“Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên những bẹ ngô, chúng không làm việc gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”

Giết con chim nhại là cuốn tiểu thuyết được viết bởi tác giả Nelle Harper Lee và là một trong những tác phẩm văn học kinh điển nhất thế giới.  Tác phẩm lấy bối cảnh ở Alabana, một tiểu bang miền Nam nước Mỹ, nơi mang nặng thành kiến về vấn đề phân biệt chủng tộc. Ngay từ cái tên của tác phẩm, chúng ta có thể hình dung nên một câu chuyện ẩn chứa nhiều đau khổ, nặng nề. Xuyên suốt tác phẩm, đó là câu chuyện về những chú “chim nhại” đáng thương bị giết bởi những định kiến của xã hội.

Câu chuyện được kể thông qua lời của cô bé Jean Louise Finch, tên gọi thân mật là Scout. Đó là những gì em nhìn thấy và cảm nhận trong những năm đầu của bậc tiểu học. Những câu chuyện đời thường xảy ra trong thị trấn, những thay đổi trong tính cách các nhân vật, những định kiến xã hội, những bài học đạo đức… được khắc họa hết sức chân thực và sinh động.

Phần đầu của tác phẩm là những câu chuyện diễn ra hàng ngày trong khu phố. Đó là về nguồn gốc, đặc điểm của các dòng họ, từ những dòng họ danh giá đến những họ thuộc “xã hội riêng biệt”. Đó là những mùa hè của Scout, anh trai của cô - Jem và Dill - đứa cháu của cô Rachel. Đó là những tò mò của ba đứa về ngôi nhà của ông Radley.

Phần hai của tác phẩm có phần cao trào hơn. Nó bao gồm phiên tòa xử một người da đen tội hiếp dâm. Và anh ta bị quy tôi chỉ vì “anh ta là người da đen”. Phần sau cũng chứng kiến sự thay đổi trong suy nghĩ và trưởng thành hơn của ba cô cậu nhỏ. Các em đã bước ra ngoài xã hội, gặp gỡ nhiều hạng người. Các em tức giận vì thực tế không giống như những bài học đạo đức của bố. Scout phải chịu sự quản thúc của bác Alexandra vì bác muốn em phải trở thành một quý cô. Hai anh em Jem và Scout phải chịu sự trả thù của người lớn chỉ vì bố các em kiên định bảo vệ một người da đen.

1. Phân biệt chủng tộc

Có thể nói chủ đề liên quan nhiều  nhất trong tác phẩm chính là vấn đề phân biệt chủng tộc. Điểm nổi bật chính là phiên tòa xét xử một người da đen, Tom Robinson. Tom Robinson bị bắt và đưa ra xét xử vì bị tố cáo hiếp dâm cô con gái của nhà Ewell. Đọc tác phẩm, chúng ta cũng giống như Jem, dễ dàng thấy được những kẻ hở trong lời khai của cô Mayella và bố cô, ông Ewell. Rõ ràng Tom vô tội. Anh chỉ là một anh da màu tốt bụng, giúp cô con gái nhà Ewell những chuyện vặt khi cô gọi. Rõ ràng cô Mayella và ông Ewell đang nói dối và chính ông ta mới là người đánh cô con gái của mình. Trước những lời biện hộ rõ ràng và đanh thép của bố Atticus, cả Jem, Scout và Dill đều tin rằng họ sẽ thắng.



Thưa quý vị, đây không phải là vụ án khó, nó không đòi hỏi phải xem xét kỹ các sự kiện phức tạp mà nó đòi hỏi quý vị phải chắc chắn vượt qua được mọi nghi ngờ có vẻ hợp lí về tội của bị cáo.

Bị cáo không có tội, nhưng ai đó trong phòng xử án này thì có.

Cô ta là một người da trắng và cô ta đã quyến rũ một người da đen.

Cha cô ta đã thấy điều đó… có chứng cứ gián tiếp cho thấy rằng Mayyella Ewellđã bị đánh một cách dã man bởi mọt người hầu như đặt biệt thuận tay trái … ông ta đã đòi trát tống giam, rõ ràng là ký nó bằng tay trái, và Tom Robinson… đã tuyên thệ với bàn tay duy nhất còn cử động được của anh ta – bàn tay phải.

Thế nhưng những bồi thẩm đoàn đều bỏ những lá phiếu “có tội… có tội … có tội…” Tom Robinson bị buộc tội đến nỗi phải tự tử trong tù.

Theo một cách nào đó, ít ra câu chuyện cũng có một cái kết có hậu. Mọi chuyện liên quan đến chuyện của Tom cũng dần lắng xuống, người ta không bàn tán nhiều về nó nữa. Nhưng không phải không có gì thay đổi. Ông Ewell có lẽ phải trả giá cho những lời nói dối lố bịch của mình. Ông ta bị xã hội lãng quên. Ông ta có việc rồi mất việc chỉ trong vài ngày. Sau đó phải lãnh chi phiếu tại văn phòng trợ cấp thất nghiệp. Ông ta thật đáng thương. Vì cho đến cuối cùng ông cũng không thể bỏ được định kiến của mình và vẫn giữ mối thù hằn với Ellen Robinson, vợ của Tom và gia đình Scout. Còn vợ của Tom thì may mắn tìm được việc làm và nhận được sự giúp đỡ của ông chủ cũ của Tom. Những người trong thị trấn, các quan tòa tuy chưa hoàn toàn nhưng cũng dần thay đổi suy nghĩ về người da đen.

