Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng bông trắng lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Nhắc đến sen, bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Một loài hoa sinh ra ở nơi vũng bùn, đầm lầy nhưng vẫn kiên quyết mạnh mẽ đứng lên, mặc cho những vấy bẩn, vẫn “ rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, tỏa sáng và đẹp đẽ hơn bao giờ hết? Đúng là sen rất đẹp nhưng chẳng phải tự nhiên mà sen đẹp như thế, để có thể mạnh mẽ như vậy, búp sen đã phải lớn lên và vươn cao, nói không ngoa chính sự rèn rũa từ búp đã tạo nên vẻ đẹp không thể nhầm lẫn của sen. Nếu như sen là những bậc hiền tài thì búp sen sẽ là đứa trẻ tạo nên những bậc hiền tài đó và “Các bậc thiên tài không có sẵn. Chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người và đi vào đời…”

Giống như một bông hoa sen, cao quý và thanh khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già kính yêu của dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại luôn đặt đất nước lên trên hết, vì hai chữ quê hương mà sống, vì no ấm của hàng triệu người con mà quên đi bản thân mình. Người không ham một cuộc sống sung túc, người giỏi giang, giản dị, mạnh mẽ, kiên cường,…. Người luôn tỏa sáng với nhân cách cao đẹp, tư tưởng của Người, tình cảm lớn lao của Người luôn sống mãi trong người dân Việt Nam. Và cũng giống như một đóa sen, vẻ đẹp ấy không tự dưng mà có, nó được hun đúc từ búp, từ những ngày Bác còn thơ, rồi từng ngày, từng ngày trưởng thành, nó hoàn thiện dần và tạo nên một con người cứu sống cả một dân tộc.

Giới thiệu tên Bác trong từng giai đoạn

     1.     Tên khai sinh (tên sử dụng lúc nhỏ): Nguyễn Sinh Côn (Nguyễn Sinh Cung)

     2.     Tên tự (tên sử dụng trong thời niên thiếu): Nguyễn Tất Thành 

     3.     Tên Bác sử dụng trước khi tìm ra đi tìm đường cứu nước: Anh Ba

Thời thơ ấu

Nói các bạn có tin không, cũng giống như chúng ta, khi còn bé Bác cũng là một đứa trẻ nghịch ngợm, luôn ở trong lớp đầu têu những trò quậy phá. Trèo mái nhà phá tổ chim, trèo cây hái quả, ghẹo chó nhà hàng xóm, rủ cả lớp đang học đi câu cá,… tất cả những việc đó, Bác đều trải qua nhưng có lẽ chính nhờ những lần lỡ “ nghịch dại” ấy cùng một tuổi thơ đầy vất vả mà Bác trưởng thành. Suốt những năm tháng thơ ấu, thầy, u, anh, chị, bạn bè, hàng xóm, bà ngoại,vi sư, gì,…là những người gắn liền với Bác, họ chính là những tác động tích cực tạo nên nhân cách của một vĩ nhân lịch sử.


Trong số những người kể trên, có lẽ cha là người ảnh hưởng tới Bác nhiều nhất. Ông là một quan phó bảng, đỗ kì thi Hương. Dù làm quan nhưng cả đời ông luôn hướng tới một cuộc sống giản dị, tự do, tự tại, bốc thuốc cứu người, luôn vì hai chữ thanh liêm mà sống, tất cả vì nhân dân. Tuổi thơ của ông vốn cũng là một tuổi thơ nhiều biến động. Cha mẹ đều mất sớm, ở cùng với anh, may mắn được thầy mình nhận nuôi sau lại gả con gái lớn cho, ông luôn chăm chỉ học tập, đi thi nhưng không phải để làm quan, học tập để cứu giúp con người. Ông luôn sống liêm minh, chính trực. Mặc dù gia cảnh rất bình thường, được thưởng đất vì đỗ tú tài, ông cũng chỉ lấy một ít, còn lại chia hết cho nhân dân. Ông chẳng bao giờ tự cao, sống hòa đồng cùng bà con, chòm xóm. Ông luôn răn dạy các con của mình phải chăm chỉ đọc sách bởi sách là nhãn tự. Đối với những trò nghịch ngợm của đứa trẻ Nguyễn Sinh Côn, ông nghiêm khắc nhưng cũng dịu dàng giải thích lí lẽ cho con hiểu thấu. Ông dạy con thật nhiều mà hi vọng vào con lại càng lớn, hi vọng vào con đường con đi, hi vọng rằng con sẽ thay cha thực hiện ước nguyện mà ông đã bỏ lỡ. Chính nhân cách cao đẹp của ông đã tác động lớn đến con người của Bác.

Con đã thuộc bài, các bạn của con chưa thuộc mà con rủ bạn đi câu cá là phạm lỗi. Cái lỗi ấy là: con chỉ thấy phần mình đã xong, không nghĩ đến phần người khác, như vậy là ích kỷ. Con đã rõ chưa?

Côn! Vì đang ở trên đường, nếu ở nhà thì cha bắt con nằm xuống đánh mười roi vì tội bất đễ. Anh con có nói sai, xử sự sai với con  thì đã có cha phân xử, hoặc con phải nói với anh bằng một thái độ lễ phép. Con không được nói với anh câu nói của nhà vô giáo dục như vậy. Con khoanh tay xin lỗi anh đi con.

Sự suy nghĩ của con cũng giống sự suy nghĩ của cha về công cuộc cứu nước cứu dân. Người xoay chuyển được cuộc thế có lẽ… lớp các con chứ lớp ông nghè, ông cử như cha không gánh nổi đâu. Âu đành… Mặc khách tâm minh Chung Sơn thạch, bất bình sự phó Cả giang lưu.

