So với những phương tiện vật chất khác được người Việt xếp vào hàng “tài sản cố định”, thì xe máy là thứ dễ sắm nhất và dễ thay đổi nhất ngày nay. Cả một tài sản dễ bề xoay xỏa thế, thực sự là một cách luân chuyển giấc mơ khả thi. Trong cuộc đời tưởng biến động mà thực phẳng lặng này, khoe với nhau “tớ mới đổi xe” cũng là một niềm hưng phấn nhỏ nhoi, một ảo tưởng mơ hồ đầy hứa hẹn gây đột biến 

Đúng với thể loại tản văn, “Xe máy tiếu ngạo” của Nguyễn Trương Quý là một loạt những câu chuyện tản mạn tưởng như không đầu không cuối xoay quanh một chủ thế gần như là duy nhất: chiếc xe máy. Bằng những câu chuyện khác nhau, sinh động và thật thà, tập sách đem đến cho người đọc những hình ảnh hoàn toàn khác biệt nhưng vẫn thật gần gũi về một tài sản phổ biến đến độ gần như quá bình thường trong cuộc sống của con người Việt Nam. Chiếc xe may gắn liền với sự phát triển của đất nước trong những ngày đổi mới, điều đó ai cũng biết. Nhưng hiếm ai “cố tìm mà hiểu” để thấy được chất thơ trong một cỗ máy mà người ta vẫn nghĩ là vô tri.

XE MÁY LÀ CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ

Không chỉ trong phạm vi Việt Nam, chương sách “trăm năm xe máy” giống như một bản tóm tắt nho nhỏ về cuộc đời cỗ phương tiện hai bánh này từ những năm 1920. Qua chương sách người đọc biết được cách mà xe máy xuất hiện tại Việt Nam, đầu tiên qua hình tượng chiếc mô tô 3 bánh phục vụ trong lực lượng quân sự, cảnh sát. Sau đó nó dần trở thành một phương tiện đi lại, một món đồ trang sức đặc biệt bởi tính thẩm mỹ của một vài dòng xe nhất định, thậm chí là “một biểu tượng của chủ nghĩa cá nhân và tuổi trẻ”.

Những chiếc xe máy là dấu hiệu cho thời kì đổi mới, trở thành hành trang của không ít người và chứng kiến sự đổi thay của một quốc gia. Nó kéo theo sự ra đời của các qui định, sự thành lập của các chợ xe trên khắp cả nước, lớn hơn là sự phát triển của kinh tế gắn liền với thứ phương tiện mang tên xe máy.

Nói xa xôi thì là vậy, nhưng gần gũi hơn, thì hàng triệu chiếc xe máy vẫn đang ngày ngày chứng kiến và tham gia cuộc sống sinh hoạt của rất nhiều con người. Cũng bởi chẳng có chỗ nào trên cái đất Việt Nam này mà người dân không dùng đến chiếc xe ấy. Nó cùng người lớn đi làm, đưa trẻ con đi học, tham gia vào các công tác xã hội hay thậm chí là phương tiện cho những hoạt động trái phép như đua xe… Chứng kiến lịch sử, tham gia vào cuộc sống và cùng cuộc sống ấy đổi thay, chiếc xe máy của những ngày đầu tiên khi xâm nhập thị trường Việt Nam giờ đã muôn hình muôn vẻ, cũng giống như những cuộc đời mà nó đang gắn bó từng ngày.

XE MÁY LÀ MỘT PHONG CÁCH SỐNG

Khi một món đồ gắn liền với con người, một cách rất tự nhiên nó sẽ có ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống. Qua cái nhìn thi vị của Nguyễn Trương Quý, cái sự ảnh hưởng ấy không chỉ đơn thuần và tẻ nhạt là cách mà chúng ta sử dụng xe máy nữa, mà mở ra rộng rãi hơn về cuộc đời của chính chúng ta.

“mình nghĩ gì khi đi xe máy” – không hẳn là một câu hỏi. Chính xác hơn nó giống một câu tự hỏi, một lời gợi nhắc để mở ra câu tự trả lời. Chắc chắn không ai trong chúng ta không từng như thế, khi lái xe đã trở thành một phản xạ có điều kiện, đầu óc được thư thái tự nhiên sẽ không hoàn toàn tập trung vào cái việc lái xe. Chúng ta có lẽ cũng sẽ giống như tác giả “vừa đi vừa nghĩ về công việc dở hơi cám hấp mình đang làm” hoặc mơ mộng hơn thì “vừa đi vừa nghĩ về quá khứ diễm ảo” hay “tương lai mờ mịt”. Vô số các suy nghĩ khác, thực tế có, phi thực tế cũng có nhưng tính ra tất cả chúng đều rất đời, ai hẳn cũng đã có lúc nghĩ đến. Một hành vi rất quần chúng khi quần chúng ngồi trên yên xe mà rong ruổi, để mặc cho đường xá Hà Nội “đào luyện” thành “những người lái xe máy giỏi nhất hành tinh”, lái xe không cần nghĩ!

