Xem thêm

Trưởng khoa Khoa tham vấn Gia đình, Viện Cao học Tham vấn, Đại học Hansei, đồng thời là Viện trưởng Viện nghiên cứu Trị liệu Gia đình và Sang chấn. Sau khi tốt nghiệp chương trình cao học của Đại học Yosei, ông sang Đức và hoàn thành khóa học tiến sĩ chuyên ngành Tham vấn Gia đình tại Đại học Bonn. Tác giả từng là nhà trị liệu gia đình của Trung tâm Trị liệu Gia đình Ruhr và là tham vấn viên lâm sàng của Bệnh viện Đại học Bonn, Đức.
Cuốn sách là tập hợp những ca tư vấn tâm lý mà bác sĩ đã tham vấn về khía cạnh gia đình của một bác sĩ tâm lý người Hàn Quốc từng du học ở Đức và trở thành giảng viên bộ môn tâm lý học và tư vấn gia đình. Đọc truyện này mình thấy phong cách giống quyển “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của bác Đặng Hoàng Giang”. Nhưng cấp độ nhẹ hơn rất nhiều, nên bạn nào muốn tìm hiểu về vấn đề tâm lý gia đình thì đây sẽ là một khởi đầu phù hợp.
Cuốn sách cung cấp sơ bộ những khái niệm về tâm lý thông qua các tình huống mà bác sĩ đã tham vấn, từ đó nêu ra những vấn đề chia thành từng phần nhỏ theo những nguyên nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên với mình, những phần này lại khá rời rạc, các tình huống tương đối giống nhau nên các ý kiến lập luận của tác giả cũng sẽ na ná nhau nên đôi khi nó gây chán. Thế nhưng đây cũng chính là điểm cộng của quyển sách, nó dễ hiểu, tuy là những kiến thức hàn lâm nhưng được hình tượng hoá qua những tình huống thực tế, hơn nữa đều là những chuyện xảy ra ở Hàn Quốc – cũng là một đất nước Á Đông nên chắc chắn nó càng dễ hiểu, dễ hình dung hơn.

Qua những câu chuyện được kể lại, người đọc sẽ thấy được đâu đó hình bóng của bản thân, dù ít dù nhiều đã từng trải qua. Thế nên cuốn sách sẽ giúp ta nhìn lại những vấn đề của mình, từ đó đối diện lại chúng, nói chuyện với đứa trẻ nội tâm đang bị tổn thương ở đó; để những run rẩy, những cô đơn được an ủi, xoa dịu, vỗ về. Bởi có muốn yêu thương ai đi nữa thì chúng ta phải yêu, phải quan tâm đến chính mình trước tiên. “Đừng phủ nhận con người hiện tại của bản thân và hãy giang tay đón nhận, Hãy thử tìm hiểu xem các thành viên khác đang mệt mỏi, chịu đựng, nhẫn nhịn như thế nào. Chúng ta cần quan tâm đến cảm xúc của bản thân, dần dần thoát khỏi hố đen tâm hồn – nơi chúng ta tự cô lập…”
Bìa sách mang màu của ánh nắng chiều có một chiếc ghế đang hứng những tia nắng cuối ngày thật ấm áp làm sao. Dù sao thì có điều gì xảy ra thì gia đình cũng là nơi sưởi ấm, đợi chúng ta trở về. Nhưng lúc đưa cuốn sách cho cô bạn mình, nó hỏi sao sách về gia đình mà nhìn cô đơn thế, sao không để cặp ghế hay thay bằng một chiếc ghế bành dài (là nơi gia đình hay quây quần mỗi tối) có phải hơn không? Đấy chính là hai mặt mà, “Người khiến chúng ta buồn nhất, đau khổ nhất cũng là gia đình, nhưng chúng ta vẫn sống với nhau. Vì gia đình không phải là điều dễ dàng có được và vì là những người chúng ta cần phải cố gắng, chịu đựng, học hỏi và tìm hiểu không ngừng. Đó là nỗ lực đáng giá nhất cuộc đời chúng ta. Tại sao, tại vì đó là gia đình.”
Gia đình là tiểu vũ trụ thu nhỏ của thế giới, nên để thay đổi thế giới, chúng ta cần thay đổi gia đình. Gia đình giống như tảng băng chìm, nên chúng ta đừng quên có một phần băng lớn chìm dưới nước. Nói một cách khác vận mệnh của gia đình phụ thuộc vào việc chúng ta hiểu phần nhu cầu và cảm xúc nằm khuất bóng trong cuộc sống đời thường hằng ngày của nhau như thế nào.