Không chỉ cha, mẹ cũng là người có ảnh hưởng không nhỏ đến Bác. Bà là một người phụ nữ luôn hết lòng ủng hộ, thương yêu, hi sinh vì chồng con. Bà không quản ngại làm đồng vất vả nuôi chồng học, âm thầm đứng đằng sau, ủng hộ cho sự nghiệp của chồng. Nuôi con từ những lời ru à ơi, bà luôn dạy các con rằng “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như người mù ở thế gian”. Nếu như cha là người dạy bé Côn kiến thức vào đời, rèn luyện cho Côn những đức tính cao đẹp thì mẹ chính là người bồi đắp cho Côn một trái tim đầy tình thương. Tuy ra đi ở tuổi đời vẫn còn trẻ nhưng những gì bà mang đến cho Côn không chỉ là một tình mẫu tử thiêng liêng, mà còn là nhân cách, những bài học làm người giá trị, hoàn thiện nên một tâm hồn vĩ đại.

Bên cạnh cha mẹ, xung quanh Côn còn thật nhiều những con người đáng quý. Họ là anh chị, bà ngoại, bạn bè, hàng xóm,… Đó là những con người không có nhiều quyền thế nhưng hết mực yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Chính họ cũng tác động một phần không nhỏ vào cuộc đời của bé Côn. Ở họ, ta có thể thấy cái gọi là tình bạn, cái gọi là tình chòm xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”,… để từ đó ta thêm yêu con người, ta tin tưởng nhiều hơn về tình nhân ái.

      -   Tội nghiệp bà cử! Cha con ông cử vẫn chưa về

      -   Tội nghiệp thân anh em bé Côn! Mệ chết mà chẳng có một ai thân thích ở gần!

     -   Giữa lúc năm hết, tết đến mà mệ chết, cha vắng nhà, ở giữa đất khách quê người này, liệu anh em bé Côn sẽ sống ra sao đây?

      -   Vậy ra… ông bà cử nghệ không có ai là người ruột thịt ở miệt ni à?

      -   Chẳng có một người nào cả.

      -   Vậy thì, chị em xa, ta là láng giềng gần, mỗi người một tay để đưa bà cử về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong tác phẩm, ta cũng có thể thấy sự hiện diện của những nhà hoạt động cách mạng, họ là bạn của cha Côn. Có lẽ chính nhờ sự xuất hiện sớm của những con người ấy mà từ nhỏ, Côn đã được tiếp xúc với những con đường cứu nước để từ đó ngẫm nghĩ và có suy nghĩ trưởng thành hơn tuổi.

Tuy yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lớn tới con người và nhân cách Bác nhưng nó chưa đủ, yếu tố chính tạo nên một vĩ nhân lịch sử sau này nằm ở chính sự nghị lực và kiên cường trong Bác. Những năm tháng ấu thơ, tuy nghịch nhưng Côn rất chăm chỉ, chịu khó, biết nghe lời, yêu thương mọi người và lập trường quan điểm chín chắn. Không khó để nhìn thấy sự nghị lực của Bác trong những ngày tháng vô cùng khó khăn, mẹ mất, một mình nuôi em, theo cha sống xa quê từ những ngày bé,…Bác luôn không ngừng học hỏi với một trái tim đầy yêu thương để từ đó tự trưởng thành và sống với nhân cách đáng ngưỡng mộ, giống như cái tên của mình, trở thành “ loài cá hóa chim bằng”.

Với cái tuổi lên mười, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, chăm sóc bệnh tình của mẹ. Hằng ngày, Côn còn phải bế em sang hàng xóm xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ.

Cái cảm giác sợ hãi đã bay biến khi nỗi cô đơn bao trùm lấy tâm trí Côn lúc cả kinh thành bay lên theo tiếng pháo giao thừa. Côn phải dỗ em bằng kẹo, bánh của các bạn đến cho. Tuy em Xin chưa biết nói, Côn vẫn trò chuyện với em như nó đã tiếp nhận được mọi điều…

Thời niên thiếu

Thời niên thiếu của Bác là những ngày tháng sống ở kinh thành Huế, học tập tại đây, sau đó trở thành thấy giáo ở Phan Thiết rồi chuyển vào Sài Gòn.


Bắt đầu từ những ngày sửa soạn theo cha lên đường vào kinh đô Huế lần hai. Cùng với cha và anh , Côn bận rộn chuẩn bị mọi thứ để tạm biệt mọi người. Sự xa quê lần này của ba cha con diễn ra trong những lời thân thương của mọi người nơi quê nhà

Ba cha con phó bảng Sắc bước từng bước bin rịn, chốc chốc ngoái về phía sau. Những người thân và dân làng đi tiễn đứng rải rác dưới bóng tre nhìn theo cha con ông đang đi xa dần.

Họ sống ở nhờ nhà người bạn, trên đường đi, với lối suy nghĩ của những người từng trải, cậu bé Côn năm nào giờ được gọi với cái tên Tất Thành chiêm nghiệm được nhiều thứ:

…Bên tai anh văng vẳng lời ca mà anh thuộc từ nhiều năm trước:

Nước Nam ta sao lại có Tây

…Tất Thành cảm thấy ở đất “ thần kinh” này đang có một sự chuyển động âm ỉ ở bên trong,…

Ở nhờ nhà bạn cha, Tất Thành tỏ rõ mình là một con người được giáo dục tử tế với phong cách và kinh nghiệm sống đáng học hỏi.

Bữa cơm khách đầu tiên, ăn xong Thành tự đi lấy tăm đặt lên miệng chén trà cho từng người. Thành thu dọn bát đĩa và đi rửa….

Đến ở ngày hôm trước, hôm sau Thành đã đi chợ đong gạo, mua thức ăn. Thành biết rành từng loại cơm ở chợ Đông Ba như gạo lốc dâu, gạo chăm, gạo té, gạo hẻo…

Với những tư tưởng sống tiến bộ “…Muốn biết rõ cội nguồn của người Tây là thế nào thì phải biết chữ của họ, tiếng nói của họ, nền văn minh của họ. Và càng không thể bỏ qua việc học loại chữ mới…”, Tất Thành đăng kí học vào trường Đông Ba. Ở đây, Thành gặp lại những người bạn cũ đã không quản ngại khó khăn giúp đỡ mình năm xưa. Cùng với bạn của mình, trong một lần nhân dân ta nổ ra biểu tình, Thành đi trong đội ngũ những người đấu tranh đòi quyền sống. Giữa biển người ào ạt, Thành thấy một người trạc tuổi anh bị thương nặng, anh chẳng kịp suy tính mà cứu lấy người đó. Sau này, chính người ấy lại trở thành một người anh em cùng Tất Thành trải qua tuổi hai mươi. Sau cuộc nổi dậy đó, Tất Thành bị cảnh sát săn đuổi, anh đã có thể trở lại trường học nhưng không, để lại cái danh người học trò xuất sắc, anh đã ra đi, ra đi theo tiếng gọi của con tim, ra đi để viết lên trang sử mới.

