Mình đã viết review cho quyển “Xanh một màu xanh khác” của Fumio Yamamoto trong một thời gian rất ngắn sau khi đọc xong quyển sách. Thực chất, từ đầu đến cuối quyển sách bám sát một vấn đề nên không quá khó khăn, trăn trở để giới thiệu nó. Có bao giờ bạn nghĩ sẽ ra sao nếu bạn đã chọn lựa khác đi trong quá khứ? Nếu như vậy thì cuộc đời hiện tại của bạn như thế nào? Hãy đọc “Xanh một màu xanh khác” bạn sẽ tìm thấy câu trả lời. Còn về “Hãy chăm sóc mẹ” của Shin Kyung Sook thực sự rất khó để thuyết phục những người xung quanh đọc nó. Vì hầu như, ai cũng sợ phải đối mặt với nỗi buồn. Ai cũng sợ phải đối mặt với hiện thực. Ai cũng e ngại khi nghe nói đọc sẽ dễ khóc lắm đó, kể cả những người cứng rắn nhất.

Thực ra, có lẽ sẽ không sao cả, nếu là bạn một đứa con của thành thị ngay từ khi mới lọt lòng. Mẹ bạn là một phụ nữ hiện đại, ngay từ đầu có sẵn những phẩm chất quý cô và nuôi dạy bạn thoải mái cùng với sự trợ giúp của bố, người thân và… những người giúp việc. Xin lỗi, không có ý gì khi nói về những điều đó, có lẽ bạn cũng sẽ cảm nhận được những nét đẹp của câu chuyện, chỉ là những yếu tố trên giúp bạn đỡ buồn hơn một chút khi đọc mà thôi.

“Hãy chăm sóc mẹ” khởi đầu từ tình huống “người mẹ” đi lạc ở trạm tàu điện khi lên Seoul cùng với bố. Người bố vẫn còn ngơ ngác lúc nhận thức được điều ấy, khi chỉ vì một chút lơ đễnh, người vợ suốt mất chục năm trời của mình dường như “bốc hơi” hoàn toàn khỏi cõi đời này. Những người con nỗ lực đi khắp nơi tìm kiếm mẹ. Trong cuộc tìm kiếm người mẹ ở hiện tại đó, dường như ai cũng có một cuộc tìm kiếm trong tâm trí của mình, từ những kí ức về “mẹ”. Để rồi, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: mình có hiểu về mẹ không? Mình hiểu mẹ được bao nhiêu? Thật ra sở thích của mẹ là gì? Thật ra cuộc đời mẹ lấy gì làm hạnh phúc vậy? Hàng vạn điều trăn trở bỗng dưng rơi ra ngập tràn trong tâm trí…

Điều mình thích nhất ở Shin Kyung Sook là giọng văn của cô, giọng văn lúc nào nhẹ nhàng, bình dị. Điều đó giúp cho những quyển sách của cô tạo được sự đồng cảm sâu đậm với độc giả. “Hãy chăm sóc mẹ” không phải là một bài giảng đạo đức. Không có câu chuyện về một người mẹ tảo tần hoàn mỹ chịu đựng gian khó đến hết cuộc đời bị những đứa con ngỗ nghịch bất hiếu, rồi cuối cùng, những đứa con hối hận vì mất mẹ.

Người anh cả thực sự là một người con tốt. Suốt những năm học, anh luôn cố gắng học thật giỏi, thay vị trí người cha đã bỏ đi trong gia đình, có trách nhiệm với các em để làm vui lòng mẹ. Vợ anh cũng không phải thuộc loại nàng dâu bất hiếu, cả hai còn dành cho ba mẹ một căn phòng thật đẹp trong ngôi nhà mới của mình để ba mẹ ngủ lại mỗi khi lên thăm. Chỉ là ngày hôm ấy, anh đột nhiên quá mệt đến nỗi không thể đi đón mẹ.

Người con gái thứ nhất là một nhà văn. Cô sống cuộc đời mình và thỉnh thoảng hay kể câu chuyện về những gì cô đọc được cho mẹ. Mẹ cô tự hào về những gì con gái viết, mà không muốn người ta biết rằng mình không biết chữ, nên nhờ một cô gái ở nhà tình nguyện đọc giùm.

Người con gái thứ hai cũng là niềm tự hào của mẹ ngay khi còn bé. Cô từng mua cho mẹ áo khoác lông chồn mà không hề đắn đo giá tiền của chiếc áo, kể cả khi lúc đó cô mới ra trường đi làm, chỉ vì mẹ cô yêu cầu cô mua. Mẹ cô, người phụ nữ nông thôn, không hề biết giá của chiếc áo lông chồn, bà muốn nó đơn giản chỉ vì bà từng ngã đầu vào chiếc áo khoác của một người lạ và lưu luyến hơi ấm từ nó.

Mình chỉ muốn nói: trong truyện không hề có nhân vật phản diện xấu xa độc ác nào cả. Chỉ có những con người hết sức bình thường như chính chúng ta, hằng ngày phải nỗ lực đối diện với cuộc sống này. Phải chống chọi với biết bao áp lực cuộc sống và đôi lúc loay hoay không biết làm sao để bày tỏ tình cảm với những người thân xung quanh mình. Và có lúc chúng ta chọn im lặng cho qua.

Đằng sau những câu chuyện thật buồn vì quá đỗi đời thường, có lẽ phải gọi là nỗi buồn của cuộc sống, Shin Kyung Sook đã đưa ra một câu hỏi lớn và quá khó để tìm ra được câu trả lời: cuộc sống này, chúng ta phải làm sao cho đúng? Cái đúng ở đâu, không đơn thuần là tốt/ xấu về mặt đạo đức nữa. Mà là làm sao để chúng ta đến một giờ phút nào đó khi vĩnh viễn đánh mất đi người quan trọng của cuộc đời mình, mình không phải cảm thấy hối hận.

“Hãy chăm sóc mẹ” là một quyển sách rất buồn, dù có muốn cũng không cách nào phủ nhận, vậy thì sao nên đọc nó? Uhm… vì dù muốn dù không, một ngày nào đó chúng ta đều phải đối diện với hiện thực.

“Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước.” Mình từng đọc những dòng này của Trịnh Công Sơn từ rất lâu rồi, nhưng mà lúc đó còn quá trẻ để cảm nhận sâu sắc về cái chết, nhất là những sự ra đi đột ngột. Cho đến hôm mồng 6 năm nay, cô 7 mình qua đời vì bệnh ung thư…

“Cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai”, ca sĩ Trần Lập qua đời vì bệnh ung thư sau một thời gian ngắn phát hiện. Tai nạn giao thông, bệnh tật… không ai biết trước được điều gì sẽ xảy đến ngày mai với mình và những người xung quanh. Nó có thể cũng đột ngột như người mẹ bỗng dưng biến mất trong truyện “Hãy chăm sóc mẹ”. Những điều bất trắc không để cho bất kì ai có thời gian chuẩn bị.

