“Hãy để lại trên những ngã đường chúng ta đi lòng khoan hồng cho tất cả những kẻ mà dục vọng cõi đời đã làm hư hỏng. Và có thể họ sẽ may mắn được cứu thoát bởi một hy vọng thiêng liêng.”
Trà hoa nữ là một tác phẩm tiểu thuyết bán tự truyện lãng mạn kinh điển đã làm nên tên tuổi của nhà văn Alexandre Dumas. Lấy bối cảnh nước Pháp vào giữa thế kỷ 19, cuốn tiểu thuyết kể về chuyện tình bi kịch giữa hai nhân vật là Marguerite Gautier, nàng kỹ nữ xinh đẹp nức tiếng nhưng mắc phải bệnh lao phổi và Armand Duval, nhà tư sản trẻ tuổi. Truyện được kể qua lời của hai nhân vật nam là Armand và người kể chuyện đã tham dự buổi đấu giá tài sản tại chính căn nhà xa hoa sau khi Marguerite qua đời.
Marguetie Gautier là một nàng kỹ nữ xinh đẹp, duyên dáng với nhan sắc mê hồn đã khiến bao chàng trai phải điêu đứng. Cũng vì lối sống xa hoa của nàng, rất nhiều trong số họ phải phá sản chỉ sau một thời gian ngắn hẹn hò. Đối với một kỹ nữ như Marguerite mà nói, mọi cuộc dạo chơi cùng những người đàn ông ngoài kia chỉ là công việc, nàng không muốn dành tình yêu cho bất kì ai và nàng tin là không ai xứng đáng để nàng trao trọn trái tim đang rỉ máu của mình.
Nhưng ngay thời khắc nàng rơi vào cảnh bệnh tật, nàng lại gặp được Armand – tình yêu thực sự của đời nàng. Hai người đã có khoảng thời gian đẹp đẽ và hạnh phúc bên nhau, cho đến một ngày, ông quận công – người vẫn luôn chu cấp cho Marguetie, phát hiện ra nàng đang gian díu với một gã trai trẻ khác, đã đe dọa nàng phải chia tay để quay trở về cuộc sống trước kia, quay về bên ông. Không có tiền, nàng buộc bí mật bán nữ trang, trang phục của mình để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Trước đó, Armand cũng phải đi đánh bạc để kiếm tiền vì chàng không có bất kì thu nhập nào lúc đó. Họ vẫn nắm tay nhau trải qua bao đắng cay, vượt qua những rào cản về thân phận, địa vị và lối sống để được ở bên cạnh nhau. Nhưng có một điều mà cả hai không thể ngờ tới, đó là gánh nặng bổn phận và trách nhiệm gia đình. Họ không ngờ rằng, vào giây phút gia đình nơi phương xa của Armand biết được tin anh đang qua lại với một cô gái giang hồ, tiêu xài sa đọa vào những buổi đi chơi, hòa nhạc… là điềm báo cho cuộc chia ly đau thương sau này của hai người. Sau khi thuyết phục Armand không thành, cha của anh phải gửi bức thư năn nỉ Marguetie hãy buông tha cho con trai ông vì sự nghiệp của chính anh và vì danh tiếng của gia đình. Nàng đã quyết định từ giã tình yêu đầu tiên và cuối cùng của mình, nói với Armand rằng nàng đã có người tình khác để rồi ra đi trong làn nước mắt. Cô gái đó, khốn khổ thay vào giây phút cuối đời, còn phải chịu sự hành hạ của bệnh tật và sự trả thù nhẫn tâm của chính Armand. Nàng đã ra đi trong nỗi đau đớn tột cùng, sự cô đơn bất tận và nỗi nhớ triền miên đối với Armand. Và khi Armand biết được sự thật ẩn giấu và cái chết đau thương của nàng thì mọi thứ đã muộn màng.
Cuốn sách bắt đầu với những suy nghĩ trầm mặc của người kể chuyện về cuộc đời của những “cô gái giang hồ” nơi thành phố Paris hoa lệ và hào nhoáng. Tác giả gọi đó là những cô gái khốn khổ với cuộc sống xa hoa, lộng lẫy mà đầy tủi nhục. Thật lạ lùng và buồn cười đối với người đời khi thấy ai đó đem lòng khoan dung vô bờ bến trao cho những cô gái giang hồ phóng đãng ngoài kia. Nhưng bạn đọc thân mến, “Ta sẽ không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ”. (“Giết con chim nhại – Haper Lee”).