"Hai mặt của gia đình", cuốn sách về tâm lý gia đình, những ảnh hưởng của cha mẹ lên con cái. Những dấu vết của quá khứ, của thế hệ đi trước lưu dấu trên cuộc đời ta. Những vòng lặp mà cha mẹ vô thức tạo ra từ ảnh hưởng của ông bà và rồi đến lượt ta. Trong vòng lặp có những thứ thật thân thương, quen thuộc và cả những bất ổn, những nỗi đau chưa từng được xoa dịu. Những sang chấn mà người ta gặp ngay trong gia đình. Điều đáng buồn là những người chịu tổn thương từ nơi thân thuộc như gia đình lại không hề ít. Và khi lớn lên người ta lại vô thức tái hiện lại những bất hạnh ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình, trong cuộc hôn nhân của chính mình.

Mình đã đọc được một phần ba quyển sách, mình luôn thấy bóng hình của mình phảng phất trong đó. Những vòng lặp mà ba mẹ vô tình tạo ra từ những tàn tích của thuở ấu thơ. Vô tình làm tổn thương con cái. Mình biết nếu như con cái gặp nguy hiểm hay khó khăn họ sẽ không màng đến mọi thứ để cứu lấy con mình. Nhưng có những vết thương không phải là phát súng đoàng một phát khiến người ta gục ngay. Mà là hàng ngàn vết cắt nhỏ, chi chít khắp trái tim khiến nó không thể nào quay về như cũ được nữa. Những vết cắt ấy đã tồn tại từ rất lâu, rất lâu trước khi mình sinh ra đời và giờ đây mình mang theo nó. Những mảnh vỡ ấy không chỉ phản chiếu chính mình mà còn là bóng hình của ba và mẹ thời thơ ấu. Mình biết khi mình chữa lành cho chính mình, tự cứu lấy chính mình thì cũng là chữa lành cho chính họ, những người vốn chẳng nhận ra vết thương trong tim một đời.

Hỏi khi nhận ra những điều này mình có đau không? Có giận dữ không? Mình có đáng sinh ra để nhận lấy nó không? Những vết sẹo chằng chịt trong tâm hồn mình mang theo suốt đời. Với một người chỉ 20 tuổi, còn quá trẻ khi biết có lẽ những ám ảnh kia sẽ đi theo mình cả đời, 30 năm, 40 năm sau, cho đến khi mình già rồi và chết đi. Nó quá tàn nhẫn. Mình đã từng không dám chấp nhận mọi chuyện một thời gian, nhưng tránh né thì làm được gì ngoài đau khổ. Mình đã từng rất đau, rất oán giận. Không ít lần mình chỉ muốn hét lên: "Con có đáng phải chịu những điều này không? Con có đáng để sinh ra không?". Và mình cũng dần nhận ra bản thân ba và mẹ mình cũng không đáng phải nhận những nỗi đau đó. Không ai đáng phải nhận nó cả. Không ít lần mình muốn hét lên: "Hai người có biết những gì con đang mang đau đớn thế nào không?". Nhưng bản thân họ còn không nhận ra rằng họ đang mang một nỗi đau di truyền thì làm sao thấy ở mình. Mình may mắn hơn ba và mẹ. Mình đã nhìn ra được vòng lặp đó, cái cách nó hoạt động từ những tổn thương chưa được chữa lành kia. Nỗi đau mà mình cảm nhận cũng là nỗi đau của thế hệ đi trước.

