Đó là những kỷ niệm thời đi học của Chương, lúc mới bước chân vào Sài Gòn và làm quen với cuộc sống đô thị. Là những mối quan hệ bạn bè tưởng chừng hời hợt thoảng qua nhưng gắn bó suốt cuộc đời. Cuộc sống đầy biến động đã xô dạt mỗi người mỗi nơi, nhưng trải qua hàng mấy chục năm, những kỷ niệm ấy vẫn luôn níu kéo Chương về với một thời để nhớ.
Xem thêm

Chuyện buồn nhưng cái kết bình thản mà vẫn vương chút bâng khuâng. Chương, một cậu trai mười tám tuổi lặn lội đường xa lên Sài Gòn thi đại học, gặp rồi cảm mến cô bé Quỳnh tình đầu đẹp đẽ mà cũng ngây ngô... Rồi sau đó cũng là Chương nhưng là người đàn ông ngoài ba mươi, có sự nghiệp vững vàng và tình yêu đối với Quỳnh thì đã chết từ lâu nhưng bỗng trong một khắc lại tự hỏi rằng không biết trong vô vàn những kỷ niệm tươi đẹp ngày xưa, đối với Quỳnh bây giờ còn có chút gì để nhớ hay không. Khi đọc đến dòng ấy tôi không kìm được mà trút một tiếng thở dài.

Tôi không trách Quỳnh, cũng không thích hay ghét Quỳnh bởi lẽ như trong bức thư cuối cùng của Trâm để lại trước khi ra đi đã nói rõ ngọn ngành và tôi thấy xung quanh Chương còn vô vàn những điều tốt đẹp khác như sự tận tâm của Trâm và tình bạn với Kim Dung và Bảo... Ít nhất là cuộc sống sinh viên của Chương vẫn còn chút gì đó tươi đẹp mặc dù có khó khăn về tài chính. Chương vẫn sống hết mình không dựa dẫm vào ai. Nhưng trong chuyện tình cảm thì tôi thấy Chương thật ngốc, ngốc một cách đáng trách... lẽ ra anh ấy không nên chọn cách trốn tránh để quên đi Quỳnh, lẽ ra anh nên mở lòng nhiều hơn nhưng vẫn cứ nhớ về quá khứ. Nhưng ít nhất là cái kết dành cho anh không hẳn là có hậu nhưng an ổn hơn chứ không hề đầy day dứt như nhân vật Ngạn trong "Mắt biếc". 

Với rất nhiều các tác phẩm đã đi vào lòng người, Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành một tượng đài hằn sâu trong tâm trí mọi lứa tuổi. Đặc biệt trong số đó "Còn chút gì để nhớ" là một quyển truyện dài chúng ta không thể nào bỏ qua nó được. Với giọng điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và tình cảm, tác phẩm đã khiến tôi từng đánh rơi mình vào những nỗi buồn không tên. Vẫn là một lối viết giản dị nhưng rất cuốn hút người đọc, một khi đã lạc vào mạch truyện thì khi ấy rất khó mà dứt ra. Với bối cảnh trước năm 1975, câu chuyện kể về cuộc đời của Chương cùng mối quan hệ giữa anh với Quỳnh. Và xung quanh đó là ba cô gái: Kim Dung, Trâm, Lan Anh cùng với anh bạn học tên Bảo. Bằng ngòi bút tinh tế tác giả đã xây dựng các nhân vật lên những hình ảnh một cái gì đó rất ngây ngô và trong sáng, không ồn ào cũng không vội vã, mỗi người đều có mỗi chất riêng. Tác giả còn gợi lên cho chúng ta thấy được cảnh người, cảnh đất, cảnh chiến tranh và hình ảnh của một Sài Gòn xưa, có lẽ nó khác xa với Sài Gòn bây giờ. Ở Sài Gòn đâu đó mà người ta vẫn tin vào lòng người… Với một tựa đề không quá cầu kì hoa mỹ nhưng lại vô cùng sâu lắng và dạt dào xúc cảm. "Còn chút gì để nhớ" đã in sâu vào trái tim tôi một nỗi buồn man mát, một cảm giác hụt hẫng cho đến bây giờ mỗi lần đọc lại bao giờ tôi cũng day dứt và tiếc nuối ngập tràn.

Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên viết chuyện cho thiếu nhi, cuốn sách "Còn Chút Gì Để Nhớ" đã vượt khỏi rào chắn của ranh giới thiếu nhi ấy bằng một câu chuyện tình cảm chân thật của tuổi trưởng thành. Câu chuyện kể về mối tình của chàng thư sinh nghèo 18 tuổi là Chương anh chàng tỉnh lẻ lần đầu vào Sài Gòn học tập đã "say nắng" ánh mắt, nụ cười của cô bé hàng xóm là Quỳnh - một mối tình chớm nở đẹp tươi. Lần này, cuộc tình dang dở của Chương và Quỳnh không kết thúc bởi những cám dỗ cuộc đời, hay là kết quả của một tình yêu đơn phương mà đến từ sự ngăn cấm phía gia đình Quỳnh, một tác nhân đã giết chết biết bao mối tình mộng mơ và đẹp đẽ. Câu chuyện mang lại một nỗi buồn man mác, đồng thời cũng gợi lên phần nào cuộc sống những năm 75.Chị của Quỳnh là Trâm đã giúp cô em gái đấu tranh, thuyết phục cha mẹ, nhưng rồi chẳng nhận được sự động lòng của mẹ cha mà ngược lại còn bị nhận những cái tát đau đớn. Quỳnh buông xuôi tất cả để nhận lại một mối tình không trọn vẹn,Trâm ngã xuống nơi chiến trường để lại cho Chương một bức thư thấm đẫm nước mắt của cái tình nghĩa sâu đậm. vậy là lại một lần nữa tác giả đã mang lại cho đọc giả những áng văn đẫy nỗi buồn da diết.

Truyện bác Ánh lúc nào cũng gây một cảm giác nhẹ nhàng hứng thú khi đọc nhưng đến cái kết lại gây chút gì đó buồn man mác, một chút gì đó tiếc nuối cho những nhân vật trong truyện. Và lần này, lại một câu chuyện tình với cái kết buồn. Chương, một cậu trai luôn mong ước được đặt chân tới tuổi 18, để rồi khi đi học trong tít Sài Gòn, cậu đã yêu Quỳnh, cô bé hàng xóm dễ thương. Tình yêu cứ thế nảy nở cho dù cả hai chưa một lần ngỏ lời, ngay cả Quỳnh cũng luôn trêu chọc khiến Chương phải ghen với cả bạn thân. Rồi khi Chương gặp Kim Dung thì lại lo người bị tổn thương là Quỳnh. Và rồi biến cố xảy đến, Quỳnh đã chọn nghe lời ba, thay vì chọn tình yêu. Chưa bao giờ mình thấy việc giải phóng đất nước lại sai thời điểm đến thế. Phải chi, sớm hơn thì Quỳnh đã có thái độ rõ ràng ngay từ đầu. Hoặc muộn hơn thì đôi bạn trẻ đã đến được với nhau ngay sau khi Chương ra trường. Tuy nhiên, thất vọng bao nhiêu vì tình yêu dang dở, thì lại thấy ấm lòng bấy nhiêu khi có những tình cảm láng giềng hơn cả tình thân từ gia đình bác Tám (trước giải phóng). Chương còn may mắn hơn cả, khi có Kim Dung cô bạn luôn hết mình vì bạn bè. Và Trâm cô chị dâu hụt, tính tình bộp chộp đanh đá, nhưng hết sức thân thiện khi luôn vun vào cho Quỳnh và Chương. Kết lại thì tình chỉ đẹp khi tình dang dở.

Cụm lan rừng Chương xin cho Trâm, bức thư tay Trâm viết mà Chương bỏ lỡ, tất cả đều là minh chứng cho tình bạn đẹp của hai người. Chẳng cần nói ra, chỉ giữ yên trong tim là đủ.

“Tình yêu đâu phải chỉ được nói ra ngoài miệng lưỡi mà còn bộc lộ trong cách quan hệ với nhau nữa chứ, phải không anh Chương?”

Lỗi chẳng phải ở Chương, chẳng phải ở Trâm, Quỳnh hay Kim Dung mà vốn dĩ là do những quan niệm sai lầm của những người đi trước trải qua thời loạn chiến. Bởi vì nó mà muôn vàn người đói khổ, vô số gia đình mất con, đầy rẫy những cuộc chia ly không ngày trở về, và có thể nhiều người chung cảnh ngộ như Chương, như Quỳnh, như Trâm. Hòa bình vốn không dễ có nên chúng ta phải ra sức gìn giữ để lịch sử không lặp lại những chuyện đáng tiếc như vậy nữa.

Trong cuộc đời sau này Chương có hối hận không? Có lẽ là có. Hối hận vì ngày đó ra đi biệt tăm biệt tích không nhận được lá thư Trâm gửi. Hối hận bỏ lại sau lưng gia đình dì Ba, nhỏ Lan Anh mà không một lần về thăm. Dù sao thì cũng không thể nào thay đổi bất cứ điều gì, thế nên nó mãi là dằm trong tim nhói đau mỗi khi ai đó nhắc đến Chương về Trâm, về Quỳnh, về những ký ức tươi đẹp ngày xưa đó. Nếu có thể, truyện nên dừng lại ở đoạn giữa là vừa đẹp, thế thì sẽ không còn những giấc mơ ám ảnh Chương mỗi đêm dài, Trâm cũng sẽ ở lại với gia đình, và còn nhiều điều tiếc nuối khác nữa.