Ám Ảnh Sợ Xã Hội - Chạy Trốn Hay Đối Mặt
Xem thêm

Khi so sánh với phần giới thiệu rằng đây là "một cuốn sách mang đến cho bạn những cái nhìn tổng quát, kết hợp lý thuyết với thực tế, phân tích hội chứng ám ảnh sợ xã hội theo nhiều khía cạnh và tình huống" thì cuốn này quá là THẢM HOẠ, nhưng nếu đổi tên tựa đề nó thành "Cẩm nang giao tiếp chốn văn phòng" thì đây là một cuốn sách khá ổn. Tác phẩm được chia làm 10 chương, mỗi chương được chia ra thành các đầu mục nhỏ tương ứng với số luận điểm được đưa ra. Cách trình bày từng luận điểm rõ ràng, ngắn gọn, giúp người đọc dễ tiếp cận thông tin. Nhưng những thông tin ấy lại bị chệch hướng khỏi phần chủ đề mà chúng ta quan tâm khi tìm mua cuốn sách này. Đây lẽ ra sẽ phải là một cuốn sách phân tích sâu về chứng "Ám ảnh sợ xã hội", thứ được đề cập là "một loại triệu chứng bệnh". Nhưng thay vào đó, tác giả lại đề cập phần lớn đến nghệ thuật giao tiếp ở cơ quan với đồng nghiệp hay cách đối phó với những kiểu người ưa lí sự, thích cạnh tranh... Chương 1 là chương duy nhất mình thấy có những nội dung chất lượng khi đưa ra những kiến thức tổng quát như định nghĩa hội chứng ám ảnh, chủ nghĩa hoàn hảo cực đoan, hội chứng rối loạn lo âu không hoàn mỹ, cách phân biệt bệnh về thần kinh với hội chứng sợ xã hội, phân biệt lo lắng thông thường với ám sợ hãi... Tuy vậy, dung lượng chương này thật sự quá ngắn, phần câu hỏi kiểm chứng quá ít (3 câu) để có thể khẳng định được rằng một người có mắc hội chứng ám ảnh sợ xã hội không. Hơn nữa, tác giả có vẻ như là một người không chuyên khi sắp xếp thứ tự nội dung trong các chương thật sự rất vớ vẩn. Chương 1 đang đặt vấn đề là "Nhận biết Hội chứng sợ xã hội" thì lại chèn thêm một mục "Giả vờ có tâm trạng tốt, làm giảm Hội chứng sợ xã hội" vào giữa, trong khi đây là thứ nên nằm trong các phần sau để nói về giải pháp. (Lúc mới đầu đọc mình còn tưởng đoạn này bị biên tập viên copy nhầm từ sách khác sang) Ngoài ra thì các phần nội dung nhỏ (có thể gọi là luận cứ) bị lặp lại giữa các luận điểm: thay đổi bề mặt câu chữ nhưng nội dung là cùng một chủ đề. Vậy nên ngoài chương 1 ra thì mọi người có thể đọc các chương còn lại tùy ý, không cần theo thứ tự nhé. Một trong những điều mình cảm thấy rất khó chịu về cuốn này đó chính là phần dẫn chứng. Dẫn chứng trong đây vô cùng thiếu thuyết phục. Tuy không thể phủ nhận có vài dẫn chứng là ổn nhưng những cái còn l��i thì mình không thể ngấm nổi. • Dẫn chứng kiểu 1: Nêu ra những câu trích dẫn tâm đắc từ các nhà chính trị gia, nhà sử học... (VD: Bill Gates) → dùng được nhưng mấy chỗ dùng nhiều quá thì như đi dạy đạo làm người ấy • Dẫn chứng kiểu 2: Nêu ra câu chuyện từ những nhân vật chỉ mình tác giả biết là ai (VD: Mộng Dao là bạn học cùng tôi thời đại học) hoặc mấy nhân vật bí hiểm bị ẩn profile (VD: Từ Phong giữ chức quản lí một công ty thương mại) → đây như phiên bản cao cấp hơn của ông A bà B trong môn GDCD ấy, động não một tí là có ngay một bi kịch nhân sinh chất lượng Đọc đến cái đoạn "Trương Khiết và Dương Ni đều là sinh viên mới ra trường, cùng lúc ứng tuyển vào vị trí trợ lý của một công ty vốn đầu tư nước ngoài" là biết ngay kiểu gì cũng có mấy pha cạnh tranh kịch tính y như phim cung đấu vậy :b • Dẫn chứng kiểu 3: gắn trích dẫn nhưng quên nguồn (VD: Một nhà tâm lí học đã từng nói...) → tác giả đã có ý định in thành sách thì khi viết vui lòng tìm lại nguồn cái :v Về phần dịch thuật, đây là một điểm cộng nho nhỏ để cứu vớt lấy cuốn sách này. Phần dịch thuật mượt, có kèm thành ngữ tục ngữ rất chất lượng. Trong một khoảng dung lượng ngắn vừa phải, sau khi vứt đám dẫn chứng rởm kia đi thì dịch thuật là thứ giúp cho chút lý lẽ còn lại nghe được êm tai. Nhưng bản dịch vẫn còn một số lỗi dùng từ, như là cụm "vàng thuần chủng".

