Khi căn phòng sạch sẽ và không còn bừa bộn nữa, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét tình trạng bên trong của mình. Bạn có thể nhận ra bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang cố tình tránh né và buộc phải xử lý chúng. Từ giây phút bắt đầu dọn dẹp, bạn sẽ buộc phải tái tạo cuộc sống của mình. Kết quả là cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi.

Tôi ném người xuống giường. Thở phì phò. Tia nắng vàng cam gay gắt còn sót lại của một buổi chiều hè vẽ một đường chéo, xuyên qua tấm cửa kính dày và đáp xuống căn phòng nhỏ, dệt nên bức tranh sáng tối. Không biết lần thứ bao nhiêu tôi bước vào căn phòng mình với sự bất lực. Bề bộn, lộn xộn, hỗn tạp. Chỉ với giá sách góc phòng kia, chiếc giá sách cứ đầy lên mãi đã ngốn kha khá thời gian của tôi. Biết bao lần tôi lấy động lực dọn dẹp… nhưng như đổ nước vào thùng vỡ, mọi thứ dường như đều trở lại vị trí thuở ban đầu của nó. Nhiều lúc, tôi tự hỏi liệu có cách nào dọn dẹp và sắp xếp không gian sống hiệu quả không. Và rồi chợt một tia sáng loé lên trong đầu. Tôi đã đọc nhiều sách dạy về kỹ năng: giao tiếp, học tập, thuyết trình,… vậy tại sao tôi lại không tìm một cuốn sách dạy về dọn dẹp nhà cửa nhỉ. Thế là tôi bắt tay vào lùng sục trên các trang mạng và “Nghệ thuật bài trí của người Nhật” của Marie Kondo đã đến với tôi, một cách tự nhiên như thế đó.

Có bao giờ bạn nghe về nghệ thuật bài trí? Có bao giờ bạn nghe đến cái tên Marie Kondo? Nếu chưa thì cũng không sao vì…bạn cũng giống tôi mà! Tôi còn chưa bao giờ tưởng tượng một ngày nào đó, khẩu vị của tôi lại đổi sang một món mới mang tên “dọn dẹp nhà cửa”, nhưng đó là sự thật. Cái tên Marie Kondo lấp ló đâu đó trong trí nhớ tôi. Phải chăng một người bạn của tôi khi được thuyết trình về một cuốn sách mình yêu thích  đã say sưa kể phép màu của việc dọn dẹp? Và chính vì lẽ đó, không một chút lưỡng lự tôi đã quyết định “rinh “ cuốn sách về nhà? Ở thời điểm ấy, tôi không chuyên chú, nhưng giờ đây dọn dẹp đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của tôi.

Marie Kondo sinh năm 1985, Tokyo, Nhật Bản. Cô bắt đầu đọc các tạp chí nội trợ từ lúc 5 tuổi, yêu thích trật tự và vẻ đẹp của những không gian được sắp xếp đẹp đẽ mà nhìn thấy trong những tờ tạp chí đó. Sau đó, khi 15 tuổi, bắt đầu tìm hiểu nghiêm túc về việc dọn dẹp nhà cửa. Hiện tại,  cô điều hành một công việc kinh doanh dịch vụ tư vấn thành công ở Tokyo nhằm giúp đỡ các khách hàng biến ngôi nhà bừa bãi của họ thành những không gian đẹp, yên bình và đầy cảm hứng. Cô đã xuất bản nhiều sách vớinhững thành tích rất “khủng”: Sách bán chạy trên Amazon 2014, 2015. Hơn 3 triệu bản được bán, trở thành #1 New York Times bestseller, International Bestseller.  Có lẽ cả bạn và tôi sẽ ngạc nhiên và tự hỏi “vì đâu nên lẽ đó”. Nhưng nếu lật giở từng trang sách, tôi nghĩ cuốn sách thật đúng với cái tên Tiếng Anh của nó The Life- Changing magic of tidying – phép màu của việc dọn dẹp. Dọn dẹp đâu chỉ dừng lại là làm cho ngôi nhà của bạn trở nên gọn gàng, ngăn nắp hơn. Dọn dẹp là cả một nghệ thuật, đòi hỏi phải có tư duy và nhiều hơn những đức tính tốt đẹp là sự kiên nhẫn và sạch sẽ. Tôi thiết nghĩ thật không quá khi cho rằng, cuốn sách của Marie Kondo là bước đột phá, giúp thay đổi cách nghĩ thông thường về việc dọn dẹp nhà cửa.

