bookademy

______________  

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Nếu lúc nào đó bạn cảm thấy buồn chán, cảm thấy bản thân thất bại hãy tìm đến với cuốn sách "Chiến binh cầu vồng" Tôi đọc "Chiến binh cầu vồng" trong một ngày hè xanh mát. Như một cuốn phim dịu dàng, đưa tôi trở về với câu chuyện của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên đảo Belitong, một hòn đảo nhỏ xinh đẹp nằm ở phía Tây Indonesia. Những đứa trẻ ấy sinh ra với cái nghèo, với sự lam lũ của người bản địa nếu không phải cu li cho công ty khai thác thiếc thì cũng là ngư dân bữa được bữa mất trông chờ cả vào biển. Một ngôi trường tơi tả. Một cô giáo mười lăm tuổi mới tốt nghiệp trường nghề và vị hiệu trưởng lam lũ luôn chật vật, tất tả. Mười đứa học sinh lôi thôi nhếch nhác. Những giờ học mà lỡ trời có mưa thì cô giáo che tàu lá chuối trên đầu đứng giảng. Cậu học sinh thấp bé lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng 80 km ngang qua khu đầm lầy đầy cá sấu, đi về mỗi ngày để tới trường… Có như vậy mới thấy khát khao được học, khát khao được hiểu biết, khát khao có thể thoát khỏi sự ngu dốt, nghèo đói đã cháy lên nồng nhiệt biết chừng nào. Và từ Muhammadiyah, trí tuệ, tình yêu toả sáng, tựa như ánh đèn màu xanh lộng lẫy nơi những mỏ thiếc đã thắp sáng đảo Belitong. Là Lintang với sự am hiểu thiên phú về toán học và khoa học tự nhiên. Là Mahar với phức cảm trời sinh về nghệ thuật và âm nhạc… Mười đứa trẻ, mười hoàn cảnh, mười câu chuyện hội tụ bên nhau, trèo lên cây filicium sau mỗi cơn mưa để ngắm cầu vồng. Cứ thế, mỗi ngày đến trường đều thật vui dù rằng trong ngôi trường thiếu thốn đủ thứ ấy, sau mỗi giờ học, giáo viên trầy trụa với những công việc mưu sinh, học sinh tất tả trong cái vòng xoáy cơm áo gạo tiền của gia đình, và cả cái nguy cơ đóng cửa trường treo lơ lửng trên đầu. Và ngôi trường Muhammadiyah sụp đổ. “Chúng tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa thực dụng.” Sau mười hai năm, cơm áo gạo tiền cản bước trí tuệ của Lintang, thiêu rụi hoài bão trở thành giáo viên của Ikal, khiến A Kiong quên rằng mình đã từng mơ trở thành thuyền trưởng và Sahara cũng không trở thành người đấu tranh cho nữ quyền. Thế đấy, đó là cuộc sống. Cuộc sống biến Ikal trở thành anh nhân viên bưu điện quèn, biến Lintang thành người lái xe chở cát khắc khổ, biến Trapani thành kẻ dở sống dở chết trong bệnh viện tâm thần, biến A Kiong thành anh chủ tiệm tạp hoá… Muhammadiyah. Tuổi thơ. Kỷ niệm. Mối tình đầu. Ở đó, giữa nghèo khó, cô Mus, thầy Harfan đã dạy cho những đứa trẻ biết giá trị của giáo dục, say mê học tập và tận hưởng niềm vui cắp sách đến trường. Cũng ở đó, những chiến binh cầu vồng đã thấm nhuần tinh thần cho hết mình chứ không phải nhận hết sức mình. Và rồi sau này, họ cố gắng, nỗ lực để không còn những đứa trẻ thông minh như Lintang, như Mahar buộc phải quy hàng số phận chỉ vì nghèo. Cầu vồng đã không đến với tất cả các chiến binh. Thế nhưng hi vọng hẳn sẽ được viết tiếp. Cái nghèo quanh quẩn và hiện hữu trên từng câu chữ càng làm cho ước mơ được học, được hiểu biết, được thoát nghèo của những đứa trẻ, những ông bố bà mẹ nơi tận đáy đảo Belitong trở nên đáng quý. Và rồi dù cuộc đời có quăng quật mỗi người thì niềm tin và ước mơ đã từng có ấy sẽ nâng đỡ họ… giống như Lintang đã nói: “Ít nhất thì mình cũng đã giữ lời hứa với cha, là mình sẽ không làm nghề đánh cá”. Cay đắng đấy nhưng vẫn có hy vọng cho tương lai./. Tôi chợt nhớ lại những năm tháng nào đó trong tuổi thơ mình, những ngày có thể vùi mình trong những cuốn sách, đọc lấy đọc để lượm nhặt được từ đống đồng nát mẹ thu lượm được. Những ngày một câu thơ hay, một dòng văn đẹp cũng được trân trọng cất giữ trong một cuốn số. Những ngày ham học thật sự, khi cái tham vọng học để kiếm tiền, để thăng tiến chưa có bóng hình trong tâm thức.

