Tuổi trẻ, ai cũng có những ước mơ những khát vọng riêng. Có người cố gắng nỗ lực học hỏi để trau dồi thêm kiến thức, có người chọn sống hết mình để giúp ích cho xã hội, lại có người sống với tuổi trẻ bằng những hi vọng cho đam mê và hoài bão. Nhưng không ít người trong những năm tháng đó lại chông chênh, chưa xác định được mình là ai? Mình muốn làm gì? Và phải sống như thế nào? Để rồi những năm tháng được cho là đẹp nhất đó trôi qua một cách lãng phí và tẻ nhạt.

Thực sự khi tìm đọc cuốn Bắt trẻ đồng xanh tôi có chút lưỡng lự vì có quá nhiều tranh cãi xung quanh cuốn sách này, cuốn sách bị cấm ở hàng loạt thư viện tại Mỹ, bị nhiều phụ huynh phản đối khi sách được dùng trong giảng dạy văn học, nhiều giáo viên bị sa thải vì cố tình giao cho học sinh nghiên cứu tác phẩm này. Và đặc biệt nghe nói rằng nhiều kẻ sát nhân nổi tiếng thế giới như Mark David Chapman – người ám sát John Lennon hay John Hinckley Jr người hạ sát bất thành cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan, đều là fan cuồng của Bắt trẻ đồng xanh. Nhưng trong cái sự lưỡng lự đó lại có chút tò mò, muốn được khám phá. Để rồi khi gấp lại cuốn sách này, tôi nghĩ rằng mình đã học được rất nhiều điều cả về những giá trị đạo đức cũng như tinh thần trong nó.

Trang bìa cuốn sách được thiết kế rất đơn giản, độc nhất có một màu xanh. Tưởng chừng rất dịu êm và nhẹ nhàng nhưng trong đó lại là những ngày tháng tưởng chừng dài dằng dặc của Holden Caulfield.

Mở đầu câu chuyện là lời nói thể hiện rõ tính cách của Holden Caulfield, rất lạ lùng và nổi loạn.

Nếu các bạn thực tình muốn nghe câu chuyện tôi sắp kể, chắc hẳn các bạn muốn biết trước nhất tôi sinh ra ở đâu, tuổi nhỏ ngốc nghếch của tôi diễn ra thế nào, cha mẹ tôi trước ngày tôi sinh trưởng làm những gì - tóm lại, là toàn bộ cái mớ lai lịch vớ vẩn kiểu như của David Coperfield, đúng thế không? Nhưng nói thực, tôi chẳng thích bới những thứ ấy ra.

Cậu không muốn lặp lại những điều mà người khác hay làm, có lẽ chính vì thế trong mắt người khác Cậu là kẻ lạ lùng và khác người.

Lấy bối cảnh nước Mỹ vào những năm giữa thế kỷ 20, Holden Caulfield kể về những người xung quanh mình và những ngày Cậu ở thành phố New York cho đến khi bị đuổi khỏi trường dự bị đại học Pencey Prep. Qua lời kể của Holden, có thể tái hiện được thực trạng xã hội nước Mỹ lúc bấy giờ. Một xã hội phân biệt giàu nghèo, khi đa số những ông thầy sẽ cúi rạp người bắt tay niềm nở với những phụ huynh giàu có và tỏ vẻ không quan tâm với những phụ huynh nghèo khó. Một xã hội dối trá và lừa bịp khi nhà trường Cậu theo học cho học sinh nội trú ăn món bít tết vào tối thứ bảy, để khi phụ huynh vào thăm con vào chủ nhật họ sẽ nghĩ rằng con mình luôn được ăn ngon như thế. Một xã hội luôn làm ra vẻ bộ tịch “Thằng cha lính thủy và tôi bảo nhau rằng chúng tôi sung sướng được gặp nhau. Điều ấy luôn luôn làm tôi chết được. Tôi luôn luôn phải nói 'sung sướng được gặp anh' với những người mà tôi chẳng sung sướng chút nào khi thấy họ. Tuy nhiên nếu bạn muốn sống, bạn phải nói những thứ ấy". Và một xã hội mà những câu chửi bậy thô tục được viết tràn lan cả ở trường học mà theo Holden nói “Nếu bạn có một triệu năm để làm đi nữa, bạn cũng không thể nào chùi sạch dù chỉ một nửa số câu “Đù má" trên thế giới, thật vô phương".