Phải làm gì cho đúng? Hay đơn giản là cần phải làm gì để bản thân không day dứt vi sự ra đi của những người xung quanh hay của bản thân? Đó là điều cần nghĩ khi tỉnh dậy sau một giấc mơ dài rằng cuộc sống lúc nào cũng tràn ngập những điều diệu kì và ngọt ngào ở phía trước…

Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/bdejRL  

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Mẹ bị lạc một tuần. Cả gia đình tập trung tại nhà người anh cả. Sau khi bàn bạc thảo luận, họ thống nhất thông tin sẽ đăng tin và phát tờ rơi để chia nhau đi tìm mẹ. Mỗi người mang một tâm tư riêng. Cô con gái lớn Chi-hon: “Mối quan hệ giữa mẹ với con gái sẽ thuộc một trong hai dạng, hoặc là biết rất rõ về nhau hoặc là giống như người xa lạ”. Cho đến mùa thu năm trước cô vẫn nghĩ rằng cô ở vế thứ nhất. Từ việc mẹ thích gì, làm thế nào để mẹ nguôi giận, mẹ muốn nghe những lời như thế nào, mẹ có thói quen gì cô đều thuộc nằm lòng. Nhưng rồi, vào một lần về thăm nhà bất chợt, gọi mãi không thấy mẹ đâu, cô tìm khắp nơi thấy mẹ đang nằm mắt nhắm nghiền với cơn đau đầu dữ dội. Khi mẹ cô dần dần hồi tỉnh, nhìn gương mặt vẹo vọ, ánh mắt trống không, chân tay mềm nhũn - cô tự hỏi mẹ đã như vậy bao lâu rồi? Sao mẹ lại bị bỏ một mình trong chính căn nhà của mình? Bố cô đâu? Cô gặng hỏi tình hình và muốn đưa mẹ đi khám nhưng mẹ cứ khăng khăng không sao đâu. Thế rồi hôm đó, cô đã không vội vàng quay về Seoul như dự định, cô ở nhà với mẹ. Cô trò chuyện, kể cho mẹ nghe những việc mình làm, câu chuyện cô vừa viết ra, vài nơi cô đi tới. Thế rồi, cô giật mình tự hỏi, đã bao lâu rồi mình không còn thân thiết với mẹ nữa. Từ khi nào cô thấy thật khó khi nói chuyện với mẹ? Từ khi nào những lần về thăm gọi điện trở nên ngắn ngủi và đôi khi kết thúc một cách lạnh lùng. Phải chăng, khi càng lớn lên, khi đã trưởng thành người ta càng vô tâm và để khoảng cách cùng lý do khác biệt về thế hệ ngăn không cho mình hiểu và gần gũi với mẹ hơn nữa. Giờ đây, khi những kỉ niệm ùa về cũng là lúc cô oán trách bản thân mình đang ở đâu khi mẹ bị lạc. Lúc mẹ bơ vơ tuột khỏi bàn tay bố nơi ga điện ngầm nườm nượp người qua kẻ lại, cô làm gì? Cô lao vào cuộc tìm kiếm. Máy điện thoại mở 24/24 để nhận những cuộc gọi thông báo, đôi chân lang thang từ bến ga nơi mẹ đi lạc đến những nơi cô nghĩ mẹ có thể đến và con tim đau đáu khôn nguôi. Bao giờ cô mới tìm được mẹ? Người con trai cả Hyong-chol: “Con là đứa con đầu tiên của mẹ - tất cả những điều con làm đều là một thế giới đầy mới mẻ với mẹ. Con đã khiến mẹ được làm mọi việc lần đầu tiên”. Anh - đứa con đầu - nơi mẹ gửi gắm tình yêu, sự tự hào và biết bao hy vọng. Mẹ đã lao động cực nhọc nhưng không cho anh giúp, mẹ đã từng tủi hờn bỏ nhà ra đi khi bố mang về một người đàn bà lạ nhưng lại vùng lên kiên cường để đánh đuổi họ đi vì ước muốn mẹ trở về nhà của anh. Mẹ đã dành hết những gì tốt nhất có thể để mong anh học thành tài, trở thành công tố viên như ước mơ thuở thiếu thời. Vào trong một đêm lạnh giá ở Seoul, người mẹ ấy để chắn gió cho anh đã nhất quyết đòi nằm sát tường vì “nằm đó mẹ ngủ ngon hơn”. Khi đó, trong anh bùng lên một quyết tâm cháy bỏng, anh sẽ lo cho mẹ được hạnh phúc, được ở trong một căn phòng ấm áp khi quay lại nơi này. Có lẽ lời thề đó đã dần phai nhạt theo năm tháng, đã bị dòng đời với cơm áo gạo tiền, công danh sự nghiệp và cả một gia đình nhỏ làm anh xao lãng. Đến hôm nay, khi quay trở lại con phố xưa nơi anh từng làm việc vì có người báo đã nhìn thấy mẹ, anh giật mình nhìn lại rõ những năm tháng đó. Anh chợt nhận ra người mẹ đang dần đãng trí của mình có thể không tìm được nhà của đứa nào trong bốn đứa con nơi Seoul phồn hoa nhưng lại khắc sâu nơi anh làm việc đầu tiên, căn nhà trọ đầu tiên anh ở hay ngôi nhà đầu tiên anh từng sở hữu. Vậy, anh đã làm gì khi mẹ anh rớt lại nơi ga điện ngầm xa lạ? Tại sao anh không ra đón mẹ? Người chồng: Sau những ngày ở nhà người con trai mà không tìm được tin tức của vợ, dù con cái ngăn cản, ông vẫn quyết định về quê. “Bà ở trong đó à? Tôi về rồi đây” - Ông gọi to về phía căn nhà trống, mong sẽ có giọng nói thân thuộc cất lên “Ông về rồi đấy à”- nhưng không, tất cả chỉ có im lặng. Bà đã không về đây thật, vậy bà đang ở đâu? Cả đời ông luôn đi trước bà, hôm đó cũng thế. Cứ nghĩ đến giây phút bà bị lạc, trái tim ông lại muốn nổ tung. Giá ngày đó ông không vô tâm, giá ngày đó ông ngoái lại để kiểm tra xem bà ở đâu, giá ngày đó ông đừng đi quá nhanh thì có lẽ bây giờ… Nhưng có thể chẳng phải riêng ngày đó, ông đã luôn vô tâm rồi. Ông sợ ở nhà, cuộc đời ông từ khi còn trẻ, lập gia đình hay có con, đều rong ruổi trên những nẻo đường xa. Ông chỉ trở về nhà khi những thứ ngoài kia đã không còn mới mẻ, khi người phụ nữ xa lạ mà ông dắt theo không đủ sức hấp dẫn để níu chân ông. Nhà như chốn dừng chân của ông sau những cuộc dạo chơi đây đó. Nhà, luôn có bà chờ ông cùng với mâm cơm chuẩn bị sẵn sàng. Có lẽ, trong cuộc hôn nhân này, bà luôn là người vun trồng còn ông lúc nào cũng chỉ biết đón nhận hững hờ và vô tâm. Giờ đây, liệu những ăn năn ấy có là quá muộn, liệu còn cơ hội nào cho ông chuộc lỗi? Cũng theo những dòng hồi ức ấy, ta nhận ra một người mẹ không chỉ có mỗi công việc làm mẹ. Mẹ cũng là một con người bình thường với ước mơ, đam mê, hy vọng, tình yêu và cả những bí mật sâu thẳm… Một điều đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Người con gái đã đứng trước bức tượng Đức Mẹ bế đứa con trai trong lòng mà bật khóc thốt lên: ”Hãy chăm sóc mẹ”. Một cuốn sách chạm vào trái tim người đọc, khiến ta phải thổn thức khôn nguôi.

Đây là cảm nhận dựa trên bản dịch tiếng Việt. Nghe nói bản tiếng Anh và bản tiếng Hàn chính gốc thì hay kinh khủng và rất khác bản tiếng Việt.

Một cuốn truyện được giới thiệu bởi một anh làm xuất bản mà mình quý. Và mới đọc đã thấy thích rồi. Truyện cứ như nói hộ lòng mình ấy. Những mâu thuẫn, cãi nhau vì bao nhiêu chuyện vặt vãnh giữa mẹ và con gái, những tình cảm ẩn sâu không dễ lộ thành lời, cái yêu thương kỳ lạ giữa những người trong gia đình, mọi thứ được mô tả sống động và cụ thể, cứ như hiển hiện trước mắt người ta vậy. Đọc và chảy nước mắt, và nhớ tới má, nhớ da diết, và thấy mình là một đứa con có lỗi biết bao. Có lẽ ai đọc quyển này cũng thấp thoáng thấy bóng dáng của mình và mẹ mình trong đó.