2. Các bài học nhân bản

Thật ra khi Scout chỉ là sáu tuổi, Jem mười tuổi. Khi Jem 13 tuổi thì Scout cũng chỉ mới chín tuổi. Đây là lứa tuổi tốt nhất để giúp các em định hình tính cách và con người  mà các em sẽ trở thành sau này. Các em được đến trường, gặp gỡ bạn bè, hàng xóm, họ hàng. Đó chính là cái xã hội thu nhỏ mà các em được tiếp xúc. Các em sẽ nhìn thấy những mặc tốt, những mặt bất công trong cuộc sống. Các em sẽ nhìn nhận, yêu ghét, bực tức rồi sẽ trưởng thành. Các em nhìn nhận sự việc theo nhiều góc nhìn khác nhau  như cách các em được dạy từ bố.

Cùng được giáo dục như nhau nhưng các em cũng có những suy nghĩ và nhận thức khác nhau. Jem cho rằng: 

Trên đời này có bốn loại người. Đó là loại người bình thường như tụi mình và những người hàng xóm, có loại người giống như nhà Cunningham sống trỏn rừng, loại người giống như Ewell ở bãi rác, và người da đen.

Nhưng Scout lại nghĩ khác “Chỉ có một hạng người. Đó là người.”


Rồi các em dần nhận ra “Nếu chỉ có một hạng người, tại sao mọi người lại không thân thiện được với nhau? Nếu tất cả là giống nhau, tại sao họ lại mất công coi thường nhau?... tại sao ông Boo  Radley lại đóng cửa ở trong nhà suốt… đó là bởi vì ông ta muốn ở trong nhà.”

Trong kí ức của các em, Boo Radley là một bóng ma đáng sợ. Các em vẫn luôn phải chạy mỗi khi đi ngang qua sân nhà Radley. Nhưng ông cũng là bạn của các em. Ông đã chứng kiến các em lớn lên, tặng các em những món quà nhỏ, mang mền cho Scout vào ngày tuyết rơi lạnh lẽo. Rồi chính ông là người đã cứu hai anh em khỏi nguy hiểm. Bà Dubose là người hay mắng các em, lại còn chê trách và gọi bố theo cái cách mà các em không thích. Nhưng sau khi Jem phải trả giá vì phá nát vườn hồng của bà, các em cũng đã thay đổi dần cách  nghĩ về bà. Ban đầu Scout không thích bác Alexandra vì bác thích làm theo ý bác nhưng cuối cùng em cũng nhìn nhận bác theo một cách tích cực hơn rằng bác là người thương yêu cháu.

Jem và Scout lớn lên mà không có mẹ nhưng may mắn nhất của các em có lẽ là được làm con của bố Atticus. Bố tôn trọng các em, đối xử với các em như những người trưởng thành, không hề coi các em là con nít.

Khi trẻ con hỏi chú điều gì thì hãy trả lời nó, vì thiện ý. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn, và sự lẩn tránh làm cho chúng bối rối.

Rất nhiều câu nói của bố Atticus mang tính giáo dục cao. Có thể ở cái tuổi lên bảy, Scout chỉ hiều được một phần nhưng em rất cố gắng để làm theo điều bố.

Con có thể nghe một số lời đồn xấu về vụ này ở trường, nhưng nếu được thì hãy làm cho bố một điều: con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận.

 Đơn giản bởi vì chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lí do khiến chúng ta không cố thắng.

Hay khi Jem bực tức vì bà Dubose, bố hết sức bình tĩnh nói cho con về lòng can đảm

Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra. Con hiếm khi thắng, nhưng đôi khi con cũng thắng. Bà Dubose đã thắng, tất cả bốn mươi sáu kí của bà. Theo quan điểm của bà, bà đã chết mà không mắc nợ bất cứ cái gì và bất cứ ai. Bà là người can đảm nhất mà bố từng biết.



Ông yêu thương các con nhưng không cổ xúy cho các con làm điều xấu. Khi Jem bảo vệ Scout khỏi tấn công của ông Ewell, thằng bé bị thương và gãy tay. Ông Ewell bị một con dao đâm vào và chết. Atticus không thoát khỏi suy nghĩ rằng chính Jem là người đã đâm ông ta.

Dĩ nhiên đó là trường hợp tự vệ nhưng tôi sẽ phải đến văn phòng để tìm kiếm…

Nhưng không ai bưng bít chuyện này. Tôi sẽ không sống kiểu đó.

Dù bất cứ chuyện gì xảy ra ông vẫn muốn các con mình lớn lên trong sạch.