Dấu chân Nguyễn Tất Thành in xuống cực nam trung bộ. Nghe theo lời cha, anh đến dạy ở trường Dục Thanh. Ở đây anh hết lòng chỉ dạy cho những học trò nhỏ, lại không ngại giúp đỡ những em gặp khó khăn. Tuy chỉ ở lại một thời gian nhưng ấn tượng và bài học mà anh để lại trong lòng học sinh là những điều quý giá không phải ai cũng làm được. Các bạn còn nhớ người mà Bác đã cứu khi tham gia biểu tình không, đó là anh Tư Lê và đây chính là khoảng thời gian anh gặp lại người đó. Nhờ gặp được Tư Lê, Nguyễn Tất Thành lại một lần nữa ra đi, vào trong nam, đi tìm con đường giải cứu đất nước, thực hiện chí lớn của bản thân mà cũng là kì vọng mà cha anh để lại:

Cha tưởng con đi theo cha thì đáng buồn. Con phải tự tìm ra cho mình một hướng đi, một con đường. Đời cha không có con đường chỉ có một ngõ cụt. Cha đã không làm được điều mà mình hằng ước nguyện: vì Tổ quốc mà ngã giữa trận tiền, vì công bằng mà rơi đầu trước đám cường quyền bạo ngược… Con cứ mạnh dạn làm, một khi lòng đã quyết…

Anh ra đi lặng lẽ, chỉ để lại một lá thư xin lỗi cùng lời nhắn gửi tới các học trò nhỏ. Chí lớn của anh mang tên “ Hồn nước gọi chúng ta lên phía trước!”.

Tuổi hai mươi


Theo chân Tư Lê, anh Ba đến Sài Gòn. Nơi đây anh gặp được cụ già Đờn, cô Út – con gái ông và những người bạn ở xóm chợ. Anh không ngại khó, không ngại khổ, tự nguyện làm nghề phu vất vả chỉ để tìm được hướng đi ra một phương trời khác thực hiện ước mơ lớn. Tương lai anh tìm kiếm nhưng không vì lẽ đó mà bỏ quên thực tại, quên đi những con người đang nhiệt thành giúp đỡ mình hoàn thành ước mơ. Anh mở lớp dạy học, nơi mà “ Chữ anh Ba  thắp sáng lên trong trái tim những người thợ.”, thương cô Út không có khăn buộc tóc, anh ghé vào tiệm tạp hóa mua cho cô; thương ông già Đờn mỗi lần lên dây nhị phải lựa lựa đoạn day tơ không có nút nối và cái cần rung đã nứt dọc, anh mua thêm một bộ dây nhị và cái vĩ; anh mua thêm cả hai chai Cô-nhắc cho anh em xóm thợ;… Đó là những món quà anh dành tặng cho những người anh biết ơn trước khi người ra đi tìm đường cứu nước.

Trong những thời gian làm thợ, anh biết đến tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, anh đăng kí một chân làm bồi tàu. Trước ki đi, anh hỏi bạn mình – anh Tư Lê về việc đi cùng anh và chắc hẳn mọi người còn nhớ đúng không, câu nói nổi tiếng của Bác khi được anh Tư Lê hỏi tiền đâu mà đi.

Đây, - anh Ba giọng cương quyết, chìa hai tay ra giữa bóng đêm – tiền đây. Chúng ta sống bằng bàn tay, bằng cái đầu của chúng ta.

Trước khi đi, anh không quên đến tìm gặp cha, người đã truyền dạy anh thật nhiều thứ. Cuộc chia tay lúc này đây trở nên thật ngột ngạt và bi thương bởi trong hai người họ, ai biết, đây có phải lần cuối gặp nhau?

Anh Ba lau nước mắt, đỡ lấy tay cha, anh thốt lên:

-     Cha!

Ông phó bảng ngăn lại:

-      Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi Tổ quốc! Đồng bào! Đi…đi con!

Ngày 5/6/1911, Người ra đi tìm đường cứu nước, trên con tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin, mở đường cho một hành trình dài đầy gian khổ nhưng vinh quang. Con tàu rẽ sóng, rẽ ra một tương lai mới cho dân tộc, quê hương.

Lúc này đây, búp sen xanh không còn chỉ là một đứa trẻ trên con đường trưởng thành nữa mà búp sen xanh còn là cái nôi, là tiếng gọi quê hương, là một thời để nhớ, thúc giục con người ta hướng về tương lai. Đó là nguồn cội của một vĩ nhân lịch sử.