Nói như vậy để thấy rằng người viết rất có tài, kỹ thuật viết rất tốt, chắt lọc chất liệu từng chút từng chút một, những chi tiết nhỏ xíu mà gợi lên bao nhiêu điều không nói, và những chi tiết chân thực đến nỗi như là người viết đã đi vào trí nhớ của người đọc mà lôi ra những mẩu ký ức tuổi thơ vậy, cứ như đọc lại nhật ký của bản thân mình, khiến họ không khỏi giật mình nhớ lại những ngày xưa cũ, mình cũng đã từng làm thế, nói thế với mẹ mình.

Một quyển truyện về tình cảm gia đình, nhưng không chỉ gói gọn trong đó. Điều có lẽ khiến quyển sách này được đón nhận nồng nhiệt đến vậy là từ câu chuyện của một bà mẹ nó viết về câu chuyện của hàng triệu người mẹ, câu chuyện của một người phụ nữ trở thành câu chuyện về thân phậncon người, câu chuyện của một gia đình cho thấy bối cảnh xã hội trong cả một thời kỳ, với những giá trị lần lượt bị thay thế và đánh đổi, với những câu hỏi về cuộc sống và mối quan hệ giữa người với người.

Đoạn đầu đọc rất thích, chắc khoảng 5 sao, đoạn sau từ phần người cha thì tụt xuống 3 sao, có lẽ vì thấy nhiều chi tiết hơi bị thừa và rườm rà, lại vận dụng kỹ thuật tương tự tiếp mà không có thêm gì mới nên không có nhiều cảm xúc như trước. Điều đọng lại trong mình là hình ảnh can trường của người mẹ, một người với can đảm và mơ ước, với khát vọng và nỗ lực, với tình yêu cuộc sống và ý chí kiên cường, mặc cho bao nhiêu bất công của hoàn cảnh, bao nhiêu xô đẩy của cuộc đời, đã không ngừng nỗ lực để sống tốt và có ích, hoàn thành trách nhiệm của mình trong đời, và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình. Đó có lẽ là cách sống mà người ta nên lựa chọn cho mình trong cuộc sống của một người trưởng thành vốn nhiều gian truân và thử thách.

Cuộc sống bận rộn với hàng tá công việc phải hoàn thành, những cuộc hẹn, cuộc lần đi công tác, vv. Cuộc sống thành thị xô bồ và phức tạp, lắm lúc chúng ta quên đi quay về mái ấm gia đình và chăm sóc bố mẹ của mình. Chúng ta ngày càng trưởng thành, đồng thời họ cũng già đi. Chúng ta chỉ sống một lần, đừng để tháng ngày rồi đi, cơ hội chăm sóc cho bố mẹ mình cũng không còn. Hãy Chăm Sóc Mẹ của Shin Kyung-Sook đã làm lay động hàng triệu trái tim người con. Hãy yêu thương khi còn có thể!

1.Về tác giả:

Shin Kyung-Sook sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo sống ở miền Nam Hàn Quốc. Không có điều kiện vào trường trung học, mười sáu tuổi cô lên Seoul kiếm sống. Shin Kyung-Sook khởi nghiệp viết văn năm 1985 và gặt hái nhiều thành công. Các tác phẩm của cô luôn có lượng đọc giả lớn và nhận nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước cũng như trong khu vực. Với Hãy chăm sóc mẹ, cô trở thành nhà văn châu Á nổi tiếng bậc nhất năm 2009.

2. Vì sao mình đọc quyển tiểu thuyết này?

- Tiêu đề khá thu hút, đề tài gia đình nên cảm thấy tò mò

- Mình muốn sau khi đọc xong, mình sẽ thay đổi cách suy nghĩ về vai trò của người mẹ và dành nhiều thời gian hơn cho mẹ

- Mình muốn đắm mình vào những cảm xúc thiêng liêng và hạnh phúc khi có mẹ chăm sóc hồi thời thơ ấu

- Mình muốn hiểu lý do đằng sau tiêu đề "Hãy chăm sóc mẹ" là gì.

3.Nội dung

Nội dung câu chuyện xoay quanh sự việc người mẹ Park So-nyo bị mất tích tại sân ga tàu Seoul trong một dịp lên thành phố cùng người chồng để tổ chức cùng các con nhân dịp sinh nhật của họ. Ngay tại sân ga ấy, người mẹ đã bị thất lạc và chính người chồng cũng đã không hề hay biết về sự mất tích này. Mãi đến khi tàu di chuyển và rời ga, ông mới bàng hoàng nhận ra bà vợ của mình đã không lên tàu.

Xuyên suốt tác phẩm, tác giả đã khắc họa rõ nét hình ảnh một người mẹ, một người vợ đảm đang, tần tảo và lúc nào cũng chịu thương chịu khó chăm sóc cho cả gia đình có 4 người con. Sau khi bà mất tích, diễn biến tâm lý của từng thành viên gia đình khá phức tạp. Tác giả phân tích chi tiết và đánh sâu vào tâm lý ăn năn, hối tiếc và xót thương của từng nhân vật, khiến cho độc giả chúng ta không giây phút nào kìm được nỗi xúc động.

Hình ảnh người mẹ có dáng người mảnh khảnh, tóc muối tiêu, gò má cao, khi đi lạc mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be sau khi bị mất tích khiến không khỏi chúng ta cảm thấy xót thương cho sự cố xảy ra không ý muốn này.

4.Cấu trúc

Tác phẩm được chia ra nhiều phần, với mỗi phần là diễn biến tâm lý của từng nhân vật. Ngôn ngữ được sử dụng nhằm khơi gợi cảm xúc trong lòng người đọc, khiến cho chúng ta không khỏi xúc động.

Lối hành văn gần gũi, khắc họa rõ nét cuộc sống thôn quê, những con người tuy bình dị, mộc mạc nhưng mang trong mình hạnh phúc và sự an nhàn.

5.Diễn biến tâm lý từng nhân vật

Sau khi người mẹ mất tích, tất cả những thành viên gia đình đều hết sức ngạc nhiên, bàng hoàng và tất bật tìm mọi cách để truy tìm dấu vết những nơi mà mẹ có thể sẽ đi qua. Họ in những tờ rơi có dán hình người mẹ lên, sau đó đi đến các nơi đông người ở ga tàu, khu trung tâm thương mại lớn để phân phát nhằm kêu gọi mọi người hãy để ý và quan sát xem mẹ có xuất hiện ở đâu không, đồng thời cũng không quên treo giải thưởng cho người nào tìm ra được người mẹ đã bị mất tích ở ga tàu Seoul.

Từ khi nghe tin mẹ bị thất lạc cho đến bây giờ, tất cả các thành viên đều không suy nghĩ được gì. Những ký ức tưởng chừng như quên lãng từ lâu bỗng chốc lại ùa về, khiến cho lòng tất cả những người con và người bố đều vô cùng khắc khoải và đau xót. Phải chăng, khi mẹ còn bên cạnh họ, họ lại xem như một điều dĩ nhiên, còn khi mẹ mất tích rồi, thì lại cảm thấy ăn năn và hối hận? Con người thường có xu hướng: Cái quý giá trước mắt thường thì sẽ không trân trọng, đợi đến khi mất đi rồi mới hối tiếc và níu giữ, nhưng trớ trêu thay, đến lúc ấy thì đã quá muộn màng.

Hyong-Chol- người anh cả trong gia đình

Hyong-Chol là anh cả trong gia đình có năm người con. Anh là người mà mẹ tự hào nhất. Từ nhỏ, anh đã có mơ ước làm công tố viên nhằm bảo vệ mẹ khỏi những đêm rời khỏi nhà vì người bố lúc nào cũng dẫn một người phụ nữ lạ vào nhà. Sau khi tốt nghiệp trung học ở thị trấn, anh đã tự ôn thi công chức trong vòng một năm, rồi thi đỗ và chuyển lên thành phố làm việc.