Và trong xã hội đó Holden đã chọn cách “sống là chính mình". Dù là một cậu thanh niên lêu lổng, rớt 4/5 môn học và còn bị đuổi khỏi trường nhưng trong Holden hiện lên những khía cạnh rất đạo đức khi Cậu bỏ xem trận bóng đá chung kết ở trường để đến thăm thầy giáo dạy lịch sử bị bệnh dù Cậu cũng không thích gì thầy. Holden toàn nói điều xấu về những người bạn của Cậu nhưng ngược lại Cậu luôn bên cạnh họ. Holden cũng rất thích đọc sách  “thứ thực sự hạ gục tôi là một cuốn sách mà sau khi bạn đọc xong bạn mong muốn tác giả đã viết nên cuốn sách ấy là một người bạn của mình và bạn có thể gọi cho ông ấy bất cứ lúc nào bạn muốn", thực sự khi nhìn Holden ta không thể ngờ rằng Cậu là người thích đọc, thế mới nói rằng đừng “nhìn mặt mà bắt hình dong" qua cách Cậu đọc chăm chú một cuốn sách có thể nói Holden thực sự là người có tâm hồn đẹp. Cậu cũng là một người yêu gia đình và đặc biệt là cô em gái Phoebe, dù bị đuổi học nhưng Cậu không muốn cho bố mẹ biết vì sợ họ sẽ lo lắng, Cậu chỉ tìm đến em gái để tâm sự và chơi đùa với nó vì Cậu cảm thấy yên bình và vui vẻ khi ở cạnh em gái mình. Đặc biệt, Phoebe là người đầu tiên hỏi về ước mơ của Holden, điều mà trước đây chưa ai hỏi Cậu. Nhưng bạn có tin được không, lúc đầu Holden không biết mình muốn gì và ước mơ của mình ra sao, nhưng rồi cậu lại nói ra một ước mơ rất kỳ lạ như chính Cậu vậy.

Anh cứ hình dung bọn con nít chơi trên cánh đồng khổng lồ vào buổi chiều, trong đám lúa mạch. Có đến nghìn đứa trẻ mà xung quanh không có lấy một người lớn nào, ngoài anh. Còn anh thì đứng tận rìa vách đá trên vực thẳm, và việc của anh là luôn sẵn sàng tóm lấy bọn trẻ để chúng không lăn tõm xuống vực.

Nhưng trong cái ước mơ kỳ lạ đó, chắc có lẽ đó là sự hiện hữu của khát vọng tự do tự tại muốn được sống trong những ngày tháng êm ả chẳng cần lo nghĩ nhiều, và đặc biệt là bảo vệ được những đứa trẻ ngây thơ.

Nhưng thực tại vẫn là thực tại, như Holden nói:

Điều ấy mới thật nghiệt. Bạn không bao giờ có thể tìm được một nơi dễ chịu và yên bình, vì không có nơi nào như thế. Bạn có thể nghĩ rằng có, nhưng một khi đến đấy, vào lúc bạn không để ý, một người nào sẽ lẻn vào viết “Đù má" ngay trước mũi bạn. Bạn thử mà xem. Tôi nghĩ rằng khi nào, nếu có khi nào tôi chết, họ sẽ bỏ tôi vào trong nghĩa địa, tôi có một tấm bia các thứ, trên ấy ghi “Holden Caulfield“ sinh năm nào, chết năm nào, rồi ngay dưới ấy lại cũng sẽ ghi một câu “Đù má“. Đấy là điều chắc chắn, tôi nói cho bạn biết.

Những lời nói của Holden tưởng chừng rất tục tĩu nhưng nó lại chính là sự thật mà ta không dám nói ra, nó thật đến mức đôi lúc ta cũng cảm thấy chạnh lòng.



Và có lẽ vì chính một xã hội như thế đã làm cho Holden chán ghét tất cả, cậu đã có ý định bỏ đi đâu đó thật xa và hoạch ra những điều cậu làm sau đó. Nhưng Phoebe đã ngăn những bước chân trốn chạy của Holden lại, vì thực ra dù cậu có đi đâu đi nữa thì cuộc sống vẫn vậy, nhưng chính nơi này không chỉ có những điều tồi tệ đâu, còn có gia đình và những người sống với nhau bằng tình cảm chân thành mà.

