Những cuốn sách của bác Nguyễn Nhật Ánh viết cho lứa tuổi học trò luôn để lại những cảm xúc, dư vị khó phai trong lòng người đọc. Và "Bồ câu không đưa thư" cũng không phải ngoại lệ. Xuyên suốt câu chuyện là những tình cảm tuổi học trò đầy ngây ngô và bình dị. Ba cô gái Xuyến, Thục, Cúc Hương như người lái đò, đưa ta về với những tháng năm học trò, với rung động đầu đời mà chẳng ai dám nói ra.

Câu chuyện bắt đầu từ lá thư làm quen để trong học bàn của Thục, bức thư ấy chỉ vỏn vẹn có mấy dòng, nhưng lại khiến cho Thục phân vân lật tới lật lui, khiến cho cô nghĩ ngợi hoài. Thế nhưng cuối cùng, bức thư và sự thẫn thờ suy nghĩ của Thục cũng không thể thoát được ánh mắt của Cúc Hương. Vì bị Cúc Hương phát hiện, nên bức thư làm quen đã được cả Thục, Xuyến, Cúc Hương cùng nghĩ mưu tính kế để "giải quyết". Bức thư đó là của bạn có tên Phong Khê gửi cho Thục, và nghĩ rằng Phong Khê là một em lớp dưới dám bày trò viết thư làm quen nên ba cô nàng đã trả lời thư khá "ghê gớm".

Gửi bé Phong Khê,

Chị ngạc nhiên vô cùng khi nhận được thư bé. Có lẽ bé quáng gà hay sao, chứ lớp chị đâu có tổ chức "Câu lạc bộ làm quen" hay "Tìm bạn bốn phương" mà bé biên thư đòi "kết bạn tâm tình"! Hơn nữa, bé trẻ người non dạ, tuổi còn nhỏ nên chú tâm học hành, chớ đua đòi vớ vẩn kẻo trèo cao té nặng...

Sáng hôm sau, đúng như sự dự đoán của Xuyến thì mọi chuyện chẳng có gì xảy ra, tức là anh chàng Phong Khê đó không trả lời thư để vào ngăn bàn của Thục. Thế nhưng đến chiều Thục nhận được thư kèm theo một trái ổi. Và mọi thứ về anh chàng Phong Khê dần được hé lộ:

Bạn thân mến,

Mình thật lòng muốn làm quen với bạn chứ không có ý trêu bạn như bạn nghĩ đâu! Mình cũng không phải là "bé". So về tuổi tác, có lẽ mình lớn hơn bạn một hai tuổi...

Và cứ thế sau đó, trong những câu chuyện của Thục, Xuyến, Cúc Hương đều có cái tên Phong Khê. Đến nỗi trái ổi mà Phong Khê gửi kèm bức thư cả ba chẳng biết "phân chia" như nào lại nhờ đến lớp trưởng Hoàng Hòa - người mà thầm thích Thục để giải quyết. Cuối cùng Hoàng Hòa cũng chẳng thể giải quyết ổn thỏa theo ý của ba cô nàng, và ba cô nàng tiếp tục lựa chọn cách trả lời thư của Phong Khê và bắt anh chàng cống nạp thêm ổi để chia cho công bằng.

Phong Khê có đáp ứng nhu cầu của Thục, Xuyến, Cúc Hương, nhưng những bức thư tiếp theo này lại được viết bằng thơ:

Cái từ "bạn" rất dễ thương

Cảm ơn Xuyến, Thục, Cúc Hương rất nhiều

Ba trái ổi có bao nhiêu

Chỉ mong các bạn buổi chiều... no nê!

Và nhờ những dòng thơ ấy, ba cô nàng bắt đầu suy luận, và tìm cách để có thể tìm hiểu thông tin của anh chàng Phong Khê. Vì Phong Khê gửi thư bằng thơ nên khi trả lời, Thục, Xuyến, Cúc Hương cũng muốn phải dùng thơ. Nhưng trong cả ba, lại chẳng có ai biết làm thơ, nên lại đành nhờ "Phán củi" - cậu bạn bị coi là quê kiểng, cục mịch trong lớp làm hộ. Và như vậy, một lần rồi lại hai lần, cứ nhận được thơ của Phong Khê là Thục, Xuyến, Cúc Hương lại nhờ Phán củi làm thơ trả lời. Mỗi lần Phán làm thơ xong, Xuyến lúc nào cũng thêm vài câu xiên xỏ. Nhưng Phán không để ý, anh chỉ để ý và hỏi xem Thục có phản ứng gì không...

Sau bức thư thể hiện ra rằng không thèm quan tâm đến anh chàng Phong Khê đó nữa, bốn ngày liền Phong Khê chẳng hồi âm khiến ba cô gái bồn chồn:

Ba cô gái đều lộ vẻ bồn chồn dù không ai nói ra. Từ ngày anh chàng Phong Khê đánh tiếng làm quen, rồi thư đi thư lại, cuộc trò chuyện thầm lặng dưới ngăn bàn đã trở thành niềm vui quen thuộc với ba cô gái. Bây giờ anh chàng Phong Khê không rõ mặt mũi kia đột nhiên im tiếng khiến họ cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì. Cái ngăn bàn hình chữ nhật chỗ Thục ngồi bây giờ không còn là hộp thư bí mật và hấp dẫn nữa mà giống như một hang động hoang vu.