Chiến binh cầu vồng- Những con người tưởng chừng như nhỏ bé nhưng lại vô cùng to lớn.

Trong thế giới hiện đại ngày nay thì việc đi học đã trở thành nhu cầu cần thiết cho trẻ em. Chúng cần được phát triển, bảo vệ và được đi học. Thế nhưng những năm trước đây thì việc được đi đến trường lại vô cùng khó khăn đối với những nghèo khổ đặc biệt là nó đã được phản ánh ảnh trong tác phẩm "Chiến binh cầu vồng" của Andrea Hirata. 

Bằng số phận của chính mình- chịu nhiều khó khăn, vất vả từ nhỏ, tác giả đã viết lên một cuốn tiểu thuyết như để minh chứng cho sự phân biệt giàu nghèo trong việc đến trường và trong những nhận định của đời sống xã hội. Với câu chuyện về sự cố gắng, nỗ lực để được đến trường của 10 em nhỏ, cũng như niềm đam mê cháy bỏng trong việc đi dạy của thầy Harfan và cô Mus ở hòn đảo Belitong- nơi được mệnh danh là vùng đất giàu có và nhiều tài nguyên khoáng sản. Tác giả đã dạy cho chúng ta bao nhiêu là bài học về cuộc sống, về nhân sinh những điều mà có thể là chiếc “phao cứu sinh”, cứu vớt cuộc đời của những thế hệ ngày nay khi rơi vào hố đen của cuộc đời. Đặc biệt là lười biếng trong việc học tập, trau dồi kiến thức.

Những em nhỏ ấy dẫu chịu bao khó khăn, thử thách từ vị thanh tra, trước tình cảnh nguy cơ sắp mất trường do việc khai thác kim loại hay những lần khó khăn trên con đường đến trường với hàng chục cây số. Họ phải chiến đấu với những bầy cá sấu hung dữ, có thể sẽ mất cả tính mạng. Nhưng những con người tưởng như yếu đuối, nhỏ bé ấy lại có thể dũng cảm đứng lên để bảo vệ ngành giáo dục, quyết tâm chiến đấu vì tương lai, sự nghiệp học hành. Ở họ có một tinh thần bất khuất, kiên cường giống như ngôi trường kiên cố đến tận 120 tuổi.

Không chỉ dừng lại ở đó, tác giả còn khắc họa một điều khá nổi bật trong cuộc sống ngày nay- những điều về tương lai mà không thể nào ngờ tới. Đó là về số phận của mỗi con người trong cuộc đời. Những đứa trẻ ấy cũng là đại diện cho những con người trong cuộc xã hội ngày nay. 

Là số phận hay ở tương lai hay ở hiện tại có thể quyết định một người?

Có thể lúc này bạn học thật giỏi, xuất sắc nhưng sau này lại không đạt được thành công nhờ những vốn tri thức ấy giống như Lintang hay là một đứa lúc nào cũng đứng gần cuối lớp nhưng sau này có thể trở thành một nhà chính trị gia nổi tiếng, được nhiều người biết đến như Kucai. Vậy thì ai sẽ là người tài giỏi, xuất sắc hơn? Đó cũng là một câu hỏi mà tác giả đã đặt ra cho chúng ta và bạn sẽ phán xét dựa trên yếu tố nào?