Mình không muốn cuộc đời mình bị nuốt chửng trong vòng lặp ấy. Mình không muốn giống như những thế hệ đi trước, cũng không muốn rất nhiều năm sau lại có một phiên bản khác giống như mình đi tìm lại cuộc đời bị lạc mất của nó. Mình muốn thay đổi nó từng chút một làm cho vòng lặp không còn đi theo hướng đi cũ nữa. Từng chút một vòng lặp ấy sẽ không còn là đau thương nữa Bắt đầu từ việc quay về với đứa trẻ bên trong của mình. Đứa trẻ của thời thơ bé được tái hiện bằng ký ức mà mình luôn mang theo.

Khi mới đọc mình đã khóc. Quyển sách được viết từ tác giả người Hàn cùng nét văn hóa phương Đông và văn phong nhẹ nhàng, quyển sách như tấm gương phản chiếu rất thật những điều nhỏ nhặt vi tế mà quá khứ để lại kéo dài đến tận đến tận hôm nay. Một quyển sách rất đáng đọc.


Hai mặt gia đình đưa ra một số góc nhìn giá trị về tổn thương liên quan đến gia đình. Bằng cách viết từ tốn và chân thành, tác giả chọn mở đầu bằng cách kể những câu chuyện, kết thúc bằng những phân tích và gợi ý hỗ trợ bạn đọc có được góc nhìn dưới lăng kính của nhà trị liệu.

Cuốn sách dành cho bạn nào muốn hiểu về những khía cạnh liên quan đến tổn thương tuổi thơ, nhìn nhận những vấn để của mối quan hệ người yêu, vợ chồng hiện tại. Hệ thống kiến thức tâm lý phức tạp trong cuốn sách được tác giả viết lại bằng ngôn ngữ dễ hiểu, gần gũi.

Có một điểm lưu ý nho nhỏ, mình thấy cuốn sách này có nhiều thông điệp lặp lại, cách triển khai nội dung khá giống cuốn Tâm lý học mối quan hệ. Tuy nhiên bạn cũng thể tìm đọc cả hai đầu sách của tác giả, để hiểu rõ hơn về những lý thuyết mà tác giả chia sẻ.

Một vài lời chia sẻ giá trị của tác giả trong cuốn sách:

'' Việc quan trọng nhất trên con đường chữa lành là nhận ra và thành thật thừa nhận những vấn đề của bản thân một cách trung thực, dù rằng quá trình có thể gây ra đau đớn và rùng mình. Nhưng sự thành thật, việc đối diện với nỗi đau sẽ giúp ích cho chúng ta trong quá trình hàn gắn vết thương.

Hãy hiểu con đường chữa lành trị liệu vết thương không phải là làm cho vết thương biến mất, mà là giúp nhận ra vết thương của bản thân, có thể giúp đỡ bản thân trên con đường vượt qua tái lập vết thương, ngăn chặn những vết thương ấy gây ra tổn thương cho cuộc sống hiện tại.

Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu được cảm xúc, hiểu được trái tim, yêu thương và thấu hiểu chính mình. Ai cũng cần một tình yêu vị kỷ lành mạnh, tình yêu bản thân giúp chúng ta chiến thắng nỗi buồn, giúp chúng ta xoa dịu trái tim trong giai đoạn mệt mỏi và thổn thức. "

Một góc nhìn khác hy vọng bạn có thể cảm nhận thông qua cuốn sách này là khả năng hiểu và đồng cảm với nỗi đau của cha mẹ. Việc nhận ra nguồn gốc nỗi đau đến từ gia đình, từ cách cha mẹ giáo dục. Oán hận, giận dữ là những cảm xúc hoàn toàn tự nhiên và cần thiết giúp bạn xoa dịu nỗi đau. Đây cũng là một phần trong tiến trình mỗi chúng ta cần đối mặt, chuyển hóa nỗi đau, bước vào tiến trình xây dựng một cuộc sống khỏe mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, tác giả cũng mong chúng ta sẽ có cái nhìn thông cảm hơn đối với cha mẹ của mình, đặc biệt là những nỗi đau vô tình họ đã gây ra.