Mặc dù xe máy đích thực là sản phẩm sáng tạo của phương Tây, nhưng chính mấy người Tây phương sẽ chẳng bao giờ biết được cái gọi là “hạnh phúc trên yên xe” mà Nguyễn Trương Quý nói đến. Ở một đất nước mà ngõ nhiều hơn đường như ở Việt Nam, một cách rất tự nhiên lối sống sinh hoạt của người dân trong ngõ được hình thành. Và vì thế, chắc có lẽ chỉ khi dùng xe máy người ta mới thấy hết được vẻ đẹp. Trong chương sách “ngoằn ngoèo như ngõ”, chiếc xe máy của Nguyễn Trương Quý đưa độc giả tiếp cận đến cái lối sống ấy. Những con ngõ nhỏ mới là nơi chất chứa hồn cốt Hà Nội, đi vào trong thơ ca và luôn tràn ngập một cảm xúc đặc trưng của người Hà Thành. Đó là nơi trông tưởng như tầm thường lam lũ, nhưng ai chẳng biết mỗi tấc đất trong ngõ cùng là một đống gia tài. Đó là nơi luật giao thông chưa chắc đã chạm đến được, nhưng văn hóa giao thông cũng được sinh ra một cách rất tự nhiên. Đó là nơi không chỉ uốn éo ngoằn ngoèo như mê cung mà còn lớp lớp chồng chồng bao đời lịch sử, mang một vẻ tuy dân dã mà bí ẩn khôn cùng.

Nếu không ngồi trên yên xe, hòa mình vào dòng mấy triệu chiếc xe khác mà nhìn Thủ đô thì chắc có lẽ chỉ thấy một “Hà Nội chẳng có gì, đi nửa ngày là hết cái để xem”. Nhu cầu sử dụng chiếc xe tôi luyện cho dân bản địa những kĩ năng sống đặc biệt mà đố anh Tây nào làm được:

Ngồi trên xe, ta có thể cảm nhận được kích cỡ, độ xa gân, tính dễ tiếp cận của điểm đến, ví dụ quán phở này có thể phi xuống vỉa hè mà không cần khóa càng, hay cái sân trong ngõ Bảo Khánh bé tí mà chưa được cả vài trăm cái xe máy cho tất cả các quán cà phê xung quanh. Hoặc ngồi trên xe máy tưởng như sờ được những bông hoa từ cái giỏ ngất nghểu của một chị chở hoa đi bán cũng như ngửi được hương thơm trực tiếp giữa dày đặc mùi khói xe.

Đấy, ngồi xe hơi thì không thể thấy gần đến thế. Đi bộ thì không thể nào theo kịp. Chỉ có với chiếc xe máy, Hà Nội mới thật sự bộc lộ hết vẻ đẹp, vẻ đẹp không chỉ trong những cái để nhìn mà trong những điều để cảm.

Cũng phải nhờ xe máy mà sinh ra cửa hàng của anh thợ sửa xe - “thước đo sự phát triển và thay đổi của mức sống, thậm chí cả kinh tế của người Việt”, rồi quán hàng nước nho nhỏ ngay bên cạnh đó. Hiệu sửa xe và quán nước như một cặp bài trùng ở Hà Nội, hay bất cứ đâu trên cả nước. Chẳng thế mà “sửa xe nghe tình nhân thế” được đề cập đến trong sách như một nét văn hóa, và rất nghiễm nhiên cái quán nước ấy trở thành trung tâm tin tức của ít nhất cả khu phố. Khách đem xe đến sửa ngồi hàng nước chờ, nói dăm ba câu chuyện với nhau, thế là dù không quen chẳng biết sớm muộn cũng “như hẹn nhau kiếp nào”.

Về mặt cá nhân, xe máy là một dạng cảm hứng đặc biệt. Một dạng cảm hứng tự sinh trên khắp thế giới, bất cứ nơi nào chiếc xe máy xuất hiện.

Xe máy vì thế không ngẫu nhiên mà trở thành vật dụng ký thác phong cách sống của thế hệ trẻ.

Bởi vì chiếc xe linh hoạt và gọn nhẹ này luôn mang một vẻ gì rất phiêu lưu, dù là phiêu lưu thật sự trên một chuyến đi dài, hay “phiêu lưu” trong mấy con hẻm nhỏ nơi mà chỉ có xe máy mới lách vào được. Tất nhiên ở Việt Nam, người ta khó mà nhận ra cái “cảm hứng” hay ho ấy “trong bối cảnh toàn dân đi xe máy hiện nay!”.