Có một lần, khi đã nhận được công việc đầu tiên tại thành phố, mấy tháng sau anh được biết có một trường đại học luật ở Seoul học vào buổi tối nên anh quyết định đăng ký học. Anh nhận ra rằng, anh cần bằng tốt nghiệp trung học.

Anh tính gửi thư về cho bảo bố mẹ sao y bằng tốt nghiệp cho anh, nhưng anh sợ rằng sẽ không kịp để làm hồ sơ, nên anh bảo bố anh rằng nhờ bố ra bến xe buýt đề nhờ ai đó lên Seoul mang hộ tấm bằng tốt nghiệp trung học cho anh. Sau khi xong thì nhớ bố gọi điện lên ủy ban phường cho anh (vì anh đang sống và làm việc ở ngay ủy ban luôn) nhưng rốt cuộc, anh đợi cả ngày trời mà không có ai gọi đến. Cuối cùng, người mẹ tần tảo sớm hơn lại xuất hiện ngay trước một ngày anh chuẩn bị nộp hồ sơ.

Hyong-chol à! Mẹ đây! Là mẹ đây?

Mẹ không biết là có làm lỡ việc của con không nữa?

Sau đó mẹ đưa tấm bằng tốt nghiệp cho anh. Bà đã lặn lội đường xa, vội vã bắt tàu hỏa lên Seoul trong một thời tiết vô cùng giá lạnh chỉ để mang cho anh thứ anh cần. Bàn tay bà lạnh cóng.

Có thể nói, người mẹ trong lòng Hyong-chol là một người mẹ lúc nào cũng hy sinh vì con cái, không ngại khó nhọc.

Trong mắt bà, anh luôn là người mà bà rất tự hào.

Không như những đứa trẻ khác, con không bao giờ để mẹ phải nhắc nhở điều gì. Con tự mình làm mọi việc. Con sáng ngời lại học giỏi. Mẹ rất tự hào về con, đôi khi mẹ thấy thật ngạc nhiên vì mình đã sinh ra một cậu con trai như con.

Mẹ rất chiều chuộng anh khi bố không có ở nhà. Mẹ cho anh đi chiếc xe đạp của bố.

Bát canh đầu tiên mẹ múc ra mẹ luôn đặt trước mặt anh. Nếu mấy đứa em định ăn, mẹ sẽ mắng: Anh còn chưa cầm đũa đâu đấy?

Hay có những khi anh đang học bài thì người mẹ ấy không để cho anh động tay động chân vào bất cứ việc gì. Bà luôn hạ giọng xuống mỗi khi nói chuyện với các em của anh khi có việc cần trong khi anh đang học bài,. Những lúc anh học bài, mẹ luôn đóng cửa rất nhẹ nhàng.

Mẹ lặng lẽ mang vào phòng anh mấy củ khoai lang luộc hoặc mấy quả hồng rồi lại lặng lẽ đóng cửa đi ra.

Những ký ức chôn sâu trong tâm trí anh tất cả lại ùa về, khi mẹ mất tích, anh mới nhận ra mẹ đã yêu thương anh như thế nào.

Chi-hon - nữ tác giả nổi tiếng

Kể từ khi mẹ mất tích, hàng loạt những kỉ niệm cũng như ký ức xa xưa trỗi dậy trong cô. Cô hối hận vì mẹ còn bên cạnh, cô đã không cư xử đúng mực và quan tâm mẹ khi còn có thể.

Cô nhớ đến thời điểm cô luôn cau có với mẹ khi nói chuyện điện thoại. Từ lúc cô lên thành phố, cô ngày càng khó chịu. Cô hay cãi mẹ: Mẹ thì biết gì chứ? hay Sao mẹ là mẹ mà đi làm như vậy chứ? Có những lúc mẹ cô thắc mắc không biết cô đang làm gì, thì cô lại trả lời rằng: Mẹ biết chuyện đó để làm gì? Cô thậm chí nói những lời khiến cho mẹ buồn kinh khủng chỉ vì câu chuyện con chó nhỏ và cọng dây xích.

Mỗi lần gọi về nhà, cô hay trách mẹ là sao nhốt con chó vào một cái chuồng chật hẹp, làm sao nó sống được. Cô nói người nhà quê thật khó chịu. Hay có những lần, cô bảo sẽ gọi điện cho mẹ nhưng bẵng đi một khoảng thời gian cũng không thấy cô gọi vì bận rộn với mớ công việc hằng ngày.

Có những lúc cô khiến mẹ thật sự đau lòng.

Cô chỉ quan tâm đến con chó chứ quan tâm gì đến mẹ cô! Cô nghĩ mẹ cô là người đối xử với con chó tệ thế à? Cô không cần dạy tôi phải làm gì? Tôi nuôi nó theo cách của tôi!

Con không phải là con của ngày xưa nữa, con đã trở thành một người quá lạnh lùng. Nếu mẹ dập điện thoại như vậy, cho dù thế nào con cũng phải gọi lại cho mẹ chứ, sao con lại cứng đầu cứng cổ như thế chứ?

Tiếp sau đó, có những lúc mẹ cô bị đau đầu, không đứng dậy được, cứ nằm lăn lóc trong bếp, lúc ấy cô chỉ nghĩ mẹ đang bị bệnh thông thường thôi, nhưng thật ra, bà đang bị tai biến mạch máu não rất nghiêm trọng. Chỉ vì không muốn cho các con và chồng lo, nên bà khăng khăng không nói và cũng không chịu đi bệnh viện để khám.

Nghĩ đến cách mà người mẹ cảm nhận đau đớn cũng đủ khiến chúng ta chạnh lòng, nhưng trong thời điểm đó, không một ai biết và cũng không ai bên cạnh để chăm sóc bà. Tất cả bà phải tự chịu đựng và vượt qua.

Mẹ đang đặt một tay lên trán, dường như đang cố hết sức để chống chọi với cơn đau. Đôi môi của mẹ hé mở, các nếp nhăn giữa các cặp lông mày cau lại trông như những sợi dây thép.

Hai mắt mẹ đỏ ngầu, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, hình như mẹ không nhận ra cô. Vì quá đau, khuôn mặt mẹ nhăn nhó khổ sở.

Chứng đau đầu dường như đang gặm nhấm mẹ Mẹ nhanh chóng mất đi sinh khí và bản tính chan hòa. Mẹ bắt đầu phải nằm nghỉ nhiều hơn. Thêm vào đó, mẹ cô cũng mất dần cảm giác với mọi thứ. Có lần, sau khi đặt nồi giẻ lau lên bếp, mẹ ngồi phịch xuống nền bếp và không thể đứng dậy được. Nước bốc hơi khiến đống giẻ lau bốc cháy và cả gian bếp mù mịt khói, thế nhưng mẹ cô vẫn không thể tỉnh lại được.

Trong lòng mẹ, cô là người mà mẹ quan tâm và dành hết tình yêu thương. Vì cô là nhà văn nên đối với những tác phẩm của cô, bà luôn trân trọng và vô cùng tự hào.

Nếu con xuất hiện trên báo, thế nào mẹ cũng gập tờ báo đó lại cất vào trong túi xách, rối cứ lấy ra ngắm nghía suốt. Mỗi khi đi vào trong thị trấn, gặp ai mẹ con cũng lấy ra khoe khoang với người ta đấy. Mẹ còn lấy ra cả quyển sách con viết nhờ một cô ở Ngôi nhà Hy vọng của trẻ mồ côi đọc cho nghe đấy. Mỗi khi nghe đọc sách, khuôn mặt mẹ lại rạng rỡ hẳn lên, còn cười nữa.

Người bố

Diễn biến tâm lý của người bố cũng vô cùng phức tạp và hỗn loạn. Mỗi khi nghĩ đến bà, lòng ông lại đau tê tái và nước mắt lưng tròng.