Đến bây giờ khi khép lại những trang cuối cùng của quyển sách tôi vẫn còn bồi hồi suy ngẫm. Một phần vì hiện tại liệu tôi có đủ dũng cảm và nỗ lực học tập như những em nhỏ ấy hay không? Nhưng một phần trong tôi cũng thắc mắc sau này tôi sẽ là Lintang hay là Kucai? Dẫu có ra sao đi nữa thì năm tháng hiện tại tôi phải cố gắng để biến mình trở nên xuất sắc, tốt hơn trước đã.

Nếu bạn vẫn muốn biết thêm về cuộc đấu tranh cũng như số phận của các bạn nhỏ thì hãy tìm đọc tác phẩm nhé. Mong bạn cũng sẽ yêu thích nó như tôi.

"Chiến binh cầu vồng" của tác giả Andrea Hirata là câu chuyện cảm động về khát khao được đến trường của những đứa trẻ nghèo tại làng chài Belitong, Indonesia. Câu chuyện mang đến nước mắt, sự thương cảm, tiếc nuối nhưng cũng đầy hy vọng cho những chiến binh đang chiến đấu để sống tốt đời mình mỗi ngày. 

 “Chiến binh cầu vồng”đem đến cho mình rất nhiều khung bậc cảm xúc. Một cuốn sách về giáo dục quá tuyệt vời. Đọc rồi mình mới hiểu rõ tầm quan trọng của giáo dục. Giáo dục là cái chìa khoá duy nhất giúp một đất nước thoát nghèo, giáo dục cho mọi người về cả tư duy, kiến thức lẫn tư tưởng sẽ thay đổi hoàn toàn cả vận mệnh của một đất nước sau này. Ban đầu nghe mình thấy cao siêu mà nghiệm lại thì đúng quá. Chúng ta ai cũng đang vật lộn với những vấn đề của riêng mình nên mỗi người chúng ta đều đang là một chiến binh theo cách của mình. Và bạn có nghĩ giống mình không, rằng, những bài học vẫn đang tiếp diễn đằng sau trang sách. Cánh cửa trường học đóng lại, cánh cửa trường đời liền mở ra. Dù thế nào, chúng ta cũng cần phải học tập để tồn tại, để sống tốt hơn trong thế giới mình đang sống. Và chắc chắn mình sẽ viết một bài review chi tiết hơn về em này, một cuốn sách thật sự rất đáng đọc!

CHIẾN BINH CẦU VỒNG - ANDREA HIRATA 

Đây có lẽ là tựa sách chẳng còn quá xa lạ với đông đảo đọc giả trẻ ngày nay. Cuốn sách kể về hành trình đến với con chữ của những đứa trẻ nghèo ở trên hòn đảo Belitong với đầy những gian nan thử thách. Đồng thời còn là cuộc chiến đấu với sự nỗ lực kiên cường, bền bỉ chống lại cái đói, cái nghèo và cả những thế lực vô hình chẳng thể gọi tên.

11 đứa trẻ với những hoàn cảnh sống và câu chuyện cuộc đời khác nhau cùng hợp lại với ý chí, quyết tâm mãnh liệt là được học tập, được đến trường dù phải vượt qua cái đầm lầy với vô số cá sấu ăn thịt chờ chực, phải đi quãng đường dài bốn chục cây số bất kể mưa gió bão bùng. Ngay cả khi mái nhà trên đầu có thể sập xuống bất cứ lúc nào vì những cỗ máy xúc hung dữ đang nhăm nhe chực chờ xới tung ngôi trường để dò mạch thiếc, chúng vẫn kiên trì với niềm tin không bỏ cuộc. Đồng hành với niềm đam mê mãnh liệt ấy là cô giáo Mus và người thầy già Harfan với sự nhiệt huyết, tận tâm qua đó đề cao và tôn vinh sự cao quý của nghề nhà giáo.