XE MÁY LÀ MỘT KHÁI NIỆM THẨM MỸ

Kể cả máy móc cũng có vẻ đẹp của riêng nó. Xe máy cũng vậy.

Bản thân mỗi hãng xe, rồi mỗi dòng xe đã có cá tính riêng của nó. Và đã từ rất lâu, nhiệm vụ của xe máy khi bước ra đường đã không chỉ còn là làm một phương tiện mà còn phải làm vừa mắt người nhìn, phải hợp thời, hợp với trang phục và phong thái của chủ nhân nó. Xe máy là một phụ kiện thời trang đặc biệt, chả thế mà có một thời hình ảnh thiếu nữ Hà Thành bên chiếc xe máy mảnh mai gọn gàng đã từng là biểu tượng của sự thời thượng đầy sức hấp dẫn. Còn trên thế giới thì hẳn nhiên điều ấy rất rõ ràng:

... ở các nước phương Tây, xe máy chủ yếu gắn với trào lưu cận văn hóa, chẳng hạn như các phong trào kiểu hippie, underground…

Trong chương sách “mỹ học của ống bô”, Nguyễn Trương Quý tập trung khai thác vẻ đẹp của chỉ một bộ phận trên xe. Hóa ra cái ống bô cũng nói lên nhiều ý tứ, chứ không đơn thuần chỉ là một ống kim loại xả khói như người ta vẫn thấy:

Những chiếc xe nhiều ống bô thì dĩ nhiên động cơ tốn xăng. […] Ở khía cạnh duy mỹ, nó quí tộc hơn hẳn những chiếc xe Nhật tiết kiệm nhiên liệu, lại mạnh mẽ dấn thân hơn đám hybrid (nhiên liệu sinh thái) ẻo lả nhát chết.

Và dĩ nhiên mấy chiếc xe nhiều ống bô sẽ luôn nổi bật, bởi đa phần người Việt vẫn cứ dùng loại xe tiết kiệm nhiên liệu của Nhật – chi tiết nói lên cái sự thật rằng xăng thời buổi này là một món hàng tương đối đắt đỏ. Và rồi cũng cái ông bô tạo nên thế hệ mà Nguyễn Trương Quý gọi là “thế hệ bỏng bô”, một thế hệ thật dễ nhận biết qua vết bỏng do vô tình quệt chân vào cái ống bô đầy tính mỹ học nói trên.

Không chỉ về phần nhìn, chiếc xe máy phần nào cũng ảnh hưởng đến cả duy tâm người Việt, khi cái gọi là biển số ra đời. Đúng theo những gì tác giả nói:

Cuộc sống người Việt Nam có cả một kho những kinh nghiệm sống, những suy luận cảm tính thắng thế lý tính.

Vậy nên “người ta phủ lên cái dãy 4 chữ số của biển đăng ký một màn sương huyền ảo của số mệnh.” Mấy chữ số ấy nó không hẳn thiên về đẹp mắt, mà thỏa mãn cái tâm lý duy tâm của người Việt nhiều hơn, và cũng là “con dấu chứng nhận cho việc hoàn thiện nốt cơn say mê vật chất của người Việt hiện nay.”

XE MÁY VÀ SỰ THAY ĐỔI

Đặt trong mối quan hệ với những loại xe khác, người ta có thể thấy được nhiều đổi thay từ chiếc xe máy.

Chiếc xe động cơ hai bánh đã từng là cơn ác mộng với xích lô, như một cơn bão quét qua thật nhanh để lại mấy “ông bốn, năm chục tuổi đội mũ cối dựng cái xe máy cũ ở đầu ngã tư”. Đây chính là sự khởi đầu cho một dịch vụ sẵn sàng cạnh tranh với taxi về giá cả và với xe buýt về sự linh hoạt. Nhất là ở Hà Nội, nơi đường phố chưa bao giờ nhiều lợi thế đối với cánh bốn bánh trở lên. Đặc biệt khi các dòng xe máy mới, giá thành thấp hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn ồ ạt tràn vào.

Và rồi cũng đến cái lúc xe máy không còn là biểu tượng của sự giàu sang hơn người, dù nó vẫn là một gia tài kha khá. Và dù hệ thống cơ sở hạ tầng của các đô thị tại Việt Nam cũng chưa bao giờ thôi quá tải, thì số lượng xe hơi vẫn cứ ngày một tăng lên. Ngày nay nếu người ta nói về một ai đó mới mua xe, thì cái xe ấy hẳn phải là xe hơi chứ không đời nào là xe máy, mặc dù công năng của nó vẫn chỉ như xe máy mà thôi:

… nghĩa là chở con đến trường, vào siêu thị, ăn sáng hoặc đón vợ trên những khoảng vài cây số.