Khi ta bắt gặp một người lạ trên đường, hay thậm chí là người xung quanh ta, ta thật dễ dàng dùng cảm tính và kinh nghiệm của ta để đánh giá phẩm chất của người đó. Còn đối với những cô gái giang hồ, ta có thói quen trút xuống những suy nghĩ khinh bỉ hay dè bỉu bởi công việc và lối sống của họ. Nhưng đối với tác giả: “Nếu yêu thương họ là một sai lầm, thì ít ra chúng ta có thể thương xót họ. Các bạn thương xót người mù không bao giờ thấy được ánh sáng của ban ngày, người điếc không bao giờ nghe được những âm thanh của tạo vật, người câm không bao giờ cất lên được những tiếng nói của tâm hồn. Nhưng vin vào một cớ e ngại giả tạo, bạn không chịu thương xót sự đui mù của trái tim, sự điếc lác của tâm hồn, sự câm lặng của lương tâm. Và đã làm cho người phụ nữ bị đày đọa không thể thấy được con đường lương thiện, không thể nghe được tiếng gọi của Chúa và nói lên được ngôn ngữ thuần khiết của tình yêu và đức tin”. Trà hoa nữ không chỉ đẹp bởi câu chuyện tình yêu mà nó còn đậm giá trị nhân văn về đức khoan dung và độ lượng. Trong một xã hội mà đồng tiền lên ngôi, nụ cười và lòng tốt trở nên khan hiếm, cuốn sách là sự nhắc nhở quý giá về giá trị thật sự của cuộc đời.
Cho dù đã được viết cách đây hơn 100 năm, Trà hoa nữ vẫn luôn thu hút những tâm hồn yêu văn học hiện đại về những triết lý sâu xa. “Những bà già tốt bụng thường bảo, khi khuyên dùng một thứ thuốc nào đó do bà tìm ra “Nếu nó không làm lành bệnh, thì nó cũng không làm cho bệnh nặng thêm”. Lòng khoan dung của chúng ta cũng vậy, nếu nó không đem lại được điều tốt lành cho ai, thì cũng chẳng hại ai.” Một triết lý thật giản dị. Và chúng ta nên tin rằng “Điều duy nhất giúp cái ác chiến thắng là những người tốt không làm gì cả” (Edmond Burke). Do đó tác giả đưa ra lời nhắc nhở, “hãy tiếp tục đọc cuốn sách nếu chỉ vì ý nghĩa lầm lạc kia cản trở.”
Có vẻ tôi hơi dông dài về khúc dạo đầu của cuốn sách nhưng bạn biết không, tôi đã mất thời gian khá dài để quyết định liệu có nên mua cuốn sách này hay không khi biết nó viết về cuộc đời một kĩ nữ. Một chút e dè và một chút lo sợ. “Tại sao chúng ta lại cứng rắn hơn Đấng Kito? Tại sao chúng ta cứ cứng đầu bám chặt những luận điệu của thế giới này, cái thế giới tự tỏ ra cứng rắng để người ta tưởng nó giàu nghị lực? Tại sao chúng ta lại đồng ý để nó xua đuổi những tâm hồn đang rỉ máu vì những vết thương do tội lỗi của quá khứ gây nên, những tâm hồn chỉ chờ một bàn tay nhân ái đến băng bó, giúp họ lấy lịa được sự an lành của trái tim.” Và “không nên thu hẹp tình thương hạn chế chỉ trong gia đình, đừng biến lòng khoan dung thành ích kỉ. Bởi vì, thiên đường sẽ vui sướng trước sự hối cải của một người tội lỗi còn hơn cả khi tiếp nhận một trăm người lương thiện không hề phạm tội bao giờ.” Vậy đấy, cho nên “Chúng ta hãy nỗ lực làm cho thiên đường vui hơn và chắc chắn chúng ta sẽ được đền bù xứng đáng.” Sau khi đọc cuốn sách này, bạn sẽ như chạm ngõ một chân trời mới, một miền thế giới mới nơi mà tình yêu thực sự lên ngôi, đánh tan những tội lỗi và hoài nghi về lòng người. Trong thế giới ấy, con người chỉ yêu thương và được yêu thương. Vậy là đủ.