Dù vậy họ vẫn không thể thắng được cái gọi là hiện thực, hiện thực nghiệt ngã và khốc liệt. Giáo dục mau chóng trở thành một nỗ lực vô ích đối với những đứa trẻ bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo chẳng mấy hi vọng được cắp sách tới trường, phải cật lực vì cái ăn cái mặc hằng ngày dưới sự phân biệt đối xử.

Cái kết của cuốn sách đem lại sự tiếc nuối và hụt hẫng cho biết bao độc giả. Cuộc sống chẳng phải lúc nào cũng màu hồng như người ta vẫn tưởng, những đứa trẻ vẫn phải đầu hàng trước sự thật trần trụi, đầu hàng trước trò đùa trớ trêu của số phận, trước thứ gọi là mưu sinh, là cơm áo gạo tiền.

Đọc xong cuốn sách, mình đã chiêm nghiễm và suy ngẫm được nhiều bài học, học cách biết ơn cuộc sống, biết ơn khi được sinh ra và được sống đủ đầy, khi vẫn còn cơ hội được học tập, được đến trường.

Câu hỏi đặt ra rằng sẽ thế nào nếu nhân quyền, quyền sống cơ bản của con người biến thành “một món trang sức đắt tiền trong tủ kính mà những đôi bàn tay lam lũ không thể chạm vào”?

"Chiến binh cầu vồng" - Một luồng gió lạ.

Thể loại sách yêu thích của bạn là gì? Một cuốn self-help với những triết lý sâu sắc, những bài học kinh nghiệm mà người đi trước đã kinh qua và gửi đến thế hệ sau qua trang sách? Một cuốn ngôn tình với những chuyện tình màu hồng, được tác giả lạ hóa để trí tưởng tượng mỗi người tự do bay bổng? Hay thể loại trinh thám cuốn hút, dẫn lối chúng ta vào thế giới đầy huyền bí, kì diệu? Và nếu bạn yêu thích những tác phẩm giản dị mà lay động lòng người, chắc chắn không thể bỏ qua "Chiến binh cầu vồng" của nhà văn Andrea Hirata - một tác phẩm mang luồng gió lạ tưới mát những tâm hồn đang khô cằn, nhiều hoài nghi hay đánh mất niềm tin vào cuộc sống. 

Được đi học có phải là một đặc ân? 

Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay và "Chiến binh cầu vồng" là tác phẩm đầu tay dựa trên câu chuyện có thật về thời thơ ấu của chính nhà văn. Đây không chỉ là tuyệt tác văn học của Indonesia mà còn là linh hồn của nền văn học toàn thế giới khi chứa đựng sức nặng và chạm đến trái tim độc giả mọi thời đại.

"Chiến binh cầu vồng" kể về quá trình đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah trong cuộc chiến giành quyền học tập cho chính mình - một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Thầy hiệu trưởng Harfan, cô giáo Mus cùng mười đứa trẻ nghèo khó mang theo những hoài bão để chinh phục con đường tri thức. Ngôi trường làng nhỏ bé, xập xệ, mục nát ấy là nơi che chở ước mơ của những đứa trẻ tự xưng là Chiến binh cầu vồng, kéo chúng ra khỏi công việc culli cho nhà giàu hay chôn vùi cả cuộc đời nơi những công trường khai thác thiếc, khai thác tiêu. Ngôi trường ấy là biểu tượng rõ nhất của sự phân hóa giàu nghèo tại hòn đảo Belitong nghèo khó. Trải qua vô vàn thử thách, từ thiếu thốn đủ điều về cơ sở vật chất, đến những cuộc thanh tra thiếu tình người, những con đường đến trường dài hàng chục cây số, những lời lăm le đe dọa đánh sập ngôi trường này để khai thác thiếc, hay sự xa vời của tri thức khi cái nghèo hiện ngay trước mắt. Thế nhưng chẳng có trở ngại nào đánh đổ được ước mơ tiếp cận con chữ của thầy và trò. Câu hỏi đặt ra là, việc đi học từ bao giờ lại trở nên quá đỗi khó khăn như vậy? 