" Bố mẹ, người khiến chúng ta tổn thương, không phải là quái vật. Giống như hầu hết trường hợp, họ chỉ là những người bình thường sống những năm tháng khó nhọc và chịu tổn thương trong các mối quan hệ gia đình phi lý. Con người rất dễ rơi vào vòng luẩn quẩn mà không hề hay biết. Họ không hề ý thức được bản thân đang thực hiện quyền phá hoại phải chịu từ bố mẹ với thế hệ con cháu. Vì những hành động xảy ra vô thức, nên đến khi nhận ra vấn đề, họ đã rơi vào vòng xoáy bất hạnh.''

Bạn không nhất thiết phải ép buộc bản thân “tha thứ” cho cha mẹ khi bạn chưa thể làm được. Tuy nhiên với góc nhìn này, bạn có thể bình tĩnh và cảm thông hơn khi nhìn nhận nỗi đau quá khứ, nhìn nhận vết thương trong lòng bạn.

'' Gia đình sẽ ta thêm sức mạnh, dũng khí để đối diện với cuộc sống. Những người khiến chúng ta buồn nhất, đau khổ nhất là cũng là gia đình, nhưng chúng ta vẫn sống với nhau. Vì gia đình không phải một điều dễ dàng có được và vì những người chúng ta yêu thương chúng ta cần phải cố gắng, chịu đựng học hỏi và tìm hiểu không ngừng. Đó là nỗ lực đáng giá nhất cuộc đời con người.''

Những ví dụ và câu chuyện trong cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu rõ về ảnh hưởng của tổn thương tuổi thơ có thể gây ra. Nó là một trong một những nguyên nhân khiến một người bước vào con đường nghiện ngập, nghiện sex, nghiện chất kích thích. Ngoài ra, tổn thương cũng có thể khiến một người cũng có hình thành khuynh hướng vô tâm, hờ hững trong các mối quan hệ, thậm chí là ngoại tình. (Mình muốn làm rõ ý viết chỗ này một chút: Việc tìm hiểu nguyên nhân tiềm ẩn của những hành vi gây ra tổn thương để chúng ta có thể thấu hiểu và soi chiếu hiện tại, tuy nhiên điều này không đồng nghĩa việc bản thân ta hoặc một người ai đó sẽ dùng tổn thương của quá khứ bao biện cho mọi hành vi sai trái.)

“Gia đình sẽ ta thêm sức mạnh, dũng khí để đối diện với cuộc sống. Những người khiến chúng ta buồn nhất, đau khổ nhất là cũng là gia đình, nhưng chúng ta vẫn sống với nhau. Vì gia đình không phải một điều dễ dàng có được và vì những người chúng ta yêu thương chúng ta cần phải cố gắng, chịu đựng học hỏi và tìm hiểu không ngừng. Đó là nỗ lực đáng giá nhất cuộc đời con người."

“Đau khổ quá nhiều và quá lâu khiến cuộc sống của chúng ta tan nát, nhưng một chút căng thẳng, một chút đau khổ sẽ giúp chúng ta tỉnh táo, khơi dậy tinh thần thử thách và khiến chúng ta nhận ra giá trị của sự thỏa mãn chân chính tìm thấy sau đau khổ.”

Hiểu về tổn thương không phải để tiếp tục oán trách hay than phiền. Việc hiểu và chấp nhận tổn thương là một bước quan trọng để bắt đầu quá trình hàn gắn và phục hồi. Khi chọn đối mặt với tổn thương, tìm hiểu nguyên nhân và hậu quả của nó, chúng ta có thể tìm ra các cách giải quyết hiệu quả, có ý thức hơn trong việc xây dựng cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc của bản thân trong hiện tại và tương lai.