Tác giả: Hama - Bookademy

----------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

Xem thêm

    Thưa các bạn, Hồ Chí Minh chính là một hình tượng lớn của văn học nghệ thuật, một chủ đề luôn được các nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ phản ánh, tái hiện giữa nhiều khía cạnh và phương diện khác nhau của nghệ thuật. Một trong những tác phẩm thành công nhất viết về Người là tiểu thuyết Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng. Búp Sen Xanh đưa người đọc trở về thời niên thiếu của Bác Hồ, từ lúc lúc oa oa cất tiếng khóc đầu tiên tại làng Chùa quê ngoại đến khi rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ở độ tuổi 21 đầy khát vọng. Một tuổi thơ hạnh phúc và cũng nhiều mất mát, một cá tính hồn nhiên, trong trẻo và cũng đầy ắp suy tư. Những câu hỏi về con người, về cuộc đời, về sự tồn vong của một đất nước, một dân tộc lần lượt được đặt ra trong quá trình dần lớn lên, dần trưởng thành của Nguyễn Sinh Côn. Theo bước chân Người từ Nghệ An đến Huế, qua Phan Thiết đến Sài Gòn, đến xứ sở Nam Kỳ tự trị, khát vọng cứu nước, cứu dân, khát vọng được làm một người dân tự do của một đất nước hoàn toàn độc lập đã nung nấu qua những năm tháng ấy. Qua nhiều tác phẩm viết về Hồ Chí Minh, đặc biệt qua Búp Sen Xanh, nhà văn Sơn Tùng đã bộc lộ những suy tư của một người cầm bút, một người công dân trước đề tài và nhân vật lịch sử. Cái nhìn biện chứng giữa con người và truyền thống lịch sử đã giúp nhà văn không chỉ miêu tả thành công một tính cách sinh động thuở hình thành nhân cách vĩ nhân mà còn đưa người đọc trở về với những dấu ấn nóng bỏng của một giai đoạn, những phong tục tập quán, những nét văn hóa cao đẹp của một thời. Thấy cây và thấy cả rừng, thấy quả và thấy cả nhân, thấy nhân cách vĩ đại và cũng thấy cả những nét bình thường gần gũi của Bác. Qua cuốn tiểu thuyết, ta không chỉ thấy Nguyễn Tất Thành là kết tinh của một nền văn hóa mà còn thấy rõ lớp người trước, lớp người sau với những khát vọng cuộn sóng của cả một dân tộc đang khao khát tìm ra con đường giải phóng cho chính mình.

    Bác sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, thời thơ ấu của Bác cũng như bao người, cũng là một đứa trẻ nghịch ngợm, luôn ở trong lớp đầu têu những trò quậy phá, trèo mái nhà phá tổ chim, trèo cây hái quả, ghẹo chó nhà hàng xóm hay rủ cả lớp đang học đi câu cá. Tất cả những việc đó Bác đều trải qua, nhưng có lẽ chính nhờ những lần nghịch dại ấy cùng một tuổi thơ đầy vất vả mà Bác đã trưởng thành, chín chắn hơn. Suốt những năm tháng thơ ấu, bà ngoại, thầy, u, anh chị, bạn bè, hàng xóm là những người gắn liền với Bác, họ chính là những tác động tích cực tạo nên nhân cách của một vĩ nhân lịch sử. Trong số những người kể trên, có lẽ cha là người ảnh hưởng tới Bác nhiều nhất, thân phụ Bác là ông Nguyễn Sinh Sắc, vốn là một quan phó bảng đỗ kỳ thi Hương, dù làm quan nhưng cả đời ông luôn hướng tới một cuộc sống giản dị, tự do tự tại, bốc thuốc cứu người, luôn vì hai chữ “thanh liêm” mà sống, tất cả vì nhân dân. Ông luôn răn dạy các con của mình phải chăm chỉ đọc sách, bởi sách là nhãn tự của cuộc sống. Đối với những trò nghịch ngợm của đứa con trai Nguyễn Sinh Côn, ông luôn nghiêm khắc nhưng cũng dịu dàng giải thích lý lẽ cho con hiểu:

    “Con đã thuộc bài, các bạn của con chưa thuộc mà con rủ các bạn đi câu cá là phạm lỗi. Cái lỗi của con là: con chỉ nghĩ phần mình đã xong, không nghĩ đến phần của người khác, như vậy là ích kỷ. Con đã rõ chưa?”

    Hay: “Côn! Vì đang ở trên đường, nếu ở nhà thì cha đã bắt con nằm xuống đánh mười roi vì tội bất lễ. Anh con có nói sai, xử sự sai với con thì đã có cha phân xử, hoặc con phải nói với anh bằng một thái độ lễ phép. Con không được nói với anh câu nói của một nhà vô giáo dục như vậy. Con khoanh tay xin lỗi anh con đi.

    Ông dạy con thật nhiều mà hy vọng vào con lại càng lớn, hy vọng vào con đường con đi, hy vọng rằng con sẽ thay cha thực hiện ước nguyện của ông đã bỏ lỡ. Chính nhân cách cao đẹp của người cha Nguyễn Sinh Sắc đã tác động lớn đến con đường ra đi tìm cứu nước của Bác.

    “Sự suy nghĩ của con cũng giống sự suy nghĩ của cha về công cuộc cứu nước, cứu dân. Người xoay chuyển được cuộc thế có lẽ… lớp các con chứ lớp ông nghè, ông cử như cha không gánh nổi đâu. Âu đành... Mặc khách tâm minh Chung Sơn thạch, bất bình sự phó Cả giang lưu.”

    Không chỉ có cha mà mẹ cũng là người có ảnh hưởng không nhỏ đến Bác, thân mẫu của Người là bà Hoàng Thị Loan - một người phụ nữ luôn hết lòng ủng hộ, thương yêu, hy sinh vì chồng con. Nuôi con từ những lời ru à ơi, bà luôn dạy các con rằng: Chữ là mắt, người không có chữ coi như người mù ở thế gian. Nếu như cha là người dạy bé Côn kiến thức vào đời, rèn luyện cho Côn những đức tính cao đẹp thì mẹ chính là người bồi đắp cho con một trái tim tràn đầy tình thương. Tuy ra đi ở tuổi đời còn trẻ nhưng những gì bà mang đến cho Người không chỉ là một tình mẫu tử thiêng liêng mà còn là nhân cách và những bài học làm người giá trị để mà từ đó hoàn thiện lên một tâm hồn vĩ đại. Bên cạnh cha mẹ, xung quanh Bác còn có rất nhiều người đáng quý, họ là bà ngoại, anh chị, bạn bè, hàng xóm - những con người không có nhiều quyền thế nhưng hết mực yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, họ là những nhà cách mạng, những người bạn của cha bé Côn. Có lẽ chính nhờ sự xuất hiện của những con người ấy mà ngay từ nhỏ, Côn đã mang một nhân cách thật đẹp, đã được tiếp xúc với những con đường cứu nước, để từ đó có những suy ngẫm về vận mệnh đất nước, dân tộc. Tuy yếu tố bên ngoài ảnh hưởng lớn đến con người và nhân cách của vị lãnh tụ vĩ đại nhưng đó là chưa đủ, yếu tố chính tạo nên một vĩ nhân lịch sử sau này nằm ở chính sự nghị lực và kiên cường trong Bác, những năm tháng ấu thơ tuy nghịch ngợm nhưng cũng rất chăm chỉ, chịu khó, biết nghe lời, yêu thương mọi người và lập trường quan điểm chín chắn, không khó để nhìn thấy sự nghị lực trong Bác trong những ngày tháng vô cùng khó khăn, khi mà mất mẹ, một mình nuôi em, theo cha sống xa quê những ngày còn bé. Bác luôn không ngừng học hỏi với một trái tim tràn đầy yêu thương, để từ đó tự trưởng thành và sống với nhân cách đáng ngưỡng mộ, giống như cái tên của mình - loài cá hóa chim bằng. Với cái tuổi lên mười, Côn đã phải nấu cháo, sắc thuốc, chăm sóc bệnh tình của mẹ. Hằng ngày, Côn còn phải bế em sang nhà hàng xóm, xin những bà mẹ đang nuôi con thơ cho em được bú nhờ. Cái cảm giác sợ hãi đã bay biến khi nỗi cô đơn bao trùm về tâm trí Côn lúc cả kinh thành bay lên theo tiếng pháo hoa giao thừa. Côn phải dỗ em bằng kẹo, bánh của bạn đến cho. Tuy em Xin chưa biết nói nhưng Côn vẫn trò chuyện với em như nó đã tiếp nhận được mọi điều.