Tôi không muốn con trai tôi bước ra cuộc đời với một điều gì đó như chuyện này trên đầu nó. Cách hay nhất để làm sạch bầu không khí là đưa mọi chuyện ra công khai… Tôi muốn nó lớn lên với những tiếng xì xào về nó…

Qua từng câu chuyện, từng thắc mắc của bọn trẻ ông cũng đều cố gắng giải thích và dạy con về lương tâm, công bằng, bác ai, yêu thương con người, xóa bỏ định kiến…

Khi Jem với cháu gây lộn, bố Atticus không bao giờ chỉ nghe ý kiến của Jem về chuyện đó, ông còn lắng nghe ý kiến của cháu nữa.

Trong cách giáo dục của mình, ông cũng không hề áp đặt các con phải trở thành một quý ông hay quý cô. Ông đã phân vân nhưng rồi lại phản đối cách giáo dục của bác Alexandra khi bác áp đặt Scout phải mặc váy, cư xử như một quý cô. Ông làm gương cho các con, để các con tin tưởng. Ông để chúng tự nhìn nhận sự việc rồi sẽ hỏi ông nếu có thắc mắc.

Atticus có lẽ là nhân vật được khắc họa với tính cách hoàn hảo nhất trong truyện. Ông sống trong một xã hội đầy định kiến về chủng tộc nhưng bản thân không mang những định kiến ấy. Điều này có thể thể hiện ở chỗ giúp việc cho gia đình ông là một người phụ nữ da màu. Cũng như trong cách ông giáo dục con cái mình.

Trong tòa án của chúng ta, khi lời khai của một người da trắng chống lại lời khai của một người da đem thì người da trắng luôn luôn thắng. Họ xấu xa, nhưng  sự đời nó thế.

Khi con lớn hơn, con sẽ thấy người da trắng lừa đảo người Da đen  mỗi ngày trong cuộc đời con, nhưng hãy để bố nói cho con nghe điều này và con đừng quên: bất cứ khi nào người da trắng làm điều gì đó với người da đen, bất kể anh ta là ai, anh ta giàu cỡ nào hoặc anh ta xuất thân từ một gia đình danh giá ra sao, thì người da trắng vẫn là thứ rác rưởi.


        

 Đối với bố chẳng có gì đáng ghê tởm hơn một người da trắng thấp kém lợi dụng sự ngu dốt của một người da đen.

Ông nhìn con người ở cả hai mặt tốt và xấu, và ông tin vào khả năng hướng thiện của con người.

 Ông Cunningham về cơ bản là người tốt. Ông ta chỉ có những thành kiến giống những người khác trong chúng ta thôi.

Dù gì đi nữa thì một đám đông hung hăng cũng bao gồm những con người đơn lẻ…Cần 1 đứa bé tám tuổi để làm họ tỉnh lại…Điều đó chứng minh điều gì đó – rằng một đàn thú hoang vẫn có thể bị ngăn lại được, đơn giản bởi họ vẫn là con người.

Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi.

Ông tôn trọng con người và không hề áp đặt họ phải giống mình. Tuy nhiên ông kiên định với những tín ngưỡng của mình.

 Có một thứ không tuân theo nguyên tắc số đông, đó là lương tâm con người.

Khi nhận biện hộ cho Tom, ông nhận sự phản đối, chỉ trích của đa số người da trắng trong thị trấn. Gia đình Scout đối mặt với những nguy hiểm từ chính những “người bạn” của mình. Ông biết trước ông sẽ không thắng nhưng điều đó không làm ông chùn bước và từ bỏ. Như cách ông dạy con cái của mình “bởi vì chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lí do khiến chúng ta không cố thắng” hay “Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng dù có chuyện gì xảy ra.”



Tác  phẩm cũng đề cập đến một hiện tượng giáo dục cứng nhắc, với những giáo viên chỉ tuân theo khuôn mẫu, không quan tâm đến nhu cầu, lợi ích hay tâm lí của học sinh. Scout đã bị mắng chỉ vì em biết đọc và viết trước khi học lớp 3. Cô Gates cũng mang trong mình những thành kiến về người da màu. Sau khi bước ra khỏi tòa án xét xử vụ Tom Robinson, cô  đã nói “đã tới lúc phải có ai đó dạy cho chúng một bài học, chúng đang vượt quá thân phận của chúng rồi đấy, chỉ còn thiếu nước chúng nghĩ chúng có thể cưới chúng ta làm vợ thôi” Cũng chính cô là người đã phản đói Hitler và khen Scout làm rất tốt khi em trích dẫn:  DÂN CHỦ là “Quyền bình đẳng cho mọi người, không có đặc quyền cho bất cứ ai”. Đến nôi Scout phải thắc mắc: “Làm thế nào anh có thể ghét Hitler dữ dội rồi lại trở mặt suy nghĩ tồi tệ về người khác ngay tại quê nhà được chứ…”

Hình ảnh con chim nhại vô hại, mang lại tiếng hát cho đời được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm. Nên giết nó là tội ác. Đó là  hình ảnh biểu tường cho những gì trong sáng, những con người lương thiện nhưng bị chà đạp, hủy hoại bởi những xấu xa, định kiến xã hội. Ông Underwood coi việc bắn chết Robinson giống như việc giết chết những con chim ưa hát. Hay hình ảnh đau đớn của Jem khi chứng kiến những bất bình cũng là giống như giết con chim nhại.Ông Boo Radley chỉ vì lầm lỡ tuổi thiếu thời mà bị người cha nhốt kín bao nhiêu năm cũng là hình ảnh con chim nhại bị giết. Như theo suy nghĩ của Scout, việc đưa ông Boo Radley, người “muốn ở trnog nhà” ra ánh sáng cũng là giết con chim nhại.

