Xem thêm

Woolf bắt đầu viết “Đến ngọn hải đăng” một phần là cách để tìm hiểu và giải quyết các vấn đề đang tồn tại với cha mẹ bà và do đó có rất nhiều điểm tương đồng giữa cốt truyện và đời tư của nữ nhà văn. Các chuyến thăm của bà với bố mẹ và gia đình đến St Ives, Cornwall, nơi cha bà thuê một căn nhà ở đó, có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời Woolf, nhưng khi bà mười ba tuổi, mẹ bà qua đời, và giống như ông Ramsay, cha bà Leslie Stephen gặp phải những nỗi sầu muộn và tự thấy thương hại chính mình. Chị gái của Woolf Vanessa Bell viết rằng, đọc các đoạn trong tiểu thuyết miêu tả bà Ramsay giống như được thấy mẹ mình trở về từ cõi chết.  Anh trai họ Adrian không được phép tham gia cuộc hành trình tới Hải đăng Godrevy, giống như trong tiểu thuyết James luôn ao ước được tới thăm ngọn hải đăng và đã rất thất vọng khi chuyến đi bị huỷ bỏ. Sự trầm tư, suy ngẫm của Lily Briscoe về hội họa là một cách để Woolf khám phá quá trình sáng tạo của chính bản thân mình (và cũng là của người chị gái họa sĩ của bà), bởi vì cách Woolf nghĩ về sáng tác văn học cũng giống như cách Lily nghĩ về hội họa.

Cha của Woolf bắt đầu thuê ngôi nhà Talland House ở St. Ives, vào năm 1882, không lâu sau khi Woolf chào đời. Ngôi nhà được gia đình sử dụng làm điểm đến mùa hè của cả nhà trong suốt mười năm sau đó. Địa điểm diễn ra câu chuyện chính của “Đến ngọn hải đăng”, ngôi nhà trên đảo Hebridean, được Woolf sáng tạo trên cơ sở phỏng theo ngôi nhà Talland House. Nhiều chi tiết có thực từ vịnh St Ives cũng được đưa vào truyện, bao gồm những khu vườn hướng ra biển, bản thân bãi biển, và ngọn hải đăng.

Mặc dù trong tiểu thuyết gia đình Ramsay đã quay trở về được ngôi nhà trên đảo Skye sau chiến tranh, nhưng gia đình Stephens lại từ bỏ ngôi nhà Talland House vào thời điểm đó. Sau chiến tranh, Virginia Woolf tới thăm Talland House (khi nó đã có chủ nhân mới) cùng với chị gái Vanessa, và sau đó Woolf đã kể lại cuộc hành trình, nhiều năm sau khi cha mẹ bà qua đời.