Ông chẳng mất đến một phút để nhận ra rằng cuộc đời ông đã rẽ sang hướng khác bởi vì ông đã bước đi quá nhanh. Suốt năm mươi năm kể từ khi lấy vợ, ông luôn đi trước vợ từ ngày cưới, từ khi bà còn trẻ cho tới lúc bà đã già. Nếu ngay khi lên tàu điện ngầm ông cẩn thận quay lại kiểm tra xem vợ đã lên chưa thì mọi chuyện có ra cơ sự này không?

Mỗi lúc ông đi nhanh như thế, ba chỉ biết nói câu:

Ông cứ đi nhanh như thế, nếu lạc mất tôi thì ông tính sao?

Từng cử chỉ hay hành động yêu thương ông thường không chịu thể hiện khi bà còn sống bên cạnh ông. Lúc nào ông cũng vô tâm và luôn thờ ơ với những gì bà làm. Ngay cả khi bà bị ốm năng, ông cũng không nấu nổi cho bà một bát cháo hoặc một cốc nước ấm.

Thế nhưng bây giờ khi vợ ông mất tích, ông lại hồi tưởng lại những ký ức xa xưa cùng với bà, trong lòng không khỏi ăn năn và hối hận. Ông tự trách mình vì đã không chăm sóc cho bà thật tử tế, bây giờ thời gian có quay lại thì có lẽ ông sẽ trân quý và yêu thương bà nhiều hơn. Nhưng thật không may, trên đời này làm gì có nếu như.

Mỗi khi ông muốn ăn bất cứ món gì, bà luôn sẵn sàng nấu cho ông ăn mà không hề do dự có đang bận hay không.

Mỗi khi ông muốn ăn cái gì đó, thì cho dù là có đang giã hồ tiêu hay xếp lá vừng hay muối cải thảo đi chăng nữa, vợ ông đều dừng ngay lại không chút lưỡng lự, tiến đến chỗ ông mà nói: Tôi đã hái được một ít lá ba chưởng trên núi đấy, ông có muốn ăn bánh lá ba chưởng không?

Chưa bao giờ ông nấu cho vợ mình một bát canh rong biển, vậy mà tại sao ông lại nhận tất cả những gì vợ ông làm cho một cách hiển nhiên như thế?

Kể từ khi vợ bị lạc, cứ mỗi khi nghĩ đến chuyện mình luôn đi quá nhanh, ngực ông lại như muốn nổ tung.

Hình ảnh người mẹ tần tảo & vất vả

Bà ấy bị thương ở mu bàn chân. Bà ấy đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi một miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, có lẽ vì bà ấy đã đi bộ quá xa. Ruồi muỗi bu đầy quanh vết thương đang rỉ mủ, chắc là cảm thấy khó chịu nên bà ấy cứ đưa tay phe phẩy đuổi chúng đi.

Đối với hình ảnh một người mẹ, khi nhắc đến bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Trong phần đông tất cả, chúng ta đều nghĩ hình ảnh của người mẹ lúc nào cũng gắn liền với gian bếp. Mẹ là bếp và bếp cũng chính là mẹ. Nhưng có một điều quan trọng là, bạn có bao giờ nghĩ rằng, mẹ thích những công việc bếp núc ấy không?

Chắc chắn, sau khi đọc xong câu chuyện về người mẹ trong quyển sách này, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên rằng, thật ra những người mẹ đều không thích quẩn quanh trong gian bếp. Có ai mà lúc nào cũng có thể xuống bếp mỗi ngày, nấu những món ăn cứ lặp đi lặp lại trong ngần ấy năm mà không cảm thấy chán nản và bức bối chứ? Nhưng điều mà một người mẹ vĩ đại trong mắt chúng ta vẫn thường hay làm là sự hy sinh cao cả.

Vì lo cho những đứa con, muốn mỗi ngày trôi qua chúng đều có cơm ăn áo mặc đầy đủ, những món ăn đủ chất và lành mạnh thì tinh thần vực dậy của người mẹ lại càng mạnh mẽ vô cùng. Công việc bếp núc rất vất vả và chán chường lắm chứ, nhưng vì các con nên người mẹ cố gắng ngày quan ngày, rồi một cách vô thức, gian bếp gắn liền với hình ảnh tần tảo và đảm đang của người mẹ.

Khi cô con gái Chi-hon hỏi rằng: Mẹ có thích nấu nướng không? Người mẹ nhìn cô chằm chằm và nói:

Mẹ không nghĩ đến chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ cần phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu ăn cho các con rồi còn đi học. Làm sao mà ta chỉ có thể làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta có thích hay không. Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?

Nếu được nấu một nồi cơm to và một nồi canh nhỏ thì mẹ chẳng quản mệt nhọc vì mẹ thấy vững tâm khi nghĩ đây là thức ăn nuôi lớn các con.

Tình yêu thương lớn lao mà người mẹ dành cho con cái của mình là một điều hết sức thiêng liêng, nhưng đôi khi chúng ta lại xem những việc đó là vô cùng hiển nhiên. Cuộc sống xô bồ và bận rộn ngoài kia, đã bao giờ chúng ta dừng lại và dành thời gian để hỏi thăm sức khỏe của bố mẹ mình chưa? Vì bôn ba ngoài xã hội nên có lúc ta vô tình bỏ qua hay không bận tâm hỏi thăm bố mẹ của mình, nhưng đợi đến khi họ già đi, hay có mệnh hệ gì thì có hối tiếc đi chăng nữa cũng không bao giờ kịp.

Thông qua việc mẹ bị mất tích, các thành viên gia đình đều cũng rất bất ngờ vì mẹ cũng không biết chữ. Mỗi lần những người con từ thành phố gửi thư về, bà đều không thể đọc, bà chỉ biết nhờ người khác đọc to lên những dòng chữ trong bức thư. Khi nghe xong, lòng bà lại cảm thấy hân hoan và hạnh phúc biết bao. Ngoài ra, nếu không có sự cố lần này, có lẽ tất cả thành viên gia đình cũng không hề biết bà bị tai biến mạch máu não một lần rồi. Những cơn đau đầu cứ kéo đến, cơ thể mệt mỏi cùng với cảm giác đau đớn và khó chịu đang gặm nhấm mẹ từng ngày. Tuy vậy, mọi người đều thấy việc ấy chỉ là triệu chứng bình thường của một người già!

Hình ảnh người mẹ lúc nào cũng yêu thương các con và người chồng của mình. Lúc nào cũng cặm cụi sớm hôm để lo cho các thành viên gia đình từ miếng cơm đến manh áo. Tất cả những việc trong nhà bà đều một tay quán xuyến, nhưng đợi đến khi bà mất tích rồi, tất cả mới phát hiện ra tầm quan trọng của bà trong lòng mỗi người như thế nào.

6.Lời kết

Hy vọng sau khi đọc xong quyển sách này, những người con sẽ chăm sóc cho mẹ mình thật tốt!

 Hãy trân quý tính cảm gia đình & yêu thương bố mẹ nhiều hơn, vì chúng ta chỉ có một người cha và một người mẹ.

Tuy cuộc sống bận rộn, nhưng chúng ta nên dành nhiều thời gian để hỏi thăm sức khỏe và phụng dưỡng cho bố mẹ khi có thể. Có thể dẫn họ đi du lịch hoặc đi ăn những món ăn dân dã nhưng mộc mạc và bình dị.

 Trân trọng những gì trước mắt, yêu quý những người thân yêu của mình. Cuộc đời là những biến số, không ai dự đoán được ngày mai sẽ ra sao.

 Hãy đối xử với bố mẹ một cách tử tế, chân thành và hiếu thảo.

Con cái là niềm tự hào của bố mẹ. Khi bạn hạnh phúc thì họ cũng hạnh phúc.