Câu chuyện được kể bởi trẻ em vì thế mà trở nên đáng tin hơn. Các chi tiết, nỗi đau khổ hay bức xúc khi được mô tả bởi trẻ em cũng sẽ trở nên chân thực và có độ tin cậy cao hơn. Vì suy nghĩ của trẻ em thì đơn giản hơn và nhận thức về  nỗi đau của các em cũng đơn giản hơn. Vì thế mà người đọc có thể cảm nhận những câu chuyện ấy sâu sắc hơn.

Tuy được kể bởi thiếu nhi nhưng Giết con chim nhại hoàn toàn không phải là một câu chuyện thiếu nhi. Vì nó đặt ra những vấn đề vô cùng lớn trong cuộc sống con người. Đó là tình yêu thương nhân loại, là bình đẳng, bác ái. Muốn giải quyết những vấn đề ấy cần có sự chung tay của cả cộng đồng.

Tác giả: Vân Nguyễn - Bookademy 

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Xem thêm

Cuốn sách là câu chuyện được viết thông qua cảm nhận cuộc sống của cô bé Scout từ sáu cho đến tám tuổi, bé sống trong gia đình cùng Bố-luật sư Atticus Finch, anh trai Jem hơn mình bốn tuổi và vú em Calpurnia một người da đen ở hạt Maycomb thuộc bang Alabama. Đan xen ít nhiều tình tiết về sự phân biệt sắc tộc giữa người da trắng và người da đen, thì xuyên suốt câu chuyện xoay quanh cảm nhận cuộc sống, những bài học hai anh em bé Scoutt được dạy từ bố, cách thức giải quyết các mối quan hệ với những người lớn trong gia đình dòng họ Finch của anh em cô bé, cùng những người hàng xóm chung quanh theo với phương châm trung thực, biết đối diện với chính mình và vượt qua chính mình.

Thông điệp “Giết con chim nhại" được ví von như cách thức mà những người lớn giáo dục con em trong chính gia đình làm sao để không làm vẩn đục tâm hồn, nhân cách trẻ em đang còn trong trẻo, lạc quan với cuộc sống, như loài chim Nhại không làm điều gì hại cho con người mà chỉ mang tiếng hót của mình đến góp vui cho đời.


So với “Bắt trẻ đồng xanh” thì cuốn sách này dễ đọc hơn, nhưng nó không quá xuất sắc như những gì nhiều trang đã đăng, có lẽ nó phù hợp với những người đã lập gia đình, có con cái. Với cá nhân tôi về đề tài trẻ em, giáo dục gia đình tôi vẫn thích cái dung dị, mộc mạc đậm tình thân trong “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Nguyễn Ngọc Thuần hơn, nó có gì đó gần gũi thân quen mà ta dễ bắt gặp tuổi thơ, gia đình mình trong đó.


Và như thế nào thì cũng đã đọc hết, bài học túm lại “Người lớn trong gia đình luôn là tấm gương soi cho trẻ con nhìn vào, với trẻ con không có gì mất mát, chênh vênh hơn sự sụp đổ hình tượng, qua đó các ông bố, bà mẹ không nên khiến hình ảnh mình trong mắt con bị xấu đi” và “Khi trẻ con phạm sai lầm, không bao che cho lỗi lầm mà cần hướng các con can đảm đối diện, khắc phục lỗi lầm mình gây ra, qua đó sẽ tạo dựng nền tảng cho sự chính trực mang theo suốt cuộc đời”.

Trong cái rộn ràng của thế giới văn học, ít có tác phẩm nào có thể khắc sâu vào tâm trí độc giả như "Giết Con Chim Nhại" của Harper Lee. Đây không chỉ là một cuốn tiểu thuyết; nó là một hành trình xuyên qua những lớp màn của tuổi thơ, công lý và bất công, dẫn dắt ta đến với những bài học về đạo đức và nhân tính sâu sắc.