Và trong số ba người, Thục chính là người buồn nhất. Lúc nào cô cũng bần thần trong nỗi ngóng đợi mơ hồ. Thục không chỉ cảm thấy áy náy, ngượng ngập mà còn thấy trách lũ bạn của mình vì đã nghĩ ra trò trả lời thư bắt nạt anh chàng Phong Khê. Nhưng trong thời gian này, khi bọn Thục chờ thư mỏi mòn của anh chàng Phong Khê thì Phán củi lại đăng lên trang báo Mực Tím một bài thơ bộc lộ tình cảm của mình với... Thục. Và cũng chỉ vì bài thơ quá ý tứ mà Phán củi đã bị Xuyến và Cúc Hương cùng hỏi tội. Lần hỏi tội này đã hé lộ chuyện tình cảm của Phán củi dành cho Thục... Thực chất Xuyến và Cúc Hương hỏi tội Phán củi cũng là để nhờ Phán viết cho bức thư cho anh chàng Phong Khê, để xin lỗi anh chàng...

Và cuối cùng, anh chàng Phong Khê cũng đã trả lời sau những ngày im ắng. Những bức thư bằng thơ tiếp theo của anh chàng phong Khê lại tiếp tục trở thành đề tài bàn tán trong câu chuyện của Thục, Xuyến, Cúc Hương. Và cũng từ những chính bức thư ấy, ba cô nàng bắt đầu lên kế hoạch truy tìm thông tin của anh chàng Phong Khê. Ba cô nàng đã tính toán rất kĩ, làm thế nào để có thể đến trường vào buổi sáng, làm thế nào để có thể đột nhập vào lớp buổi sáng ấy. Và sau một hồi bàn đi bàn lại, mọi chuyện dự định cho việc tìm ra Phong Khê đã xong xuôi.

Nhưng thật bất ngờ, anh chàng có tên Phong Khê, người mà Cúc Hương, Thục Xuyến đinh ninh rằng ngồi bàn của Thục nhưng học buổi sáng lại là một bạn nữ. Kể cả những đứa ngồi xung quanh cũng là con gái nốt. Và vì thế, cả Xuyến và Thục không tránh khỏi sự bất ngờ

Xuyến và Thục không hẹn mà cùng đưa mắt nhìn nhau. Cả hai đều lộ vẻ ngơ ngác như vừa từ trên cung trăng rớt xuống. Thục cảm giác như ai bóp mạnh tim mình. Không bao giờ nó có thể tưởng tượng anh chàng Phong Khê từng khiến nó nghĩ ngợi lại là con gái. Bây giờ nghĩ lại, Thục mới nhận ra trong tất cả những lá thư Phong Khê gửi cho bọn Thục từ trước đến nay, chưa bao giờ Phong Khê tiết lộ mình là nam hay nữ, ngay cả cách xưng hô cũng vậy. Hắn chỉ xưng là "mình" và gọi bọn Thục là "bạn", thế thôi! Vậy mà bọn Thục cứ tưởng bở, cứ xúm nhau tán phét về một "anh chàng" Phong Khê NTSC tưởng tượng, thật đáng xấu hổ.

Vẫn tò mò, muốn biết thực chất Phong Khê là ai, cả Thục, Xuyến, Cúc Hương đều quyết tâm phải điều tra cho ra. Và trong thời điểm này, Hoàng Hòa bày tỏ tình cảm với Thục, làm cô bạn ngẩn ngơ. Hoàng Hòa không chỉ hay ra chỗ Thục mà giờ còn rủ Thục đi xem phim. Và chính sự việc này, Xuyến, Cúc Hương lại được phen bày trò, ủ mưu tính chuyện để giải quyết vì Thục còn khó xử...

Công cuộc kiếm tìm ra anh chàng Phong Khê cũng thật li kì. Ba cô nàng đã chuẩn bị sẵn tâm lí để tra khảo ba em học sinh nữ khóa dưới mà ngồi bàn của Thục để tìm ra Phong Khê là ai. Mỗi người bám một em học sinh. Khi Xuyến bám theo nhỏ Hoa, Xuyến đã phát hiện ra chuyện bí mật rằng

Trong một thoáng, Xuyến đã hình dung ra mọi chuyện một cách rõ ràng. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhỏ Hoa đích thị là em gái hắn. Và trong thời gian qua, chính nhỏ đã giúp hắn đặt những bức thư trong ngăn bàn để chơi trò ú tim với bọn Xuyến.

Hừ, không ngờ Phong Khê lại là nhà ngươi! Xuyến lầm bầm một cách tức tối và suýt một chút nữa, nếu không kịp dằn lòng, Xuyến đã nhảy ra chặn đầu xe hắn lại để hắn hoảng hốt chơi.

Trong một tíc tắc, Xuyến trấn tĩnh lại được. Nó đứng trôn chân đằng sau cột điện, mím môi nhìn Phong Khê tót lên yên và rồ máy xe phóng đi.  

Và anh chàng Phong Khê mà Xuyến tìm ra đó chính là Hoàng Hòa. Vì

Nhỏ Hoa có một người anh. Và anh nó học cùng lớp với tụi mình.

Nó là Vũ Thị Hoàng Hoa. Còn anh chàng lớp trưởng láu cá của tụi mình là Vũ Thị Hoàng Hòa.

Và vì phát hiện ra điều này, Xuyến đã lên kế hoạch lật tẩy Hoàng Hòa ở tại nhà hát Hòa Bình - nơi mà Hoàng Hòa rủ Thục đi xem phim.

