So với Lối sống tối giản của người Nhật (Sasaki Fumio), Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondo) hay Muốn ít đi – Hạnh phúc nhiều hơn (Michelle), Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản sinh sau đẻ muộn hơn, và tất nhiên, cũng không thể đầy đủ, chi tiết bằng. Thế nhưng, đây lại là một hành trình khám phá tự thân để thay đổi lối sống, thay đổi bản ngã một cách rất riêng, gói ghém gần như trọn vẹn những trải nghiệm của Chi Nguyễn – một nghiên cứu sinh ngành giáo dục và chủ nhân blog The Present Writer.

Chi có thể không phải là người Việt đầu tiên tìm hiểu và ứng dụng lối sống này, nhưng lại là người Việt đầu tiên viết ra quá trình tối giản hóa cuộc sống (và cả tư duy) của mình trong một cuốn sách hoàn chỉnh.

Có lẽ, lợi thế ngôn ngữ và văn hóa (so với các bản dịch về một nền văn hóa khác) cùng với văn phong khúc chiết, gãy gọn, chân phương, khiêm tốn, ít màu mè và có phần… thật thà của một người làm khoa học đã giúp cho những đúc rút của Chi trở nên dễ hiểu, dễ hình dung và dễ áp dụng hơn rất nhiều.

Bằng một lẽ nào đó, câu chuyện riêng của Chi cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người. Sẽ có đôi lần chúng ta soi vào mỗi câu chuyện và nhìn thấy chính mình trong những trải nghiệm tương tự. Mặc dù hiện tại Chi đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng bạn sẽ thấy rất quen thuộc với hình ảnh ngôi nhà nhỏ 4 tầng mà Chi từng sống với gia đình suốt hơn 25 năm ở thủ đô Hà Nội hay những lần chuyển nhà khổ sở và đầy “hoảng loạn” mà cô nàng đã trải qua trong cuộc đời du học sinh của mình. Nỗi sợ hãi mang tên “chuyển nhà” (mà tôi chắc chắn bất cứ ai cũng từng gặp phải trong đời) chính là một trong những cơ duyên đưa Chi đến với lối sống tối giản ngày hôm nay.

Khác với những cuốn sách cùng chủ đề, ở đây, bí quyết tiếp cận với chủ nghĩa tối giản và áp dụng thực tiễn của Chi khá đơn giản, chỉ chiếm khoảng 1/3 cuốn sách. Phần còn lại, cô nói về những thay đổi trong tư duy và cách sống tối giản. Vậy nên, như cô “thú nhận”, đây đúng hơn là một cuốn sách về sự-thay-đổi.

 

 

Một trong những điều tôi thích nhất ở cuốn sách này là Quy luật 80/20 (hay còn gọi là Quy tắc Pareto). Bạn sẽ nhận ra rằng, chỉ có 20% đồ đạc trong nhà được sử dụng đến 80% thời gian trong năm. Tương tự, sẽ chỉ có 20% người bạn quen mang lại 80% hạnh phúc khi bạn tiếp xúc với họ. Vậy nên, hãy luôn đặt câu hỏi: 20% nào (công việc, đồ đạc, các mối quan hệ) mang lại cho bạn 80% thành quả. Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ tìm được thứ cần ưu tiên, đồng thời loại bỏ dần những điều ít mang lại giá trị trong cuộc sống. Đó chính là sự thanh lọc có-chủ- đích mà lối sống tối giản hướng tới.

Sau nhiều biến cố (đặc biệt là lần suýt lạc mất chú mèo Friday chỉ vì không-sống-cho-hiện-tại), Chi cũng nhận ra rằng sống tối giản không chỉ dừng lại ở việc chọn lọc những món đồ quan trọng nhất mà còn là chọn lọc, ưu tiên những thời điểm quan trọng nhất, với những mối quan hệ có ý nghĩa nhất. “Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn bình an, bạn đang sống trong hiện tại” (Lão Tử). Sống cho hiện tại, tư duy tích cực và biết ơn những gì đang có là cách để tận hưởng những chân giá trị của cuộc đời. Đó cũng là lý do Chi Nguyễn trở thành một “người viết ở thời hiện tại” (The Present Writer).

 

Chi tự nhận mình không phải là một người hoàn toàn tối giản. Cô vẫn thích đọc sách in và vẫn có một “bộ sưu tập” sách cho riêng mình. Bạn cũng vậy, không cần phải quá khắt khe ngay khi bắt đầu, không bắt buộc phải sống tối giản ngay khi đóng cuốn sách này lại. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất, bởi vì mọi thứ đều là sự lựa chọn, và cần cả cơ duyên.


Nguồn: elle.vn

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

 

Xem thêm

Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản - Bạn sẽ không tìm thấy cách dọn dẹp nhưng có thể tìm thấy chính mình.