“Phần lớn mọi người đều tốt cả, con ạ, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi.” – Đó chính là lời bố Atticus nói với cô con gái nhỏ của mình – Scout Finch. Cô bé mất mẹ từ khi còn nhỏ và ở cùng với bố mình cùng anh trai là Jem. Bố Atticus đã nói điều ấy với tất cả lòng khoan dung của một vị luật sư đã bào chữa cho người da đen vô tội khi mà nạn phân biệt chủng tộc đang diễn ra gay gắt ở hạt Maycomb nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung.
Nhà văn người Chile Luis Sepúlveda đã từng khẳng định rằng: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình. Nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn.” Và bố Atticus đã làm được điều ấy. Ông bỏ qua tất cả mọi lời dèm pha về mình để bào chữa cho một người da đen vô tội bị buộc tội cưỡng hiếp cô gái người da trắng. Ông đã làm điều mà lúc bấy giờ không một ai dám làm. Bố Atticus đã cố gắng dùng những lập luận và chứng cứ cũng như niềm tin vào công lý, cái thiện và lẽ phải để cứu thoát cho người da đen ấy.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng đều biết đến nạn phân biệt chủng tộc ở các nước phương Tây, thế nhưng khi đọc “Giết con chim nhại” của Harper Lee, chúng ta mới thấy rõ hơn về nạn phân biệt chủng tộc ấy gay gắt đến nhường nào. Cuốn sách không chỉ cho chúng ta thấy niềm tin vào công lý mà còn cả về lòng tốt của con người dưới lăng kính của một cô bé sáu tuổi. Bối cảnh xã hội Mỹ những năm 1930 hiện lên đây chân thực và tinh tế qua cái nhìn của cô bé ấy.

“Giết con chim nhại” không phải là cuốn sách cổ tích dành cho những đứa trẻ mà là cuốn sách về sự dũng cảm, lòng tốt của con người hay hơn hết đó chính là cuốn sách về cuộc chiến bảo vệ những người da đen vô tội nhưng không hề đơn độc. Lẽ phải không phải bao giờ cũng sẽ chiến thắng. Cuốn sách giống như một bản cáo trạng về những bất công mà nạn phân biệt chủng tộc đem lại. Trong buổi đầu của cuộc đấu tranh giành tự do và công bằng ấy, những điều mà bố Atticus làm chỉ là bước đi nhỏ nhưng lại khởi đầu cho những cuộc chiến lớn, là tia hi vọng của lòng dũng cảm dám đứng lên để bảo vệ công lý, giống như ánh sáng mở ra một chương hoàn toàn mới cho những người da đen là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. “Cứ bắn mọi con giẻ xanh mà con muốn, nếu con có thể bắn trúng, nhưng hãy nhớ giết một con chim nhại là tội ác.”

Dạo gần đây đọc được một số bài review về Giết con chim nhại với những ý kiến trái chiều. Cho rằng nó nhàm chán, vì gặp thời nên mới trở thành best seller. Lúc mình đọc quyển này là khoảng 2 năm trước, đồng ý là đoạn đầu nó có hơi quanh quẩn thật, nhưng tầm ý nghĩa mà nó mang lại khiến mình quên đi nó đã nhàm chán thế nào. Thế nên, mình quyết định viết review.

Cuốn sách nói về nạn phân biệt chủng tộc ở những năm 30 của nước Mỹ. Đây được xem như một trong những tác phẩm lên án nặng nề nhất về nạn phân biệt chủng tộc. Nó đã là tiền đề cho một loạt những tác phẩm kinh điển cùng mục tiêu khác ra đời như Túp lều bác Tom hay Màu của nước.

Lấy bối cảnh ở hạt Maycomb bang Alabama, dưới con mắt trẻ thơ của Jean Louis, vấn đề phân biệt chủng tộc trở nên rõ ràng và chân thực đến lạ lùng.

Hơn nửa đầu cuốn sách nói về những ngày tháng tuổi thơ của hai anh em Jim và Scout. Những ngày tháng chơi đùa cùng với cậu bạn Dill mỗi mùa hè, trò chuyện cùng các người bạn lớn tuổi hàng xóm. Và tò mò về ngôi nhà bí ẩn của ông Radley. Dường như mạch truyện ở đoạn này khá chậm, nó khiến mình hơi bị ngợp và dần trở nên ngại đọc. Một số bạn đọc đã xếp nó vào hệ những cuốn sách không hay vì chính lí do này.

Nhưng có một điều đã giữ chân mình cho đến đoạn gay cấn đó chính là cách dạy con của luật sự Atticus- bố của Jim và Scout. Mình gọi nó là một cách dạy con thượng hạng. Một ông bố điềm tĩnh và tràn đầy tình yêu thương. Ông dùng ngôn ngữ và lí lẽ để thuyết phục những đứa con, ông dạy chúng cách học, cách sống, và cách đối xử công bằng với mọi thứ. Ông luôn để chúng tự khám phá và tìm tòi lấy cuộc sống, không nuông chiều, nhưng lại nghiêm khắc một cách văn minh.

Có lẽ bố Atticus chính là hình tượng nam mình yêu thích nhất trong các tác phẩm văn học Mĩ đã từng đọc.

Bản thân bố Atticus sống trong một xã hội gò bó và kìm hãm bởi nạn phân biệt chủng tộc, nhưng ông không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề tiêu cực ấy. Ông chấp nhận bào chữa cho một người đàn ông da đen - Tom Robinson. Tom bị vu khống cưỡng hiếp Mayella Ewell - một cô gái da trắng không ngừng mồi chài anh nhưng không được. Lại thêm một vị bồi thẩm đoàn mang tư tưởng phân biệt chủng tộc làm chủ toạ.