Một câu chuyện cảm động về mẹ, về gia đình trong khung cảnh làng quê kham khổ có rất nhiều điểm tương đồng với xã hội Việt Nam, đọc “Hãy Chăm Sóc Mẹ”, và bạn sẽ thấy Việt Nam và Hàn Quốc cũng giống nhau lắm. Chủ đề gia đình và những thứ tình cảm mộc mạc vốn rất được khán giả Việt mình ưa chuộng, quyển này bán chạy ở Việt Nam cũng không có gì lạ. Khoan nói về các yếu tố văn hoá, chính trị trong bối cảnh (sự chuyển giao từ nông thôn lên thành thị của Hàn Quốc), câu chuyện của “Hãy Chăm Sóc Mẹ” đơn giản là đi vào lòng người. 

❝Mẹ bị lạc đã một tuần.❞

Tiểu thuyết mở đầu như thế. Hành trình đi tìm người mẹ của mấy anh em và ông bố, cũng là hành trình tìm lại những ký ức họ có về mẹ. Người mẹ cả đời quanh quẩn với mấy chum tương, chậu dưa cải muối. Người mẹ luôn dúi bánh gạo vào tay các con để mang về thành phố. Người mẹ đã luôn chăm sóc cho cả 6 bố con như thể cuộc sống của mẹ phụ thuộc vào họ. Mẹ đã luôn ở đó, tới mức 6 bố con quên mất rằng: mẹ không chỉ là mẹ, mẹ cũng là một con người với những ước mơ, suy nghĩ của riêng mình. 

❝[…] thế nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta chỉ luôn nghĩ về mẹ như là một người mẹ mà thôi?❞

“Hãy Chăm Sóc Mẹ” có cảm động không? Có. Mình có khóc sau khi đọc xong? Không (nhưng cái này hoàn toàn là do những lý do chủ quan, mình nghĩ nhiều người sẽ khóc đấy). Ai đang muốn hàn gắn, muốn thắt chặt, muốn bày tỏ sự biết ơn, hay muốn giải quyết một xung đột nào đó trong mối quan hệ với mẹ và gia đình, mình nghĩ rất nên đọc. 

"- Hồi xưa mẹ có thích ở dưới bếp không? Mẹ có thích nấu nướng không?

- Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi còn đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta thích hay không...

Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?"

----------

"Cảm động và ám ảnh".

“Hãy chăm sóc mẹ" thực sự đã khiến mình phải rơi lệ trên những trang sách, bởi những điều mà đôi khi chúng ta chẳng hề nghĩ tới khi nó còn tồn tại. Cuốn sách của tác giả Hàn Quốc Shin Kyung Sook, đối với mình, có thể xem như một tập nhật ký ghi lại những suy nghĩ và diễn biến tâm lý dù chỉ nhỏ nhất của những đứa con đối với người mẹ đi lạc của mình, và ngược lại. Xuyên suốt tập nhật ký, mình lại thấy bất chợt bắt gặp đằng sau câu chữ là chính mình, là hàng nghìn những điều bản thân lâu lắm rồi mới cảm thấy thấm thía đến như thế. Mẹ, nếu như hàng ngày chỉ là một tiếng gọi tưởng chừng quen thuộc, vậy mà chỉ khi đã rời xa, thậm chí mãi mãi, những đứa con mới nhận ra nó thiêng liêng biết chừng nào. Lời văn thấm đẫm sự day dứt và hối hận, nó chứa chan sự hoài niệm về ký ức tuổi thơ ngày bé, về những ngày còn nói "con yêu mẹ nhất trên đời". Phải chăng chỉ khi đã xa, người ta mới có thời gian để ngồi lại, ngẫm nghĩ tại sao mẹ lại phải hy sinh cho mình nhiều đến thế, dù cho chẳng ai bắt buộc? Tình mẫu tử đi vào từng câu văn không còn là sự triết lý đầy khô khan, mà cứ tự nhiên bước vào trái tim mỗi người, đánh thức tình cảm bấy lâu chưa được thể hiện. 

Bằng cách xây dựng một hình tượng người mẹ giản dị đến ngỡ ngàng, thậm chí là thô ráp trong lời ăn tiếng nói, cách ăn mặc, tác giả đã thành công với việc lấy đi nước mắt của mình, và hàng triệu độc giả khác. Và đây cũng chính là cuốn sách yêu thích nhất của mình, nhờ nó mà mình biết và bắt đầu tìm hiểu về các tác phẩm khác của Hàn Quốc. Thực sự rất đỉnh!

Mình đã khóc nức nở và phải tạm dừng khi đọc “Hãy chăm sóc mẹ”.

Khi lựa chọn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn, mình rất tò mò về cách xây dựng câu chuyện của những tác giả khác nhau. Vì thích viết nên mình rất biết ơn khi học hỏi được từ lối viết của mỗi tác giả. Và, “Hãy chăm sóc mẹ” như một sự đồng cảm tình cờ, một bài học tuyệt vời cho mình. (Mình delay lâu rồi mới đọc vì bạn mình nhắn “sẽ buồn lắm” nên mình sợ.)

Xoay quanh câu chuyện tìm người mẹ bất ngờ bị lạc cho đến những tình tiết mới nhận ra về những gì bà đã và đang gặp phải (mình sẽ không kể rõ để tránh spoil cảm xúc cho những bạn lần đầu đọc) rồi phản ứng của những người con, người chồng,... Cảm xúc đã đưa nỗi nhớ bà ngoại đến với mình khi bà biết bác cả mất vì ung thư. Mình khi đọc như đang chạy song song giữa câu chuyện và ký ức của mình vậy. Và cả cách tác giả chuyển đổi vai kể chuyển giữa các nhân vật nữa, huhu đỉnh của đỉnh.

Chủ đề gia đình có nhiều tác phẩm xuất sắc nhưng thật đến đau lòng và dễ gây sốc cảm xúc của người đọc như “Hãy chăm sóc mẹ” là đầu tiên đối với mình. Rất may là mình đã có thể đọc hết câu chuyện sớm. 

Cái kết mở đúng như hiện thực nên có lẽ sẽ làm bạn buồn, tuy nhiên những bài học quý giá từ nỗi buồn đấy tuyệt vời hơn rất nhiều. Cũng có movie Hàn “Hãy chăm sóc mẹ” ra đợt đầu năm nhưng nội dung thì có khác với tiểu thuyết của cô Shin, bạn có thể xem nếu yêu thích nhé.

"Hãy chăm sóc mẹ" - Một tác phẩm không khiến mình rơi nước mắt, nhưng là tác phẩm khiến mình day dứt vì những phần như miêu tả chính cách mà bản thân mình đối xử với mẹ.

Mẹ - người dễ bị bắt nạt nhất trong gia đình. Bản thân chúng ta, khi còn nhỏ đều được dạy bảo rằng "con phải nghe lời mẹ". Nhưng hồi nhỏ thì vẫn là hồi nhỏ, đến một độ tuổi nhất định, độ tuổi mà  "những đứa con" sẽ có chính kiến riêng, có những suy nghĩ lớn lao hơn, sẽ có những lời lẽ khó nghe. Mẹ sẽ chẳng thể kiểm soát được chúng ta như thời thuở bé, điều này càng chứng tỏ hơn rằng, giờ đây mẹ sẽ phải rời xa đứa con mình, sẽ phải nghe theo những nhu cầu hoặc suy nghĩ của con. 

- Chúng ta luôn lúc nào cũng buồn bực khi bị mẹ kiểm soát, đối với chúng ta thì điều mẹ đang làm là vô nghĩa, là kiểm soát thái quá. Nhưng đã có khi nào chúng ta chịu nghĩ cho mẹ? Có lúc mình bực quá, bực đến nỗi gay gắt với mẹ, dù chuyện chẳng đáng là bao, rồi sau những lần cãi cọ với mẹ, mình ngẫm lại thì thấy "sao bản thân mình lại như thế?"