Mở đầu cuốn sách, tác giả kể về trải nghiệm lần đầu tiên trở thành giảng viên một trường đại học tại Hàn Quốc, đây là công việc tác giả luôn mong muốn có được sau năm tháng du học. Ngày đầu tiên có tiết dạy ở trường, khi đang trên đường đến lớp, có một em sinh viên đã mời ông một ly cà phê mua tại cửa hàng tự động. Nhưng vì sắp giờ vào lớp, nên ông từ chối. Sau một thời gian chuẩn bị, sinh viên tiến vào lớp để bắt đầu tiết dạy. Tuy nhiên, khi khi nhìn thấy sinh viên mời nước ban nãy bước vào, ông nhận thấy biểu cảm trên gương mặt của cậu ấy rất kỳ lạ, đôi mắt sắc lạnh hướng về phía mình. Đúng như dự đoán, suốt kỳ học, trong mỗi buổi học, cậu sinh viên ấy không ngừng đặt ra nhiều câu hỏi cố tình làm khó dễ tác giả. Công việc giảng dạy của ông suốt học kỳ đó cũng trở nên căng thẳng và đầy mệt mỏi. Kết thúc học kỳ, cũng là em sinh viên ấy đã đến đưa cho tác giả một ly nước hoa quả đã uống một nửa. Dù bối rối, nhưng thay vì từ chối như cốc cà phê trong buổi học lần đầu tiên, lần này ông đón nhận ly nước hoa quả không chần chừ mà uống cạn trong hơi đầu tiên. Một bất ngờ đã xảy ra. Sau khi trông thấy tác giả uống cạn ly nước hoa quả, thái độ em sinh viên hoàn toàn thay đổi. Em ấy niềm nở, khuôn mặt rạng rỡ, tươi tỉnh hẳn lên.

Mãi sau này giữa hai thầy trò bắt đầu có mối quan hệ tốt đẹp, em sinh viên đã kể lại cho tác giả nghe lý do đằng sau hành động của mình.

“Lần đầu tiên em gặp thầy, em lấy hết dũng cảm mời thầy một ly cà phê, nhưng lại bị từ chối. Cái khoảnh khắc xấu hổ cầm lý giấy trên tay, nỗi đau đớn em chôn giấu tận cùng trái tim bỗng trỗi dậy. Vô số cảm xúc hỉ nộ ái ố cứ thế ập đến. Đó là vết thương bố mẹ đã khắc vào tim em trong quá khứ.”

Lớn lên trong sự lãnh đạm của bố mẹ, ngày từ nhỏ, cậu luôn bị từ chối mỗi khi yêu cầu điều gì đó. Tổn thương bị từ chối ăn sâu bám rễ trong vô thức của cậu ấy đã đem tất cả uất ức, phẫn nộ và thất vọng về bố mẹ phóng chiếu lên tác giả. Việc từ chối cốc cà phê, là việc tưởng chừng vô cùng bình thường nhưng đã khiến vết thương trong quá khứ cậu sinh viên mưng mủ.

Theo tác giả, đây được gọi là hiện tượng chuyển di.

Hiện tượng chuyển di là cách chúng ta phóng chiếu tổn thương quá khứ lên người khác khi trưởng thành. Freud đã từng đặt tên cho hiện tượng này là những trải nghiệm trong quá khứ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ trong hiện tại, khiến chúng ta hiểu lầm và nhầm tưởng về đối phương.

Vì sự chuyển di của em sinh viên, tác giả thừa nhận rằng ông đã rất mệt mỏi và khổ sở trong suốt học kỳ.

Bạn thấy đấy, tổn thương của đứa trẻ bên trong không phải lúc nào cũng thể hiện bằng sự khóc lóc, sự yếu đuối hay tinh thần bi quan. Trên thực tế, tổn thương có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau, ví dụ như sự tức giận, căm phẫn hay sự ghét bỏ một ai đó nếu họ vô tình tái hiện những vết thương trong trái tim chúng ta.