Rõ ràng, những trường hợp tương tự như thế này, lịch sử Mĩ không phải là chưa từng trải qua, những người da đen vô tội, không được giáo dục trở nên ngu ngốc. Họ bị người da trắng khinh rẻ và làm nhục bằng những lời buộc tội từ trên trời rơi xuống, những người da trắng cùng nhau chà đạp, đẩy họ đến bước đường cùng.

Thực trạng này có thể thấy không chỉ ở trong tác phẩm đầu tay này của Harper Lee mà còn có trong Túp lều bác Tôm với những chuyến buôn nô lệ vô nhân đạo của Harriet Beecher Stowe. Những người da đen hầu như không thể đánh vần từ " bình đẳng", họ không thể trông chờ gì vào hệ thống luật pháp và toà án địa phương nước Mỹ lúc bấy giờ.

Một xã hội mà thân phận của những người da màu bị coi rẻ được khắc họa thực sự thành công dưới mắt nhìn của Scout. Những suy nghĩ bộc bạch và chân thật. Những thắc mắc về thế giới phức tạp và độc ác của người lớn, khiến chúng ta như khựng lại và suy nghĩ nhiều hơn. Việc nhìn từ đôi mắt trẻ thơ này những tưởng chỉ dành cho thiếu nhi. Nhưng không, vấn đề mà cuốn sách bàn đến vĩ mô hơn nhiều, nó nằm ngoài khả năng giải quyết của mỗi cá nhân.

Giết con chim nhại là một tác phẩm sâu sắc và đầy tính nhân văn. Mặc dù cuộc chiến chống phân biệt trong cuốn sách không gặt hái được nhiều thành công, tuy nhiên nó đã mang lại thành công trên mặt trận tư tưởng, làm thay đổi mạnh mẽ cách nhìn nhận về cuộc sống của mỗi người, bất kể dân tộc, màu da hay tôn giáo.

Bên cạnh những ý nghĩa này, Giết con chim nhại còn dạy cho mình một bài học về sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm. Dám đương đầu với khó khăn và những định kiến tiêu cực không đem lại hạnh phúc cho con người. Cho dù những đóng góp ấy có là nhỏ bé, nhưng vẫn phải làm vì lương tâm không cho phép chúng ta dừng lại. Giống như cô Maudie đã nói “chúng ta đã bước được một bước, chỉ một bước ngắn, nhưng chúng ta đã bước”.

Mình đã thử suy nghĩ về tên của cuốn sách từ lúc bắt đầu đọc lời bạt sau sách trước khi đọc sách hay các bài review hoàn chỉnh. Đa phần đều cho rằng, nhan đề Giết con chim nhại mang ý nghĩa như thế này: Chim nhại là một loài chim vô tội, chúng chỉ biết hót, hót lại rất hay, ấy vậy mà lại bị con người săn bắt, cũng giống như những người da màu, họ chỉ sống một cuộc sống bình thường nhưng trong mắt những người da trắng họ lại là tội đồ phải bị trừng phạt.

Nhưng theo mình, tên sách mang một ý nghĩa khác. Chim nhại - Một thế hệ những người đi theo định kiến của số đông về phân biệt chủng tộc, họ thấy thế hệ trước làm như thế với những người da đen, họ cũng dần mang một mặc cảm tương tự. Giống như những lời nói nhại - bắt chước tiếng nói, điệu bộ của người khác để nói lại để trêu chọc và giễu cợt. Nạn phân biệt chủng tộc cũng thế, nó chỉ là những lời nói nhại từ thế hệ này đến thế hệ sau. Và ý nghĩa của tiêu đề chính là muốn giết chết những lời nói nhại, muốn loại trừ những định kiến tiêu cực về xã hội trước đó. Tạo dựng một xã hội mới công bằng và văn minh, ở đó người ta có thể thiết lập lại những suy nghĩ về con người ban đầu đơn thuần như cái nhìn của Scout về con người và cuộc sống.

Trong thế giới văn học đầy rẫy những cuốn sách viết về nạn phân biệt chủng tộc, "Giết con chim nhại" của Harper Lee nổi bật như một tác phẩm bất hủ, khắc họa sâu sắc về chủ nghĩa nhân đạo và sự trưởng thành.

Harper Lee đã không chỉ tạo ra một câu chuyện đơn thuần; bà đã vẽ nên một bức tranh đa sắc màu về tuổi thơ, về sự vô tội và về những bài học đắt giá mà cuộc sống mang lại. Nhìn qua con mắt của Scout, một cô bé nhỏ tuổi với trái tim lớn, chúng ta được dẫn dắt qua một thế giới nơi "nạn phân biệt chủng tộc, những định kiến khắt khe, sự trọng nam khinh nữ" không chỉ là những concept trừu tượng mà là những thực tại sống động, đôi khi đầy đau đớn.

Hãy mở cuốn sách này ra. Bạn phải làm quen ngay với bố Atticus của hai anh em - Jem và Scout, ông bố luật sư có một cách riêng, để những đứa trẻ của mình cứng cáp và vững vàng hơn khi đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi trong cuộc sống. Khi bạn tiếp tục đọc, bạn sẽ gặp gỡ những nhân vật không thể nào quên: người đàn ông kỳ lạ Boo Radley, với những món quà bí mật và sự xuất hiện kịp thời đầy bí ẩn; và Tom Robinson, người đàn ông da màu với số phận bi thảm, một hình ảnh sâu lắng về sự bất công và định kiến.