    Thời thơ ấu của Người là vậy, qua ngòi bút của nhà văn Sơn Tùng, Bác Hồ thời niên thiếu hiện lên với nét thông minh hơn người, bản lĩnh độc đáo nhưng không phải là thần đồng bẩm sinh mà là quá trình tự rèn luyện, học tập, tu dưỡng, tiếp thu tinh hoa dân tộc, phát triển và xây dựng những tư tưởng chính trị đầu tiên, thấm nhuần lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Dọc theo hành trình từ thuở ấu thơ tới thời niên thiếu, nhà văn luôn nhấn mạnh việc đọc sách của người. Văn hóa đọc cùng với niềm đam mê đọc sách không chỉ mở mang vốn hiểu biết, tri thức của người thiếu niên Nguyễn Tất Thành về con người, cuộc sống, xã hội, mà còn về tình cảm, cũng như về chính trị trong nước và cả trên thế giới, từ đó hình thành cốt cách trong con người Bác, điều khiến cả thế giới phải nghiêng mình. Học rộng, biết nhiều, lối suy nghĩ của người thiếu niên Nguyễn Tất Thành cũng rất đỗi xấu xa. Cậu Côn phân biệt rõ ràng giữa việc học tiếng Pháp với việc bị khuất phục trước thực dân. Học tiếng Pháp là để hiểu về người Pháp, hiểu về xã hội Pháp, hiểu về chính trị của thực dân và cả những mảnh đời, số phận ở “đất nước hình lục lăng”, từ đó tìm ra con đường cứu nước, “biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”. Người biết ơn những người bạn đã bên cạnh giúp đỡ mình lúc khó khăn, Người uất hận thay cho đức vua Thành Thái thà bị đẩy ải phương xa chứ nhất quyết chẳng chịu vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta. Người xót thương cho dân đen nghèo hèn bị đè đầu cưỡi cổ, Người dùng chính tiếng Pháp, học được từ người của đế quốc thực dân để hô vang khẩu hiệu biểu tình giảm thuế, bớt sưu, một đòn giáng vào tư tưởng hão huyền muốn đồng hóa người Việt của thực dân. (Bản án chế độ thực dân Pháp, tiếng Pháp: Le Procès de la colonisation française).

    Người trân trọng tinh thần dân tộc, ý chí quật cường, dũng cảm của người biểu tình, ôm đầu máu chạy được một đoạn rồi ngã gục xuống vệ đường. Hành động xé áo, lau máu trên mặt nạn nhân thể hiện nỗi xót xa giọt máu, sinh mệnh đồng bào trong người lúc bấy giờ. Ngay cả khi trở thành một người thầy dưới mái trường Dục Thanh, Người vẫn không ngừng truyền cho lớp trẻ không chỉ là cái chữ, vốn hiểu biết mà là cả tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cũng như ý chí mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh. Thầy Thành yêu trẻ kính già, chàng thanh niên thấu được lòng dân, nỗi ai oán của người nghèo, từ đó càng tu luyện ý chí quyết tâm tìm đường cứu nước trong lòng Bác. Người thầy rời khỏi mái trường vẫn không quên dặn dò những cô cậu học trò nhỏ học tập đọc sách và cả lời kêu gọi hào hùng “Hồn nước gọi chúng ta tiến lên phía trước”. Thông qua câu chuyện, nhà văn Sơn Tùng cũng nhắn nhủ tới lớp trẻ về tầm quan trọng của việc đọc sách, những bài học về lòng biết ơn, tình yêu nước, thương dân vô hạn và ý chí sống mạnh mẽ như Bác chúng ta đã từng. Lời kêu gọi của Bác không chỉ dành cho lũ học trò nhỏ ngày ấy mà còn dành cho cả chúng ta - những thế hệ người Việt ngày hôm nay và mai sau rèn luyện, bồi dưỡng bản thân trở thành những người con ưu tú của đất nước đang gọi tên.