Biết Phong Khê là Hoàng Hòa, chỉ có Xuyến và Cúc Hương mải lên kế hoạch để lật tẩy, riêng Thục, cô lại chẳng hề có chút hào hứng gì cho buổi gặp gỡ tối nay

Trước đây khi nghĩ Phong Khê là đám "nữ quái" buổi sáng, Thục đã thấy hụt hẫng. Bây giờ phát hiện ra Phong Khê là Hoàng Hòa, Thục lại càng dửng dưng. Phong Khê trong trí tưởng tượng của Thục là một chàng trai hoàn toàn khác, chứ không đỏm dáng như Hoàng Hòa. Không hiểu sao Thục không ưa nổi vẻ chải chuốt, bảnh bao của anh chàng lớp trưởng...

Khi gặp Hoàng Hòa, cả Cúc Hương và Xuyến đều "tra tấn" anh chàng bằng những câu chuyện mà Phong Khê đã làm như là "có đem theo trái ổi" rồi cả "bỏ bánh kẹo trong ngăn bàn"... đến nỗi Hoàng Hòa vô cùng bối rối mà vẫn chẳng biết hai cô nàng đang nói gì. Mãi Hoàng Hòa mới nhận ra là mình bị nghi là Phong Khê, nhưng anh chàng giải thích mà chẳng ai nghe...

Vì Hoàng Hòa vẫn không nhận, và vì Thục vẫn có một niềm tin Phong Khê là người khác chứ không phải Hoàng Hòa nên ba cô nàng đã quyết định viết thư để gặp mặt Phong Khê trực tiếp. Lần đi gặp này có thêm cả Phán củi. Và bức thư đã được hồi đáp: "Mình sẽ đến''.

Lần hẹn này, ba cô nàng cùng với Phán củi ngồi đợi Phong Khê. Kì lạ thay, trong lúc ngồi đợi thì anh chàng Hoàng Hòa đi qua, làm cả Cúc Hương, Xuyến, thục đều vẫn cho rằng Hoàng Hòa chính là Phong Khê, và cũng cho rằng vì Phán củi ngồi đó nên Hoàng Hòa không dám vào mà phải rẽ vào ngõ khác. Vì vậy, sau khi "rủa xả" Phong Khê không tiếc lời, Xuyến đã kết thúc bản cáo trạng Phong Khê bằng một giọng kiên quyết:

Kể từ giờ phút này trở đi, tao tuyên bố "khai tử" nhân vật Phong Khê. Tụi mình đừng bao giờ nhắc đến hắn nữa. Cứ coi như không có hắn trên cõi đời này và những chuyện vừa qua chỉ là một giấc mơ...

Sau khi "khai tử" nhân vật Phong Khê, Cúc Hương lại gán ghép Thục và... Phán củi. Thế nhưng Phán củi chẳng còn đi học cùng các bạn nữa, anh chàng phải về quê, để lo cho mẹ vì ba đã mất. Và vì vậy, Phán củi chẳng được thi tốt nghiệp, cũng chẳng được thi đại học, anh về quê kiếm một cái nghề nào đó...

Lòng se lại, Thục ngước nhìn anh, ngậm ngùi hỏi:

- Bạn không ở lại thêm vài ngày được sao? Ngày mốt lớp mình liên hoan rồi!

Phán ngạc nhiên khi thấy mắt Thục đỏ hoe. Một nỗi xúc động dạt dào dâng lên trong lòng khiến Phán mừng mừng tủi tủi. Anh rất muốn nói với Thục là anh thèm ở lại xiết bao. Anh thèm được chúi đầu vào bài vở ôn thi như các bạn. Anh thèm được đặt chân lên giảng đường đại học, dẫu chỉ một lần thôi. Anh cũng rất muốn nói với Thục là anh luôn ao ước được ở bên cạnh Thục để ngày nào cũng được nhìn thấy Thục. Chỉ được nhìn thấy Thục thôi, đối với anh đã là một niềm vui sướng lớn lao rồi. Và nếu Thục muốn, nếu Xuyến và Cúc Hương không trêu chọc, anh sẽ làm thơ tặng Thục, ngàn vạn bài, ức triệu bài,bao nhiêu cũng được...

Kết thúc truyện là không khí chia tay của lớp Thục, Xuyến, Cúc Hương. Không khí vui vẻ bao nhiêu thì ba cô nàng lại nghĩ về Phán, lại buồn bấy nhiêu. Khi Phán về quê rồi, chia tay bạn bè rồi, Cúc Hương mới nhận ra "Phán củi kể ra cũng chơi được đấy chứ?". Và cũng trong buổi chia tay này, cả ba đã được biết một bí mật lớn, đó là việc tìm ra Phong Khê thực chất là ai. Phong Khê thực chất chẳng phải Hoàng Hòa như đã suy đoán, mà Phong Khê chính là Phán củi. Bức thư Hoàng Hòa đưa đã mang đến sự bất ngờ...

Mến gửi Xuyến, Thục, Cúc Hương,

Mình đã gửi lời xin lỗi Hoàng Hòa về những oan ức mà anh ta đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua. Bây giờ đến lượt mình xin lỗi các bạn về những gì đã xảy ra....

Tiết lộ bất ngờ của Phán khiến ba cô gái đờ người vì sửng sốt. Không ai có thể tưởng tượng Phong Khê là Phán củi. Riêng Thục những bộc bạch của anh khiến nó bàng hoàng ngớ ngẩn. Và bức thư ấy cũng khiến nó hồi tưởng lại những ngày đã qua với bao niềm lưu luyến, một năm học cuối cùng lẫn lộn những buồn vui.