Qua gần nửa thế kỷ kể từ lần đầu tiên ra mắt công chúng, "Giết con chim nhại" vẫn chạm đến trái tim độc giả khắp nơi trên thế giới, vượt qua ranh giới của thời gian và không gian. Sức mạnh của tác phẩm không nằm ở những twist phức tạp hay kết cấu chẳng thể đoán trước mà ở chính thông điệp yêu thương và lòng nhân ái mà Harper Lee đã gửi gắm: một lời nhắc nhở rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng đều là một – "em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người". Đó là thông điệp không chỉ đối với thời đại của Scout và Atticus mà còn cho chính chúng ta, ở đây và bây giờ.

Quyển sách này cũng chứa vai trò healing trong đó, không chỉ là vấn đề phân biệt chủng tộc, mà trong đây còn chứa rất nhiều những bài học về định kiến, về dòng tộc, về giới tính, về tình người trong xã hội của những con người đối với nhau chứ không chỉ riêng người da trắng với người da màu. Nổi bật nhất là sự giáo dục trẻ con trong quyển sách này, không chỉ là sự giáo dục trong trường học, mà con là sự giáo dục từ những người thân, nói đúng hơn là sự giáo dục của người bố Atticus đối với hai đứa con Jem và Scout của ông, có lẽ trẻ con rồi sẽ trở thành người lớn, nên để thay đổi được định kiến xã hội thì việc hiệu quả nhất là giáo dục trẻ con. Qua từng câu chuyện, từng tình huống hoặc thậm chí là qua cả những câu nói hồn nhiên của Scout và Jem, bố Atticus luôn công bằng và minh bạch dạy dỗ chúng những bài học lương tâm, những bài học đạo đức, công bằng, đối nhân xử thế, và cả lòng can đảm cùng với cách nhìn đa chiều của ông đối với xã hội *“Con không bao giờ thực sự hiểu được một người chừng nào con chưa xem xét mọi việc từ quan điểm của người đó…”* .Ngoài ra tác giả còn phản ánh góc nhìn cứng ngắc của giáo viên trong việc giảng dạy, lối áp đặt máy móc và đầy thành kiến đã kìm hãm sự phát triển và tư duy của những đứa trẻ.

Nạn phân biệt chủng tộc của những nhân vật trong đây như đã ăn vào da vào máu họ, nói đúng hơn đó sự định kiến và thành kiến của họ đối với người da đen, Đứng trước những đồng bào cùng màu da của mình, Lòng vị tha và lòng can trường của một con người đơn độc, can trường chiến đấu với mọi thành kiến tâm tối và tàn bạo của một cộng đồng hầu bảo vệ người khác chỉ đơn giản họ là con người, đó chính là Atticus Finch, dù đứng trước mọi sự dè bỉu và khinh miệt của dòng họ, láng giềng nhưng ông vẫn đứng lên chiến đấu để bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải*.“ Lý do chính là, nếu bố không làm, bố không thể ngẩng cao đầu trong thị trấn này được, bố không thể đại diện hạt này trong cơ quan lập pháp, thậm chí bố không bảo con hoặc Jem đừng làm một điều gì đó nữa” *

Điểm khiến mình cảm thấy ấm áp khi đọc quyển sách này ngoại trừ gia đình nhà Atticus thì còn chính là những vị hàng xóm của ông, mặc dù trong số họ có những thành kiến đối với người da đen, nhưng đâu đó trong lương tâm họ là những con người ấm áp, yêu thương và đồng cảm, như ngoại trừ thành kiến đó ra, họ vẫn là một người tốt ( mọi người đọc để hiểu rõ hơn nhé, nói nhiều quá nó spoil :v)

Đối với mình đây là một quyển sách đáng đọc thử một lần, còn mình thì mỗi năm đọc lại 1 lần, sau một thời gian đọc lại, mình có nhiều suy ngẫm hơn với những bài học, những câu nói triết lý mà mỗi lần đọc đều khiến mình suy nghĩ nhiều hơn.

Khi hoàn thành quyển sách này vào năm ngoái, mình hiểu được vì sao nó lại thuộc thể loại kinh điển, một quyển sách không có tình tiết quá giật gân, không dồn dập mà những thứ cuốn sách đọng lại là sự lắng đọng, suy nghĩ về tình yêu gia đình, tình thương cuộc sống của những con người nói chung và của những con người trong bang miền Nam Alabama trong quyển sách nói riêng. Không ngoa khi nói rằng dù đã trải qua vài thập kỉ nhưng Giết con chim nhại vẫn khẳng định chỗ đứng của mình với những thông điệp và ý nghĩa nhân văn vượt thời gian.

Quyển sách đề cập đến một sự việc xảy ra ở bang Alabama, vị luật sư da trắng Atticus Finch bào chữa cho một người da đen bị buộc tội là cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Đó là một câu chuyện hết sức lạ kỳ vào thời điểm đó ở bang Miền Nam nước Mỹ, Alabama vào những thập niên 1930.