THAY ĐỔI TƯ DUY

Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”. Câu nói này dường như quá phổ biến đến nỗi chúng ta chẳng cần phải bàn cãi gì thêm. Nhưng thực tế thì sao? Chúng ta vẫn là những con người rất ngại thay đổi. Chúng ta ngại thay một kiểu thời trang hợp thời hơn, chúng ta ngại tiếp cận nguồn tri thức mới,… chúng ta ngại ngại và ngại rất nhiều thứ, nhưng cái ngại đáng sợ nhất là ngại đổi mới tư duy. Yahoo! đã từng là một trang web “trùm sò” với doanh thu hàng năm cực khủng nhưng rồi sao? Sự thay đổi chóng mặt của công nghệ thông tin, tuy nhiên đi kèm với đó lại là sự chậm trễ trong việc đổi mới đã khiến Yahoo! rơi vào cảnh khốn cùng. Chẳng nói đâu xa, cuộc đấu tranh giữa xe ôm truyền thống và hiện đại Grab, Uber,… vẫn chưa hết nóng lại một lần nữa khiến chúng ta nhận thức của việc đổi mới, đặc biệt là tư duy. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc, tại sao tôi lại đưa ra một vấn đề có vẻ chẳng liên quan gì đến cuốn sách tôi đề cập đến trước đó. Nhưng không! Tôi muốn đưa trước một sự chuẩn bị cho bạn để đón nhận sự đổi mới về tư duy dọn dẹp, đó là điều cần thiết giúp  bạn có thể lĩnh hội tốt nhất những gì trong cuốn sách.

DỌN DẸP - HƯỚNG TIẾP CẬN MỚI

Tại sao chúng ta cần phải dọn dẹp? Sẽ có vài chiếc gạch đầu dòng được đưa ra: vì căn phòng quá bề bộn, vì cần không gian trống đề đồ, vì bề bộn khiến tôi tức tối,… có quá nhiều lý do để buộc ta phải dọn dẹp. Nhưng “dọn dẹp chỉ là công cụ, chứ không phải là đích đến”.

 

Nếu dọn dẹp đơn thuần chỉ là làm cho không gian sống sạch sẽ, thì cuốn sách này quả thực không có gì đáng nói. Cái hay và độc đáo là hướng tiếp cận việc dọn dẹp nhà cửa của tác giả. Hãy để suy nghĩ bay xa hơn một chút. “Khi căn phòng sạch sẽ và không còn bừa bộn nữa, bạn không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét tình trạng bên trong của mình. Bạn có thể nhận ra bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang cố tình tránh né và buộc phải xử lý chúng. Từ giây phút bắt đầu dọn dẹp, bạn sẽ buộc phải tái tạo cuộc sống của mình. Kết quả là cuộc sống của bạn bắt đầu thay đổi”. Marie luôn tuân theo một nguyên tắc trọn đời mà cô gọi là phương pháp "KonMari": chỉ giữ lại những thứ mang đến niềm vui trong cuộc sống.Từ "niềm vui" không chỉ bao hàm vật chất, nó bao gồm cả khía cạnh tinh thần trong cuộc sống của mỗi người. "Muốn có niềm vui trong cuộc sống thì phải thay đổi những quan điểm cố hữu, bỏ đi những định kiến. Bạn sẽ thấy rằng cuộc sống trở nên thoải mái và thanh thản hơn.Như vậy, dọn dẹp chính là một cách đối diện với bản thân và vấn đề của mình. Một căn phòng ngăn nắp và thông thoáng dường như cũng phản chiếu một tâm hồn rõ ràng và thông thoáng như thế.

 