Ngày mai khi bước ra khỏi mùa hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng mình quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi mãi sẽ trống vắng một bóng người lặng thầm đi bên cạnh Thục. Phong Khê rồi sẽ chẳng bao giờ là kinh đô của Thục Phán như anh đã một lần mơ ước. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những bạn bè may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài....

Truyện của bác Nguyễn Nhật Ánh hầu hết đều xoay quanh chủ để học trò nhưng mỗi truyện đều có nét riêng. "Bồ câu không đưa thư" là một câu chuyện hay, bởi nội dung truyện nhẹ nhàng, bình dị và chân thật với những tình tiết chuyện vô cùng thú vị. Câu chuyện như một thước phim đưa ta về với những tình cảm tuổi học trò đầy ngây ngô, hồn nhiên, vô tư và hết sức đáng yêu! Đây xứng đáng là một cuốn sách dành cho lứa tuổi học trò.

 

Tác giả: Thái Hà - Bookademy

-----

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Quả không sai khi nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn mang lại ký ức tuổi thơ cho mọi người. Đặc biệt với những ai thuộc thế hệ 8x, 9x thì đây là một tác phẩm không thể bỏ qua. Mỗi độc giả như thoát ra khỏi những bộn bề của thực tại hàng ngày để bước vào thế giới của miền ký ức. Những cảm xúc lạ lùng đầu tiên trong đời là điều chúng ta không bao giờ có thể quên được. Đó là những rụt rè, xao xuyến, và cũng có thể là lo lắng, xao xuyến… Tất cả những cung bậc cảm xúc ấy hòa quyện tạo thành một bản hợp ca mang tên “tuổi trẻ” với những nốt trầm bổng mà mỗi người cảm nhận. cất sâu trong tim cả một đời người, chỉ khi gặp đúng thời điểm mới có thể nghe lại.

Theo chân bộ ba nữ sinh đến những quán ăn, điểm hẹn hò của học sinh ngày ấy như bánh canh bưởi đậu đỏ, quán Dạ Lan hay hồ Con Rùa, nhà hát Hòa Bình, ... Tài năng của Nguyễn Nhật Ánh khiến bao người ai chưa từng thử những món ăn này, thậm chí đến những nơi đó thời sinh viên đều cảm thấy xốn xang, như đặt cả tuổi thanh xuân của mình vào nơi này. Theo dõi từng trang viết của anh, chúng ta không còn đơn giản là đọc mà như bước vào từng trang sách, hòa mình vào cuộc sống của nhân vật. Cứ như thể hình ảnh ba cô nữ sinh váy trắng, hay những chàng trai với ánh mắt yêu thương đang ở ngay trước mắt. Sự chân thật trong từng câu nói của Nguyễn Nhật Ánh khiến bất cứ ai cũng có thể hòa mình vào mạch cảm xúc của nhân vật. Bên cạnh đó, anh còn thể hiện sự tinh tế, tỉ mỉ trong cả đứa con tinh thần của mình khi xây dựng những nét thơ trau chuốt, cân đối tương phản; Những chi tiết cuốn hút mũi người đọc và ngay cả những chi tiết nhỏ cũng mang tính biểu tượng cao (như hai từ “ngưỡng mộ”)

Nhẹ nhàng, hóm hỉnh, lôi cuốn và những gì ngắn gọn nhất để miêu tả quyển sách này. Hy vọng những ai đang muốn được về thăm thanh xuân tìm được niềm vui trong tác phẩm này.

Bồ câu là con vật gắn liền với hành động truyền tin. Nhưng với tuổi học trò, không cần bồ câu đưa thư, hộc bàn đã trở thành nơi đưa tin tức liên lạc giữa những bạn học trò với nhau. Thú vị vô cùng! Tuổi thơ ai đã từng như thế? Những lời nhắn nhủ, làm quen, những quả xoài, quả ổi trong hộc bàn của cô nàng Thục đã làm cho cuộc đời học trò của Thục, Xuyến, Cúc Hương thêm phần ý vị. Những lá thư, câu thơ lục bát, song thất lục bát ngọt ngào như viên kẹo của Phong Khê đã khiến Thục phải vẩn vơ suy nghĩ, hai người bạn của cô thì suy tính ra bao mưu trò. Tuổi thơ chúng ta chợt sống dậy qua hình ảnh của mấy cô học trò lớp 12. Học hành, thi cử vất vả và cả những tình cảm đầu đời chớm nở có chút vấn vương, có chút sóng gợn. Bác Ánh đã chụp lại những lát cắt của tuổi học trò hồn nhiên, đáng yêu chân thật quá làm tôi nhớ đến tuổi học trò của mình. Cũng tình yêu vụng dại, cũng những nhớ mong thoáng qua, cũng chiếc hộc bàn chứa đầy kẹo ngọt. Như những sản phẩm tinh thần khác của Nguyễn Nhật Ánh, “Bồ câu không đưa thư” cũng vẫn chất mộc mạc, gần gũi, cũng viết về tình bạn, tình yêu. Nhưng mỗi tác phẩm của bác đều đọng lại trong tâm trí người đọc những cảm xúc nhất định. Ta sẽ mãi nhớ đến Thục, cô gái hiền lành, biết suy nghĩ; Cúc Hương, Xuyến, những cô gái mau miệng, lém lỉnh, tinh nghịch. Đặc biệt, những bài thơ con cóc cùng những tình cảm ngây thơ tuổi học trò, tôi sẽ luôn nhớ mãi.