Câu chuyện được kể theo ngôi kể của cô bé Scout 6 tuổi, có câu nói “ Trẻ con không biết nói dối” vì vậy mà những vấn đề “ nhạy cảm” trong quyển sách dưới góc nhìn của Scout được bóc tách ra một cách mạnh mẽ và không kiêng nể, nhưng với một đứa trẻ vô tội như vậy thì ta lại thấy nó tránh được sự phản cảm và không thiếu sự tinh tế trong cách lòng ghép các vấn đề xã hội này.

Mình nghĩ sẽ có nhiều bạn khi biết đến quyển này sẽ mong chờ nó là một quyển sách viết về nạn phân biệt chủng tộc với một bản án tố cáo mạnh mẽ và xuyên suốt quyển sách ( lúc đầu mình cũng nghĩ nó sẽ như vậy) Tuy nhiên như đã nói ngôi kể là một đứa trẻ, đây như một quyển hồi kí của Scout về một khoảng thời gian trước, trong và sau vụ án người da đen. Vì vậy câu chuyện là một ký ức tuổi thơ, một khoảng thời gian sinh hoạt của Scout cùng với gia đình mình ở bang Alabama. Lúc đầu khi mình đọc tới 50 trang quyển sách thì vẫn chưa thấy liên quan gì đến vụ kiện kia, nó làm mình hố và hơi thất vọng tí vì nghĩ chuyện đi quá chậm, tuy nhiên khi đi sâu vào tuổi thơ của Scout, mình lại cảm thấy rất sôi nổi, nhộn nhịp và ấm áp, nó làm khơi gợi lại đôi chút ký ức tuổi thơ của mình ngày đó

Mình mua quyển này khi Harper Lee vừa mất (2016) nhưng đến sau giỗ lần thứ hai của bà mới đọc. Giết con chim nhại không hổ danh là tiểu thuyết kinh điển xuất sắc nhất nước Mỹ thời hiện đại, khi những vấn đề nặng ký như phân biệt chủng tộc, giai cấp tầng lớp được kể lại với góc nhìn của một bé gái vừa vào lớp một. Giết con chim nhại cũng dựng nên chân dung một standing man chân chính, một đàn ông theo đuổi công lý, lẽ phải và luôn sẵn sàng đứng lên và bảo vệ những lý tưởng đó. Atticus Finch cũng được xem là hình mẫu của một luật sư luôn hành động đúng với lương tâm của mình, một người cha mẫu mực dù “gà trống nuôi con” vẫn luôn khéo léo dạy dỗ con mình về cách sống, cách chấp nhận sự khác biệt.

Đó là khi Atticus dạy con ông về chấp nhận ý kiến trái chiều và sự khác biệt. “Chắc chắn họ có quyền nghĩ [rằng bố thì sai còn họ thì đúng], và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ. Nhưng trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người”.

Rồi khi đứa con trai bất bình và muốn đứng lên “đòi công bằng” cho bố vì những lời mỉa mai lăng mạ rằng ông là “kẻ yêu bọn mọi đen”, ông Atticus chỉ đơn giản khuyên, “nhưng nếu được thì hãy làm cho bố một điều: con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống, cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi.”

Như lời mô tả ở bìa 4, Atticus được chỉ định bào chữa cho một người da đen, trong bối cảnh Đại suy thoái 1930 ở miền nam nước Mỹ khi người da màu vẫn bị kỳ thị nặng nề. Vụ án là trung tâm của câu chuyện để từ đó, cô bé xưng tôi trong truyện, Jean Louise Finch, quen gọi là Scout, kể lại cuộc sống của mình với anh trai, người bạn hàng xóm Dill chỉ xuất hiện mỗi mùa hè. Dụng ý của tác giả là phản ánh sự kỳ thị về chủng tộc, phân biệt giai cấp, tầng lớp qua cái nhìn trong trẻo của trẻ con, để làm nổi bật hơn cái phi lý của định kiến. Đến trẻ con còn nhận ra như vậy là vô lý và còn mất niềm tin vào cái gọi là công lý, luật pháp, thì tại sao người lớn cứ mãi kỳ thị như thế?

Quyển này ban đầu có tên là Atticus, sau đó bị từ chối và tác giả sửa lại là Giết con chim nhại để cho thấy quyển sách không phải muốn nói về chân dung một người. Nhưng tại sao là con chim nhại? Phải hơn 100 trang đầu, người đọc mới thấy loài chim này được nhắc đến.

“Cứ bắn mọi con giẻ xanh mà con muốn, nếu con có thể bắn trúng, nhưng hãy nhớ giết một con chim nhại là tội lỗi”. “Những con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức (…) chúng không làm gì ngoài việc hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải tại sao giết một con chim nhại là tội lỗi”.

Kể từ đó, hình tượng “giết con chim nhại” được nhắc đến để mô tả những tội lỗi chống lại những gì trong sáng và thuần khiết, mà dĩ nhiên xin dành để người đọc tự khám phá trong quyển sách xuất sắc này.