Lời nói ra không phải để khua chiêng gõ trống mà là để gõ cửa trái tim. Đây là một số cách lấy lòng người khác ( không vì mục đích lợi dụng) :
1. Mỗi người cần học cách đứng trên lập trường của đối phương để cân nhắc nhu cầu thực sự của họ : Chỉ khi thấu hiểu được nội tâm người khác mới có thể đặt mình vào đó và suy nghĩ cho họ. Và phải có thái độ chân thành, khi nói năng nhất định phải xuất phát từ đáy lòng, khi thể hiện sự cảm kích với người khác, hãy nắm lấy tay họ và nói lời "cảm ơn" sâu sắc từ trái tim.
2. Bày tỏ tự nhiên : Lời bạn nói xuất phát từ tấm lòng, vì thế nên là lời tự nhiên thốt ra, tràn đầy niềm vui mà không hề có cảm giác miễn cưỡng.
3. Nhìn vào đối phương : giao lưu bằng ánh mắt giữ vai trò quan trọng trong việc xã giao.
4. Gọi tên của đối phương sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn : Ví dụ, khi nói cảm ơn người khác, thay hai từ "cảm ơn" bằng cách nói "cảm ơn cậu, Lan Anh!", "cảm ơn chị Huyền nhiều nha!",...Nhất là khi đối diện với một người không quá thân thiết, việc dùng tên của họ để khen ngợi sẽ nhanh chóng thúc đẩy quan hệ giữa hai người.

Từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được dạy rằng không nên nói dối, nói dối là người đạo đức giả,... điều đó đều được mọi người công nhận. Nhưng nói thật phải tùy hoàn cảnh, ví dụ : một bệnh nhân bị bệnh ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn sống được nửa năm, nếu người bác sĩ mà nói ra sự thật thì thể nào bệnh nhân kia cũng rơi vào tình trạng u buồn, mất niềm tin vào cuộc sống và muốn nhanh rời khỏi thế gian này. Nhưng nếu người bác sĩ đó nói dối với bệnh nhân rằng chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống điều độ thì sẽ khỏe hơn và sớm ra viện, rồi mới thông báo tình trạng của bệnh nhân cho người nhà thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, bệnh nhân kia sẽ luôn có niềm tin vào cuộc sống và sống vui vẻ, người nhà cũng sẽ an ủi và động viên người bệnh; hoặc có thể tạo ra kỳ tích, người bệnh sẽ sống được lâu hơn.
Vì vậy, nói dối không phải là giả dối, có những lúc nó chỉ là một cách thức giao tiếp bắt buộc phải có, không liên quan gì tới đạo đức hay nhân phẩm. 
Lời thật lòng mà không đúng hoàn cảnh không những làm tổn thương người khác mà còn dễ làm tổn thương chính mình.