Những đóa hoa nở rộ ngay giữa sa mạc cằn cỗi.

Giữa hòn đảo nhỏ bé với thế lực thống trị của đồng tiền, với những kiếp sống culli, chưa từng biết đến học hành, vẫn có những con người mang trong mình ước mơ được thay đổi, không ngừng hi vọng và luôn tin tưởng vào tương lai. Đó là thầy Harfan, cô Mus - những giáo viên chân chính, chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ và khơi nguồn ánh sáng nơi mảnh đất nghèo. Không một lần màng đến danh lợi, không quản khó khăn, họ chiến đấu từng ngày để con thuyền tri thức của các em - những người họ coi là "nửa linh hồn" của mình, được cập bến an toàn. Đó là Lintang phải đạp xe mỗi ngày 80km, đi qua những đầm cá sấu với đầy lũ ăn thịt người và chưa từng bỏ một buổi học nào để bồi đắp thêm cơ hội cho ngôi trường đứng vững. Đó là Mahar, là Ikal, là Kucai, là những chiến binh cầu vồng mỗi người một tính cách nhưng chung bản lĩnh kiên cường, mạnh mẽ trên hành trình chinh phục tri thức. Chúng trân trọng từng buổi học, mỗi buổi đi học là mỗi ngày tiến gần hơn đến hạnh phúc, đến tương lai tốt đẹp để thoát khỏi cảnh đói nghèo, thiếu chữ. Những bông hoa không màng nắng gió, mưa bão ấy ngày ngày nở rộ giữa vùng quê khó khăn là biểu tượng của niềm tin, hi vọng và khát vọng chính đáng của con người. 

Cái kết liệu có trọn vẹn?

Những chương cuối của tác phẩm có ánh sáng, có đổi thay nhưng đâu đó vẫn phảng phất màu sắc u ám khi ước mơ của những đứa trẻ trường Muhammadiyah đều đi chệch hướng, không phải những "kế hoạch A" hay "kế hoạch B". Nhưng phải chăng, đó lại là thực tế chân thực nhất của cuộc đời này khi mọi thứ chẳng có gì là dễ dàng.

Cái kết không trọn vẹn ấy có thể khiến người đọc suy ngẫm, day dứt không nguôi. Còn đối với riêng mình, cái kết là một trong những lí do khiến mình đem lòng yêu mến cuốn sách này. Và với những ai đang muốn học cách yêu thương hay tìm kiếm một lí do để tiếp tục cố gắng, "Chiến binh cầu vồng" là cuốn sách dành cho bạn.

𝑪𝑯𝑰𝑬̂́𝑵 𝑩𝑰𝑵𝑯 𝑪𝑨̂̀𝑼 𝑽𝑶̀𝑵𝑮 [ Andrea Hirata ] - 𝐻𝑎̀𝑛ℎ 𝑡𝑟𝑖̀𝑛ℎ 𝑐𝑢̉𝑎 𝑘ℎ𝑎́𝑡 𝑣𝑜̣𝑛𝑔 𝑣𝑎̀ 𝑢̛𝑜̛́𝑐 𝑚𝑜̛. 