Mình là người khổ sở vì thiếu đồ đạc. Sinh ra là con út trong một gia đình đông con và luôn phải dùng lại đồ của các anh chị. Mình đã hình thành tư duy gắn niềm vui với việc sở hữu đồ đạc mới. Khi lớn lên mình thường mua sắm nhưng không bao giờ có cảm giác đủ.

"Thêm nhiều đồ đạc không đồng nghĩa với thêm hạnh phúc". Mình thực sự ngộ ra chân lí khi đọc tới câu này. Vấn đề không phải ở số đồ mình có mà vấn đề nằm ở tư duy của mình với chúng. Ban đầu mình lựa chọn cuốn sách này vì đã biết đến tác giả của nó qua blog. Chi Nguyễn hay được biết đến với bút danh The Present Writer là tiến sĩ giáo dục đang giảng dạy tại Mĩ. Đây là cuốn sách đầu tiên của cô và cũng là cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam viết về chủ đề tối giản.

Trước đó mình đã đọc một vài cuốn về cùng chủ đề và thực hành lối sống tối giản nhưng thất bại. Khi bắt gặp tác giả đưa ra định nghĩa, phân tích từ ưu điểm đến nhược điểm của chủ nghĩa tối giản một cách gần gũi và gắn liền với nhiều nét văn hoá rất Việt Nam thì mình hoàn toàn bị thuyết phục. Mình tự nhận ra những sai lầm với cách tiếp cận trước kia của mình.Ngoài việc tập trung vào sự tối giản vật chất tác giả còn nhắc đến tối giản toàn diện. Sự tối giản về tinh thần với tư tưởng "Be present" chính là nơi bạn sẽ tìm thấy chính mình. "Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn thấy bình an, bạn đang sống trong hiện tại".

Vì cuốn sách tập trung vào việc giúp bạn hiểu về chủ nghĩa tối giản toàn diện cả về vật chất và tinh thần. Tác giả nêu rõ phương pháp nhưng còn thiếu đi những bài tập thực hành cụ thể để độc giả thực hiện. Nhưng bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy bài thực hành ở những cuốn sách cùng chủ đề.

Mình đã thực hiện một trình tự ngược. Thực hành ngay khi đang mơ hồ về lí thuyết. Khi đã hoàn thành xong cuốn sách này và quay lại với các bài thực hành ở các cuốn trước cuộc sống của mình đã hoàn toàn thay đổi.

Cảm ơn vì sự xuất hiện "Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản"

0 điểm

"Mình là một tín đồ của chủ nghĩa tối đa nên mình sẽ không thể nào ngấm nổi cuốn sách này!"

… là những gì hiện lên trong đầu tôi khi cầm trên tay món quà từ chị mentor yêu dấu - Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản của tác giả Chi Nguyễn.

Trong khi lối sống tối giản (minimalism) dần trở thành xu hướng mà người người theo đuổi thì tôi lại thuộc về nhóm còn lại - những người chung thủy với chủ nghĩa tối đa (maximalism). Tôi thấy thoải mái và hài lòng với những lựa chọn phong phú và sự phồn đa trong cuộc sống. Đồng thời tôi cũng e ngại rằng tối giản hóa mọi thứ sẽ đem lại sự nhàm chán và bất tiện, dù là trong việc chọn quần áo trưng diện hàng ngày hay bày biện đồ đạc trong nhà. 

Vì lẽ ấy mà tôi đã hơi ngạc nhiên khi nhận được món quà mà theo lời mentor của tôi — “Rất hợp với em.”. Nhưng đã là quà, là tấm lòng và tâm ý của người chị, người thầy, người đồng hành mà tôi yêu quý thì dù có khó ngấm thế nào tôi cũng nên đọc cuốn sách một cách nghiêm túc. Thêm vào đó, sách thơm mùi giấy mới và sự giản đơn nhưng thanh lịch, không hề mất đi tính nữ dịu dàng của bìa sách cũng thu hút ánh mắt tôi. Nghĩ vậy, tôi đã lật từng trang của Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản và bất ngờ thay, nhanh chóng bị thuyết phục mà đưa nó vào danh sách “Những tác phẩm đo ni đóng giày dành cho mình”.

Cuốn sách của chị Chi Nguyễn không phải là cẩm nang hướng dẫn cách sống vui, sống khỏe với ít đồ đạc nhất có thể, cũng chẳng phải bản Thánh kinh mang tính giáo điều về một lối sống lành mạnh và thân thiện với môi trường (may quá ). Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản chỉ đơn giản là “một cuốn sách về Sự-Thay-Đổi” mà thôi.

Tối giản thực chất là gì?

Tối giản nôm na là loại bỏ những thứ dư thừa, tập trung vào những điều thực sự cần thiết, ý nghĩa để cuộc sống trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Có lẽ vì vậy mà nhiều người, trong đó có tôi, thường hiểu một cách rất “nông” rằng sống tối giản là vứt bỏ bớt đồ đạc không cần thiết và hạn chế mua sắm. 