    Trải qua thời niên thiếu ở tuổi 20 tại vùng đất Kinh Kỳ, Bác Hồ được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa phương Tây với những cậu ấm, cô chiêu nhà quan lớn. Cũng tại nơi này, Người mất đi hai người thân yêu, khi mẹ Người sinh khó mà mất, em trai Người không lâu sau đó cũng qua đời. Ít lâu sau, Bác lại một lần nữa trở vào Huế, lúc này Người được tiếp cận với chữ Quốc ngữ, với những môn học của phương Tây, được theo học tại trường Quốc Học Huế. Đây cũng là lúc mà dòng máu nồng nàn yêu nước của Bác bùng lên khi lần đầu tham gia biểu tình của công nhân chống sưu thuế. Bác bắt đầu được gặp nhiều hơn những người có ý chí giải phóng dân tộc, dần dần Bác nhận thấy con đường cứu nước của những bậc tiền bối đi trước là chưa hợp lý. Cùng với sức trẻ và lòng yêu nước đã thôi thúc Bác ra đi tìm đường cứu nước, đi qua nhiều nơi, làm nhiều nghề, gần gũi với những người dân lao động, Người quyết tâm phải ra nước ngoài xem người ta làm thế nào để về dạy cho dân mình. Nghĩ là làm, vào ngày mùng 5 tháng 6 năm 1911 anh chàng thư sinh mảnh khảnh Nguyễn Tất Thành đã chào tạm biệt cô Út Huệ - người mà Bác yêu thương vô cùng. Dứt áo ra đi, quyết tâm xin bằng được chân phụ bếp lên tàu qua nước Pháp chỉ với hai bàn tay trắng, không hẹn ngày trở về. Tư duy của Người vượt trước thời đại, với ý chí nghị lực và quyết tâm sắt đá, Nác đã quyết định ra đi, hy sinh tình cảm cá nhân vì vận mệnh cả dân tộc. Đó chính là những điều chúng ta chỉ có thể thấy được của một vĩ nhân, một vị anh hùng mang sứ mệnh giải phóng dân tộc.

    Khi lần đầu tiên đọc xong cuốn sách, tôi mới nghiền ngẫm và chiêm nghiệm rằng, có một vài chi tiết trong cuốn sách mà cho đến tận bây giờ và chắc là mãi mãi về sau, cứ mỗi lần tôi nhớ đến thì như có một luồng điện chạy khắp người làm tôi xúc động đến mức tê dại.

    Giữa kinh thành Huế xa lạ, trong khi cha bận đi chấm thi ở ngoài Bắc, anh Khiêm và chị Bạch Liên (Nguyễn Thị Thanh) đang ở quê, thì một mình cậu bé Nguyễn Sinh Cung hơn mười tuổi ấy, tay vừa bế đứa em còn đỏ hỏn, vừa nước mắt ngập tràn nhìn thi thể mẹ hiền mà không biết phải làm sao?

    Đến năm 16 tuổi, khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành được cụ Đặng Thái Thân thuyết phục tham gia phong trào Đông Du, Người đã khéo léo từ chối rằng việc tham gia phong trào (chính xác hơn là đi theo con đường của cụ Phan Bội Châu) là chưa hợp lý, việc nhờ Nhật đánh Pháp thì cũng chẳng khác gì nhờ sói đuổi cọp, khi nó đuổi xong thì nó cũng quay sang ăn thịt mình mà thôi. Một tinh thần độc lập tư tưởng tuyệt vời, nhìn nhận những vấn đề mang tính thời đại, mang tầm vóc trọng đại quốc gia một cách rất biện chứng và khoa học, thể hiện một tư chất thông minh thiên bẩm, một sự nghiền ngẫm sâu sắc từ một con tim khát khao cống hiến cho đồng bào, cho Tổ quốc và một bộ óc minh triết của chàng thanh niên chưa đầy hai mươi, với dáng vóc mảnh khảnh nhưng luôn sôi sục bầu máu nóng.

    Trên con đường đi vào phương Nam để tìm cơ hội ra nước ngoài, Bác Hồ biết là có thể chuyến đi này sẽ không có ngày trở về nên Người muốn ghé vào vấn an cha già đang làm quan ở huyện Bình Khê (Bình Định), cũng là để từ biệt cha lần cuối. Khi thấy hình bóng người con trai yêu quý mà cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đặt rất nhiều niềm tin và kỳ vọng, cụ đã nén nỗi xúc động vào lòng mà thay bằng thái độ nghiêm nghị, lạnh lùng và hỏi: “Nước mất rồi không lo đi cứu nước, đến gặp cha làm gì?”. Đã là người, ai cũng có nỗi lòng sâu nặng với gia đình, nhưng cụ Nguyễn đã biết dạy cho con thấy rằng, quốc phá gia vong, khi nước mất thì nhiệm vụ của kẻ làm trai phải biết đặt nợ nước lên trên tình nhà.

    Cuối cùng là chi tiết lúc Người đến Bến cảng Nhà Rồng và chung sống với những người đồng bào đang làm phu khuân vác ở đây. Người rất thích nghe ông Tư Đờn (cha ruột của cô Út Huệ, mối tình đầu tiên của Bác) đánh đàn bầu. Bằng tấm lòng trong sáng, sâu nặng nghĩa tình, Người đã cảm hóa những cái nhìn hiểu lầm ban đầu và đã dạy học cho họ, khi chia tay, người có nói với anh Tư Lê (một người bị thương trong cuộc chống thuế ở Huế trước đó đã được Bác giúp đỡ và trở thành bạn thân của Người) rằng, chỉ cần có đôi bàn tay là có thể đi ra nước ngoài để tìm hiểu về kẻ thù của mình, để tìm con đường đi cho dân tộc. Chi tiết này thực sự là đắt giá! Quả đúng như binh pháp Tôn Tử có nói, biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Muốn thắng Pháp thì phải hiểu Pháp...

    Nhà văn Sơn Tùng đã từng bộc bạch rằng: “Trong cuộc đời của mỗi người, giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành rất quan trọng, bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách tâm hồn của mỗi con người”. Các bạn trẻ khi đọc Búp Sen Xanh sẽ thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn của chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Bằng lối hành văn giản dị, trong sáng, tiểu thuyết không hề đem lại cho người đọc cảm giác khô cứng khi kể về một giai đoạn cuộc đời mà trái lại, nó êm ái, sâu lắng và nhiều xúc cảm. Nhà văn như làm hiện lên trong tâm trí độc giả từng cảnh vật, con người, và cả những cành cây ngọn cỏ cũng trở nên sinh động, có hồn. Cả câu chuyện như một thước phim in dấu trong lòng mỗi bạn đọc, dù bao lâu cũng nhớ mãi. Đó không chỉ là kể về cuộc đời mà còn là bài học, là tư tưởng, là con người vĩ đại mà ai cũng đều phải học hỏi, từ nhân vật sự kiện đều là những gì có thật, nhà văn cũng chẳng quá thi vị hay thần thánh hóa để người đọc có thể nhìn thấy được những gì gần gũi, thân thương nhất của con người suốt đời vì dân vì nước. Đọc những cuốn sách hay, ta sẽ nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống để vươn tới chân - thiện - mỹ để sống đẹp, sống có ý nghĩa hơn. Vậy thì đừng chần chừ, lãng phí thời gian thêm nữa, bạn hãy làm đẹp tâm hồn mình, hãy đến với những khám phá mới mẻ, thú vị, bất ngờ, bổ ích đang chờ đón bạn với tác phẩm Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng nhé!