" 𝙃𝙤̣𝙘 𝙩𝙖̣̂𝙥 𝙠𝙝𝙤̂𝙣𝙜 𝙥𝙝𝙖̉𝙞 𝙥𝙝𝙪̛𝙤̛𝙣𝙜 𝙩𝙞𝙚̣̂𝙣 𝙙𝙚̂̉ 𝙩𝙝𝙖̆𝙣𝙜 𝙩𝙞𝙚̂́𝙣, 𝙠𝙞𝙚̂́𝙢 𝙩𝙞𝙚̂̀𝙣 𝙝𝙖𝙮 𝙡𝙖̀𝙢 𝙜𝙞𝙖̀𝙪. 𝙃𝙤̣𝙘 𝙩𝙖̣̂𝙥 𝙡𝙖̀ 𝙘𝙖𝙤 𝙦𝙪𝙮́, 𝙡𝙖̀ 𝙘𝙖 𝙩𝙪̣𝙣𝙜 𝙣𝙝𝙖̂𝙣 𝙗𝙖̉𝙣, 𝙡𝙖̀ 𝙣𝙞𝙚̂̀𝙢 𝙫𝙪𝙞 𝙙𝙪̛𝙤̛̣𝙘 𝙘𝙖̆́𝙥 𝙨𝙖́𝙘𝙝 𝙩𝙤̛́𝙞 𝙩𝙧𝙪̛𝙤̛̀𝙣𝙜 𝙫𝙖̀ 𝙡𝙖̀ 𝙖́𝙣𝙝 𝙨𝙖́𝙣𝙜 𝙫𝙖̆𝙣 𝙢𝙞𝙣𝙝.” Đó là định nghĩa hết sức thú vị của thầy Harfan hiệu trưởng ngôi trường Muhammadiyah trong Chiến Binh Cầu Vồng của tác giả Andrea Hirata. Đúng như cái tên, cuốn sách kể về những câu chuyện có thật của những con người ở tận đáy cùng của xã hội tại hòn đảo giàu có Belitong, Indonesia. Đó chính là 11 chiến binh cùng với thầy Harfan và cô Mus đã phải đấu tranh để bảo vệ quyền được giáo dục tại ngôi trường lâu đời nhất ở Belitong. Chiến Binh Cầu Vồng là những câu truyện đẹp đẽ , hài hước nhưng đầy cảm động về tình bạn đẹp , tình yêu thương trong sáng của tuổi học trò , tình thầy trò cao quý , và tình cảm gia đình thiêng liêng xoay quanh trường tiểu học hồi giáo. 

𝙌𝙪𝙮𝙚̂̉𝙣 𝙨𝙖́𝙘𝙝 𝙩𝙪𝙮 𝙣𝙝𝙤̉ 𝙗𝙚́ 𝙣𝙝𝙪̛𝙣𝙜 𝙗𝙚̂𝙣 𝙩𝙧𝙤𝙣𝙜 𝙣𝙤́ 𝙘𝙝𝙪̛́𝙖 𝙙𝙪̛̣𝙣𝙜 𝙗𝙖𝙤 𝙣𝙜𝙝𝙞 𝙡𝙪̛̣𝙘 𝙥𝙝𝙞 𝙩𝙝𝙪̛𝙤̛̀𝙣𝙜. 

• 𝑵𝒈𝒉𝒊̣ 𝒍𝒖̛̣𝒄 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒂́𝒄 𝒄𝒉𝒊𝒆̂́𝒏 𝒃𝒊𝒏𝒉 : luôn sẵn sàng vượt qua nghịch cảnh dẫu cuộc sống có cơ cực, nghèo túng cũng không than thân trách phận. Để được đi học, buổi sáng các em đến trường, buổi tối phải làm cu li để đỡ đần tài chính gia đình.Con đường đến trường của các em đầy rẫy những nguy hiểm thậm chí phải băng qua rừng có đầm lầy cá sấu để đến được trường học giống cậu bé Lintang;mặc cho ngôi trường xập xệ có thể đổ sập bất cứ lúc nào; mặc cho trời mưa các em phải vừa cầm dù vừa học nhưng cả lớp vẫn không để buổi học bị gián đoạn… Dù sống và học tập trong điều kiện khó khăn nhưng những thứ đó chưa bao giờ làm khó các em mà ngược lại còn khiến các em yêu trường,tích cực học hỏi và tiếp thu tri thức hơn nữa. 

• 𝑵𝒈𝒉𝒊̣ 𝒍𝒖̛̣𝒄 𝒄𝒖̉𝒂 𝒕𝒉𝒂̂̀𝒚 𝒗𝒂̀ 𝒄𝒐̂ 𝒈𝒊𝒂́𝒐 : những con người luôn hi sinh và cống hiến cả đời mình cho giáo dục. Họ chính họ là những người tìm từng đứa học trò về và thuyết phục chúng đừng bỏ học. Thầy Harfan và cô Mus cố gắng như vậy là vì họ biết rằng họ không chỉ là thầy cô đứng trên lớp để truyền dạy kiến thức cho các em mà còn đang thắp lên niềm hy vọng cho các trẻ em nghèo khổ ở Belitong và thay đổi niềm tin của cả một thế hệ, niềm tin vào các trường làng, niềm tin vào việc học tập, niềm tin rằng tương lai của chúng còn có thể vươn xa hơn nữa. 