Tuy nhiên, cái “tối giản” mà Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản hướng tới không chỉ nhắm vào khía cạnh vật chất trong cuộc sống. Sự ngổn ngang, hỗn độn trong tâm hồn và cảm xúc cũng là một trạng thái phức tạp mà chúng ta cần phải dọn dẹp, sắp xếp sao cho… tối giản. Tối giản trong cả cuộc sống vật chất lẫn tinh thần mới là sự tối giản toàn diện (holistic minimalism) mà chị Chi Nguyễn muốn nhắn nhủ tới độc giả của mình.

Tâm trí rối rắm, phức tạp khiến chúng ta mắc kẹt trong những mối quan hệ độc hại và những suy nghĩ vẩn vơ, tiêu cực. Ta dần mất phương hướng và không biết đâu là những điều cần ưu tiên, ai là những người cần trân quý, nơi nào xứng đáng để tiêu tốn thời gian và tinh lực quý giá. Cuộc đời mà ta đang sống cũng bởi vì thế giới tinh thần quá đỗi phức tạp mà thành ra nhập nhằng, lắt léo. Và lẽ đương nhiên, ta chẳng thể nào thanh thản, an bình như ta hằng mong muốn. Điều này, mãi tới khi dõi mắt theo từng hàng chữ trong Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản, tôi mới dần dà vỡ lẽ.

Bằng những chia sẻ chân thành, hành văn đơn giản, trực tiếp, dễ hiểu và ngôn từ mộc mạc, tác giả Chi Nguyễn đã trao cho tôi một góc nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về lối sống tối giản. Sống tối giản không chỉ đơn thuần là bỏ đi vài món nội thất hay bớt đi vài bộ quần áo mà còn là “gạn đục khơi trong” những việc và người, những mối quan hệ và vướng bận xung quanh. Sống tối giản toàn diện, trên thực tế, là một cuộc cách mạng về sự thay đổi từ trong ra ngoài, từ đời sống tinh thần cho tới đời sống vật chất. Làm được như vậy tức là đã tiếp cận rất gần với phương pháp toàn diện và tối ưu giúp chúng ta quản trị cuộc đời và tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất. 

Nếu bạn hài lòng với sự tối giản, bất kể là trên khía cạnh vật chất hay tinh thần, hay thậm chí là cả hai, hẳn bạn sẽ rất tâm đắc trước những đúc kết của tác giả và sẽ phải gật gù với từng câu từng chữ trong cuốn sách. Còn nếu bạn cũng như tôi, không thấy thoải mái với việc nhà cửa quá trống trải hay tủ đồ quá đơn điệu, thì… cũng chẳng sao cả! Bạn vẫn có thể thưởng thức Một Cuốn Sách Về Chủ Nghĩa Tối Giản trong không gian nhiều đồ đạc và rút ra được nhiều bài học bổ ích về cách đối nhân xử thế, sắp xếp công việc và các ưu tiên… để khiến cuộc sống của mình trở nên thuần túy, từ đó hạnh phúc và ý nghĩa hơn.

0 điểm

Chắc hẳn bạn sẽ biết đến cái tên “The Present Writer” (tạm dịch: Người viết ở hiện tại) hay còn có một cái tên khác là Chi Nguyễn nếu bạn là một người thích nghe podcast, thích nghe và tìm hiểu về những câu chuyện, những bài học trong cuộc sống. Từ blog cá nhân được xây dựng và phát triển từ năm 2016, cô tạo ấn tượng và lan tỏa các thông điệp của mình thông qua Youtube và Podcast. Các chủ đề của “The Present Writer” thường đề cập về bài học cuộc sống, phát triển bản thân hay chủ nghĩa tối giản. Trong đó, chủ nghĩa tối giản là đề tài mà tôi muốn review hôm nay, thông qua một quyển sách có tên “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”.“Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”, đây chỉ là một trong nhiều quyển sách viết về đề tài mà chúng ta cũng có thể đoán ra ngay từ khi đọc tựa đề. Bởi lẽ, chủ đề về cuộc sống tối giản đã và đang là trào lưu của rất nhiều người Nhật, Mỹ và các nước ở Châu Âu khác, nhưng tại Việt Nam thì có thể nói rằng, cuộc sống tối giản là một cái gì khá xa lạ. Có lẽ đây là nguyên nhân mà tác giả muốn gửi đến tác phẩm xuất sắc này. Giống như nội dung của sách, việc đặt nhan đề cũng đã nói lên phần nào nội dung mà tác giả muốn đề cập: Đây là một quyển sách viết về Chủ nghĩa tối giản. Lần này, mình sẽ không đề cập quá nhiều về nội dung bên trong, vì đã có vô số bài review đặc sắc về chúng được đăng tải trên mạng xã hội rồi.Thật ra, điều khiến tôi ấn tượng đầu tiên, trước khi bắt đầu tìm hiểu những điều thú vị bên trong là trang bìa mà nền xanh là chủ đạo, kèm theo đó là những hình ảnh thường nhật_ảnh của một cô gái bên một chiếc hoàng thượng. “À, mình đây mà!”, chắc hẳn đây sẽ là suy nghĩ của nhiều người bạn trẻ khi bắt gặp hình ảnh này, vì đây chính là cuộc sống mà nhiều người hiện đại ngày nay lựa chọn. Nếu bạn tìm hiểu các bài review khác trên các trang mạng, bạn sẽ thấy Giang Ơi cũng đã chia sẻ về điều này. Lí do là gì chứ? Có lẽ, bạn sẽ biết được điều đấy khi bắt đầu tìm hiểu “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” đấy!Bên cạnh đó, mình rất thích cái tựa đề rất “tối giản” này. Không hề có sự ẩn dụ, ma mị hay dẫn dắt, thu hút sự tò mò của người đọc, tác giả đã đưa cái suy nghĩ tối giản của mình vào tựa đề, nhằm nói lên mục đích của sự ra đời tác phẩm này cũng rất tối giản. Mình cảm thấy rằng, “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” đã thật sự làm tốt công việc của nó, đó là sự tối giản từ hình thức cho đến nội dung.