Việc dọn dẹp là cả QUÁ TRÌNH TƯ DUY. Có thể bạn nghĩ rằng tôi đang làm phức tạp hoá một vấn đề hết sức đơn giản nhưng thực tế rằng số người am hiểu về dọn dẹp và nguyên tắc bài trí là rất ít. Trong cuốn sách này, tác giả đã đúc kết 2 điều cơ bản của bất kỳ công việc dọn dẹp nào: “ Việc dọn dẹp hiệu qủa chỉ gắn với hai hành động cơ bản: từ bỏ vật dụng và quyết định nên cất giữ vật dụng ở đâu. Trong đó, từ bỏ là hành động phải thực hiện trước”. TỪ BỎ có lẽ là từ khoá để hướng đến việc dọn dẹp triệt để  và hiệu quả trong một lần. “ Một cuốn sách hay, nếu đến với bạn đúng lúc, có thể thay đổi cả cuộc đời bạn.  Tôi không biết mình đã đọc bao nhiêu cuốn sách để chiêm nghiệm điều này là đúng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, cuốn sách này đã thay đổi tư duy của tôi về việc dọn dẹp. Tôi phải thừa nhận mình là một kẻ thích tích trữ. Tôi thích giữ lại tất cả món đồ mình cho là có thể dùng đến trong tương lai hoặc những món đồ coi đó là kỷ niệm. Những đồ vật đó cứ nằm yên bất động ngày qua ngày hoặc đôi khi là xê dịch đi chỗ khác, nhưng có một điều tuyệt nhiên cố định là tôi chưa bao giờ ngó ngàng đến chúng. Cơ hồ đã rất nhiều lần tôi tưởng tượng đến viễn cảnh mình sẽ ngắm nhìn những món đồ ấy và ngập tràn trong xúc cảm kỷ niệm… nhưng 5 năm và lâu hơn thế tất cả chỉ nằm dưới một lớp bụi dày. Chúng ta luôn đắn đó, lưỡng lự thậm chí cảm thấy tội lỗi nếu bỏ đi một món đồ nào đó mặc dù trong tương lai ta thậm chí có thể lãng quên nó. “Nghệ thuật bài trí của người Nhật” sẽ giúp ta đưa ra quyết định đúng đắn, khôn ngoan và quyết đoán hơn về việc loại bỏ để đến bước tiếp theo của quá trình dọn dẹp: sắp xếp.

 

Sắp xếp không phải là nhấc vật này và đặt ở vị trí kia, mà giống như vẽ hình học không gian, bạn phải mường tượng trong đầu một bức tranh tương đối toàn diện về vị trí các vật sẽ được xếp và dự trù cả những trường hợp có thể xảy ra cho từng đồ vật ở mỗi vị trí. Nghe có vẻ phức tạp nhỉ? Nhưng đó là một quy trình được thực hiện trong bộ não chúng ta mà lúc đó ta ở trạng thái “ vô thức”. Trong từng chương sách của mình, Marie Kondo sẽ hé lộ những tips dọn dẹp, sắp xếp để giúp quá trình tư duy của chúng ta trở nên rõ ràng, sâu sắc và tiết kiệm thời gian hơn.

Dọn dẹp là YÊU THƯƠNG. Bạn thấy kỳ lạ đúng không? Tôi cũng không khỏi ngạc nhiên và cảm thấy thú vị với lối tiếp cận đầy mới mẻ của Marie Kondo. Đối với cô, đồ vật giống như những người bạn nhỏ. Và dọn dẹp chính là lúc ta trân trọng và học cách yêu thương những người bạn nhỏ đã gắn bó, gần gũi với mình:

Mỗi đồ vật đều đóng một vai trò khác nhau. Không phải tất cả quần áo đến với bạn đều sẽ được mặc đến khi xác xơ. Với con người cũng vậy, không phải tất cả những người bạn gặp trong đời đều sẽ trở thành bạn thân hoặc người yêu. Bạn sẽ thấy có vài người khó kết bạn hoặc thực sự khó ưa. Nhưng họ cũng dạy cho bạn bài học quý giá về những người mà bạn thích, nhờ đó bạn càng trân trọng những người mà bạn yêu quý

Trong mỗi cách cư xử với đồ vật, Marie hết sức chân thành:

Việc gấp không phải là việc khiến quần áo được xếp vừa chặt trong ngăn kéo. Nó là một hành động chăm sóc, một biểu hiện của tình yêu và sự cảm kích vì quần áo đã giúp bạn tạo ra phong cách sống cho mình. Do đó, khi gấp quần áo, chúng ta cần đặt con tim mình vào từng hành động, cảm ơn quần áo vì chúng đã che chở cho chúng ta.

Nhắc đến hai từ “yêu thương” chúng ta chỉ nghĩ theo nghĩa hẹp của chúng. Đó là tình yêu giữa con người với con người, tình yêu đồng loại. Nhưng tình yêu thương sẽ trọn vẹn và đong đầy hơn nếu chúng ta biết san sẻ với vạn vật chung quanh,  đặc biệt là những vật tưởng chừng như vô tri vô giác. Đan xen trong mỗi chương sách còn có những mẫu chuyện nhỏ nhẹ nhàng về mối liên kết và sự kết nối của Marie với thế giới đồ vật.