Qua quyển sách mình thấy được đừng cứ chăm chăm nhìn vào những thứ tiêu cực bất công , và đổ lỗi mọi thứ cho người khác. Chỉ cần chúng ta làm tốt hết phần việc của mình thì bản thân mỗi người sẽ tốt lên . Và hơn hết thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến chúng ta là "Đ𝐮̛̀𝐧𝐠 𝐛𝐨̉ 𝐜𝐮𝐨̣̂𝐜 " phải không ngừng cố gắng không ngừng nổ lực để không phải hối tiếc.

Câu chuyện đã thực sự mang lại nhiều niềm tin và động lực. Mấy đứa nhóc nghèo khổ, vất vả như vậy mà còn ham mê học hành, tràn đầy tin tưởng và lòng quyết tâm, can trường, yêu thương nhau thì cớ gì chúng ta, may mắn như thế, lại không chịu nỗ lực. Ừ, có thể, giống như Lintang, học nhiều hiểu rộng rồi cũng bị cơm áo gạo tiền đì xuống, luẩn quẩn với mấy công việc tay chân vì vài đồng bạc lẻ, nhưng ít ra, cậu khác tất cả những đồng nghiệp của mình, ít ra đầu óc cậu không đắm chìm trong mụ mị và tiền của. Dù có ra sao thì cậu vẫn luôn là hình tượng đẹp đẽ trong hồi ức của tất cả đám bạn hồi nhỏ. Khoảng thời gian theo học dưới mái trường có một không hai ấy thực sự quý giá đối với từng người các cậu, với cả cô Mus và thầy Harfan nữa. Các cậu thực sự là những chiến binh. Tôi cũng không chắc tất cả những điều mà các cậu cùng đồng đội của mình đã làm là hoàn toàn đúng đắn và cao cả nhưng đó là tất cả những gì mà trái tim kiên dũng đầy tình yêu của các cậu mách bảo lúc ấy, và các cậu, đã thực sự mãn nguyện. Dù sau này chẳng mấy người có kết cục tốt đẹp như đã mong đợi, nhưng khoảng thời gian bên nhau kia mãi là dòng suối mát lành trong tâm tưởng mỗi người, tưới mát suốt dặm đường đời, làm dịu đi những khô khan tình người, thỏa cơn khát ý chí và động lực.

"Chiến binh cầu vồng" là một cuốn sách trên cả tuyệt vời, và điều tất yếu là nó trở thành câu chuyện truyền cảm hứng sâu rộng trên đất nước Indonesia và trên toàn thế giới. Đó là những bài học sâu sắc về giáo dục, về thầy Harfan, cô Mus, những người thầy chân chính, mong muốn đem con chữ đến cho những đứa trẻ, dạy bọn chúng những bài học quý giá, không phải chỉ trong sách vở, mà cả những năm sau này, đó vẫn là hành trang theo suốt cuộc đời họ. Đó là những nghịch lý cuộc đời, khi mà quê hương là "mỏ vàng", thì người dân vẫn phải lận đận sống nghèo khổ, trơ mắt nhìn người ngoài sống xa hoa trên chính mảnh đất quê hương mình. Là những con người tài hoa như Lintang nhưng giáo dục cũng chưa thể cứu rỗi được cuộc đời họ, để lại trong chúng ta là niềm tiếc nuối, xót xa nhưng cũng đầy sự nể phục trước sự mạnh mẽ, dám đối diện với sự thật của Lintang. Câu chuyện là một hành trình đa màu sắc, vui, buồn đều đủ cả, nhưng sau cùng là những bài học quý giá mà ta lắng đọng lại sau khi khép lại trang sách cuối cùng. 11 con người là 11 số phận, nhưng không đầu hàng số phận, họ chính là những Chiến binh cầu vồng.