Nói về Marguerite, nhìn bề ngoài người ta chỉ nhận ra là nàng rất đẹp với bó hoa trà kiêu sa trên tay. Và họ cũng chỉ nhận ra nàng là một kĩ nữ thiếu giáo dục về đạo đức với lối sống sa đọa, đã quyến rũ biết bao người đàn ông và khiến cho họ tiêu tán tài sản. Nhưng Armand thì khác. Anh lại thấy ở nàng một sự yếu đuối cần được bảo bọc, một tâm hồn trinh trắng khác với những cô gái giang hồ ngoài kia. Khi nhìn thấy người con gái hai mươi tuổi xinh tươi ấy ăn uống nói năng không khác gì một phu khuân vác và vui vẻ cười rộ khi nghe những câu chuyện tục tĩu, anh chỉ thấy đau lòng và thương xót. Anh không sử dụng đầu óc và lý trí để phán đoán về nhân cách cô ấy. Anh không cho rằng cách nói năng, hành xử ấy xuất phát từ việc không được học hành hay hậu quả của lối sống sa đọa. Anh nhìn thấu được đối với Marguetie, đó là một cách giúp nàng quên đi cơn sốt, một cơn căng thẳng thần kinh.
“Cuộc đời đau đớn ấy, tôi hé thấy dưới màn sáng chói rạng đang che phủ, và người con gái khốn khổ đó đã chạy trốn thực tại trong sự sa đọa, say sưa và mất ngủ.” Hay theo cách nói của nàng, “một người đàn bà cau có, bệnh hoạn, buồn tẻ, hay vui một nỗi vui còn đáng buồn hơn cả sự ưu phiền”. Tình yêu quả là thứ kì diệu. Tình yêu chân thành có thể khiến ta tìm ra được đức hạnh khuất lấp của người ta yêu, mọi thứ của người đó dường như đều là tuyệt tác của tạo hóa. Khi yêu, trái tim ta dường như không còn thuộc về ta nữa, không còn nghe ta điều khiển nữa. Armand không thể tin được rằng mình đã chiếm được trái tim người con gái ấy, anh chỉ biết thốt lên với những cảm xúc hỗn độn “Ôi, tôi đã say mê Marguerite. Tôi sắp có được nàng… Tuy nhiên, tôi lặp lại, dù nàng chỉ là kỹ nữ, tôi đã thi vị hóa nàng quá nhiều, đã xây dựng tình yêu đó thành một thứ tình yêu tuyệt vọng, cho nên đến gần giây phút mà tôi không cần phải hi vọng nữa, tôi lại đâm ra nghi ngờ. Suốt đêm tôi không ngủ được. Tôi không nhận ra tôi. Tôi như điên dại nửa người. Khi thì, tôi thấy tôi không phải đẹp lắm, không phải giàu lắm, cũng không đủ sang trọng để có được người đàn bà như thế. Khi thì, tôi thấy tôi đầy kiêu ngạo về ý tưởng của sự chiếm hữu đó. Rồi tôi bắt đầu sợ hãi thái độ của Marguerite đối với tôi chỉ là một bất thường trong vài ba ngày và cảm nhận trước nỗi thống khổ có thể gây ra trong sự đổ vỡ bỗng chốc… Thỉnh thoảng tim tôi nhảy lên vì vui mừng và tình yêu căng lên trong lồng ngực tôi. Một cơn sốt dịu dàng chiếm lấy tôi…” Tình yêu giống như trò chơi bông đùa với cảm xúc của con người vậy, nhưng rốt cuộc, tình yêu cũng thật thánh thiện. Nó khiến cuộc sống của người đang yêu tràn ngập ánh sáng hạnh phúc, có thể biến một chàng trai trẻ vốn vô tâm trước mọi sự trở nên nhạy cảm và hạnh phúc biết bao. Tình yêu nơi Armand lan tỏa khắp cơ thể anh, khiến anh như muốn yêu thương tất cả, ngay cả những người không quen biết anh gặp trên đường. “Hình như thành phố đang ngủ đó đang thuộc về tôi. Tôi tìm kiếm trong trí nhớ tên của những người trước đây tôi thèm muốn hạnh phúc của họ và tôi không tìm ra một người nào để đem so sánh được rằng tôi lại không hạnh phúc hơn họ.”