Ở các trang tiếp theo, tác giả Choi Gwanghyun mang đến những câu chuyện và ví dụ về những người trải qua tuổi thơ bất hạnh. Các nhân vật này có thể đã lớn lên trong hoàn cảnh cô đơn, từng bị bỏ rơi, không nhận được đủ sự yêu thương và quan tâm từ cha mẹ.

Vì gia đình không phải một điều dễ dàng có được và vì những người chúng ta yêu thương chúng ta cần phải cố gắng, chịu đựng học hỏi và tìm hiểu không ngừng. Đó là nỗ lực đáng giá nhất cuộc đời con người
Hai mặt của gia đình là cuốn sách thứ ba nằm trong bộ sách viết về tâm lý gia đình của bác sĩ tâm lý Choi Kwang Hyun. Hai mặt gia đình đi sâu vào những vấn đề, sự trăn trở, bất hòa trong các mối quan hệ gia đình như giữa vợ và chồng, giữa con cái và cha mẹ. Sau mỗi câu chuyện, tác giả trình bày một số quan điểm dựa trên kiến thức tâm lý, nhằm mở rộng góc nhìn và đề xuất cách giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ cho độc giả.

Nhiều năm kinh nghiệm công tác trong tham vấn, từng có khoảng thời gian du học và làm công tác tham vấn trị liệu gia đình tại Đức, bác sĩ Choi Kwang Hyun nhận thấy nguyên nhân khiến cho nhiều người bị sang chấn, mắc hội chứng tâm lý nạn nhân. Hầu hết niềm đau, nỗi buồn ấy đều bắt nguồn từ gia đình. Gia đình là tổ ấm, là nơi san sẻ tình yêu thương và sự quan tâm nhưng gia đình cũng có thể trở thành mảnh vườn nuôi dưỡng những hạt giống bất hạnh. Sự mệt mỏi, căng thẳng bất hạnh trong mối quan hệ, trong hôn nhân, ngày một gia tăng lên nhưng chưa có nhiều người cảm thấy thoải mái, sẵn sàng tìm đến với hoạt động tham vấn.

Vì có những tiếc nuối trong quá trình tư vấn, đồng thời tác giả mong muốn hỗ trợ mọi người, ngay cả khi họ chưa từng học về tâm lý hiểu được gốc rễ của những bất hạnh từ gia đình. Qua đó, mọi người có thể học cách xây dựng các mối quan hệ, tạo ra các tương tác lành mạnh trong cuộc sống.

Vì lẽ đó, tác giả Choi Kwang Hyun chọn viết cuốn sách Hai mặt của gia đình. Hai mặt gia đình làm rõ những khía cạnh phức tạp, mâu thuẫn trong gia đình. Những thách thức tưởng chừng là kết quả của số phận không may mắn, thực chất lại là sự tái hiện của những đau thương lặp đi lặp lại từ đời ông bà, cha mẹ truyền sang con cháu.

“Tuổi thơ bất hạnh biến chúng ta thành những người liều mình tìm nước trên sa mạc. Thế nhưng vì mãi không thể tìm thấy nên chúng ta cứ lang thang giữa sa mạc để tìm nước. Điều chúng ta cần làm không phải tìm kiếm nguồn nước trên sa mạc mà là tìm cách thoát khỏi chúng.”

