So với Lối sống tối giản của người Nhật (Sasaki Fumio), Nghệ thuật bài trí của người Nhật (Marie Kondo) hay Muốn ít đi – Hạnh phúc nhiều hơn (Michelle), Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản sinh sau đẻ muộn hơn, và tất nhiên, cũng không thể đầy đủ, chi tiết bằng. Thế nhưng, đây lại là một hành trình khám phá tự thân để thay đổi lối sống, thay đổi bản ngã một cách rất riêng, gói ghém gần như trọn vẹn những trải nghiệm của Chi Nguyễn – một nghiên cứu sinh ngành giáo dục và chủ nhân blog The Present Writer.
Chi có thể không phải là người Việt đầu tiên tìm hiểu và ứng dụng lối sống này, nhưng lại là người Việt đầu tiên viết ra quá trình tối giản hóa cuộc sống (và cả tư duy) của mình trong một cuốn sách hoàn chỉnh.
Có lẽ, lợi thế ngôn ngữ và văn hóa (so với các bản dịch về một nền văn hóa khác) cùng với văn phong khúc chiết, gãy gọn, chân phương, khiêm tốn, ít màu mè và có phần… thật thà của một người làm khoa học đã giúp cho những đúc rút của Chi trở nên dễ hiểu, dễ hình dung và dễ áp dụng hơn rất nhiều.
Bằng một lẽ nào đó, câu chuyện riêng của Chi cũng là câu chuyện chung của rất nhiều người. Sẽ có đôi lần chúng ta soi vào mỗi câu chuyện và nhìn thấy chính mình trong những trải nghiệm tương tự. Mặc dù hiện tại Chi đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhưng bạn sẽ thấy rất quen thuộc với hình ảnh ngôi nhà nhỏ 4 tầng mà Chi từng sống với gia đình suốt hơn 25 năm ở thủ đô Hà Nội hay những lần chuyển nhà khổ sở và đầy “hoảng loạn” mà cô nàng đã trải qua trong cuộc đời du học sinh của mình. Nỗi sợ hãi mang tên “chuyển nhà” (mà tôi chắc chắn bất cứ ai cũng từng gặp phải trong đời) chính là một trong những cơ duyên đưa Chi đến với lối sống tối giản ngày hôm nay.
Khác với những cuốn sách cùng chủ đề, ở đây, bí quyết tiếp cận với chủ nghĩa tối giản và áp dụng thực tiễn của Chi khá đơn giản, chỉ chiếm khoảng 1/3 cuốn sách. Phần còn lại, cô nói về những thay đổi trong tư duy và cách sống tối giản. Vậy nên, như cô “thú nhận”, đây đúng hơn là một cuốn sách về sự-thay-đổi.
Một trong những điều tôi thích nhất ở cuốn sách này là Quy luật 80/20 (hay còn gọi là Quy tắc Pareto). Bạn sẽ nhận ra rằng, chỉ có 20% đồ đạc trong nhà được sử dụng đến 80% thời gian trong năm. Tương tự, sẽ chỉ có 20% người bạn quen mang lại 80% hạnh phúc khi bạn tiếp xúc với họ. Vậy nên, hãy luôn đặt câu hỏi: 20% nào (công việc, đồ đạc, các mối quan hệ) mang lại cho bạn 80% thành quả. Trả lời được câu hỏi này, bạn sẽ tìm được thứ cần ưu tiên, đồng thời loại bỏ dần những điều ít mang lại giá trị trong cuộc sống. Đó chính là sự thanh lọc có-chủ- đích mà lối sống tối giản hướng tới.
Sau nhiều biến cố (đặc biệt là lần suýt lạc mất chú mèo Friday chỉ vì không-sống-cho-hiện-tại), Chi cũng nhận ra rằng sống tối giản không chỉ dừng lại ở việc chọn lọc những món đồ quan trọng nhất mà còn là chọn lọc, ưu tiên những thời điểm quan trọng nhất, với những mối quan hệ có ý nghĩa nhất. “Nếu bạn thấy buồn khổ, bạn đang sống trong quá khứ. Nếu bạn thấy lo lắng, bạn đang sống trong tương lai. Nếu bạn bình an, bạn đang sống trong hiện tại” (Lão Tử). Sống cho hiện tại, tư duy tích cực và biết ơn những gì đang có là cách để tận hưởng những chân giá trị của cuộc đời. Đó cũng là lý do Chi Nguyễn trở thành một “người viết ở thời hiện tại” (The Present Writer).