“Điều dễ dàng nhất chúng ta có thể làm cho những người mình yêu thương, là tự vứt bỏ chính mình. Tình yêu có thể khiến chúng ta làm những việc tưởng chừng như không thể.” (Reply 1997). Ai có thể ngờ rằng tình yêu của một cô gái kĩ nữ như Marguerite lại cao thượng đến như vậy. Nàng chấp nhận buông bỏ cuộc sống xa hoa của mình, hi sinh mọi thứ, dù nàng biết nếu đến một ngày, Armand quay lưng ra đi, nàng sẽ mất tất cả. Nhưng tình yêu mãnh liệt đã khiến nàng không còn là mình nữa rồi. Lần đầu tiên nàng biết đến hương vị của tình yêu thật sự, lần đầu tiên nàng phá bỏ mọi rào cản mà mình tạo ra nhằm ngăn chặn tổn thương cho cuộc đời vốn đầy nỗi đau của mình. Khác với những cô gái ngoan, gia giáo khác, tình yêu của một người kỹ nữ đặc biệt và đầy chông gai. “Được yêu bởi một cô gái trinh trắng, đem lại cho người ấy lần đầu tiên những bí mật của tình yêu đúng là một hanh phúc lớn. Nhưng đó chỉ là một điều giản dị nhất đời…Bởi vì, cô ta không có cả sự nghi ngờ lần nghị lực, và được cô yêu thương là một thắng lợi mà người đàn ông nào hai mươi lăm tuổi cũng có thể làm được, khi họ muốn.”
“Nhưng để được thương yêu thực sự bởi một kĩ nữ, đó là một chiến thắng khó khăn hơn nhiều. Ở những con người này, thể xác đã giũa mòn tâm hồn, giác quan đã đốt cháy trái tim, sự trụy lạc đã bọc kín tình cảm trong một áo giáp sắt. Những lời nói với họ, họ đã biết tự lâu rồi. Những phương tiện người ta dùng đến, họ đã hiểu cả rồi. Cả tình yêu mà họ gây nên, họ cũng đã bán nó rồi. Họ thương yêu vì nghề nghiệp, chứ không phải vì tình cảm.” Vậy cho nên, cả Armand và Marguerite dường như sinh ra là dành cho nhau khi chỉ qua vài lần gặp gỡ, cả hai như bị thiêu đốt trong ánh lửa của tình yêu. Armand vượt qua những lời ra tiếng vào, vượt qua những hoài nghi về tình yêu bền vững, âm thầm bên Marguerite và chính nàng cũng đã tháo dỡ cánh cửa trái tim, trao trọn thân mình cho tình yêu vào thời điểm khi mà nàng không chắc mình còn sống được bao lâu nữa.
Đọc Trà Hoa Nữ, đối với người đọc mà nói, đặc biệt là những bạn đã trải qua cảm giác của tình yêu, như đang sống lại giai đoạn cảm xúc ngại ngùng khi tình yêu mới chớm, xúc cảm mãnh liệt khi tình yêu thăng hoa và đau đớn tột cùng khi tình yêu vụt mất. Tình yêu càng sâu đậm thì khi kết thúc lại càng khổ ải, bi thương. Và điều đáng sợ hơn của việc chia tay chính là bạn phải từ bỏ thói quen bấy lâu đã ăn sâu tiềm thức của mình. Làm sao để xua đi cảm giác mỗi ngày được nhớ, được yêu thương? Làm sao để quên đi thói quen trò chuyện, tâm tình mỗi sáng và mỗi tối? Làm sao để lãng quên gương mặt thương yêu mà mình đã dành biết bao tháng ngày để ngắm nhìn tới mức dù nhắm mắt vẫn có thể hình dung đến từng chi tiết nhỏ nhất? Cũng bởi tình yêu giữa Armand và Marguerite đã quá mặn nồng nên đến giây phút chia ly, Armand “không thể tin được cái ngày hôm nay lại không giống những ngày đã qua trước đây… Có những giây phút, tôi tưởng như mình đã sống suốt đêm xa ngôi nhà Marguerite đang ở…và nàng sẽ hỏi: ai đã giữ tôi ở xa nàng như thế. Khi cuộc sống đã đem