- Những chuyện như thế này sẽ được khắc họa rõ nét qua 323 trang sách. 

- "Ôi yêu thương, hãy yêu thương khi còn có thể."

"Mẹ bị lạc đã một tuần"

Đây chính là câu mở đầu của cuốn sách "Hãy chăm sóc mẹ" của Shin Kyung Sook, một câu văn ngắn, nhưng khiến mình mãi day dứt khi nghĩ về tác phẩm này. Và câu văn ấy như càng như vết xoáy vào tâm trí khi mình khi khép lại cuốn sách. Một người mẹ vẫn sống cả đời mình nơi miền quê, cùng chứng bệnh, sự quên lãng ấy bà sẽ đi về đâu? Rồi có ai tìm thấy bà không?

….

“Bà ấy bị thương ở mu bàn chân. Bà ấy đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi một miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm, có lẽ vì bà ấy đã đi bộ quá xa. Ruồi muỗi bu đầy quanh vết thương đang rỉ mủ, chắc là cảm thấy khó chịu nên bà ấy cứ đưa tay phe phẩy đuổi chúng đi.”

Những chương đầu của tác phẩm lại thấm hơn về hình ảnh người mẹ, phải chăng là sự nuối tiếc hay sự dằn vặt của mỗi người con và cả những người đọc như chúng ta.

Hình ảnh người mẹ lúc nào cũng yêu thương các con và người chồng của mình. Lúc nào cũng cặm cụi sớm hôm để lo cho các thành viên gia đình từ miếng cơm đến manh áo. Tất cả những việc trong nhà bà đều một tay quán xuyến, nhưng đợi đến khi bà mất tích rồi, tất cả mới phát hiện ra tầm quan trọng của bà trong lòng mỗi người như thế nào.

Chỉ khi mẹ đi lạc, mẹ đã không còn ở đây nữa thì người chồng và những đứa con mới hối hận, mới hồi tưởng lại những kí ức về mẹ. Sự hiện diện của bà thật mờ nhạt cũng thật đậm nét, bởi nó đan cài giữa hai không gian. Một, hiện tại, nhưng bà đã mất tích. Hai, trong quá khứ, trong hồi ức. Sự hiện diện ấy khiến tôi nhói đau, cảm giác bà thật cô đơn, lạc lõng, mang theo nỗi ân hận, xót xa nuối tiếc của những người ở lại.

Giữa chốn thị thành tấp nập, có những đứa con đang đi tìm mẹ.

Giữa những đường phố hoa lệ, mẹ đi đôi dép lê màu xanh, chân sưng tấy đến mưng mủ, lết qua khắp những nơi chốn mà các con mình đã từng trú ngụ. 

Giữa cuộc đời mênh mông này, thế là không còn mẹ ở bên. 

Phải đến lúc ấy, những đứa con mới nghĩ về mẹ một cách trọn vẹn,  nhưng ký ức của họ thì toàn những mảnh chắp vá, ghép tất cả lại, có khi cũng không hiểu nổi mẹ mình. 

Muốn đi tìm mẹ, phải vẽ được chân dung mẹ. 

Chỉ cần nhắc đến mẹ thôi, là hiện lên một bức tranh làng quê Hàn Quốc yên bình, thơ rất thơ. Nhớ đến mẹ, là thấy cả một thế hệ những người phụ nữ tần tảo nuôi con khôn lớn, không một lời trách than, là một người chịu thương chịu khó nuôi trồng mát tay, là một người vợ hiền hoà nhẫn nhịn đợi chồng về hết lần này đến lần khác, và còn là một người già, bắt đầu trở nên lú lẫn. 

Đó có phải mẹ của những đứa con không? Chúng sẽ lia lịa gật đầu: mẹ tôi đấy, người tôi yêu thương nhất đấy, xin hãy giúp tôi tìm mẹ. 

Chẳng phải đó là hình mẫu chung của thời đại ấy sao? Những người phụ nữ khốn khổ chốn làng quê ấy ai mà chả vậy, ai chả lam lũ một nắng hai sương hi sinh cuộc đời vì chồng vì con. Ai chả bất lực trước chế độ trọng nam khinh nữ, và sự đay nghiến của họ hàng làng xóm. 

Vậy phải tả mẹ thế nào đây, để có thể tìm thấy mẹ giữa hàng triệu dân Seoul, để có thể hiểu mẹ giữa muôn vàn đắng cay của cuộc đời.

Mẹ không thích nấu ăn nhưng một ngày 3 bữa mẹ trong bếp. Mẹ đã từng bỏ nhà đi vì bố dẫn người phụ nữ khác về nhà. Mẹ hay ra sau nhà đập vỡ nắp chum tương mỗi khi bực bội rồi lại mua mới thay vào. Mẹ cũng lãng mạn lắm, mùa đông đến là phải dán lá phong ở cửa sổ, năm nào cũng vậy, mấy đứa con lại đi sang nhà bà bác xin lá về trang trí cho mẹ. Mẹ có một người bạn đặc biệt, người đã lấy cắp chậu bột mỳ - miếng ăn của mấy đứa con để đem về cho gia đình ông ấy, cũng từ đó họ là bạn, là tri kỷ. Tình bạn tuyệt vời ấy chỉ có 2 người biết, chia sẻ với nhau, nó thanh cao và đáng quý vô vàn, nâng đỡ nhau qua những ngày khốn khó. Mẹ hay mang sách của con gái đến cô nhi viện nhờ đọc hộ, mẹ không cho ai biết là mẹ không biết chữ, mẹ cũng giấu mọi người quyển sách trên tay họ là do con bà viết. Mẹ dành tiền tiết kiệm các con gửi về để quyên góp cho những đứa bé mồ côi, mẹ đã lặng lẽ như thế, mấy chục năm trời, và rồi mẹ cũng quên luôn căn bệnh của mình. Mẹ chỉ nhớ mấy đứa con.

Những bí mật của mẹ, chao ôi là lạ, mẹ như biến thành một người khác, một người phụ nữ đứng ở phía bên kia của sự phán xét, của cổ hủ lạc hậu. Mẹ là mẹ, chưa bao giờ chân thực hơn. Thế mà, 5 đứa con, không một ai hay biết. 

Thuần một nỗi chua cay xộc lên trong sống mũi và lan sang cả trái tim này: thì ra mẹ đã làm hết nhiệm vụ của mình, mẹ đã mệt rồi, mẹ phải đi thôi…

“Cho dù mẹ mất tích, thì mùa hè vẫn đến, mùa thu sẽ lại về và mùa đông cứ sang như vốn dĩ. Và con sẽ sống trong một thế giới không có mẹ”.

Mình đã mất rất nhiều thời gian mới đọc xong cuốn sách này, không phải vì bận, không phải vì khó đọc hay không hấp dẫn. Mà đọc được vài trang lại cảm động rớt nước mắt và phải dừng lại để nhớ về biết bao nhiêu kỷ niệm giữa mình với mẹ mình, nhớ về tuổi thơ, nhớ về những lần ích kỷ, ngang ngược làm mẹ buồn mẹ khóc.

Từ tình huống người mẹ bị lạc ở ga tàu khi cùng chồng lên thăm các con ở thành phố lớn, cuốn sách đã mở ra những câu chuyện, những suy tư mà có lẽ bất cứ ai đọc xong cũng phải bần thần mà thấy trong đó có một phần của chính gia đình mình. Bị lạc thì có sao? Bị lạc thì đi tìm thôi. Nhưng người bị lạc không phải người bình thường mà là một bà lão ngoài 70, từng xuất huyết não và đang mắc chứng giảm trí nhớ. Người phụ nữ khổ sở ấy đã không ngồi im chờ các con đến tìm mình, mà dựa vào trí nhớ rời rạc, đứt quãng, trí nhớ của cách đó hàng chục năm để tự tìm đến những ngôi nhà mà con cái bà từng ở, với đôi dép lê rách mòn cứa vào vết thương ở chân đến lòi cả xương ra ngoài. Đôi dép lê xanh không chỉ cứa vào chân bà, mà khi chi tiết ấy được những người khác kể lại thì còn cứa vào lòng các con bà một vết thương day dứt khó mà lành lại được.