Đập vào mắt mình là tiêu đề cuốn sách "Bồ câu không đưa thư", vậy bồ câu mà không đưa thư thì làm gì nhỉ ? Mình đã có suy nghĩ đó và quyết định đọc cuốn sách này. Thật là một câu chuyện đáng yêu của cái thời không có internet hay mạng xã hội như ngày nay, Phán củi viết rằng: "Mình là một người quê mùa, cục mịch (không phải tự nhiên mà bạn bè trong lớp gọi mình là "Phán củi"), mình không đủ can đảm "làm quen" với Thục, cả trò chuyện lẫn thư từ. Người ta thường bảo chim bồ câu là nhịp cầu nối giữa hai người "không ghét" nhau. Nó sẽ mang thư của người con trai đến với người con gái cùng những lời chúc tốt lành. Nhưng mình không dám. Mình không phải là Roméo. Mình chỉ là Phán củi. Đối với mình, được "trò chuyện" với Thục qua những mẩu giấy đặt trong ngăn bàn đã là một niềm mơ ước. Thục hồi tưởng lại những ngày đã qua với bao niềm lưu luyến, một năm học cuối cùng lẫn những buồn vui. Ngày mai, khi bước ra khỏi mùa hè rực rỡ đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng mình quãng đời học trò. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi mãi sẽ trống vắng một bóng người đi bên cạnh Thục. Quả nhiên đúng là "Bồ câu không đưa thư".

Bồ Câu Không Đưa Thư là truyện dài gồm 14 chương thuộc thể loại truyện học đường của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, lần đầu ra mắt độc giả vào năm 1993. Cùng với Nữ sinh và Buổi chiều Windows, Bồ Câu Không Đưa Thư là tác phẩm nằm trong chùm truyện mà tác giả viết riêng về bộ ba Xuyến, Thục và Cúc Hương.

Không còn kể về những cánh đồng quê bát ngát, là mùa hè rực rỡ nơi thôn quê, lần này Nguyễn Nhật Ánh hướng ngòi bút của mình về nơi thành phố Hồ Chí Minh hiện đại, nhộn nhịp và sầm uất. Và nhân vật chính không những chỉ có một mà là ba cô gái thành phố Xuyến, Thục, Cúc Hương. Như tên của tác phẩm, lá thư dưới ngăn duới ngăn bàn chính là nút thắt của tác phẩm, là trung tâm của mọi sự việc xung quanh. Cũng chính bức thư ấy đã tạo nên một bản tình ca với những thanh âm trong veo ngây ngất nhưng cũng điểm xuyến nhiều nốt trầm giữa Phong Khê và Thục. Với kết thúc buồn, tác giả khiến độc giả có nhiều suy nghĩ miên man, và rồi đều tự hỏi: phải chăng mối tình đầu nào cũng có kết cục buồn da diết đến như thế?

Gặp gỡ bộ ba Xuyến, Thục, Cúc Hương tinh nghịch, lém lỉnh

Trở lại sau bộ truyện Nữ sinh, bộ ba láu lỉnh ngày nào lại càng thêm phần tinh nghịch. Họ mang một luồng gió mới đến cho những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Xuất thân nơi đô thị phồn hoa, ba cô gái mang những nét đặc trưng khác hẳn với các nữ chính ta thường gặp trong phần lớn tác phẩm của ông. Họ có cách suy nghĩ, lối sống hiện đại và có phần thoáng hơn những cô gái nông thôn. Và thay vì bản tính dịu dàng, nhu mì thì ở bộ ba có những nét lém lỉnh, tinh nghịch rất cá tính.

Ngay ở đầu câu chuyện Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng tình huống Thục bất ngờ nhận được một lá thư làm quen nhưng chưa dám cho hai người bạn của mình biết, không phải vì không tin tưởng mà là vì sợ bị chọc đã cho thấy Cúc Hương và Xuyến, vốn được mệnh danh là hai cái loa phát thanh của lớp đáng sợ như thế nào. Ở phần truyện Nữ sinh, người ta đã thấy ba cô gái quả là cao tay khi xử đẹp Hùng quăn thì trong phần này họ còn chứng tỏ mình là những” cao thủ “thứ thiệt khi tiếp tục mang đến những tình huống dở khóc dở cười cho anh chàng giấu mặt Phong Khê. Đúng là chỉ có họ mới dám thẳng tay “dằn mặt” một người mình không quen ngay trong lần gửi thư đầu tiên, hoặc chẳng ngại ngần khi mà xin thêm ba trái ổi mà vẫn giữ thần thái ngút trời.

Bên cạnh những phút giây lém lỉnh, những trò đùa khiến mọi người vừa vui vừa sợ thì ba cô nàng là những người sống rất tình cảm. Ba người ba tính cách khác nhau: Thục, giỏi văn, nhút nhát, hay suy nghĩ mơ mộng, Cúc Hương giỏi toán, lập luận sắc bén còn cựu lớp trưởng Xuyến thì thông minh, nhanh trí, dũng cảm. Mỗi người một tính nhưng họ có điểm chung là nhân hậu, biết giữ tình nghĩa, được thể hiện một phần qua tình cảm quý mến họ dành cho Phán củi, nhà thơ của lớp khi anh này đã giúp đỡ họ nhiệt tình