lại thói quen của mối tình đó, thì cái thói quen đó không thể bị phá hủy được nếu đồng thời không phá hủy những cơ cấu khác của cuộc đời… Thân thể tôi quỵ xuống, đưới sự sụp đổ tinh thần, bất lực không còn cử động được…Tôi chỉ cảm thấy điều tôi làm, khi đã đi khuất thành phố. Và cái cô đơn của con đường nhắc tôi cái hiu quạnh của trái tim. Thế là nước mắt tôi lại trào ra.” Armand- chàng trai ấy đã khóc chi chia xa người yêu Marguerite. Anh trải qua mọi cung bậc cảm xúc từ đau khổ, hận thù, hoài nghi rồi lo sợ. Người đàn ông sau khi đã cống hiến hết sức lực lúc yêu, đến lúc lìa xa điều mình đã dành biết bao yêu thương, cuộc sống trở nên trống trải và khó khăn không tưởng. “Ban đêm tôi ngủ rất ít. Tôi nằm mơ thấy Maguerite. Tôi tỉnh giấc, giật mình, không hiểu tại sao mình đang ở trong một cái xe. Thế rồi, thực tại đã trở về trong trí não tôi và tôi gục đầu trên ngực.”
Còn nàng Marguerite thì sao? Bên ngoài nàng vẫn vẻ kiêu sa và lãnh đạm nhưng sâu bên trong là bão đông đang ăn mòn thể xác và tinh thần nàng. Nàng tin rằng quá khứ của nàng không cho phép nàng được hưởng một hạnh phúc quá lớn lao và quá lâu như thế. Nàng tin rằng nàng đáng bị trừng phạt, nàng không có quyền được mơ ước về tương lai xa xôi mơ mộng ấy. Và nàng vì địa vị và con đường tiến thân của Armand, vì cô em gái của anh thậm chí nàng vẫn chưa biết mặt mà quyết định đến giây phút chia cách. Nàng tìm đến rượu, thú vui sa đọa để trở nên điên và khuây khỏa nỗi sầu muộn như một cái xác không hồn. Nàng xanh xao, buồn bã, ngày càng gầy yếu và người đời bắt đầu quên lãng quên nàng như quên một món hàng cũ đã từng đắt giá. Những dòng nhật kí mà Marguerite viết cho Armand mỗi ngày khi nàng bên rìa cuộc sống, những nỗi đau mà nàng trải qua và lời nguyện cầu khẩn thiết của nàng đến Chúa đã khắc một nỗi buồn da diết lên trái tim tôi. Mỗi lần đọc đến dòng chữ “Anh Armand dấu yêu ơi!” tôi cảm tưởng như cảm xúc đè nén trong trái tim nàng kĩ nữ cao quý ấy chỉ chực trào ra nơi con chữ. Người con gái đáng thương ấy, đến giây phút cuối đời cũng không được ra đi trong vòng tay yêu thương. Giá như, lúc ấy Armand không quá hờn ghen, bỏ qua mọi hận thù mà bên cạnh nàng, thì cái chết của nàng đã đẹp đẽ và bớt cô đơn biết bao. Nàng ra đi trong đêm lạnh với trái tim tê tái, mỏi mệt vì phải cố gồng mạnh mẽ chống chọi bão tố cuộc đời.
Câu chuyện có cái kết buồn đầy tiếc nuối nhưng không bi lụy. Ít nhất Armand đã thực hiện điều cuối cùng anh có thể làm cho người anh yêu và được gặp lại nàng lần cuối dù chỉ là nàng chỉ còn là một cái xác lạnh lẽo. Sau cùng, cuốn sách là lời nhắc nhở về tình yêu thương chân thành, là món quà dành cho những con người lạc lối trên con đường tìm kiếm yêu thương đích thực.
Và “Người sẽ được tha tội nhiều, bởi vì người đã thương yêu nhiều”. Vậy nên hãy cứ yêu thương khi còn có thể….
Tác giả: Vivian - Bookademy
-----
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về:[email protected]
Nếu bạn có thể đọc điều này mà không rơi nước mắt, bạn không có cảm xúc gì cả. Một tác phẩm kinh điển.