Trải dài những trang sách là sự bất lực, bất lực của người mẹ già dựa theo trí nhớ nham nhở để tìm nhà con và bất lực của những người con tìm mẹ trong vô vọng và ân hận. Đan xen vào đó là những ký ức thời thơ ấu, những kỷ niệm đẹp đẽ của thời nghèo khổ. Mình nhớ mãi chi tiết người mẹ đưa con lên thành phố rồi vội vàng về ngay trong đêm chứ không dám ngủ lại, vì phòng chật mà có thêm mẹ nữa thì mấy đứa con ngủ không được thoải mái. Mình cũng nhớ cảnh người mẹ tất tả sốt sắng đuổi theo người đàn ông lạ đã nhẫn tâm cướp đi chậu bột là thức ăn chục ngày của các con bà.

Mình thấy đâu đó bóng dáng mẹ mình và rất nhiều người mẹ khác nữa. Mẹ hay quát mắng, hay bắt học, nhiều giáo điều. Mẹ sống với những tư tưởng cũ và không nhạy bén về công nghệ. Mẹ quanh năm tất tả đồng ruộng và việc nhà. Dịp lễ tết người ta nghỉ ngơi còn mẹ bận hơn cả ngày thường vì còn phải làm tròn bổn phận dâu trưởng. Mẹ chăm sóc lo lắng ngay cả khi con đã khôn lớn và có khả năng lo liệu cuộc đời mình. Những người mẹ là thế đấy, mọi người ạ!

Vậy nên, ai còn mẹ thì đừng để mẹ khóc. Hãy chăm sóc mẹ!

Nếu ai muốn khóc thì hãy đọc cuốn sách này!!!

Ra đời vào năm 2009, “Hãy chăm sóc mẹ” đã tạo ra một cơn sốt trên thị trường sách. Một triệu bản đã được bán hết tại Hàn Quốc ngay trong năm đầu xuất bản, mang về cho Shin Kyung Sook giải thưởng Man Asian Literary Prize và biến cô trở thành nữ nhà văn đầu tiên đoạt giải thưởng này.

Cuốn sách đã vẽ nên hình tượng điển hình về một người mẹ truyền thống của Hàn Quốc, hay nói rộng ra là của Châu Á. Một người mẹ luôn lam lũ, chịu khó, với tình yêu vô bờ bến và luôn hy sinh vì chồng con.

Câu chuyện mở ra với dòng thông báo “Mẹ bị lạc đã một tuần”, rồi tiếp tục bằng hành trình tìm kiếm của những đứa con. Chúng đi tìm với những thông tin rất ít ỏi, chỉ đến lúc này chúng mới nhận ra, sự có mặt của mẹ lại mờ nhạt trong gia đình đến thế. Mờ nhạt ở đây không phải là vì người mẹ vô tâm, mà là vì chúng mặc định mẹ luôn ở đó và sẽ không bao giờ đi đâu mất, thậm chí trong nhà còn không có nổi một bức ảnh của mẹ. Và trên hành trình ấy, chúng nhớ lại những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ bên mẹ, để rồi vô cùng ân hận và day dứt trong bất lực khi mẹ mất tích.

Là nỗi day dứt của cậu con trai – niềm tự hào lớn nhất của mẹ khi nhớ về lần mẹ đã lặn lội từ quê lên thành phố để mang đồ cho anh, rồi lại về ngay trong đêm vì lo ở lại thì các anh không có đủ chỗ nằm.

Là nỗi xấu hổ của cô con gái khi nghĩ rằng cô là người hiểu mẹ nhất, để rồi cuối cùng bỗng nhận ra là cô chẳng hiểu mẹ một chút nào. Cô không hề biết ước mơ của mẹ là gì, cũng chẳng biết mẹ đã phải chống chọi với những cơn đau đầu, những cơn ho hằng đêm ra sao.

Là sự ân hận tột cùng của ông chồng khi cả thời trẻ của ông đã bỏ bê vợ con để lang bạt bên ngoài. Chỉ đến khi về già, ông mới nhớ đến vợ, nhưng ông không biết rằng thời gian của vợ ông chẳng còn lại bao nhiêu. 

“Trong suốt năm mươi năm qua kể từ lần đầu gặp nhau khi ông mới hai mươi tuổi, câu nói “Ông đi chậm một chút” là câu mà ông nghe nhiều nhất từ vợ mình. Sao ông không đi chậm lại khi mà suốt đời vợ ông luôn bảo ông đi chậm lại một chút cơ chứ? Ông có thể dừng lại đợi vợ mình, nhưng ông chưa bao giờ sải bước đi bên cạnh chuyện trò với bà như bà muốn, chưa bao giờ, dù chỉ một lần.”

Và cũng chính vì vậy mà ông đã để lạc mất vợ mình.

Nhưng trái với cảm xúc ân hận, day dứt của chồng con thì phần hồi ức của người mẹ trong câu chuyện lại mang tâm trạng nhẹ nhàng, bình thản. Bà coi những việc bà làm là lẽ dĩ nhiên, bà chỉ luôn muốn mang lại hạnh phúc cho chồng con mà không hề toan tính. 

Trong cuốn này, tác giả đã cứa sâu vào lòng độc giả bới những hình ảnh về người mẹ đáng thương: bà lạc mất chồng con vào tuổi 69, khi đang phải chịu chứng hay quên, lang thang tìm nhà con trai dựa theo những mảnh ký ức chắp vá. Bà đi lạc với đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái sâu đến nỗi miếng thịt long ra tạo thành vết rách sâu hoắm. Bà từng phải chịu đựng những cơn đau đầu khủng khiếp đến mức phải tự ngâm đầu mình vào nước lạnh để giảm đi cơn đau,… Và còn rất nhiều những hình ảnh khác. Cuốn sách như một lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, hẳn ai đọc cuốn này xong cũng sẽ chột dạ và bất giác nghĩ về mẹ mình, xem lại những hy sinh của mẹ và cũng xem lại cách đối xử của mình với mẹ ra sao.

Ngoài những câu chuyện về gia đình, “Hãy chăm sóc mẹ” còn đưa độc giả đắm chìm vào khung cảnh bình yên của làng quê Hàn Quốc, nơi những vại kim chi được xếp trước sân, nơi có những cây mận trước hiên hay những ngọn đồi với bụi tre nhìn xuống thung lũng. Shin Kyung-Sook không cần phải thêm thắt hay vẽ vời gì, chỉ bằng những mẩu truyện rất bình dị và chân thực, cô đã thành công chạm đến tận sâu trong lòng độc giả và khiến hàng triệu người phải rơi nước mắt.

Có một đoạn trích trong sách mình rất thích về cuộc nói chuyện giữa người mẹ và cô con gái:

"Hồi xưa mẹ có thích ở dưới bếp không? Mẹ có thích nấu nướng không?”

"Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con ăn rồi còn đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta thích hay không.”

“Mẹ không thấy điểm kết thúc. Ít nhất là với công việc đồng áng, khi gieo hạt vào mùa xuân thì ta được thu hoạch vào mùa thu. Ở chỗ gieo hạt rau chân vịt sẽ mọc lên cây rau chân vịt, ở chỗ tra hạt ngô sẽ mọc lên cây ngô... Còn công việc bếp núc thì không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Ta ăn sáng rồi ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng thì lại ăn sáng...”

P/s: Mình hầu như rất ít khi đọc hay xem về thể loại tình cảm gia đình. Nhưng cuốn này thì thực sự là một trải nghiệm rất tuyệt vời. ^^