Mối tình thầm lặng của chàng Phong Khê với kết thúc buồn da diết

Người ta thường nói tình cảm học trò nhan là thứ tình cảm khiến người ta không thể quên, vì nó sẽ chẳng bao giờ có kết thúc đẹp. Đó là thứ tình cảmtrong sáng, ngây thơ, vô lo nghĩ nhất trong cuộc đời mỗi người. Mối tình của Phong Khê dành cho Thục cũng vậy, đầy mộng mơ, âm thầm nhưng sâu đậm sâu, và kết thúc khiến người ta cứ ngẩn ngơ nuối tiếc. Phong Khê làm quen Thục theo một cách rất đặc biệt, đó là gửi thư dưới ngăn bàn, khác hoàn toàn với cách đám trẻ hiện nay. Khi mà thời đại cách mạng 4.0 bùng nổ, các trang mạng xã hội lên ngôi, con người ta không khó để tìm kiếm thông tin một ai đó, thậm chí chỉ cần sau vài cái chạm tay là biết được crush mới đi du lịch Hàn Quốc về, con chó nhà hàng xóm crush mới chết, hoặc là cậu bạn thân của crush mới bị bồ đá. Nhưng so với các trang mạng xã hội này thì bức thư tay của Phong Khê ấm áp, mang đến nhiều cảm xúc dạt dào hơn rất nhiều.

Phong Khê là một anh chàng thi sĩ lãng mạn, một người nhẹ nhàng và rất đỗi dịu dàng. Mặc cho lời lẽ của bọn Xuyến, Cúc Hương có phần đanh thép, gây tổn thương nhưng anh vẫn kiên nhẫn hồi âm, hơn nữa lại còn tặng kèm những món quà rất hấp dẫn. Những lá thư tay của Phong Khê dù đơn giản, không mùi mẫn như bức thư tình của Marilyn Monroe gửi cho Joe Dimaggio nhưng mang đến những làn gió nhẹ mang tên sự dịu dàng, một thứ tình cảm ấm áp, chân thành và thiêng liêng nhất của một cậu con trai mới lớn. Những câu hỏi han, quan tâm từ những việc nhỏ nhất, hay sự chỉn chu trong từng vần thơ đã tố cáo tình cảm âm thầm mà đậm sâu của người học trò nhút nhát và giàu tình cảm này.

Câu chuyện nào thì cũng phải có hồi kết, chuyện tình của Phong Khê và Thục cũng vậy. Cả việc Phong Khê cuối cùng cũng phải lộ diện cũng vậy. Sau bao lần tìm kiếm manh mối, rình mò, thậm chí là truy đuổi với những suy đoán tự cho là vô cùng thông minh và sắc sảo của Xuyến và Cúc Hương, bức tranh chân dung anh chàng Phong Khê dần dần được hoàn thiện dựa vào những mảnh ghép của ba vị nữ thám tử nghiệp dư này. Nhưng đáng tiếc những mảnh ghép họ miệt mài kiếm tìm được lại thuộc về bức tranh một nhân vật hoàn toàn khác. Trong những chương cuối, Nguyễn Nhật Ánh thật biết trêu đùa với tình huống khi để ba cô gái hiểu lầm Hoàng Hòa - chàng lớp trưởng hào hoa, đẹp trai, nho nhã lại đang để ý Thục, chính là Phong Khê.  Và rồi kéo theo đó là những tình huống khốn khổ cho anh chàng khốn khổ này. Nhưng sau cùng, ở chương cuối, anh chàng Phong Khê thật dù vẫn chưa chịu trực tiếp giải thích tất cả mọi chuyện, nhưng cũng đã nhờ một lá thư (lại là một lá thư! ) gửi đến những người bạn của mình giải thích mọi chuyện. Hóa ra anh chàng Phong Khê lãng mạn kia chính là nhà thơ Phán củi, bạn đồng hành của ba cô gái, người đã giúp đỡ họ làm những bài thơ hồi âm lại Phong Khê, hay thực chất là hồi âm lại chính mình. Phán cũng đã bên bộ ba trong ngày họ hẹn gặp trực tiếp người giấu mặt kia. Quả thật là một tình huống oái oăm không tả nổi, ba cô gái đâu ngờ được rằng người mình vẫn coi là “đồng minh” bên mình lại chính là “kẻ địch” duy nhất của họ, người mà họ đau đầu nghĩ tới nghĩ lui.

Phải tận đến ngày Phán phải về quê chăm lo mẹ già thì danh tính Phong Khê mới thật sự được tiết lộ.

“Ngày mai, khi bước ra khỏi màu hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi sẽ trống vắn một bóng người lặng thầm đi bên cạnh Thục. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những người bạn may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài.”

Phong Khê sẽ chẳng bao giờ có thể là kinh thành của Thục Phán nữa. Tương lai của Phán cũng sẽ chưa biết sẽ đi về đâu, chỉ biết là cảnh ấy tượng đã xuất hiện những đám mây âm u, mịt mù; huống chi là chuyện tình cảm mới chớm nở của Phán và Thục.

Chuyến tàu đưa ta về thời áo trắng

Quả không sai khi nói rằng Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn mang kí ức tuổi trẻ về cho mỗi người. Đặc biết là với những người thuộc thế hệ 8x, 9x thì đây là tác phẩm không nên bỏ lỡ. Mỗi độc giả như thoát khỏi mội bộn bề cuộc sống thực tế hàng ngày để bước vào thế giớ của miền kí ức. Những cảm xúc khác lạ đầu đời là những gì ta mãi chẳng thể quên. Đó là những rụt rè, xao xuyến lẫn những cả sự lo lắng, bồi hồi… Tất cả những xúc cảm ấy hòa quyện lại tạo thành một bản hợp ca được gọi là “thanh xuân” với những nốt trầm, nốt bổng mà mỗi người cất giữ sâu trong lòng cả đời, chỉ khi gặp đúng thời điểm mới được nghe lại.