Biết tên cuốn sách này cũng khá lâu rồi nhưng tận bây giờ mình mới sở hữu. "Chiến binh cầu vồng" được viết dựa trên câu chuyện có thật của chính tác giả và đã được chuyển thể thành phim Truyên khắc họa sự thật phũ phàng ở vùng quê Indonesia- nơi việc học được coi là một việc xa lạ với người dân nghèo Belitong. Ngay ở phần đầu truyện, ngôi trường làng Muhammadiyah khai giảng trong hoàn cảnh sắp phải đóng cửa chỉ vì thiếu một học sinh; Trong sự tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục Hồi giáo hết lòng phụng sự mấy chục năm không được nhận đồng lương nào của thầy hiệu trưởng Harfan; Trong khao khát đứng trên bụng giảng của cô Mus- cô giáo làng tâm huyết với nghề- nghề mà dân làng thường nói đùa với nhau rằng "thần kinh mới theo..." Trong niềm vui của các bậc phụ huynh- những người không ý thức được rằng đi học chính là một quyền cơ bản của con người. Họ coi việc học chẳng giúp ích được gì lại tốn tiền. Trường học đóng cửa thì con họ sẽ không phải đi học, và tốt hơn nhiều nếu chúng đi kiếm tiền. Trong niềm ủ rũ của học sinh vì cái khao khát mãnh liệt đi học của bọn chúng bị đập tan không thương tiếc vào chính cái ngày đầu tiên nhập học. Tuy nhiên, tại cái giây cuối cùng thầy hiệu trưởng đọc diễn văn tuyên bố đóng cửa trường học thì sự xuất hiện của Harun- cậu bé bằng tuổi cô Mus nhưng đầu óc lại hơi kém phát triển đã xua tan cái không khí ngập màu lo âu khắc khoải. Vậy là, trường Muhammadiyah tiếp tục tồn tại với sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, sự ngó lơ của thanh tra đánh giá tiêu chuẩn trường "Hội đồng quản trị nhà trường hầu như không công nhận sự tồn tại của bọn tôi. Cứ như ngôi trường bị mất hút đâu đó trong không gian và thời gian." Tất cả những hình ảnh đó gợi lên lòng thương cảm đến ngậm ngùi. 10 em học sinh là 10 chiến binh cầu vồng can trường và 2 thầy cô giáo chính là 2 thủ lĩnh tinh thần của họ. Thầy Harfan và cô Mus không chỉ là người truyền đạt kiến thức. Họ là những anh hùng không được ca tụng, những "viên ngọc trai trí tuệ đầy chất thơ", là "giếng nước kiến thức thanh khiết cho cánh đồng khô hạn bỏ hoang". Cả thầy và trò không chỉ vật lộn với cuộc sống mà luôn đấu tranh hết sức để giữ lại ngôi trường cũ kĩ, xập xệ hơn 100 năm. Cuối cùng, bằng quyết tâm sắt đá của mình, họ đã chiến thắng nhưng cái kết của họ lại không được viên mãn. Hiện thực nghèo khó đã cướp đi hoài bão của những đứa trẻ. Người đọc không khỏi đau lòng trước ước mơ, dự định thưở nhỏ của những chiến binh bao năm vẽ ra đã không thành hiện thực vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. Giáo dục không thể giúp họ đổi đời nhưng bù lại, họ đã có những năm tháng dám ước mơ, dám hi vọng, dám đấu tranh. Ý nghĩa hơn cả là họ không đấu tranh riêng lẻ mà luôn sát cánh cùng những người bạn trí cốt của mình. Gấp lại cuốn sách, bài học đầu tiên của thầy Harfan dạy bọn trẻ luôn đọng lại trong tâm trí mình: "Giữ vững niềm tin và khao khát mãnh liệt để đạt được ước mơ. Cuộc sống có thể mang lại hạnh phúc cho ta dù trong đói nghèo, miễn là ta hãy cho đi càng nhiều càng tốt trong khả năng của mình chứ không phải cố hết sức lấy đi thật nhiều."