“Tại sao tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản (Minimalism)?”_Chi Nguyễn.

Thật khó để hình dung một cách rõ ràng về khái niệm “Chủ nghĩa tối giản”, vậy thì việc sống theo chủ nghĩa tối giản lại là một điều vô cùng khó khăn nhưng cũng lại là một điều đặc biệt. Khi biết loáng thoáng đến cụm từ này, tôi đã tự hỏi rằng “Tại sao nó lại đặc biệt?”, chắc hẳn bạn cũng như thế phải không? 

Cụm từ này đã trở thành một trào lưu sống mới, phát triển rất mạnh mẽ tại Mỹ, Nhật Bản, và các nước châu Âu nhưng với người Việt Nam, thì nó có thật sự được biết đến như thế không? Với những trăn trở này, một nghiên cứu sinh, một người làm khoa học, một blogger trẻ_Chi Nguyễn đã viết và cố gắng truyền tải một cuộc sống tốt đẹp hơn đến độc giả Việt Nam thông qua các bài đăng tải của mình. Và sau hơn một năm cố gắng, cô ấy đã quyết định cho ra đời “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” để hệ thống và củng cố lại những gì mình đã viết.

“Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” được viết với tư duy tuyến tính, logic, rõ ràng và sâu sắc, nó mang đậm phong cách của một người làm khoa học, nghiên cứu. Và đúng như tên gọi, đây chỉ là một trong nhiều cuốn sách viết về Chủ nghĩa tối giản, nhưng không vì thế mà nó trở nên bình thường, đại trà. Nó mang một phong cách độc đáo, khác biệt so với những tác phẩm cùng đề tài khác. Bởi, nó bước ra từ những trải nghiệm của một người sinh sống và làm việc lâu năm tại nơi mà Chủ nghĩa tối giản được xem như là một trào lưu. Nó được lồng ghép giữa khoa học và thường thức, giữa kinh nghiệm của bản thân và những sự gợi mở cho sự chiêm nghiệm. Nhưng không phải vì thế mà nó trở nên khô khan, cứng nhắc bởi những phương pháp hay cách thức được đề ra. Khi đọc tác phẩm này, tôi đã cảm thấy thoải mái bởi cách hành văn tự nhiên và rất tâm lý của tác giả. Cô ấy không xem chúng ta như những độc giả, mà lại đặt toàn bộ tâm tư và kinh nghiệm của mình để đồng hành cùng chúng ta như những người bạn trên con đường đi đến một cuộc sống mới. 

Ở “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”, thật khó để thấy những công thức, những khuôn mẫu rằng “phải”, “nhất định”...làm một cái gì đó để có được một cuộc sống tối giản, một cuộc sống hạnh phúc. Vì điều ấy mà sẽ chẳng có cái gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai ở đây cả. 

Thật sự thì, mình yêu thích quyển sách này không chỉ bởi văn phong hay những bài học mà mình rút ra được sau khi tiếp xúc và tìm hiểu nó, mà chỉ đơn giản là sự đồng cảm_đồng cảm bởi chính bản thân cũng là một con người bận rộn với những tất bật do chính mình tạo ra. Đọc sách, mình chỉ có thể thấy bản thân ở trong đó mà cố gắng phấn đấu để thay đổi bản thân mà thôi. Còn bạn thì sao, bạn có giống như mình không?