Theo chân bộ ba nữ sinh đến những quán ăn, những điểm hẹn hò của học sinh ngày ấy như món chè bưởi đậu đỏ bánh lọt, quán Dạ Lan hay hồ Con Rùa, nhà hát Hòa Bình,... Cái tài của Nguyễn Nhật Ánh là khiến những người mặc dù chưa hề ăn thử những món đó, đến những nơi đó trong thời học sinh cũng đều thấy xao xuyến, như thể mình đã đặt thanh xuân của mình ở nơi này vậy. Theo dõi từng trang văn của ông, chúng ta không còn đơn thuần chỉ là đọc nữa mà như đã bước chân vào từng trang sách, dung hòa mình vào cuộc đời của nhân vật. Như thể rằng hình ảnh ba cô nữ sinh với tà áo trắng, hay những cậu trai với đôi mắt si tình đang ở ngay trước mặt. Sự chân thật trong từng câu văn của Nguyễn Nhật Ánh khiến ai cũng có thể ngâm vào mình vào mạch cảm xúc của nhân vật. Bên cạnh đó ông cũng thể hiện được sự tinh tế, tỉ mỉ trong toàn bộ đứa con tinh thần của mình khi xây dựng những màn đối thơ cầu kì, chỉn chu; những tình tiết đan cài dắt mũi độc giả và cả những chi tiết nhỏ mang tính biểu tượng cao (như 2 chữ “thán phục”).

Nhẹ nhàng, hóm hỉnh, lôi cuốn và những gì ngắn gọn nhất để miêu tả quyển sách này. Hy vọng những ai đang muốn được về thăm thanh xuân tìm được niềm vui trong tác phẩm này.

Khi bước chân vào cánh cổng đại học, ta sẽ chẳng bao giờ quên quãng đời học sinh thân thuộc, mến yêu. Thanh xuân là khoảng thời gian tươi đẹp nhất của đời người, thích một người mà không dám nói, để rồi vô tình đánh mất nhau.

Bồ Câu Không Đưa Thư của Nguyễn Nhật Ánh sẽ đưa ta trở về những ký ức tuổi học trò, ngây ngô và đáng yêu như thế…

Tác giả Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn người Việt. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của ông rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã từng có chia sẻ: “… Tôi gọi Nguyễn Nhật Ánh là ‘người soát vé trên chuyến tàu tuổi thơ’. Bởi trong mắt tôi, anh luôn hiện ra trong trẻo, với nụ cười nhân hậu, tay cầm tập vé là những cuốn sách phát hành cho hành khách lên con tàu trở về tuổi thơ đẹp đẽ, trong lành.”

Bồ Câu Không Đưa Thư

Cuốn sách này trong combo Nữ sinh – Bồ Câu Không Đưa Thư và Buổi chiều windows của Nguyễn Nhật Ánh. Thục là một cô gái hiền thục, dịu dàng, dễ thương được nhiều người yêu quý trong đó có cậu lớp trưởng Hoàng Hòa. Dù Hoàng Hòa không nói ra nhưng với những ánh nhìn lén trong giờ học, cử chỉ quan tâm thì ai cũng nhận ra cậu thích Thục. Vì e ngại nên Thục thường xuyên tránh né Hoàng Hòa.

Xuyến và Cúc Hương là hai cô nàng cá tính mạnh mẽ, là chị em thân thiết với Thục. Hai người họ được mệnh danh là cái loa phát thanh của lớp, khiến ai cũng phải e dè. Họ ở bên nhau, đồng hành và trở thành một tình bạn đẹp của tuổi học sinh.

Một ngày nào đó, Thục nhận được một bức thư muốn “kết bạn” từ Phong Khê và vô tình bị Xuyến, Cúc Hương phát hiện. Từ đó, Thục cứ mãi nhớ thương về anh chàng Phong Khê điềm đạm, nhỏ nhẹ trong từng dòng của lá thư. Xuyến và Cúc Hương thì khác, họ luôn dùng những bức thư hăm dọa, thách thức để thử thách sự can đảm của anh chàng Phong Khê. Đôi lúc Thục cũng cảm thấy khó chịu về hành động này của các bạn nhưng không thể làm được gì. Cứ thế họ rơi vào tình cảnh oái oăm hết lần này đến lần khác, những câu chuyện tưởng chừng như không thể xảy ra. Cũng vì viết thư mà ba người ấy làm bạn với Phán Củi, một anh chàng quê mùa, cục mịch nhưng lại giỏi làm thơ văn. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp thì bỗng nhiên một ngày…

Phán Củi viết một bài thơ đăng lên báo mực tím.  Nội dung bài thơ như nhắm thẳng vào Thục, làm mọi người một phen hú vía. Đến nỗi Xuyến và Cúc Hương phải đứng ra hỏi cho ra lẽ. Không biết chuyện tình Phán và Thục sẽ ra sao thì lại có hiểu lầm khác xảy đến. Hiểu lầm nối tiếp hiểu lầm, từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khiến người đọc khó có thể đoán được cái kết sẽ như thế nào…