Khai thác về đề tài tâm lý học gia đình được viết bởi Nhà tâm lý học Choi Kwang Hyun, tác giả viết dựa trên các câu chuyện có thật từ các bệnh nhân có các tình trạng bất ổn về mặt tâm lý, tinh thần và khai thác cũng như đi sâu vào những vấn đề, sự bất hòa trong các mối quan hệ gia đình (như vợ-chồng, con-cha mẹ...). Từ đó tác giả đưa ra các quan điểm dựa trên các kiến thức tâm lý, nhằm giải thích một số hiện tượng tâm lý (hiện tượng chuyển di, mở rộng góc nhìn và đưa ra các biện pháp cụ thể trong việc giải quyết các vấn đề trong gia đình để ngăn sự tổn thương đó lan rộng vào tiềm thức của từng người, giúp họ hiểu được gốc rễ của những bất hạnh mà bản thân gặp phải mà từ đó học được cách xây dựng các mối quan hệ trong tương lai một cách lành mạnh hơn. Các kiến thức kèm với ví dụ tương đối đơn giản, cùng với phong văn gần gũi, dễ đọc, nên có thể những độc giả chưa có nhiều kiến thức tâm lý như tôi vẫn có thể hiểu và tiếp cận được một cách dễ dàng. Thông qua cuốn sách này, như một phương thức chữa lành tổn thương đi từ sâu vào các vấn đề gốc rễ, để giúp những người đang gặp phải có thể thông cảm được các hành động mà người thân yêu của mình gây ra, chấp nhận những gì xảy ra ở quá khứ cũng như xem đó là điều cần thiết để chuyển hóa nỗi đau đó thành sự trưởng thành và chấm dứt những sai lầm mà bản thân đã từng trải nghiệm để ngăn không cho hiệu ứng domino tiếp tục lặp lại ở các thế hệ sau, tạo ra 1 cuộc sống lành mạnh hơn giữa các thành viên trong gia đình.

Câu quote ấn tượng: Bố mẹ người khiến chúng ta tổn thương, không phải là quái vật. Giống như hầu hết trường hợp, họ chỉ là những người bình thường sống những năm tháng khó nhọc và chịu tổn thương trong các mối quan hệ gia đình phi lý. Con người rất dễ rơi vào 1 vòng luẩn quẩn mà không hề hay biết. Họ không hề ý thức được bản thân đang thực hiện quyền phá hoại phải chịu từ bố mẹ với thế hệ con cháu. Vì những hành động xảy ra vô thức, nên đến khi nhận ra vấn đề, họ đã rơi vào vòng xoáy bất hạnh. 

Một cuốn sách khá hay, phổ cập các kiến thức về mối quan hệ gia đình. Tại sao một số người vẫn lặp lại khuôn mẫu gia đình dù khuôn mẫu ấy mang lại bất hạnh và tuyệt vọng cho vợ con, tại sao hôn nhân hạnh phúc cần tách biệt và ly khai khỏi cha mẹ, tại sao tình yêu cần phải cân bằng cán cân quan hệ cho đi và nhận lại, người cho đi quá nhiều sẽ cảm thấy bất công còn người nhận quá nhiều lại cảm thấy mắc nợ. Ngoài ra sách còn lý giải một số vấn đề thường gặp trong mối quan hệ giữa ba mẹ với con cái, ba mẹ thường trong vô thức biến con cái thành vật hy sinh, giao tiếp kiểu nước đôi hành động mâu thuẫn với lời nói ảnh hưởng đến tâm lý con cái như thế nào, và cha mẹ cần thực hiện đúng vai trò không nên thay đổi trật tự vai vế trong gia đình, giúp con cái độc lập và có suy nghĩ riêng. Càng đọc càng hiểu rõ hơn về tham vấn tâm lý gia đình, xã hội càng hiện đại, việc tìm hiểu và giải quyết các vấn đề về tinh thần cũng quan trọng không kém việc chữa lành các bệnh lý bên ngoài. Cảm xúc bất an lo âu nên trực tiếp đối mặt và nhìn nhận thay vì chôn giấu trong lòng rồi đến một thời điểm chúng nó lại bùng phát và làm tổn thương đến bạn đời, con cái. Việc lắng nghe và thể hiện cảm xúc chân thật nhất là cách thức hiệu quả để gắn kết tình cảm gia đình, yêu thương nhau phải được thể hiện qua lời nói và hành động chứ không nên bắt ép người khác suy đoán tâm tư tình cảm bên trong ròi mong chờ người khác phải hiểu cho tình cảm của ta.