Có một trích đoạn mà tôi cảm thấy rất đúng:

Tuy vậy cái điều hay nhất trong viện bảo tàng ấy là mọi sự luôn luôn ở chỗ cũ. Không ai xê dịch. Bạn có thể đến đấy một trăm ngàn bận, và người Eskimo vẫn còn vừa mới câu được hai con cá, những con chim vẫn đang bay về Nam, những con nai vẫn còn uống nước và con mẹ da đỏ ở trần cũng đang dệt mền. Không ai đổi khác cả. Cái độc nhất đổi khác là bạn. Không phải bạn già hay gì cả. Không hẳn thế. Bạn chỉ khác đi, thế thôi.

Mọi sự vật đều nằm đó, nhưng chỉ có con người là thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi đó chắc hẳn sẽ làm cuộc sống ta dịch chuyển và đôi khi sẽ đưa ta đến những chân trời mới. Thế mới nói rằng đôi khi thế giới thay đổi cũng chính vì ta đổi thay mà thôi.

Nhưng thực sự đôi khi bạn cũng cảm thấy Holden rất ngông cuồng và vô giáo dục khi chỉ mới 17 tuổi cậu đã hút thuốc, đi bar và tìm cách uống rượu nhưng bất thành, Cậu chửi thề liên tục và đôi lúc cũng nghĩ đến tình dục, nhưng thực ra khi có cơ hội cậu lại khước từ và chỉ ngồi nói chuyện. Đặc biệt là những suy nghĩ về cuộc sống của cậu nữa, và chắc hẳn đó cũng là một mặt khác của Holden, bên ngoài cậu tỏ vẻ là người bất cần nhưng bên trong là còn là sự non trẻ và có chút yếu đuối. Có thể nói Holden vừa đáng trách, đáng giận nhưng cũng rất đáng thương và luôn chất chứa những nỗi buồn. Nhưng tuổi trẻ là vậy mà, ngông cuồng, nổi loạn, mơ mộng và có trái tim yếu đuối. Việc duy nhất ta có thể làm bây giờ là sống hết mình mà thôi.



Trong cái vẻ ngoài bất cần với những lời nói tục tĩu đó thì thực ra trái tim Holden đang cố gồng mình để mạnh mẽ. Điều này biểu hiện khi Cậu ngồi trên đồi để nhìn xuống phía dưới sân bóng của trường "Nhưng trận đấu, tôi nào có để mắt đến. Tôi trèo lên đó chẳng qua chỉ vì tôi muốn cảm thấy rõ hơn là mình đã giã từ mãi mãi cái trường chết tiệt này. Gì chứ chuyện bị đuổi tôi chẳng lạ. Nhưng tình thực, tôi chẳng thiết nghĩ tới chuyện phải cuốn gói ra đi. Tôi rất căm chuyện đó. Nhưng không một phút nào thèm nghĩ – đó là chuyện đáng buồn hay chẳng hơi đâu mà buồn. Nhưng mỗi lần chia tay với một nơi nào đó, bao giờ tôi cũng thấy cần phải cảm nhận thật rõ mình đã thực sự đoạn tuyệt với cái nơi mình sắp sửa ra đi. Bằng không tôi vẫn cảm thấy bứt rứt suốt". Chia ly một nơi mà mình đã gắn bó, dù có những kỷ niệm vui hay buồn đều sẽ có sự tiếc nuối mà, nhưng Holden đang cố nói cho mọi người biết. Việc từ bỏ ngôi trường này chẳng hề hấn gì đến mình. Hay đôi khi là những suy nghĩ vẩn vơ của Holden khi không biết nước trong hồ đóng băng thì những con vịt sẽ đi đâu. Cũng như ước muốn Bắt trẻ đồng xanh đó, tất cả tạo nên một Holden nổi loạn nhưng cũng rất đáng yêu và trong sáng.

Thiết nghĩ rằng, một tác phẩm hay chính là chạm đến được trái tim của bạn đọc . Mỗi người có một cách nghĩ riêng và đối với tôi Bắt trẻ đồng xanh đã chạm đến trái tim tôi bằng những khía cạnh hết sức chân thực đó. Đừng cố bắt chước cho mình giống với ai, hãy sống là chính mình, yêu bằng cả con tim và dám đứng lên nói ra những gì mình cho là đúng.