5 điểm

Trong mọi bản in của “Búp sen xanh”, đều có một lời đề từ trang trọng của tác giả Sơn Tùng:

“Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời.”

Tiểu thuyết lịch sử “Búp sen xanh” là minh chứng cho câu nói trên.

“Côn” có nguồn gốc từ sự tích loài cá hóa chim bằng, mong rằng có chí vùng vẫy bốn bể, dù gặp truân chuyên chìm nổi, nhưng ắt thành công, nên tự là “Tất Thành”. Tên của Bác do ông ngoại – cụ đồ Hoàng Xuân Đường đặt cho – cái tên đã vận vào Người.

Gia đình Bác là một gia đình nhà nho yêu nước, luôn dạy con cháu điều hay lẽ phải. Đây là gia đình của một nhà nho có tầm thời bấy giờ, nhưng không bao giờ khinh nhờn những kẻ nghèo mạt, tật nguyền, trái lại còn hết lòng đỡ đần, yêu thương. Đây là gia đình của một nhà nho hay đi dạy học cho con của quan lớn trong triều đình, nhưng không bao giờ vin vào đó mà tư lợi cho bản thân.

Truyền thống hiếu học, thanh bạch và yêu nước của gia đình, với tình người dung dị của quê nhà xứ Nghệ đã thấm nhuần trong tâm hồn Bác. Ở đấy có có làng Sen, có khung dệt của mẹ, có lời dạy của cha, có lời ca của ông Xẩm, có chị Thanh anh Khiêm, có những người bạn và những kỷ niệm ấu thơ. Ở đấy có xứ Huế, trong cuộc sống nghèo khổ mang theo nỗi trăn trở tuổi trẻ về con người và về vận mệnh dân tộc.

“Búp sen xanh” là nơi tiểu thuyết và lịch sử giao thoa để cùng nhau cụ thể hóa và trọn vẹn hóa quá trình hình thành một nhân cách cao đẹp, sáng trong của lãnh tụ Việt Nam.

“Trời có thấu chăng trời!
Nước Nam cơ khổ nhiều đời đắng cay.”

Bên gốc cây đa đầu làng Chùa, tiếng đàn bầu réo rắt bay lên theo lời ca của ông Xẩm. Trong ngôi nhà nhỏ phía đầm sen, tiếng rên theo từng cơn đau đứt đoạn, chị nho Sắc đang thời chuyển dạ. Cậu bé Côn ra đời, hòa âm tiếng khóc trong tiếng gà gọi con lên ổ, tiếng bò gọi bê vào chuồng, tiếng chim kêu ríu rít trên mái nhà, tiếng lá reo, tiếng đồng xa vọng về…

Với một thứ ngôn từ vừa mộc mạc như đất, vừa vững chãi như núi – Sơn Tùng đã phác họa một cách sắc sảo, sống động, và đầy chân thật những năm tháng đầu đời của vị cha già dân tộc Việt Nam, bằng thể loại văn học đặc biệt gọi là tiểu thuyết lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử là một thể loại tiểu thuyết, chuyên viết về những nhân vật và sự kiện có thật trong lịch sử. Đồng thời đó là tiểu thuyết, không thể giản đơn và sơ lược về sự kiện và nhân vật như truyện sử hay ký sự lịch sử, mà còn tái hiện sinh động cuộc sống con người đi cùng không khí thời đại. Có tâm hồn, có cá tính, có trang phục, có nhà ở, có đồ dùng, có lời ăn tiếng nói, có bài ca, có trò chơi…

Đọc tiểu thuyết lịch sử “Búp sen xanh”, độc giả được sống, thể nghiệm với làng quê xứ Nghệ những năm cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Chùa quê ngoại, làng Sen quê nội của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm… Và, còn tưởng như ngửi được cả hương sen tinh khiết, chính là loại hương sen từ ngoài đầm bay theo gió pha lẫn mùi bồ kết cháy từ nồi than trong buồng chị nho Sắc tỏa ra ngào ngạt thuở ấy.

Với ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”, “Búp sen xanh” được viết theo dấu chân của cậu bé Côn thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và dần định hình nhân cách. Để đến ngày 05/06/1911, tại Bến Nhà Rồng, có một chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường giải phóng dân tộc.

Một cuốn sách mọi người chắc chắn phải đọc, điều lớn lao này đã kéo trái tim của mình đến gần với hình ảnh Người cha già tận tụy hết lòng với dân với nước, cho mọi người hiểu thêm rất nhiều điều về Bác Hồ, về cuộc sống hồi còn nhỏ của Bác và môi trường mà Bác sống nó tuyệt vời đến mức nào. Mình thấy sách ghi là “dành cho thiếu nhi” nhưng mình đã thử nghiệm cuốn này với hai cháu, một cháu lớp ba đứa còn lại lớp sáu thì thực sự chúng rất khó nhập vào mạch truyện và thường bỏ từ ba đến bốn trang đầu tiên. Chắc sách không cần viết “dành cho thiếu nhi” nữa đâu ạ, vì cuốn này ai đọc cũng tuyệt, có thể mình cầm trên tay bản từ 2014, không biết sách mới có dòng này không.
Chính vì đã được tiếp xúc rất nhiều với những phong trào cứu nước, với những tư tưởng giải phóng dân tộc từ sớm nên trong Người đã hình thành được lòng yêu nước, lựa chọn được con đường đi khác với những thế hệ trước. Mình thích nhất là chi tiết cậu bé Côn ví von việc hai hàng xóm còn chẳng đủ cận kề nhau với việc nước mình và Nhật là hai nước láng giềng nên giúp nhau là đương nhiên. Sự sáng dạ đi cùng phản biện sắc bén ấy đã khiến cho cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành luôn trăn trở, canh cánh trong lòng việc dựng nước, giữ nước, giải phóng nhân dân khỏi những áp bức bóc lột.