Chi tự nhận mình không phải là một người hoàn toàn tối giản. Cô vẫn thích đọc sách in và vẫn có một “bộ sưu tập” sách cho riêng mình. Bạn cũng vậy, không cần phải quá khắt khe ngay khi bắt đầu, không bắt buộc phải sống tối giản ngay khi đóng cuốn sách này lại. Hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất, bởi vì mọi thứ đều là sự lựa chọn, và cần cả cơ duyên.
Nguồn: elle.vn
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
“Tại sao tôi sống theo Chủ nghĩa tối giản (Minimalism)?”_Chi Nguyễn.
Thật khó để hình dung một cách rõ ràng về khái niệm “Chủ nghĩa tối giản”, vậy thì việc sống theo chủ nghĩa tối giản lại là một điều vô cùng khó khăn nhưng cũng lại là một điều đặc biệt. Khi biết loáng thoáng đến cụm từ này, tôi đã tự hỏi rằng “Tại sao nó lại đặc biệt?”, chắc hẳn bạn cũng như thế phải không?
Cụm từ này đã trở thành một trào lưu sống mới, phát triển rất mạnh mẽ tại Mỹ, Nhật Bản, và các nước châu Âu nhưng với người Việt Nam, thì nó có thật sự được biết đến như thế không? Với những trăn trở này, một nghiên cứu sinh, một người làm khoa học, một blogger trẻ_Chi Nguyễn đã viết và cố gắng truyền tải một cuộc sống tốt đẹp hơn đến độc giả Việt Nam thông qua các bài đăng tải của mình. Và sau hơn một năm cố gắng, cô ấy đã quyết định cho ra đời “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” để hệ thống và củng cố lại những gì mình đã viết.
“Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” được viết với tư duy tuyến tính, logic, rõ ràng và sâu sắc, nó mang đậm phong cách của một người làm khoa học, nghiên cứu. Và đúng như tên gọi, đây chỉ là một trong nhiều cuốn sách viết về Chủ nghĩa tối giản, nhưng không vì thế mà nó trở nên bình thường, đại trà. Nó mang một phong cách độc đáo, khác biệt so với những tác phẩm cùng đề tài khác. Bởi, nó bước ra từ những trải nghiệm của một người sinh sống và làm việc lâu năm tại nơi mà Chủ nghĩa tối giản được xem như là một trào lưu. Nó được lồng ghép giữa khoa học và thường thức, giữa kinh nghiệm của bản thân và những sự gợi mở cho sự chiêm nghiệm. Nhưng không phải vì thế mà nó trở nên khô khan, cứng nhắc bởi những phương pháp hay cách thức được đề ra. Khi đọc tác phẩm này, tôi đã cảm thấy thoải mái bởi cách hành văn tự nhiên và rất tâm lý của tác giả. Cô ấy không xem chúng ta như những độc giả, mà lại đặt toàn bộ tâm tư và kinh nghiệm của mình để đồng hành cùng chúng ta như những người bạn trên con đường đi đến một cuộc sống mới.
Ở “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản”, thật khó để thấy những công thức, những khuôn mẫu rằng “phải”, “nhất định”...làm một cái gì đó để có được một cuộc sống tối giản, một cuộc sống hạnh phúc. Vì điều ấy mà sẽ chẳng có cái gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai ở đây cả.
Thật sự thì, mình yêu thích quyển sách này không chỉ bởi văn phong hay những bài học mà mình rút ra được sau khi tiếp xúc và tìm hiểu nó, mà chỉ đơn giản là sự đồng cảm_đồng cảm bởi chính bản thân cũng là một con người bận rộn với những tất bật do chính mình tạo ra. Đọc sách, mình chỉ có thể thấy bản thân ở trong đó mà cố gắng phấn đấu để thay đổi bản thân mà thôi. Còn bạn thì sao, bạn có giống như mình không?