So với Lối sống tối giản của người Nhật (Sasaki Fumio), Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondo) hay Muốn ít đi – Hạnh phúc nhiều hơn (Michelle), Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản sinh sau đẻ muộn hơn, và tất nhiên, cũng không thể đầy đủ, chi tiết bằng. Thế nhưng, đây lại là một hành trình khám phá tự thân để thay đổi lối sống, thay đổi bản ngã một cách rất riêng, gói ghém gần như trọn vẹn những trải nghiệm của Chi Nguyễn – một nghiên cứu sinh ngành giáo dục và chủ nhân blog The Present Writer.
Chi có thể không phải là người Việt đầu tiên tìm hiểu và ứng dụng lối sống này, nhưng lại là người Việt đầu tiên viết ra quá trình tối giản hóa cuộc sống (và cả tư duy) của mình trong một cuốn sách hoàn chỉnh.
Có lẽ, lợi thế ngôn ngữ và văn hóa (so với các bản dịch về một nền văn hóa khác) cùng với văn phong khúc chiết, gãy gọn, chân phương, khiêm tốn, ít màu mè và có phần… thật thà của một người làm khoa học đã giúp cho những đúc rút của Chi trở nên dễ hiểu, dễ hình dung và dễ áp dụng hơn rất nhiều.
Bằng một lẽ nào đó, câu chuyện riêng của Chi cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người. Sẽ có đôi lần chúng ta soi vào mỗi câu chuyện và nhìn thấy chính mình trong những trải nghiệm tương tự. Mặc dù hiện tại Chi đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng bạn sẽ thấy rất quen thuộc với hình ảnh ngôi nhà nhỏ 4 tầng mà Chi từng sống với gia đình suốt hơn 25 năm ở thủ đô Hà Nội hay những lần chuyển nhà khổ sở và đầy “hoảng loạn” mà cô nàng đã trải qua trong cuộc đời du học sinh của mình. Nỗi sợ hãi mang tên “chuyển nhà” (mà tôi chắc chắn bất cứ ai cũng từng gặp phải trong đời) chính là một trong những cơ duyên đưa Chi đến với lối sống tối giản ngày hôm nay.
Khác với những cuốn sách cùng chủ đề, ở đây, bí quyết tiếp cận với chủ nghĩa tối giản và áp dụng thực tiễn của Chi khá đơn giản, chỉ chiếm khoảng 1/3 cuốn sách. Phần còn lại, cô nói về những thay đổi trong tư duy và cách sống tối giản. Vậy nên, như cô “thú nhận”, đây đúng hơn là một cuốn sách về sự-thay-đổi.
Một trong những điều tôi thích nhất ở cuốn sách này là Quy luật 80/20 (hay còn gọi là Quy tắc Pareto). Bạn sẽ nhận ra rằng, chỉ có 20% đồ đạc trong nhà được sử dụng đến 80% thời gian trong năm. Tương tự, sẽ chỉ có 20% người bạn quen mang lại 80% hạnh phúc khi bạn tiếp xúc với họ. Vậy nên, hãy luôn đặt câu hỏi: 20% nào (công việc, đồ đạc, các mối quan hệ) mang lại cho bạn 80% thành quả. Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ tìm được thứ cần ưu tiên, đồng thời loại bỏ dần những điều ít mang lại giá trị trong cuộc sống. Đó chính là sự thanh lọc có-chủ- đích mà lối sống tối giản hướng tới.
Sau nhiều biến cố (đặc biệt là lần suýt lạc mất chú mèo Friday chỉ vì không-sống-cho-hiện-tại), Chi cũng nhận ra rằng sống tối giản không chỉ dừng lại ở việc chọn lọc những món đồ quan trọng nhất mà còn là chọn lọc, ưu tiên những thời điểm quan trọng nhất, với những mối quan hệ có ý nghĩa nhất. “Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn bình an, bạn đang sống trong hiện tại” (Lão Tử). Sống cho hiện tại, tư duy tích cực và biết ơn những gì đang có là cách để tận hưởng những chân giá trị của cuộc đời. Đó cũng là lý do Chi Nguyễn trở thành một “người viết ở thời hiện tại” (The Present Writer).