Cậu bạn Phong Khê kia liệu có lộ diện. Liệu đó là ai. Mối tình Thục Phong Khê là câu chuyện tình buồn, da diết, nhớ nhung. Gọi là tình nhưng chỉ bằng những lá thư dưới ngăn bàn, những quả ổi, quả xoài; chưa một lần nắm tay, một lần nói chuyện đường hoàng. May mắn là sau này, những khuất mắt được tháo gỡ, những thắc mắc, hiểu lầm cũng đã không còn nữa, họ phải bước ra khỏi quãng đời học sinh, để tiếp tục hành trình đến trạm kế tiếp của cuộc đời

“Ngày mai khi bước ra khỏi mùa hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng mình quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi mãi sẽ vắng bóng một bóng người thầm lặng đi bên cạnh Thục. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những bạn bè may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài…”

Cảm nhận về sách

Nhiều độc giả cho rằng “Câu chuyện như một thước phim đưa ta về với những tình cảm tuổi học trò đầy ngây ngô, hồn nhiên, vô tư và hết sức đáng yêu.” Bản thân tôi cũng cảm nhận được rằng, tình cảm trong truyện không phải là thứ tình cảm say đắm của tuổi trưởng thành mà chính là sự giản dị và chân thành nhất. Thứ tình cảm mộc mạc, không cung cầu, nhẹ nhàng mà lắng đọng ý vị yêu thương. Nó chỉ hiện diện từng câu chữ ý nhị, tinh tế trên lá thư: “Cho mình làm quen với. Mình ở lớp buổi sáng, ngồi cùng chỗ với bạn đấy. Nếu không nỡ từ chối, bạn viết mình vài chữ. Thành thật cảm tạ. Rất mong hồi âm “Những dòng chữ ấy khiến người đọc dễ cảm tình ngay từ lần đọc đầu tiên. Nó không phô trương mà vô cùng tế nhị. Chuyện tình Thục và Phong Khê cũng như thế, chỉ biết cất nơi trái tim…

Cô em hiền thục

Gặp từ hôm qua

Nhớ từ hôm trước

Thương em nhất nhà

 

Em không lém lỉnh

Như là người ta

Bông hoa bẽn lẽn

Là em đấy mà!

Lời kết

Có lẽ sau khi đọc xong cuốn sách này, ai ai cũng bồi hồi mà nhớ về khoảng thời gian đẹp nhất của đời người – thời học sinh. Đã có ai thương thầm một người, chỉ biết đứng từ xa để quan sát người ta. Trong chuyện tình ấy, ta không mong người ấy sẽ để ý, chỉ mong rằng họ được vui vẻ, bình an,… Gấp lại trang sách của Nguyễn Nhật Ánh, chẳng biết thế nào lại cảm thấy luyến tiếc nhớ thương mãi khôn nguôi.

Tiếp nối sự thành công của “nữ sinh”, “Bồ Câu Không Đưa Thư” tiếp tục được tác giả của những quyển sách viết về tuổi mới lớn cho ra đời nhằm khơi nguồn cảm xúc cho bạn đọc. Đến với tập truyện này, chúng ta lại một lần nữa được tiếp cận với ba nữ nhân vật chính: Thục, Xuyến và Cúc Hương. Vẫn là tính cách hiền dịu, trong sáng của Thục; năng động, hoạt bát của Xuyến và Cúc Hương. Không chỉ có thế, một số nhân vật mới như Phán củi hay Hoàng Hòa trong mạch kể lần này được lồng ghép khiến câu chuyện học trò trở nên hấp dẫn, lôi cuốn hơn bao giờ hết. Thục là một nữ sinh được kha khá bạn nam mến mộ, quan tâm. Trong đó, anh chàng “Phong Khê” là người thường “lén lút” gửi những bức tâm thư của mình vào hộc bàn của Thục. Cùng với Xuyến và Cúc Hương, ba cô gái nhí nhảnh lần đầu hóa thân vào vai trò thám tử để tìm ra lai lịch của Phong Khê. Lấy bối cảnh năm 12 cuối cấp, cùng với lá thư bí ẩn khiến họ quyết tâm lột mặt nạ của người giấu mặt. Dường như, những điều thú vị nhất được bùng phát vào chương cuối của “Bồ Câu Không Đưa Thư”. Nhân vật trong bóng tối ấy dần được tiết lộ làm cho mọi người vô cùng bất ngờ. Người ta thường nói “xa tận chân trời, gần ngay trước mắt” quả thực không sai. Cũng chính thời điểm biết được người ấy, quãng đời học sinh của các cô, các cậu học trò sắp phải khép lại, Thục ngậm ngùi mà nhớ lại bài thơ Phán củi đăng trên báo Mực Tím:

“Cô em hiền thục

Gặp từ hôm qua

Nhớ từ hôm trước

Thương em nhất nhà…”

Có lẽ, chỉ những ai vừa đọc vừa ngẫm mới thấu được những tâm tư mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm trong từng trang chữ. Đó không chỉ là hoài niệm mà còn là những lời nhắn nhủ giản dị, chân thật nhất dành tặng đến bạn đọc. Cảm giác bồi hồi, xao xuyến vẫn còn đọng lại trên từng mặt chữ, phảng phất đâu đây kí ức tuổi học trò thơ ngây.

Đừng bao giờ hối hận về những gì mà chúng ta đã làm, hãy hãnh diện vì ta đã bản lĩnh để thực hiện nó. Cũng giống như người giấu mặt trong câu chuyện, dám ẩn mình và cũng dám tự bước ra ánh sáng!