 

HƠN CẢ LÀ MỘT NIỀM ĐAM MÊ

"Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê’’

                                                                                                ( Nick Vujicic)

Đúng như tên gọi, đây không phải là một cuốn sách “self-help” được viết ra với mục đích khơi gợi niềm đam mê. Nhưng đây chắc chắn là cuốn sách được viết bằng cả một niềm đam mê cháy bỏng về việc dọn dẹp. Một đam mê mà đôi khi chúng ta chỉ biết dùng từ “ Dị” để diễn tả. Có thể sau khi đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ thốt lên rằng: cô ấy thật may mắn vì đã tìm được niềm đam mê từ khi còn nhỏ. Nhưng đam mê ấy sẽ không thể lớn lên và phát triển nếu ta không biết nuôi dưỡng, nếu ta không có sự ham học hỏi và tìm tòi. Không có gì là dễ dàng. Chính Marie,  trong cuốn sách của mình đã chia sẻ những khó khăn mà cô gặp phải khi theo đuổi đam mê được cho là dị biệt ấy.

Khi học trung học cơ sở, tôi bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về việc dọn dẹp và cơ bản thì tôi thực hiện thường xuyên. Hàng ngày tôi chọn một nơi để dọn dẹp – phòng riêng, phòng của anh trai, phòng của em gái, phòng tắm. Mỗi ngày tôi đều lập kếu hoạch dọn dẹp ở đâu và đơn độc triển khai những chiến dịch tương dự chiến dịch bán hàng vậy. “Ngày mùng 5 hàng tháng là phòng khách!”, Hôm nay là ngày dọn dẹp bát đĩa”, “Ngày mai, mình sẽ chinh phục các tủ đồ trong phòng tắm!"

Cô ấy có niềm đam mê. Nhưng chưa đủ. Cô ấy còn có những kế hoạch rõ ràng để theo đuổi mục tiêu của mình. Kiên trì. Bền bỉ. Để từ một cô bé tò mò trở thành một chuyên gia sắp xếp và dọn dẹp, hẳn đó phải là quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ.

Nếu bạn đang gặp rắc rối về việc dọn dẹp, sắp xếp và bài trí không gian sống, hay đơn giản là một chút tò mò hoặc muốn đổi món, tôi nghĩ “Nghệ thuật bài trí của người Nhật” có lẽ là sự lựa chọn tốt cho bạn. Nhưng đừng cảm thấy ám ảnh bởi hai từ “dọn dẹp” bạn nhé, hãy xoay góc nhìn theo nhiều hướng hơn một chút, bạn sẽ tìm thấy, bên cạnh đó còn biết bao bài học, quan điểm đầy giá trị.

 

Tác giả: Linh Phương - Bookademy

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

 

Xem thêm

2,5 sao. Tôi đoán đọc một cuốn sách về dọn dẹp cũng hơi lạ, nhưng tôi luôn có hứng thú với chủ nghĩa tối giản, sắp xếp gọn gàng và những thứ tương tự, đặc biệt là trong khoảng năm ngoái. Tôi đã vứt bỏ rất nhiều đĩa CD, DVD, quần áo và sách trong năm qua và cảm thấy hơi vội vàng mỗi khi quyên góp hoặc bán một chiếc túi khác. Tuy nhiên, về khoản ngăn nắp, tôi vô vọng, vì vậy tôi nghĩ rằng cuốn sách này có thể sẽ giúp tôi trở thành một người ngăn nắp. Tôi chắc chắn đã học được một số mẹo và thủ thuật từ cuốn sách này, và tôi rất biết ơn vì điều đó. Tôi đang trong quá trình dọn ra khỏi mái ấm của gia đình và đến nơi ở riêng lần đầu tiên, và bây giờ tôi và bạn trai sẽ có không gian chung của riêng mình, tôi muốn tận dụng tối đa nó và giữ cho nó không bị lộn xộn. Tuy nhiên, tôi có một số vấn đề với Marie Kondo và 'Phương pháp KonMari' của cô ấy. Tôi thấy dễ dàng hơn với một cuốn sách như thế này để thảo luận về ưu và nhược điểm của mình dưới dạng danh sách, vì vậy đây là... Ưu điểm: - Tôi yêu thích ý tưởng về cách gấp quần áo để tạo được không gian và khả năng tiếp cận tối đa. Tôi đã thử cách gấp quần áo của cô ấy để đứng thẳng cạnh nhau với vô số áo liền quần của tôi, và thật là khác biệt! Thật dễ dàng để tìm đồ và đặt chúng trở lại, đồng thời có nhiều không gian hơn, vì vậy đây là thứ mà tôi muốn kết hợp với toàn bộ tủ quần áo của mình sau khi chuyển ra ngoài. - Thứ tự loại bỏ: Tôi thích việc cô ấy để lại những vật lưu niệm cá nhân và những thứ có tính chất như vậy cho đến cùng, và tôi đặc biệt thích cách tiếp cận của cô ấy trong việc phân loại ảnh và quà tặng vì đó là những thứ mà tôi đặc biệt đau đầu, theo một cách khó chịu.