Chính quê hương, gia đình và môi trường xã hội là nền tảng cốt lõi xây dựng lên một người vĩ đại, có được đường đi và tư tưởng đúng đắn. Mình viết những dòng này trong khi đang ngồi học môn “Lịch sử Đảng” lại càng làm mình thấm thía, biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cũng chính sự giản dị của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khiến ai cũng phải kính nể, chàng thanh niên biết giúp đỡ người nghèo, dạy học chữ cho những người lâm vào cờ bạc. Ở trong chàng thanh niên ấy là một đức tính tốt đẹp, tốt đẹp từ những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống đến sau này là việc lớn lao.
Như ở trên mình có nhắc đến chi tiết quê hương, mình cảm thấy ấm lòng vô cùng vì những chi tiết làng xóm thân thương chan hòa, không chỉ riêng ở xứ Nghệ mà còn ở Huế, mọi người ấm áp nhẹ nhàng đùm bọc nhau vô cùng. Ôi, sao người Việt Nam tuyệt vời đến thế! Tác phẩm cũng đang ngầm ca ngợi sự hi sinh, vất vả của người phụ nữ thời đại đó, mọi điều tốt đẹp đều lo lắng cho chồng, cho con, hi sinh tuổi thanh xuân của mình để kiếm tiền nuôi chồng ăn học, rồi mẹ vợ bán ruộng nuôi con rể,... Bóng dáng người phụ nữ tuy nhỏ bé, nhưng lại mang những trọng trách vô cùng cao cả, bao dung, giàu lòng vị tha.
Nhìn chung, rất là mê cuốn này, bắt buộc phải đọc để biết được quê hương, nguồn cội hay sự giáo dục mà Người được hưởng lúc còn bé. Thật ra thi thoảng mình cảm thấy hơi “ngộp”, vì trời ơi, sao mà lễ phép, sao mà quá nhiều phép tắc, nhưng thời đó là vậy, chúng mình hiện đại quá nên không quen. Đọc xong cũng ảnh hưởng được phần nào tính quyết tâm của Bác, sống hết mình cho lý tưởng, cho sự lựa chọn của mình.

Nhắc đến sen, rõ ràng mọi người sẽ liên tưởng ngay đến Bác. Đúng vậy, đây là tập sách viết về vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta!
“Búp sen xanh” là sự kết hợp giữa tiểu thuyết và lịch sử. Khi đọc tập sách này bản thân mình cứ tự hỏi, giá như ngày trước học lịch sử được đọc những tác phẩm như thế này thay vì những mẫu chuyện khô khan như sách giáo khoa thì tốt phải biết, thì có lẽ không dốt lịch sử như bây giờ.

Đây là tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng nhất của nhà văn Sơn Tùng. Chuyện kể về thời thơ ấu và niên thiếu của Bác, từ ngày Bác chào đời đến ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước.
Hành trình Bác lớn lên, được nuôi dưỡng, dạy bảo, chăm sóc, yêu thương của ông bà, cha mẹ, anh chị và sự giúp đỡ, hỗ trợ từ bè bạn, hàng xóm chung quanh... vượt qua những chông gai bão tố của cuộc sống và bao lần khó khăn, khổ cực, đầy chông chênh, tưởng chừng tất cả mọi thứ như chực sụp xuống thì Bác, khi còn là một cậu bé non thơ phải đón nhận bao nhiêu chuyện ập tới, bao lần tiễn đưa những người thân thương yêu về với thế giới bên kia và sau bao biến cố, Bác đã vượt qua tất cả với nghị lực của mình.
Bên cạnh đó chúng ta thấy được cách giáo dục của gia đình, sự ảnh hưởng của môi trường sống và hoài bão của người cha tác động sâu sắc đến con cái nhường nào qua cách mà cụ Sắc răn dạy các con mình.

Hồi đọc “Tuổi Thơ Dữ Dội” xong mình đã muốn tìm đọc luôn cuốn này, nhưng rồi mình quên. Hôm đọc lại mình cảm thấy cực kì may mắn vì mình chọn đọc cuốn sách này. Chỉ đơn giản là kể về thời thơ ấu và thời niên thiếu của Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Tất Thành sau là thầy Thành hay anh Ba Nghệ nhưng có đoạn mình đọc rồi phải dừng lại một lúc lâu ơi là lâu, phần vì xúc động, phần vì thấy nể phục các nhân vật trong truyện quá.

Tác giả viết cho thiếu nhi nhưng với mình, đây là cuốn sách ai ai cũng nên đọc. Mình thích giọng kể của tác giả lắm, những đoạn viết về lúc bé Côn chăm em Xin sau khi mẹ mất, hay lúc em hay tin bà ngoại ra đi, lúc kể về cảnh chia tay trên bến cảng Nhà Rồng và cả đoạn hai cha con tâm sự trước khi ly biệt nữa... ôi đoạn nào cũng hay đến nổi da gà. Mình chợt nghĩ, có phải bởi vì là câu chuyện có Bác nên nó đều "xúc động" và "tình người" một cách giản dị vậy không? Mình không biết nữa, nhưng bằng một cách nào đó, mỗi trang sách là một lời băn khoăn mình tự hỏi "Này, mình có đang hay đã từng làm thế không đấy! Mình sẽ hành xử thế nào nếu khi ấy mình là anh Đạt, chị Thanh, anh Tư hay cả chị Huệ nữa nhỉ? Này này! Mình hiểu bao nhiêu phần về câu này? Ơ, mình làm được đến đâu theo lời này?"...

Khoảng thời gian này mình cũng hơi bất ổn, còn rất nhiều suy nghĩ "xấu xí" mình chưa kịp "đuổi đi", nên cuốn sách đã giúp mình nhiều. Không phải giúp "đuổi" những suy nghĩ xấu xí đó đi, mà khi cầm sách đọc, mình có thời gian ngồi tự ngẫm nghĩ, liệu nó có thật sự "xấu xí" như mình vẫn nghĩ hay không?