Tác giả : Phan Thị Nguyên -  Bookademy

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]


Xem thêm

” Bắt trẻ đồng xanh” là câu chuyện về sự nổi loạn của tuổi trẻ, những khát khao thầm kín và cả cảm giác mất phương hướng trong cuộc sống ở tuổi thiếu niên. Hơn thế, đó là cái nhìn trong veo vừa hồn nhiên vừa chân thực trước những thói đạo đức giả trong xã hội. Xuất bản năm 1951, “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D Salinger đã gây tiếng vang lớn (nói đúng hơn là tranh cãi), một thời gian cuốn sách đã bị kiểm duyệt cắt bỏ nhất trong hệ thống các trường trung học và thư viện của Hoa Kỳ. Nhưng sức hút và giá trị nhân văn, giáo dục của nó đã được đánh giá cao và đưa vào chương trình giảng dạy bậc trung học và được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Câu chuyện chỉ kể về Holden Caufield, 17 tuổi với những lần cậu ta bị đuổi khỏi trường với lý do không có gì mới hơn chuyện trượt môn hay bị kêu ca là lười học. Suốt hơn 300 trang sách cậu ta chỉ nói về mấy ngày sau đó, không có gì hơn nhưng vẫn khiến người đọc say mê tới mức cứ đọc hoài đọc mãi xem cậu ta đi đâu, nói gì, làm gì tiếp theo. Ở cái tuổi 17 vừa bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời, đáng ra phải phơi phới yêu đời và tràn đầy sức sống thì cậu ta đã nhìn mọi thứ bằng con mắt hết sức tiêu cực. Cậu chừng như ghét tất thảy. Một thằng quanh năm suốt tháng bị đuổi học, rít thuốc như ống bễ, làm loạn lên và bị đấm vỡ mũi chỉ vì một con nhỏ mà nó từng nắm tay không biết chán, thì có gì đáng kể chứ? Và đương nhiên cứ cái lối ấy, cậu ta ghét trường học. Với cái đầu chứa đầy sự thù ghét mà đã hình thành từ rất lâu đó, ai cũng tự hỏi, tại sao cậu có thể chịu đựng được suốt bao năm qua Sống trong sự giằng xé thù ghét hết tất cả mọi thứ xung quanh, tâm hồn cậu đôi lúc mệt hỏi, dằn vặt. Trái ngược với vẻ bất cần đời như thường thấy, cậu hay khóc. Cậu đã khóc đến hàng trăm lần, bởi dù sao thì cậu cũng chỉ mới có mười bảy tuổi thôi, cái tuổi non nớt suy nghĩ chưa tới, cái tuổi nhạy cảm và rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ xung quanh. Ở cái tuổi ấy, những thằng khác chỉ việc học, uống rượu và tìm cách chơi gái là đủ hết ngày hết giờ rồi. Còn cậu lại muốn bỏ đi và mong muốn tột cùng là được đi. Phần lớn chúng ta ai cũng thích đi như vậy, thích một lần được nổi loạn, được sống thoải mái không bị gò bó với trường học và mớ quy định nguyên tắc. Và tất cả chúng ta, phần lớn đều không dám làm những điều đó. Thậm chí còn chả dám đến cả uống rượu. Cuốn sách xoáy sâu vào thực trạng xã hội Mỹ lúc bấy giờ và lối sống của những thiếu niên Mỹ. Một xã hội mà ở đó sặc mùi đơn điệu, giả tạo và hoen ố. Đại phần những ông thầy cúi rạp người bắt tay “thắm thiết” với những phụ huynh nhà giàu và làm lơ trước những phụ huynh bần hàn. Một xã hội mà ai cũng tỏ ra bộ tịch và bạn muốn tồn tại trong xã hội ấy bạn cũng phải làm ra bộ tịch Sức ảnh hưởng của “Bắt trẻ đồng xanh” càng mạnh mẽ hơn khi 1960 một giáo viên đã bị sa thải sau đó được phục chức vì đã giới thiệu “Bắt trẻ đồng xanh” trên lớp. Một điều đáng nói hơn là khi bị bắt ngay sau vụ ám sát John Lennon (thủ lĩnh ban nhạc Bettle), Mark David Chapman đang mang theo người cuốn “Bắt trẻ đồng xanh” và hắn ta cũng luôn nhắc tới tác phẩm này trong quá trình hỏi cung của cảnh sát. John Hindley người ám sát bất thành tổng thống Ronald Reagan năm 1981 cũng được ghi nhận là bị ám ảnh bởi cuốn sách này. Nhưng vượt lên trên sự bất nhã trong lời kể tục tĩu và có phần nổi loạn, thì tất thảy tác giả đề cao lối sống tự do, độc lập bản lĩnh, đừng a dua theo đám đông mà hãy thừa nhận thực tại, sống là chính mình – chân thành, bản lĩnh và đầy yêu thương.