Tâm lý đổi đời và khao khát thỏa mãn vật chất đã khiến người ta đem mấy chiếc xe hơi – không gian riêng của những người có tiền – chen chúc cùng mấy triệu con xe máy đủ loại trên đường. Chiếc ô tô phóng vun vút trên đường cao tốc thì có gì để xem, mua về thật vô ích! Người Việt mua xe hơi chủ yếu để ngạo nghễ trên những con phố trung tâm, thoải mái ngồi trong cái hộp kín của riêng mình và nhìn ra ngoài, để thấy mình sang hơn hẳn mấy chiếc xe máy dầm mưa dãi nắng ngay sát bên. Rồi sẽ có lúc đường xá được mở rộng, trên cao dưới đất tầng tầng lớp lớp không gian cho người dân tham gia giao thông, nhưng cái thời đại mà xe máy vẫn là bá chủ, và ô tô vẫn cứ thích nhích từng nửa mét giữa dòng xe máy mãi mãi là một thời để nhớ.

TẠM KẾT

Tập tản văn không chỉ toàn nói về xe cộ. Có những chương thậm chí chẳng thấy bóng dáng chiếc xe nào ghé ngang. Nhưng điều đó cũng đâu có gì lạ. Bởi vì “Xe máy tiếu ngạo” vốn dĩ là cuộc hành trình đưa độc giả đi xem một lượt nhân tình thế thái trên từng góc phố, vỉa hè của Hà Nội, tất cả những nơi nào cỗ máy chuyên chở hai bánh ấy có thể đi qua.

Nguyễn Trương Quý tản mạn về nhiều điều khác, về lối sống, cách nghĩ của nhiều thế hệ con người trong cái đô thành nhộn nhịp ấy. Câu chuyện cứ lan man từ quê ra đến phố, từ những giây phút cơm áo gạo tiền cho đến những lúc thư thản bên ly cà phê – toàn những mẩu chuyện nho nhỏ tưởng như chẳng theo một trật tự nào cả. Có chăng người ta chỉ thấy duy nhất một điểm chung, ấy là những mẩu chuyện nói trên đều được kể lại dưới một góc nhìn chủ quan mà phóng khoáng, hóm hỉnh như một nụ cười tủm tỉm dù cho vấn đề được bàn đến có là “điều chưa hợp lý, hay thậm chí là vô lý trong cuộc sống”.

Nếu vẻ bình dị của xe đạp đã nhiều lần đi vào văn thơ nhạc họa, thì xe máy hình như lại chưa từng có được cái vinh hạnh ấy. Không biết có phải vì món đồ này hữu dụng đến mức người ta luôn nhìn nó bằng con mắt thực dụng. Chở người, chở hàng, chở tất tần tật những thứ con người muốn chở, hay chính xác hơn là những gì người Việt Nam muốn chở. Bởi vì có lẽ nếu ở các nước phương Tây, sẽ chẳng bao giờ người ta thấy cảnh một chiếc xe máy có thể mang biết bao thứ cồng kềnh nặng nhọc như ở Việt Nam cả. Chỉ trong “Xe máy tiếu ngạo”, những khía cạnh thật khác của một chiếc xe có thể coi là biểu tượng giao thông của cả đất nước mới được bộc bạch một cách lãng mạn đến vậy. Chiếc xe máy của Nguyễn Trương Quý đưa người đọc rong ruổi trên hành trình tìm hiểu về chính nó, những chuyện xung quanh nó, từ phố xá đông vui đến ngõ hẻm quanh co. Cùng là chiếc xe máy, nhưng ở mỗi thời kì, trong tay mỗi con người lại hiện hữu ở một vẻ hoàn toàn khác. Đa dạng và linh hoạt, gần gũi nhưng chưa chắc ta đã có thể hiểu hết. Chẳng biết là chiếc xe máy bản thân đã đặc biệt, hay tại những người sử dụng nó làm nó trở nên đặc biệt?

Một cuốn sách nói về chiếc xe máy, nhưng phảng phất đằng sau là hình bóng con người Hà Nội nói riêng và con người Việt Nam nói chung, hình bóng của cả một nền văn hóa – văn minh gắn liền với chiếc xe. Không phải mọi chi tiết được đề cập trong sách đều là vẻ đẹp, nhưng văn phong hài hước nhẹ nhàng của tác giả khiến trang sách nào cũng thật dễ chịu, êm ái, đôi khi lại rất thơ – vẻ thơ mộng mang chút hoài cổ thật dễ đưa người ta vào một cõi mơ trong đời thực.

 

Tác Giả: Lê Thùy Ngân - Bookademy

-----

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật c ác thông tinthú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

 

Xem thêm