Chi tự nhận mình không phải là một người hoàn toàn tối giản. Cô vẫn thích đọc sách in và vẫn có một “bộ sưu tập” sách cho riêng mình. Bạn cũng vậy, không cần phải quá khắt khe ngay khi bắt đầu, không bắt buộc phải sống tối giản ngay khi đóng cuốn sách này lại. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất, bởi vì mọi thứ đều là sự lựa chọn, và cần cả cơ duyên.
Nguồn: elle.vn
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Chắc hẳn bạn sẽ biết đến cái tên “The Present Writer” (tạm dịch: Người viết ở hiện tại) hay còn có một cái tên khác là Chi Nguyễn nếu bạn là một người thích nghe podcast, thích nghe và tìm hiểu về những câu chuyện, những bài học trong cuộc sống. Từ blog cá nhân được xây dựng và phát triển từ năm 2016, cô tạo ấn tượng và lan tỏa các thông điệp của mình thông qua Youtube và Podcast. Các chủ đề của “The Present Writer” thường đề cập về bài học cuộc sống, phát triển bản thân hay chủ nghĩa tối giản. Trong đó, chủ nghĩa tối giản là đề tài mà tôi muốn review hôm nay, thông qua một quyển sách có tên “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”.“Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”, đây chỉ là một trong nhiều quyển sách viết về đề tài mà chúng ta cũng có thể đoán ra ngay từ khi đọc tựa đề. Bởi lẽ, chủ đề về cuộc sống tối giản đã và đang là trào lưu của rất nhiều người Nhật, Mỹ và các nước ở Châu Âu khác, nhưng tại Việt Nam thì có thể nói rằng, cuộc sống tối giản là một cái gì khá xa lạ. Có lẽ đây là nguyên nhân mà tác giả muốn gửi đến tác phẩm xuất sắc này. Giống như nội dung của sách, việc đặt nhan đề cũng đã nói lên phần nào nội dung mà tác giả muốn đề cập: Đây là một quyển sách viết về Chủ nghĩa tối giản. Lần này, mình sẽ không đề cập quá nhiều về nội dung bên trong, vì đã có vô số bài review đặc sắc về chúng được đăng tải trên mạng xã hội rồi.Thật ra, điều khiến tôi ấn tượng đầu tiên, trước khi bắt đầu tìm hiểu những điều thú vị bên trong là trang bìa mà nền xanh là chủ đạo, kèm theo đó là những hình ảnh thường nhật_ảnh của một cô gái bên một chiếc hoàng thượng. “À, mình đây mà!”, chắc hẳn đây sẽ là suy nghĩ của nhiều người bạn trẻ khi bắt gặp hình ảnh này, vì đây chính là cuộc sống mà nhiều người hiện đại ngày nay lựa chọn. Nếu bạn tìm hiểu các bài review khác trên các trang mạng, bạn sẽ thấy Giang Ơi cũng đã chia sẻ về điều này. Lí do là gì chứ? Có lẽ, bạn sẽ biết được điều đấy khi bắt đầu tìm hiểu “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” đấy!Bên cạnh đó, mình rất thích cái tựa đề rất “tối giản” này. Không hề có sự ẩn dụ, ma mị hay dẫn dắt, thu hút sự tò mò của người đọc, tác giả đã đưa cái suy nghĩ tối giản của mình vào tựa đề, nhằm nói lên mục đích của sự ra đời tác phẩm này cũng rất tối giản. Mình cảm thấy rằng, “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” đã thật sự làm tốt công việc của nó, đó là sự tối giản từ hình thức cho đến nội dung.